Truyện viết về loài vật – Vấn đề cái đói và những cảnh đời khổ đau

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện viết về loài vật trước 1945 của Tô Hoài (Trang 68)

7. Kết cấu luận văn

2.4. Truyện viết về loài vật – Vấn đề cái đói và những cảnh đời khổ đau

2.4.1. Vấn đề cái đói

Có thể nói, vấn đề đói nghèo là một đề tài phổ biến trong văn chương Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Bên cạnh những tên tuổi nổi bật trong làng văn như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... Tô Hoài đến với người đọc qua những câu chuyện sinh động về loài vật, về cái đói của loài vật. Viết về loài vật vốn là một sở trường của ngòi bút Tô Hoài. Khai thác hình thức nhân cách hóa loài vật, Tô Hoài nói rằng ông “không viết vì bâng quơ, vì muốn làm cho lạ”, mà ông muốn đem đến cho những câu chuyện loài vật một hơi thở mới – một nội dung xã hội. Chính vì thế, nỗi khổ vì đói và sự tranh đấu vì miếng ăn không đơn thuần là chuyện của loài vật, mà hơn hết, nó mang cảm hứng về xã hội, về con người. Loài vật vốn sống bằng bản năng, nhưng loài vật trong truyện Tô Hoài đã được ông nhân cách hoá có số phận khác nhau và trở thành những ẩn dụ về cuộc sống con người.

“Truyện loài vật của Tô Hoài làm cho người đọc tưởng tượng và liên tưởng đến cuộc sống hằng ngày của những dân thường ở quê”, “có thể nói ý nghĩa xã hội của chuyện loài vật của Tô Hoài khá phong phú”. [33, tr.445-446]

Viết về cái đói, truyện loài vật của Tô Hoài có những nét khác biệt so với những tác phẩm của các nhà văn hiện thực khác. Đặc biệt, cảnh khổ vì đói của những người dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám là đề tài quen thuộc trong sáng tác của không ít nhà văn. Ngô Tất Tố đã để nước mắt chị Dậu rơi lã chã khi chứng kiến con mình phải ăn cơm chó (Tắt đèn). Mỗi tác phẩm của Nam Cao cũng là một bức tranh về hiện thực thê thảm của người nông dân; mà ở đó, cái đói luôn vây quanh cuộc đời họ. Với những con người thấp cổ bé họng, cái đói và cái chết luôn đi liền nhau. Đó là cảnh lão Hạc ăn bả chó tự tử để tránh bị chết đói (Lão Hạc). Anh Cu Phúc chết lặng lẽ trong xó nhà ẩm thấp trước đôi mắt “dại đi vì quá đói” của hai đứa con (Điếu văn). Bà cái Tí chết vì một bửa quá no, một kiểu chết đói (Một bữa no). Một đám cưới

chạy đói của Dần thật chua xót biết bao. Trong cảnh nghèo, đám cưới không đón đưa, không may mặc, không cỗ bàn. Một đám cưới chỉ có sáu người, cả nhà gái nhà trai “cả bọn đi lũi lũi trong sương lạnh và bóng tối”. Còn biết bao

nhiêu truyện thương tâm về người nông dân bị đày đọa nhục nhằn xung quanh cái đói. Những người cha, những người chồng đường hoàng ăn uống, nói cười trong khi vợ và bốn đứa con chỉ biết nhìn nhìn mâm bát không và chỉ biết khóc nức nỡ mà thôi (Trẻ em không biết ăn thịt chó). Những kẻ cố cùng như Bình Chức “làm thì cật lực mà quanh năm vẫn nghèo rớt mùng tơi”, chỉ một miếng ăn mà cũng không giữ được. Với thân phận trâu ngựa của những đứa ở cho nhà giàu, những cái Tí, cái Dần, anh Cu Phúc ăn thì chẳng bao giờ đủ no mà công việc và những lời chửi rủa thì luôn dồn dập, chờ đợi họ.

