0
Tải bản đầy đủ (.doc) (150 trang)

Những cảnh đời khổ đau

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN VIẾT VỀ LOÀI VẬT TRƯỚC 1945 CỦA TÔ HOÀI (Trang 75 -75 )

7. Kết cấu luận văn

2.4.2. Những cảnh đời khổ đau

Cùng quan tâm tới mỗi mảnh đời, mỗi số phận, trước Cách mạng, Nam Cao thường đề cập đến nhân vật với tận cùng của nỗi khổ đau, tận cùng của những bi kịch xót xa đau đớn. Hơn thế, Nam Cao không dừng lại ở một số phận, một nhân vật mà đây là cả một vấn đề nhức nhối trong xã hội cũ (Chí Phèo, Lang Rận, Binh Chức, lão Hạc...). Khác với Nam Cao, Tô Hoài không đẩy nhân vật của mình tới tận cùng sự bi thảm tuyệt vọng như thế. Trong cảm quan của ông, thế giới loài vật có khổ đau, có bất hạnh, nhưng có phần nhẹ nhàng hơn thế giới con người. Viết về những số phận hẩm hiu này, Tô Hoài đã bộc lộ một cái nhìn cảm thông sâu sắc với những con người đau khổ, bị đè nén, bị áp bức giữa cuộc đời.

Mỗi con vật trong thế giới loài vật của Tô Hoài còn có những số phận khác nhau, cũng gian truân vất vả, cũng khổ đau bất hạnh, cũng tan tác chia ly, thậm chí còn kết thúc cuộc đời bằng những cái chết thật thương tâm. Đôi gi đá – hình ảnh của những người nhà quê lam lũ, đầy vất vả lo toan, những mong cuộc sống bình lặng, hạnh phúc giản đơn mà không được. Hình ảnh vợ chồng gi đá gợi “kiếp sống tụ hội, ly tán của những người nông dân nghèo. Họ chăm chút xây dựng nên tổ ấm của mình nhưng không sao chống đỡ nổi những tai họa rập rình ở xung quanh” [33, tr.466]. Chúng phải bay đi để lại cái tổ hoang tàn, xơ xác. Vợ chồng gi đá chăm chỉ không quản gió mưa, cần mẫn “làm nhà” trên cây hồng bì. Thế rồi, Tết đến, tiếng pháo nổ đón xuân về vô tình đã làm tan tác gia đình chúng. Nghe tiếng pháo “kinh khủng nổ vang động trong cây, cả nhà cuống cuồng bay đi”. Cả hai vợ chồng và bốn đứa con bị chia lìa không biết rồi sẽ sống ra sao. Cuộc sống của đôi vợ chồng chim gi

đá rồi sẽ như thế nào trong cảnh tan tác đó đã khiến cho người đọc không khỏi ngậm ngùi, xót xa.

Ở truyện Tuổi trẻ và truyện Một cuộc bể dâu, tác giả kể về cuộc đời của hai con gà – hai thân phận đau khổ. Bề ngoài tưởng như chẳng có gì đáng nói nhưng đằng sau ấy chất chứa bao tâm sự của những số phận, những cảnh đời. Chú gà trống gi (Tuổi trẻ) với thân hình “nhỏ bé còm cõi “không sao tìm được sự hòa hợp với đồng loại, nhất là trong chuyện đôi lứa” [33, tr.466]. Tuy là một thứ gà bé nhất của loại gà nhưng chú vẫn có đủ tư thế hùng dũng của loài gà trống, nó vẫn giữ địa vị một ông thống soái dẫn đầu. Khi lớn lên, với bản tính chung của loài gà, chú gà gi cũng “đa tình lắm”. Nhưng sự đa tình cũng là một bi kịch của cuộc đời chú. Trong sân, chú chẳng tìm đâu được một người tri kỉ, bởi sự thấp kém về vóc dáng của hắn: “Xung quanh khu vực chỗ nó ở, tuyệt nhiên không có đến hai gã gà gi”[ 45, tr.33]. Cũng giống như con người, không tìm được bạn tri kỷ, chú gà gi cũng “học đòi đi kiếm ăn xa”. Chú đi theo tiếng gọi của ái tình. Nhưng cuộc đời vốn hợp lại tan, tìm được chị gà mái gi, nhưng cuộc tình của hai con gà gi ấy không được bao lâu. Cái chết của người tình lại đưa chú gà trống trở lại những tháng năm buồn tẻ. Vì thế, “gã đi biệt hẳn. Song chẳng phải là đi với nỗi nhớ thương con người má đào mệnh bạc ấy ngàn đời” [45, tr.35].Bản tínhgã vốn mau quên lắm.

