Thế giới vật nuôi

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện viết về loài vật trước 1945 của Tô Hoài (Trang 44)

7. Kết cấu luận văn

2.1.1. Thế giới vật nuôi

Thế giới loài vật ấy không chỉ là những chúa sơn lâm hay những con vật đầy quyền lực mà chỉ là những con vật bé nhỏ, “xoàng xĩnh” (chữ dùng của Nguyễn Đăng Mạnh) rất gần với cuộc sống sinh hoạt của con người và đã gắn bó với tuổi thơ của Tô Hoài. Viết về những con vật cùng loài, ngòi bút Tô Hoài có sự sáng tạo riêng. Mỗi loài mỗi đặc điểm, tạo nên những nét riêng độc đáo. Đó là những gã mèo mướp “lừ đừ nghiêm nghị tựa một thầy dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào cũng nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm” [45, tr.23]. Trông vẻ ngoài hiền lành nhưng “mèo có một cuộc sống hai mặt”. Khác với mèo, những chú chó “hay lèm bèm, ủng oẳng, sinh sự nhỏ nhen. Nhưng tính tình hắn lại phổi bò, dễ dãi và thường chống quên” [45, tr.23].

Đực là chuyện của hai chú chó – con Đực và con em cùng lứa. Đực “bảnh bao, phì nộn”, tuy “tài năng, khỏe mạnh” nhưng rất ham vui, “la cà” cùng với

“hàng tá nhân tình” nên bị người ta thiến. Tuổi xuân của Đực qua nhanh trong sự buồn thiu héo hắt. Con em cũng đang ở “tuổi trẻ măng măng”, cũng không thể đè nén “sóng tình” đang dào dạt, cũng “kéo đàn, kéo lũ” với bọn “bạn hữu giăng hoa”. Cuối cùng, nó cũng bị người ta cho một chầy vào đầu “để làm một nồi rựa mận”. Đực còn kể về cuộc đời của những anh chó già hết xuân như chú Đực. Con chó Nhôm bên nhà hàng xóm sợ pháo ngày Tết mà chạy mất tích, không thấy trở về. Con Vàng vốn “tính hay cắn trộm, ghẻ lở đầy người” cũng qua đời từ lâu. Đó còn là chú chó trung thành, luôn tìm mọi cách giúp chủ vượt qua khó khăn, nguy hiểm trong câu chuyện cổ tích được nhà văn kể lại một cách sáng tạo…

Cùng với hình ảnh của những loài vật trên là thế giới của những gia cầm, gia súc như: họ hàng nhà gà, vịt, ngan, ngỗng… Đó là chú gà trống ri (Tuổi trẻ) “thấp bé và nhỏ nhắn hơn giống gà thường”, mồ côi từ thuở nhỏ, sống bơ vơ một thân một mình nên lúc nào cậu cũng có bộ mặt ủ rũ “như một người buồn”. Nhưng khi lớn lên, chú gà trống bé nhỏ, cô độc ngày nào cũng có đủ tư thế và vẻ đẹp của một chàng gà trống hùng dũng cùng “bộ mặt khinh khỉnh ta đây”. Chú trống ri cũng rất đa tình, “có tật mê gái”, sẵn sàng bỏ nhà ra đi vì ái tình, và cũng dễ quên đi ái tình cũ để “lần mò đi tìm một vài ái tình khác”. Chàng gà chọi (Một cuộc bể dâu) với vẻ oai phong lẫm liệt của “ông Từ Hải”, chỉ biết có nghề đi đánh nhau cho người ta xem. Thế nhưng “chàng Từ Hải” cũng rất phong lưu. Trong đầu chàng “chỉ đen những ý tình ma chuột”, chỉ biết đi “ve gái” mà không thiết gì đến con cái, đến sự chung thủy vợ chồng. Trái ngược với anh gà chọi, chị gà mái già đã trải bao phong trần rất đa tình nhưng cũng rất đảm đang, luôn chăm lo dạy dỗ đàn con hết mực. Chị luôn ngọt ngào, lo lắng cho đàn con nhỏ đến quên cả mình. Một đàn chín con gà nhỏ, với những tiếng “líp nhíp”, khi thì “ít ít” be bé trong cuống họng, lúc nào cũng nhộn nhịp, rơm rã bên mẹ chúng. Trong sân vườn ấy, xung quanh chuồng gà là vui vẻ, náo nhiệt nhất. Những chị gà mái tơ đang “thi nhau dũi đất”, thỉnh thoảng lại “rũ cánh phành phạch” dưới gậm cụm lá sói.

Mụ ngan lạch bạch với sáu con ngan nhỏ xinh xinh, ngơ ngác, luôn quanh quẩn quanh chân mẹ. Nhưng mụ ngan với “cái tính ngu tối, chậm

chạp” đến mức những đứa con của mình gặp nạn, hay bị chết mụ vẫn vô tình, thản nhiên. Chồng mụ là “một chàng ngan bạch”, to gấp đôi vợ và tính cũng rất “bướng bỉnh”. Bị người ta đuổi, hắn vẫn “rảo từng bước thủng thỉnh”, có khi còn thò cổ “hỏi han” hoặc “mổ lại” người ta là đằng khác. Kể cả khi bị đá, bị đuổi đánh, “bị bỏ tù” thì “chúng vẫn không hiểu chi”. Ngay cả khi “chồng mụ” bị làm thịt, mụ vẫn “thản nhiên” như không có gì xảy ra trên đời, mụ chỉ nhớ đến hạt ngô, hạt thóc hay tàu lá xanh xanh có thể khiến mụ no bụng mà thôi. Loài ngan lúc nào cũng “đờ đẫn” nhưng lại rất khỏe. Nhưng so với vịt, ngan lại dũng cảm và lì lợm hơn chứ “không nhát như mấy anh vịt”, lúc nào cũng chỉ biết đứng “ngẩn tò te”. Khi thì chúng “luống cuống đôi chân, nghiêng một bên má”, liếc mắt lên trời ra điệu nghe ngóng, thấy có tiếng động là cùng nhau bỏ chạy.

Một thế giới vật nuôi gồm những mèo, chó; hay gà, vịt, ngan, ngỗng…, tuy có những điểm khác biệt nhưng chúng cùng chung sống với nhau trong sân, vườn, nhà. Tất cả đều sống gần gũi gắn bó với con người ở làng Nghĩa Đô – quê hương tác giả, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng cuộc sống của con người. Mỗi loài mỗi đặc tính, nhưng không vận động ngoài tầm quan sát, miêu tả của nhà văn. Mọi sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của các loài vì thế hiện lên thật sinh động và không kém phần náo nhiệt.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện viết về loài vật trước 1945 của Tô Hoài (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w