Cùng với Nam Cao, Ngô Tất Tố, cuộc gặp gỡ giữa nhân vật “vợ nhặt” trong truyện cùng tên của Kim Lân và nhân vật anh cu Tràng được nhà văn kể lại khiến người đọc cười ra nước mắt. Nhân vật thị – một một kẻ không tên, không tuổi, không nhà, không lai lịch, là một nạn nhân cùng cực, đáng thương của nạn đói. Chỉ qua hai lần gặp gỡ và bốn bát bánh đúc mà thị và Tràng nên duyên vợ chồng. Để kiếm miếng ăn, thị dường như đã đánh mất tất cả sự dịu dàng, kín đáo thùy mị của một người phụ nữ. Ngay từ lần đầu tiên xuất hiện, thị đã nhảy xổ vào Tràng với tất cả vẻ “cong cớn”, “liếc mắt, cười tít” với gã trai xa lạ. Lần thứ hai, thị xuất hiện với bộ dạng thật thê thảm và cung cách thật khó ưa. Cái đói in hằn trên “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Áo quần thị “rách tả tơi như tổ đỉa”, dáng vóc “gày sọp đi”. Hơn hết, nó lấy đi cả lòng tự trọng cần thiết ở một con người. Nó làm cho thị “sưng sỉa, cong cớn”, “đon đả” với Tràng. Thị “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền”, chẳng chuyện trò gì và không quan tâm đến xung quanh. Thậm chí, thị sẵn sàng theo về làm vợ kẻ cho thị ăn. Tràng chính là “chiếc phao cứu sinh” để thị được ăn, để vượt qua cái đói. Bởi ăn là sống, không ăn là chết. Ranh giới sự sống – cái chết đã không cho thị quyền chọn lựa. Thị chỉ biết làm theo bản năng sinh tồn.

Hoàn toàn khác biệt, cái đói trong truyện loài vật của Tô Hoài có phần nhẹ nhàng, vì Tô Hoài ít khi đề cập một cách trực tiếp đến điều ấy. Cái đói cũng không là vấn đề cốt lõi trong câu chuyện của nhà văn. Chỉ xuất hiện ở một vài đoạn văn miêu tả, tuy nhiên, người đọc vẫn nhận ra đằng sau những câu chuyện loài vật chính là tình trạng đói khổ của con người; qua đó, người

đọc có sự cảm thông sâu sắc cho những cuộc đời rơi vào tình cảnh bi thảm. Cũng như nhiều nhà văn đương thời, Tô Hoài quan niệm miếng ăn là “thử thách ghê gớm”. Vì thế, nhà văn đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa cái đói và tính cách nhân vật. Nó có thể khiến nhân vật mất cả nhân tính; hoặc trái lại, nó giúp họ trở nên cao thượng, tốt đẹp hơn.