Một cuộc bể dâu kể lại cuộc đời của anh gà chọi, một tay hảo hán trong loài gà chọi, “nhất sinh chỉ có một nghề đi đánh lẫn nhau cho người ta xem”. Chàng gà hùng dũng hiện lên thật oai phong lẫm liệt từ ngoại hình đến tiếng gáy. Tất cả cử chỉ, điệu bộ của anh gà chọi thật ra dáng là một “anh chàng cuồng võ”. Anh gà chọi được mệnh danh là “ông Từ Hải” chọc trời, khuấy nước, đầu thì đội trời, chân thì đạp đất, cai trị cả một khoảng vườn rộng. “Ông Từ Hải” ấy còn là một tay đa tình, chỉ “đen những ý tình ma chuột”. Cái oai phong lẫm liệt mà tác giả mệnh danh là “Từ Hải” cũng không thoát được lưỡi hái của tử thần. Bệnh dịch đến, cái xóm gà vịt trở nên tan tác chia lìa, cảnh vật phút chốc bỗng trở nên quạnh hiu. Anh gà trống chọi oai phong lẫm liệt của ngày nào cũng phải dần kiệt sức theo thời gian. Rồi một ngày kia, anh gà chọi cũng không cất nổi tiếng gáy. Anh không ăn được gì, chỉ uống nước thôi.

Chẳng bao lâu, chàng gà chọi bước đi một cách khệnh khạng, mắt mở “thao láo ra nhìn” và ngẫm nghĩ “về cái chết của mình sắp đến”. Cuối cùng, anh cũng gục xuống, không gượng dậy được, người “tọp hẳn lại”, chỉ còn trơ “da ôm một vóc xương” để lại “chị mái già, ra lại vào, ngẩn ngơ”.

Mặt khác, ở truyện Đám cưới chuột, người đọc lại thấy cảm thương cho số phận chìm nổi của chàng Chuột Nhắt và sự đau khổ vì lận đận tình duyện của tiểu thư Chuột Chù. Chuột Nhắt là con một của ông bà Thử. Được sinh ra trong gia đình sung túc nhưng vì nổi Chuột Nhắt quá ốm yếu và xấu xí nên chẳng có bạn chơi và khi đến tuổi trưởng thành cũng không có hy vọng lấy được vợ. Vì vậy, ông bà Thử bèn đầu tư cho cậu đi học. Sau ba năm miệt mài đèn sách ở nhà ông đồ làng bên, Chuột Nhắt đi thi và đỗ tú tài. Ông bà Thử rất hãnh diện về thành tích đó của con trai nên đã tổ chức một đám rước linh đình. Nếu trước kia mọi người trong làng xem thường Chuột Nhắt là kẻ yểu tướng, là gian giảo với “đôi mắt ti hí luôn đảo lia lịa” thì bây giờ họ thay đổi cách đánh giá về cậu. Họ khen cậu là thư sinh, thông minh, lịch lãm. Các bà mẹ có con gái lớn trong làng đều thầm hy vọng cậu ta để mắt đến con gái mình. Chẳng mấy chốc, Chuột Nhắt đã trở thành niềm tự hào của cả làng cả dòng họ chuột, bởi lẽ cả làng chuột từ xưa đến nay chưa có ai đỗ đạt bao giờ. Nhưng chính từ đây, bi kịch của cuộc đời cậu cũng bắt đầu. Khi đám rước đang rộn rã đón Chuột Nhắt vinh qui về làng thì cậu đã bị ngã kiệu què chân, sau đó thành thọt. Đến lúc cậu đi hỏi vợ, cái chân thọt đã trở thành nỗi phiền hà lớn. Tiểu thư Chuột Chù – vợ chưa cưới của Chuột Nhắt đã từ hôn vì đã phát hiện ra sự thật cái chân thọt của cậu, mặc dù gia đình hai bên đã đính ước và Chuột Nhắt đã vượt qua kỳ thi thách đố khó khăn của cha con tiểu thư Chuột Chù. Điều đó đã khiến chú rơi vào tuyệt vọng, nhất là cùng lúc Thử bà vì không thoát khỏi nanh vuốt của lão Mèo già mà qua đời. Sau nhiều sự kiện đau lòng liên tiếp xảy ra, cậu ta tự giam mình trong phòng kín, trút uất hận vào những bài vè chế giễu cô Chuột Chù và gia đình cô ta vì Chuột Nhắt cho rằng chính tiểu thư Chuột Chù và gia đình cô đã gây ra bi kịch đau khổ cho cuộc đời cậu.

