Thế giới loài vật hoang dã

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện viết về loài vật trước 1945 của Tô Hoài (Trang 46)

7. Kết cấu luận văn

2.1.2. Thế giới loài vật hoang dã

Nhiều loài vật hoang dã dù sống trên cạn hay dưới nước; sống trong nhà hay ở các hang cùng, ngõ ngách hay loài côn trùng bé nhỏ… đều được Tô Hoài chú ý quan sát và miêu tả một cách chính xác và tỉ mỉ.

Trước hết, thế giới nhân vật trong Dế mèn phiêu lưu kí đều là những loài côn trùng hết sức gần gũi, quen thuộc với trẻ thơ. Trong họ hàng nhà dế, Dế Mèn – nhân vật chính của truyện được Tô Hoài dành nhiều tâm huyết miêu tả. Dế Mèn được xem là một chàng ca sĩ “có giọng lảnh lót và dài hơi nhất” [50, tr.41] trong dàn nhạc đồng quê râm ran dưới thảm cỏ. Dế Mèn còn là một võ sĩ khỏe mạnh nhưng kiêu ngạo, hung hăng đã gây ra cái chết của Dế Choắt. Vì cậy khỏe bắt nạt kẻ yếu, chú Dế Mèn bị bác Xiến Tóc cắt cụt hai sợi râu. Dế Choắt ốm yếu, hiền lành “người dài lêu nghêu như một gã nghiện

thuốc phiện”. Dế Trũi quê kệch, mình dài thuồn thuỗn “bốn mùa mặc áo gi lê trần”. Dế anh hai hèn nhát; Dế anh cả cổ hủ, lạc hậu lại hay bắt bẻ.

Thế giới côn trùng không chỉ có họ hàng của Dế Mèn. Đó còn là thế giới đông đúc của các loài khác như: bác Xiến Tóc trầm lặng, vừa yêu đời vừa chán đời, thích rong chơi; Ve Sầu, Bướm lười biếng, chỉ biết trong chơi; chị Nhà Trò thuộc họ Bướm nhưng lại yếu đuối, hay bị họ hàng Nhện bắt nạt. Những Niềng Niễng quanh năm chỉ quanh quẩn ở “mép cái lá sen mặt nước”; anh Gọng Vó “lấm láp, đen sạm”, ngẩn ngơ.

Bên cạnh những con vật riêng lẻ, tác giả còn chú ý đến những con vật trong quan hệ bầy đàn. Bọn Nhện đông đúc, nhiều thế hệ, từ: Nhện mẹ, Nhện con đến Nhện già, Nhện trẻ, Nhện nước, Nhện tường, Nhện võng, Nhện cây, Nhện đá, Nhện ma… công phu chăng tơ chằng chịt, trùng trùng điệp điệp để bắt chị Nhà Trò. Bọn Ếch, Nhái, Cóc, Ễnh Ương lúc nào cũng ồn ào, cãi nhau om sòm vang động cả một vùng đầm ao. Chi họ Chuồn Chuồn đông đúc nhiều chủng loại, màu sắc. Chuồn Chuồn Chúa lúc nào cũng trông thật dữ tợn; Chuồn Chuồn Ngô “nhanh thoăn thoắt”, Chuồn Chuồn Ớt “rực rỡ trong bộ quần áo đỏ chót”, Chuồn Chuồn Tương “có đôi cánh kép vàng điểm đen”, anh Kỉm Kìm Kim bé nhỏ, dài lêu nghêu, “lẩy bẩy như mẹ đẻ thiếu tháng. Những anh Châu Chấu Ma “xấu xí” lại thích khoe tài; Châu Chấu Voi thích đời sống giang hồ, phóng khoáng; chị Cào Cào ồn ào và duyên dáng; bọ Ngựa kiêu căng, ngạo mạn; Bọ Muỗm chỉ biết cậy sức nhưng cũng ra vẻ ta đây; bác Cành Cạch lớn tuổi, to lớn nhưng nhát sợ...

Bên cạnh đó, họ hàng nhà Kiến tuy bé nhỏ nhưng lại là loài đông đúc nhất trên toàn cầu và có nhiều đức tính tốt đẹp. Mỗi loại Kiến đảm nhiệm một công việc riêng: Kiến Chúa “tháo vát, thông minh, nhanh nhẹn”; Kiến Gió vừa làm nghề đưa tin vừa giỏi “khuân vác và xây dựng”; Kiến Lửa đào đất xây hào lũy rất khéo; Kiến Kim hấp tấp gây sự đánh nhau; thám tử Kiến Đen; Kiến Cánh; Kiến Bọ Dọt to, khỏe như bò tót...

Trên những hồ ao, nước dâng trắng mênh mông do mưa lớn tạo thành là nơi kiếm ăn tấp nập của những Cua Kềnh, Cua Núi; những anh Cò “gầy vêu vao”, chị Cốc, lão chim Trả, sếu, vạc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông,

mòng, két…. Dòng sông còn là chốn cư ngụ của xóm Cá: những cá thầu dầu; những đàn Săn Sắt, vài mụ Diếc trắng trẻo, mấy bác cá Ngão, mấy bác cá Chuối… Có thể nói, mỗi loài vật trong Dế Mèn phiêu lưu kí đã góp phần tạo nên một thế giới vật đa dạng, phong phú vừa mang những đặc trưng của giống loài vừa mang những nét tính cách, lối sống khác nhau.