Trước hết, đề cập đến sức hủy hoại của cái đói, thông qua những hình tượng, Tô Hoài cùng với Nam Cao đã đi sâu phân tích và chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng tha hóa nhân cách, nhân tính của nhân vật. Nhân vật vì bị giày vò bởi cái đói mà trở thành những kẻ gắt gỏng, cáu bẳn, thậm chí sẵn sàng làm hại kẻ khác miễn mình có được miếng ăn. Chị Nhà Trò (Dế Mèn phiêu lưu kí), cũng vì cái đói, “mẹ chị phải vay lương ăn của Nhện”. Đến lúc mẹ mất đi, chị vẫn chưa trả được món nợ cũ vì chị ốm yếu, kiếm bữa ăn còn không đủ. Chị bị bọn Nhện vây đánh, nhất định bắt trả cho được món nợ. Cái đói trong truyện loài vật của Tô Hoài không phải là chuyện của một cá nhân, mà nó trở thành mối quan tâm chung của mọi thành viên trong thế giới vật ấy. Trên bước đường lưu lạc, anh em Dế Mèn đã tận mắt chứng kiến những cảnh đời cơ cực. Trước mắt họ là hình ảnh của “một khoảng bãi rộng, lầy lội, chơ vơ giữa một cù lao giữa nước”. Đây là xóm cư ngụ của vài nhà Cóc, mấy anh Ễnh Ương, Chẫu Chàng, Nhái Bén, một Ếch Cốm và một chú Rắn Mòng. Cuộc sống vất vả ở chốn bùn lầy nước đọng làm cả xóm cư dân “bùn lội đen ngòm”, da dẻ chân tay họ cũng tối om. Vì đường sá xa diệu vợi nên mọi người trong xóm rất ít khi ra ngoài nên cũng chẳng biết tin tức mọi nơi. Họ suốt ngày “bàn tán quanh quẩn, lúc nào cũng vang động tiếng cãi cọ, tranh nhau đoán suông xem đến bao giờ thì trời mưa. Suốt đời họ mong mưa. Bởi có mưa, đất lầy nhuyễn ra, dễ đào bới, mới được cái ăn” [45, tr.202]. Miếng ăn đối với họ thật không dễ dàng. Anh Rắn Mòng hằng ngày “vẫn vơ trên mặt nước đợi mồi”, nhưng có khi đợi cả tháng cũng chẳng được gì. Khi thấy anh em Dế Mèn tới, họ lũ lượt kéo nhau ra xem không phải vì thấy lạ mà xem anh em Dế Mèn có gì cho họ ăn hoặc hai anh em có phải là thức ăn không. Vì nỗi đã lâu mà trời không mưa, nước hồ không có thức gì ăn được nên “dân cư trong hồ đói lắm”. Chính sự chi phối của cái đói, của sự cùng quẫn đã khiến

họ “nghĩ ngợi và giận dữ”. Người ta không phải là thần thánh. Sự khổ sở dễ khiến họ biến đổi theo chiều hướng xấu đi. Khi người ta quá “lam lũ” trong cuộc mưu sinh, nhưng cảnh đói khổ vẫn day dẳng mãi thì làm sao mà họ bình tĩnh được. Cũng chỉ vì mọi người đều khổ nên họ thường nghĩ rằng người khác là nguyên nhân làm cho mình khổ. Từ đó, họ “đâm ra nóng tính, động một tí cũng cáu kỉnh bực tức nhau ầm cả lên. Trong xóm không có lúc nào dứt tiếng chửi vã. Nhà này đòi nợ nhà kia…”. [45, tr.203]

Gần với tình cảnh của dân cư xóm đầm lầy, những họ hàng chim: cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông,... vốn sinh tồn bằng cách kiếm mồi quanh những vùng đầm nước cũng muôn phần cực khổ, “vật lộn cật lực” mà vẫn không sống nổi. Dù trời mưa mấy hôm, nước dâng đầy, tấp nập những cua cá vẫn không mang đến sự no đủ cho muôn loài. “Suốt ngày, họ cãi cọ om bốn gốc đầm, có khi chỉ vì tranh một mồi tép” [45, tr.171]. Những anh Cò “gầy vêu vao” – biểu tượng cho những thân phận quanh năm bương chải ngược xuôi, tìm kế mưu sinh qua cảnh đói khổ. Thế nhưng, “ngày ngày bì bõm lội bùn tím cả chân mà vẫn hếch mỏ, chẳng được miếng nào”