Bên cạnh số phận của chàng Chuột Nhắt, cuộc đời của tiểu thư Chuột Chù cũng không kém phần bất hạnh. Cô là một tiểu thư hay chữ con nhà danh giá, lại xinh đẹp. Cô có “bước đi yểu điệu, mõm to và dài”. Lúc nào “áo cô cũng thơm lừng mùi nước hoa” Khi cha mẹ cô - ông bà viên ngoại biết rõ căn bệnh của công tử chuột Nhắt thì nhất định “viết thư sang khước hôn cho con gái”. Từ đó, tiểu thư Chuột Chù cũng “héo hắt đi rồi chết già chẳng ai buồn lấy, chẳng ai rước đi cho”. Bởi bản tính đỏng đảnh khinh người làm bộ quá của cô khiến ai nấy đều sinh ghét.

Nếu như hình ảnh Con chó xấu xí trong truyện cùng tên của Kim Lân gợi ở người đọc bao niềm xúc động về tình cảnh của chú chó bị chủ bỏ rơi thì hình ảnh chú chó Đực trong truyện Tô Hoài lại gợi sự tiếc nuối về thời thanh xuân, trai trẻ của một chú chó đã về già. Con chó xấu xí của Kim Lân dù bị bỏ đó, bi bạc đãi đủ điều nhưng vẫn trung nghĩa. Trong mọi hoàn cảnh dù tối tăm đến đâu, chú chó cũng không bỏ chủ. Suốt đời sống nó, toàn là cảnh nằm nhóc mõm chờ cơm, dù mẩu xương thừa hay miếng cơm ôi cũng không có. Thế mà mỗi khi chủ về vẫn chạy tới vẫy đuôi mừng rỡ. Nhà cửa bị Tây vào ruồng bố đốt phá tan hoang, chủ phải chạy tản cư, dắt díu nào vợ, nào con thơ nên phải bỏ lại con chó xấu xí, già yếu. Thế nhưng, khi trở về, chủ vẫn thấy chú chó xấu xí nhưng có nghĩa ở đó. Dù sức tàn nhưng chú vẫn vẫy đuôi mừng chủ như ngày trước. Trái lại, chú chó Đực trong truyện Tô Hoài lại ham vui “la cà” với “hàng tá tình nhân” bởi nó “hăng yêu”, và “bảnh bao, phì nộn”, lại “khỏe mạnh, tài năng”. Lúc nào Đực cũng lo nghĩ bận rộn, nào “đi ve vãn các chỗ lại còn rào giậu ở nhà”. Chỉ một ít lâu, sau những trận chơi bời phong lưu, người nó “tọp hẳn lại”. Thân hình nó không còn bảnh bao như trước mà thay vào đó là cái “thân thể dài thượt và nghêu ngao. Cái bộ mã vàng lợt có chỗ mất cả một mảng long, để lộ làn da xam xám”. [45, tr.68 ]. Cứ thế, Đực mải mê rong ruổi với những ái tình. Dù bị chủ nhốt cũi nhưng Đực vẫn không thay đổi bản tính phong lưu đa tình của nó. Khi được thả ra là lập tức nó chạy biến. Mỗi lần “sổ lồng”, nó “lại la cà hơn bao giờ hết”. Thế là Đực bị chủ bắt đi thiến. Mấy hôm, Đực “buồn thỉu buồn thiu, đi lừ khừ, quên cả ăn uống”. Nó “ứa nước mắt mà sầu cái sự đời éo le”. Đực rất oán hận và

