7. Kết cấu luận văn
1.2.1. Vị trí truyện loài vật trong sáng tác của Tô Hoài
Những truyện về đề tài loài vật có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài. Nhắc đến Tô Hoài, người ta nghĩ ngay đến nhà văn của thiếu nhi. Nhưng điều đó không có nghĩa là truyện loài vật xa lạ với độc giả người lớn. Mỗi lứa tuổi đều tìm thấy ở truyện loài vật những lợi ích tinh thần khác nhau. Như vậy, truyện loài vật của Tô Hoài thực sự được người đọc quan tâm và có những đánh giá sâu sắc khi các thể loại khác của ông đi vào giai đoạn gần như đã viên mãn.
Tô Hoài là một trong những nhà văn viết về loài vật thành công nhất. Có thể nói, thế giới loài vật có ý nghĩa đặc biệt đối với nhà văn. Chúng không chỉ là những vật nuôi gần gũi với con người mà hơn hết, chúng còn là những người bạn gắn bó cùng Tô Hoài suốt quãng đời thơ ấu, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo, làm rạng danh tên tuổi Tô Hoài. Với sự quan sát tinh tế cùng tình cảm yêu mến đặc biệt, Tô Hoài nhận thấy ở mỗi loài những nét tính cách của con người. Vì thế, dưới ngòi bút Tô Hoài, thế giới loài vật hiện lên thật sống động, linh hoạt. Trước 1945, Tô Hoài được Vũ Ngọc Phan khen là có lối viết truyện “linh động và dí dỏm”, mang đậm dấu ấn một vùng quê. Đặc biệt, mảng truyện về loài vật trước 1945 của Tô Hoài là một thành công xuất sắc, xứng đáng là kiệt tác của văn học thiếu nhi Việt Nam. Hà Minh Đức nhận xét:
“Tô Hoài là nhà văn viết thành công nhất, hấp dẫn nhất về các loài vật” [33, tr.465]. Đặc sắc của văn xuôi Tô Hoài trước 1945 không thể không kể đến truyện viết về loài vật, tiêu biểu là Dế mèn phiêu lưu kí và tập truyện O chuột. Với cách nhìn đời bằng con mắt tinh quái, hóm hỉnh và một tâm hồn rất trẻ như thế, Tô Hoài đã sáng tạo ra một thế giới loài vật rất vui, rất ngộ nghĩnh.
Sự nghiệp đồ sộ của Tô Hoài đâu chỉ có Dế Mèn phiêu lưu kí. Nhưng nói đến Tô Hoài, cả trẻ con, người lớn đều nghĩ ngay đến tác phẩm này. Tên tuổi của ông quả đã gắn chặt với những câu chuyện về loài vật, đặc biệt là truyện ông viết cho thiếu nhi. Tô Hoài đã mượn hình tượng loài vật làm
nhân vật chính cho nhiều truyện của mình. Những truyện loài vật của nhà văn được xem như những thước phim hoạt hình độc đáo, bên cạnh thế giới nhân vật loài vật trong Walt Disney, Tom và Jerry của điện ảnh thế giới. Với
Dế Mèn phiêu lưu kí, Tô Hoài được xem là người đi tiên phong cho phong trào sáng tác về đề tài loài vật.
Đến nay, tác phẩm này đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và được tái bản nhiều lần. Theo hồi ức của một số nhà văn, gây ấn tượng mạnh nhất đối với họ là truyện Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài. Tác phẩm ra mắt bạn đọc lần đầu tiên trên tờ Truyền bá dành riêng cho thiếu nhi, xuất bản năm 1941. Sau khi ra đời, tác phẩm đã gây được sự quan tâm và say mê ở các đọc giả nhỏ tuổi thời đó. Điều này được chứng thực qua những trang viết kể lại những cảm nhận của các nhà văn, nhà thơ khi lần đầu tiên đọc Dế mèn phiêu lưu ký
được tập hợp trong cuốn sách Các nhà văn thời đi học đã học văn. Khi đã trở thành những nhà văncó tên tuổi, ấn tượng đẹp đẽ ban đầu về Dế Mèn phiêu lưu ký vẫn còn hiện hữu trong trí nhớ của nhiều người.
Với Dế mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài thực sự là cây bút hàng đầu về nghệ thuật miêu tả thế giới loài vật. Biệt tài ấy còn được Tô Hoài mài sắc mãi về sau. Chung quy lại, nó xuất phát từ khả năng quan sát sắc sảo và khả năng liên tưởng phong phú, cách tạo hình độc đáo của Tô Hoài. Ông trở thành người bạn của hàng triệu thiếu nhi trên thế giới, thường xuyên trao đổi thư từ, trả lời thắc mắc của độc giả nhỏ tuổi.