[45, tr.171]. Trước sự đời éo le, chú Dế Mèn cũng không khỏi ngậm ngùi. Loài vật trong truyện Tô Hoài đa phần có mối quan hệ mật thiết với con người. Cho nên, chuyện đói no của chúng cũng là “tín hiệu để cho chúng ta nhận biết về thực trạng cuộc sống con người” [24]. Đọc Chuột thành phố, chúng ta không khỏi bị ám ảnh về chuyện lũ chuột rơi vào cảnh đói khổ đến nỗi phải ăn cả xà phòng, dây giày và thường xuyên uống nước lã. Chú Chuột Cộc – nhân vật chính của truyện cũng thường xuyên rơi vào tình trạng “đói nôn nao, choáng váng cả người” trong nhiều ngày. Chú chỉ biết uống nước lã, nhắm mắt ngủ cho qua cơn đói. Cũng chỉ vì quá đói, loài chuột buộc phải ăn cắp, ăn vụng; phải đánh nhau để giành nơi ăn chốn ở. Khi người ta khổ quá thì không một ai còn đủ sức lo nghĩ đến ai được nữa. Những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người vì thế bị che lấp bởi những lo lắng, khổ đau và cả sự ích kỉ cá nhân. Từ việc miêu tả những sự gian nan đấu tranh kiếm miếng ăn để được sinh tồn của loài chuột, người đọc đã phần nào nhận ra cảnh sống của con người qua hình ảnh những ngôi nhà mà ở đó “không có vại gạo, không có

chĩnh nước mắm, không có đồ bếp núc...” [13]. Ở truyện Đám cưới chuột, lão Mèo vì có tính gian xảo nên ai cũng ghét. Mèo phải ra sống ở và thành Mèo hoang. Khi nghe tin vợ chồng Thử ông sắp làm lễ vinh qui cho con trai vừa đỗ đạt thì lão khấp khởi mừng thầm. Lão chắc mình sắp có được “bổng to”. Dường như lão là một kẻ đói ăn. Được đút lót những con cá săn sắt, lão Mèo mới để yên cho lễ đón tân khoa Chuột Nhắt vinh qui bái tổ. Lão Mèo chỉ đợi đến lúc nhà Chuột có tiệc vui để đến “đòi ăn uống”.

Hơn cả sự ích kỉ, gắt gỏng, cái đói và miếng ăn còn biến trở thành những kẻ nhẫn tâm, bỏ mặc sự sống chết của người thân. Đó là trường hợp của Mụ ngan. Trong cơn đói, mụ ngan chỉ biết đến quyền lợi của mình. Mụ sẵn sàng hy sinh mạng sống của những đứa con để đổi lấy sự no bụng. Mụ ngan xô đến tranh ăn với đàn con. Vì đàn con chen vào đầy chậu ngô khiến mụ bị vướng mỏ, không xốc ngô ăn được. Mụ tức mình, cũng tranh thò chân vào chậu, rồi cả thân hình vào giữa chậu, cứ cúi xuống mà xốc, tranh ăn cả phần các con. Thậm chí, bàn chân mụ giẫm lên lưng một con ngan nhỏ mà không hay biết. Trước tiếng kêu thảm thiết của con, mụ vẫn “gí chặt chân” lên lưng con mà xốc ngô. Đến khi mụ di chuyển chân đến chỗ khác ăn thì con ngan nhỏ bị gẫy xương, không thể đứng dậy được nữa. Từng đứa con nhỏ đến chồng mụ cũng ra đi, nhưng với mụ, đó là những việc đã đi vào quá khứ, như chưa một lần xảy ra. Một người mẹ, một người vợ “không nhớ chi bao giờ”, mắt và mỏ “vẫn thản nhiên”. Trong đời, mụ ngan chỉ nhớ đến hình ảnh của những hạt ngô, hạt thóc, tàu lá – những món có thể đem lại sự no bụng cho mụ. Ngòi bút Tô Hoài đã đi vào khai thác mảng hiện thực này một cách sâu sắc để nói lên tình trạng cuộc sống thảm hại. Viết về loài vật trong tình trạng đói, Tô Hoài đã để chúng bộc lộ bản năng loài vật một cách mạnh mẽ.