trả thù kẻ đã khiến mình rơi vào tình cảnh bi thảm. Nhưng thù chưa trả được thì Đực lại bị một trận đòn nhừ tử bằng “cái chầy đâm riềng” cứ nện không ngớt xuống lưng, xuống sườn, xuống mông và đầu khiến Đực chỉ biết kêu la và nằm mọp xuống. Từ đó, Đực không một lần nào dám nghĩ đến sự trả thù nữa. “Nó yên phận thủ thường” và bắt đầu sống cuộc đời tàn cục “buồn tênh”, chẳng khác gì “thân một tội nhân phải vĩnh viễn giam cầm bên trong cái cánh cử sổ, kiếp kiếp đóng chặt lại, không thể có khóa nào mở được” [45, tr.71]. Đực đâm ra bực mình, nổi cáu với con em. Suốt ngày, Đực cứ cáu rồi quay sang cắn con em. Sau nó sinh ra ghét tất cả những cuộc trăng hoa của lũ chó. Nó “choảng nhau, cắn tuốt không trừ một con nào”. Nhưng dù có trút bao nỗi oán hận thì tuổi xuân của Đực vẫn qua nhanh một cách vô nghĩa. Nó lặng “lẽ sống cuộc đời tàn cục buồn thiu”. “Qua thời kì trai trẻ chơi bời, đến lúc tỉnh ngộ với cái thân hình tráng kiện rồi lần lần bước sang tuổi già, con Đực héo hắt dần” [45, tr.74]. Nó chẳng còn kham nổi việc coi nhà đêm hôm. Và rồi, người ta lại mua một con chó mới, khỏe và “béo lẳn” để thay thế chú chó Đực già nua không còn được việc nữa.

Như vậy, mỗi con vật trong thế giới loài vật của Tô Hoài đều có những thân phận khác nhau, nhưng chúng cùng phản chiếu những cảnh sống của người dân nghèo ở thôn quê. Theo nhà văn, thế giới loài vật cũng có đầy những chia li, tan tác, đau khổ, chết chóc như chính cuộc sống con người; chỉ có điều khác là ở chỗ, trong xã hội con người, các quy luật diễn biến phức tạp hơn. Tuy nhiên, thế giới loài vật cuộc sống đơn giản hơn nhưng kết thúc cũng không kém phần cay đắng. Theo Vũ Ngọc Phan, trong hầu hết các truyện loài vật của Tô Hoài, bóng dáng của “thần Chết, thần Rủi Ro lúc nào cũng đứng cập kè để phá tan cuộc vui cùng cảnh sống” [33, tr.62]. Ở truyện Tuổi trẻ, con gà trống ri đi theo tiếng gọi của tình yêu rồi lạc mất; người vợ trong truyện Gã chuột bạch chết hóc vì tham ăn; tiếng pháo ngày Tết làm cho gia đình đôi chim gi đá phải bỏ tổ mà đi. Trong truyện Một cuộc bể dâu, sau những ngày oai phong, lẫm liệt, hùng cứ một phương, anh gà chọi chết vì bệnh dịch. Còn chú chó Đực già nua không còn được việc cũng nằm buồn thiu nhớ lại cái thanh xuân đầy đau buồn… Thật vậy, thế giới loài vật trong

tác phẩm của Tô Hoài cứ đan xen với thế giới con người, nó cứ như là thế giới con người vậy. Chúng cũng có đời sống, có niềm vui xen lẫn với nỗi buồn. Từ những câu chuyện loài vật, Tô Hoài đã mang đến cho người đọc những trạng thái cảm xúc khác nhau: khi thì vui mừng, khi thì thương cảm xót xa cho số phận khổ đau của những con vật.