Cùng với Dế Mèn phiêu lưu kí, thế giới vật phong phú còn hiện diện trong các truyện loài vật khác của Tô Hoài. Mở đầu truyện Trê và Cóc là tập quán và nơi sinh sống khác nhau giữa họ hàng Cóc và họ hàng nhà Trê. Loài Cóc vốn sống trên cạn; trong khi họ nhà Trê lại sống dưới bùn lầy, đáy ao. Trong truyện còn có sự góp mặt của thế giới vật khác gồm: Lục sự Lươn, Chánh Quả, bác Ếch, ông cử Nhái Bén, mụ đỡ Giếc, Cá Rô ron… trong mối tương quan với họ hàng nhà Trê và nhà Cóc.

Ở một phương diện khác, Tô Hoài tập trung miêu tả thế giới của những loài chim: gi đá, chim sẻ, chim hét đen…Nhân vật chính trong truyện Đôi gi đá cũng là vợ chồng chim gi. Qua cách giả miêu tả của nhà văn, họ tựa như

“cặp vợ chồng quê mới rủ nhau lên tỉnh. Họ lờ khờ, ngẩn ngơ, xấu xí - nghĩa là đặc nhà quê!” [45, tr.42]. Chúng cần mẫn xây tổ ấm trên cây hồng bì trước sân nhà. Vườn cây trước sân còn là nơi sinh sống của anh chim sẻ. Vợ chồng chim gi sống “bình lặng, chịu khó” và “ít ồn ã”, khác biệt hoàn toàn với với tính “láu táu”, luôn mồm “kêu lải nhải” của anh sẻ. Tổ ấm đơn sơ nhưng “có tình yêu luôn luôn”. Đôi chim gi luôn bên nhau, khi thì đùa vui, khi “hôn mỏ nhau”. Cả hai cùng chờ ngày đẻ trứng, chờ ngày những đứa con chào đời.

Viết về loài vật, Tô Hoài cũng dành khá nhiều trang để thể hiện chân thật, sinh động họ nhà chuột. Cả một thế giới họ hàng nhà chuột gồm rất nhiều loại như: chuột nhắt, chuột cống, chuột cộc, chuột bạch, chuột xù... luôn có mặt ở khắp ngõ ngách, từ trong nhà ra đến cống rãnh. Dưới con mắt Tô Hoài, họ hàng nhà chuột, mỗi loài mỗi đặc điểm, thói quen riêng nhưng chúng vẫn có những mối quan hệ cùng nhau. Nếu Chuột Nhắt (Đám cưới chuột) huênh hoang, có thói sĩ diện và nhỏ nhen; Chuột Chù “đỏng đảnh, khinh người, làm bộ, làm tịch”, thì Chuột Cống lại là “một lay lão luyện giang hồ”. Ông có nghĩa khí, có chí làm việc lớn. Ông lại võ nghệ cao cường, không

thích cuộc sống gò bó, thích giao du với nhiều bạn bè khắp thiên hạ. Nhân vật chính trong truyện Chuột thành phố là một gã Chuột Cộc rất sĩ diện, quyết tâm bỏ nhà ra đi để tìm một chân trời mới. Nhờ vào lòng dũng cảm, thông minh, đoàn kết với các loại chuột mà Chuột Cộc thoát được nguy hiểm, và càng ngày chú càng trưởng thành hơn. Ngược lại, vợ chồng chuột trong truyện Gã chuột bạch lại thích “vẩn vơ tìm những hạt gạo tẻ mà người ta rắc vào một cái đĩa ở đáy lồng”, thích “đánh vòng”, dựa vào lồng “ngủ đứng”. Ngay cả khi có dịp ra khỏi lồng chúng vẫn không lấy gì làm thích thú mà “ngơ ngác nhìn quanh quẩn”. Chúng không quen với cuộc sống thoáng đãng, tự do bên ngoài. Chúng chỉ muốn cuộc sống tù túng, buồn tẻ, vô vị trong chiếc lồng nhỏ hẹp. Mỗi “kẻ” mỗi tính làm nên một thế giới loài chuột với tất cả cái tốt, cái xấu, cái hay, cái dở của nó.

Tóm lại, thế giới loài vật trong tác phẩm của Tô Hoài dù là những con vật sinh sống gần gũi con người hay là những giống loài hoang dã đều được Tô Hoài thể hiện thật độc đáo. Mỗi con vật trong truyện của nhà văn cũng là “mảnh ghép”, góp phần làm nên sự hoàn chỉnh, trọn vẹn của bức tranh về muôn loài. Có lẽ, từ trước cho đến nay, trong văn học Việt Nam chưa có nhà văn nào viết về loài vật nhiều và đặc sắc như Tô Hoài.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện viết về loài vật trước 1945 của Tô Hoài (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w