Cuộc sống có nhiều cái khổ, nhưng “khổ nhất là cái đói”. Khi người ta đói, người ta cũng sinh ra liều lĩnh, trời đất lúc đó cũng không còn ý nghĩa. Sống cùng thời và cũng là một trong những người bạn của Nam Cao, Tô Hoài có những nét tương đồng với Nam Cao trong việc đi vào khai thác chi tiết cái đói và miếng ăn làm cho tiêu mòn đi, huỷ diệt đi nhân cách, nhân phẩm nhân tính của nhân vật trong tác phẩm. Tuy nhiên, Nam Cao qua hình tượng nhân

vật đói khổ, nhà văn phần nào lí giải sự đổi đời của nhân vật. Nhà văn lí giải rằng nếu hoàn cảnh thay đổi, con người được ấm no, rất có thể tâm tính của họ sẽ thay đổi theo chiều tốt đẹp hơn. Nét riêng độc đáo của Tô Hoài là thông qua việc phản ánh tình trạng cuộc sống thảm hại của thế giới vật, nhà văn hướng người đọc đến những phẩm chất tốt đẹp của thế giới loài người: sự cao thượng trong cách ứng xử với đồng loại hay nỗi khát khao về một sự đổi thay của nhân vật (Dế Mèn phiêu lưu kí, Đôi gi đá).

Trong Dế Mèn phiêu lưu kí, người đọc vẫn bắt gặp cái đói đã không làm mất đi phần tốt đẹp của loài vật mà còn làm bừng sáng lên vẻ đẹp cao cả của chúng. Vẻ đẹp ấy được tác giả miêu tả thật chi tiết và cảm động khi Dế Mèn và Dế Trũi đang trên đường phiêu lưu và gặp nạn. Họ đã trải qua mười ngày bị hoành hành bởi cái đói. Cái đói ghê gớm cứ đánh liệt dần từng bộ phận trong người, khiến họ không thể đứng dậy được nữa. Họ chỉ còn biết “nằm móp bụng xuống”, nhắm nghiền mắt lại, cố không cử động để cái đói bớt hành hạ. Trước nguy cơ cái chết cận kề, tấm lòng hy sinh vì nghĩa của Dế Trũi đối với Dế Mèn bộc lộ ra một cách cảm động. Dế Trũi cố thuyết phục Dế Mèn ăn đôi càng của Dế Trũi để anh được sống vì theo Dế Trũi, “không nên chết cả, vô ích” và đã hành động một cách hảo hán như vậy. Cái đói thực sự là một thử thách ghê gớm khi đặt con người vào tình cảnh giữa sự sống và cái chết. Tình bạn của Dế Mèn, Dế Trũi đã được “thử lửa”, và qua cái đói càng thêm sâu sắc, bền chặt. Rồi đây, trên hành trình phiêu lưu, đôi bạn còn giúp nhau vượt lên biết bao thử thách khác.

Bên cạnh đó, thế giới loài vật trong truyện ngắn Tô Hoài là những ẩn dụ về những kiếp người nghèo khổ, lam lũ phải rời bỏ quê hương để tìm miếng ăn, để duy trì cuộc sống. Nhưng hơn hết, Tô Hoài còn nhận ra nỗi khát khao về sự thay đổi, ngay trong tình trạng thảm hại vì sự đói khổ. Cuộc đời của Đôi gi đá không khác gì cuộc đời những người ngụ cư ở làng Nghĩa Đô. Kể về loài chim gi, ông gắn cuộc đời chúng với hình bóng của người nông dân nhẫn nại, lam lũ, chân lấm tay bùn. Chim gi rất giống con người. Chim gi cũng có khát vọng sống hạnh phúc, cũng mong có được tổ ấm. Chúng đến cư ngụ trên cây hồng bì. Hàng ngày vợ chồng tần tảo kiếm ăn làm tổ, sinh con đẻ

cái. Cuộc sống cũng đầy những nhọc nhằn cùng với sự lớn lên của bốn chú gi

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện viết về loài vật trước 1945 của Tô Hoài (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w