Thế giới loài vật phong phú, đa dạng đã từng hấp dẫn bao nhà văn trên thế giới và ở Việt Nam. Viết về thế giới loài vật, mỗi nhà văn có một thế mạnh riêng, một sở trường riêng. Laphôngten đến với thế giới loài vật bằng những bài thơ ngụ ngôn; Kim Lân tìm thấy tài năng của những con vật đáng yêu ở nhiều vùng nông thôn thuần phác Việt Nam: chó săn, chim bồ câu, gà chọi... Bên cạnh đó, Võ Quảng lại sáng tạo nên cả một thế giới loài vật gồm: thỏ, cáo, rùa, cá, rắn, chim… mang những nét tính cách trẻ thơ, gần gũi trẻ

thơ. Thông qua câu chuyện của thế giới loài vật, Võ Quảng khéo léo lồng vào đó những bài học nhằm giáo dục về đạo đức, thẩm mỹ. Mỗi con đều có những nét ngộ nghĩnh, đáng yêu, đáng cười: Thỏ thì nhát; Hổ to lớn, ranh mãnh mà lại bị lừa bởi các con vật nhỏ hơn; Cóc Tía anh hùng, chí lớn là thế, khi bị sóng xô dạt vào bờ vẫn “méo mồm khóc to” khác nào một đưa trẻ… Cùng với Võ Quảng, Phạm Hổ đã mang đến cho những với những truyện cổ viết lại một nội dung xã hội độc đáo, qua cách lí giải nguồn gốc hình thành và đặc điểm của muôn loài. Ở khía cạnh tiếp nối, Trần Đức Tiến bằng những sáng tác của mình góp thêm tiếng nói khẳng định vai trò, ý nghĩa của thể truyện loài vật trong đời sống tinh thần của trẻ em.

Khác với các nhà văn cùng viết về đề tài loài vật, Tô Hoài lại đến với thế giới ấy trong sự cảm nhận đặc biệt – cảm nhận như đời sống con người. Với một khả năng quan sát đặc biệt rất thông minh, hóm hỉnh, tinh tế, lại có những ngày thơ ấu gần gũi với thế giới loài vật ngộ nghĩnh đáng yêu ở cánh đồng “bên kia sông Tô Lịch trước cửa đình làng” một tình cảm đặc biệt dành cho những “người bạn thân tình”. “Trên bãi Cơm Thi ven sông xanh om những làn cỏ ấu, cỏ gà có cả một xã hội mà trong đó, trẻ con với mọi loài cây cỏ, chim muông và những con vật nho nhỏ đã thật quen biết nhau” [19, tr.58]. Vì thế, Tô Hoài đã cảm nhận thế giới loài vật nhỏ bé đáng yêu trong sự tồn tại tự nhiên của nó. Nói về tác phẩm của mình, Tô Hoài tâm sự rằng: “Tất cả những trò chơi ở bãi sông đầu làng của tuổi thơ đã vào thẳng sáng tác của tôi. Khi cầm bút, những “nhân vật” trong truyện không cần phải suy nghĩ mới ra, mà chúng nó đã nằm sẵn giữa say mê” [19, tr.59]. Mọi chủ đề và triết lí của loài vật hoàn toàn là vấn đề của con người. Nhưng đặc biệt, nhà văn đều dựa trên sự hiểu biết chính xác, sự quan sát tỉ mỉ về đời sống, đặc điểm, bản chất của từng con vật và sinh hoạt của chúng làm nền tảng cho những sáng tác về loài vật của nhà văn chứ không phải sự tưởng tượng vu vơ.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN VIẾT VỀ LOÀI VẬT TRƯỚC 1945 CỦA TÔ HOÀI (Trang 75 -75 )

×