Sau Dế Mèn phiêu lưu kí, Tô Hoài vẫn tiếp tục hành trình miêu tả thế giới loài vật. Tập truyện ngắn O chuột (1942) là cả một tập truyện gồm 8 truyện về loài vật, lấy tên O chuột để làm tựa đề cho tác phẩm. Viết về Tô Hoài và tập truyện ngắn O chuột, Vũ Ngọc Phan nhận định: “Tô Hoài tỏ ra không giống một nhà văn nào trước ông và cũng không giống một nhà văn nào mới nhập tịch làng văn như ông. Truyện của ông có những tính chất nửa tâm lí, nửa triết lý, mà các vai là loài vật… Nó là những truyện tả chân về loài vật, về cụôc sống của loài vật, tuy bề ngoài ra vẻ lặng lẽ, nhưng phần trong có lắm cái “ồn ào”, vui có, buồn có… O chuột là truyện ngắn đầu tiên của Tô Hoài và cũng là tác phẩm tiêu biểu cho lối văn đặc biệt của ông, một lối văn viết dí
dỏm, tinh quái đầy những phong vị và màu sắc thôn quê. Cái tinh ma và cái xác thực có lẽ gặp nhau ở chỗ này” [33, tr.59]. Ngoài giá trị hiện thực, truyện loài vật của Tô Hoài còn thể hiện một sức sống mãnh liệt, sự liên tưởng hết sức phong phú. Phần lớn các nhân vật chính trong truyện của ông luôn có ý thức thay đổi bản thân, thay đổi hoàn cảnh để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp và nhân ái hơn. Chính điều đó đã làm nên sức hấp dẫn trong mỗi câu chuyện về loài vật của ông.
Sau Cách mạng, những sáng tác của Tô Hoài vẫn được giới phê bình quan tâm. Hầu hết các công trình nghiên cứu về Tô Hoài ít nhiều đều có đề cập đến mảng truyện về loài vật, bởi Tô Hoài đã sáng tạo được một thế giới loài vật hết sức sinh động với những phát hiện của một tâm hồn nhạy cảm, đầm ấm của tác giả trước cuộc đời.
Trong giai đoạn này, mảng truyện về loài vật của Tô Hoài tiếp tục ra đời một cách đều đặn. Tiếp nối thành tựu của truyện cổ tích và truyện đồng thoại ở những giai đoạn trước, Tô Hoài viết truyện về loài vật “nhưng bổ sung thêm những sắc thái nội dung mới để phù hợp với tinh thần của thời đại” [38, tr.141]. Các truyện của ông chủ yếu được in trong tuyển tập
Con mèo lười. Nhiều loài vật qua cách miêu tả của Tô Hoài đã tạo dấu ấn lâu bền trong lòng người đọc trong nước và quốc tế.
Đánh giá về Tô Hoài và văn nghiệp của ông là công việc không dễ dàng, đòi hỏi sự đóng góp của nhiều người mới có thể hoàn tất, bởi văn Tô Hoài nói chung và truyện về loài vật nói riêng thực sự là những tác phẩm có giá trị, như viên ngọc quý với vẻ đẹp tiềm ẩn. Vẻ đẹp ấy cần phải trải qua quá trình dụng công mài dũa, và càng mài càng tỏa sáng lung linh, nói như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: Tô Hoài là “một người có cách sống, cách làm việc phù hợp với nghề, do đó, đời cầm bút thật bền mà cũng thật hiệu quả” [33. tr.185] sau thời gian miệt mài với công việc chữ nghĩa.
Suốt một đời văn, Tô Hoài đã tạo cho mình một phong cách riêng, một “thương hiệu” nghề nghiệp riêng đáng kính trọng. Tuy vậy, trong suốt hành trình hơn 70 năm, cũng có lúc nhà văn phải nếm trải sự bùi ngùi vì không phải tác phẩm nào cũng thành công. Đó cũng là những thử thách bản lĩnh
nghề nghiệp đối với một nhà văn. Tô Hoài đã vượt qua được những thử thách đó. Hơn 70 năm cầm bút, Tô Hoài đã nỗ lực không ngừng và vượt qua được những gian nan thử thách của nghề văn. Vị trí của ông trong lòng bạn đọc và giải thưởng cao quý “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt 1(1996)” mà ông vinh dự được nhận chính là minh chứng sinh động nhất cho một cuộc đời lao động nghệ thuật không mệt mỏi, suốt đời phấn đấu, suốt đời cống hiến và hy sinh cho đời, cho văn học dân tộc.
Có thể nói, trong văn nghiệp của Tô Hoài, truyện về loài vật là một mảng sáng tác đặc sắc, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng đem lòng yêu thích. Với tài năng thiên phú, Tô Hoài đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm sinh động, hấp dẫn. Những tác phẩm như thế đã góp phần quan trọng vào việc định vị cái đẹp trong tâm hồn thế hệ độc giả mọi thời đại.