Vấn đề quan niệm sống

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện viết về loài vật trước 1945 của Tô Hoài (Trang 49)

7. Kết cấu luận văn

2.2.1. Vấn đề quan niệm sống

Không chỉ phong phú đa dạng mà thế giới loài vật của Tô Hoài còn là những bức tranh về quan niệm sống. Đó là những câu chuyện sâu lắng cảm động về bảo vệ gia đình, hạnh phúc, bảo vệ quyền sống thiêng liêng, chống lại điều ác, coi trọng lý tưởng và lẽ sống, chống lại các thói hư tật xấu, xây dựng tình bằng hữu... Có thể nói, Dế Mèn phiêu lưu kí là thiên truyện mở

đầu cho những quan niệm của nhà văn về cuộc sống. Cả thế giới vật và thế giới người được tác giả khéo léo lồng vào đó. Thế giới của Dế Mèn cũng chính là xã hội thu nhỏ, người xấu có, người tốt có, nhưng “quan trọng là họ luôn ý thức được những điều không hay, không phải của mình để tự hoàn thiện và phấn đấu xây dựng một cuộc sống tốt đẹp” [38, tr.135]. Đây là tác phẩm gắn với cảm hứng lí tưởng cao đẹp. Tất cả những quan niệm của mình về nhân sinh, về khát vọng chính đáng của con người, về một cuộc sống hòa bình, yên vui, về tình thương, lòng chân thành và sự đoàn kết đã được Tô Hoài thể hiện trong truyện. Miêu tả hành trình phiêu lưu của Dế Mèn cùng các bạn qua thế giới loài vật và loài người, tác giả đã bày tỏ lòng tin vào điều thiện, vào lí tưởng và lẽ sống để rồi cuối cùng tác giả khẳng định ước mơ của tất cả mọi người lương thiện về một thế giới đại đồng, “muôn loài cùng nhau kết làm anh em”. Đây cũng là lí tưởng của lớp thanh niên thế hệ của ông.

Trong bài viết Dế Mèn, Chim Gáy, Bồ Nông, Tô Hoài tâm sự: “Lí tưởng say mê của Dế Mèn là được đi khắp nơi, hô hào mọi người cùng nhau xây dựng thế giới đại đồng - danh từ mà thời ấy rất thịnh hành, ai cũng thích nói, thế giới đại đồng chỉ có công bằng, không có áp bức và chiến tranh” [19, tr.59]. Từ kinh nghiệm sống của mình, Dế Mèn và các bạn đã cùng nhau đi tìm lý tưởng “đại đồng” và họ bắt tay vào tuyên truyền, giảng giải cho mọi người về thế giới ấy. Tuy lý tưởng của Dế Mèn và các bạn còn mơ hồ và ít nhiều mang tính không tưởng nhưng đã nói lên phần nào niềm khao khát và ước mơ chân chính về sự thay đổi, hướng tới xã hội tốt đẹp trong tương lai.

Không chỉ có Dế Mèn, nhân vật Xiến Tóc cũng khơi gợi ở người đọc những suy nghĩ về cách sống, về thái độ sống. Ngày trước, Xiến Tóc là một người cương trực, luôn bảo vệ chính nghĩa và lẽ phải; giúp đỡ những kẻ yếu đuối, bị ức hiếp và trừng trị những kẻ ngang ngược, chuyên đi bắt nạt kẻ sức yếu thế cô. Nhưng trong chuyến đi lần theo dấu vết của Châu Chấu Voi để tìm tung tích của Dế Trũi, Dế Mèn lạc đến nơi ẩn mình của hiệp sĩ Xiến Tóc năm xưa và nay đã thành ẩn sĩ Xiến Tóc chán đời vì một phen sợ hãi suýt mất mạng. Cách sống sôi nổi và lí tưởng tiến bộ của Dế Mèn và các bạn đã khiến Xiến Tóc phải nhìn lại mình và tự thấy xấu hổ khi nhận ra trong đời mình chỉ

mới khó khăn một tí mà đã sợ, đã vội đầu hàng. “Từ nay tôi hiểu rằng chán đời là tính xấu, kẻ chán đời nghĩ là ta cao thượng, nhưng thật ra nhưng thật ra không cao thượng mà chỉ là trốn việc và rong chơi. Nghĩ được thế, tôi liền tống cổ bọn Bướm, bọn Ve Sầu lười biếng lại hay kêu ca phàn nàn và cả mấy gã Sên rề rà chuyên ăn bám, tôi cũng đuổi nốt và bảo họ rằng từ nay đi kiếm lấy mà ăn chứ cái thân ăn nhờ ở cậy xấu xa nhất trên đời”. [45, tr.236]

Hình tượng chú Dế Mèn với những hoài bão về cuộc sống trong truyện của Tô Hoài đã trở thành hình mẫu lý tưởng, nguồn cảm hứng giúp cho thế hệ nhà văn tiếp nối ông sáng tạo nên những câu chuyện phiêu lưu hấp dẫn của thế giới loài vật. Mang những nét tương đồng với nhân vật Dế Mèn, thế giới nhân vật trong truyện Ngàn dặm xa của Nguyễn Đình Chính cũng gần gũi, thân thuộc với con người. Truyện kể về hành trình lưu lạc nguy hiểm của hai chú Kiến Lửa và Kiến Nâu. Tuy ở hai nơi khác nhau nhưng họ lại gặp nhau trên bước đường lưu lạc tìm về tổ cũ, phải đối mặt với những nguy hiểm chập chùng. Cái thiện và cái ác luôn song hành trên mỗi chặng đường phiêu bạt của Kiến Lửa và Kiến Nâu. Nhưng trong hành trình của họ luôn đan lồng những bài học giáo dục đầy ý nghĩa. Đó là tình yêu thương, sống chân thực, dám đấu tranh, biết hy sinh, trung nghĩa, đoàn kết và không bao giờ tuyệt vọng. Chính những loài vật nhỏ bé lại dạy cho nhau cách sống, phấn đấu và hướng thiện. Cuộc phiêu lưu của hai nhân vật Kiến Lửa và Kiến Nâu cũng là một trải nghiệm cần thiết để hai chú kiến nhỏ dần trưởng thành, biết đối mặt với thế giới mênh mông nhiều cạm bẫy nhưng cũng đầy bao dung ở bên ngoài.

Chàng võ sĩ Bọ Ngựa (Võ sĩ Bọ Ngựa) tuy hiếu động nhưng cũng rất hiếu thắng, không biết lượng sức mình. Cuối cùng, chính sự hiếu thắng, không biết đến mọi người, cho rằng mình là kẻ mạnh nhất, Bọ Ngựa đã phải nhận lấy bài học chính đáng từ bà Bọ Muỗm, ông Cồ Cộ. Lúc ấy, Bọ Ngựa mới hiểu ra một chân lí đơn giản mà hết sức sâu sắc: hễ cậy mình khỏe để bắt nạt kẻ yếu thì bị người khỏe hơn trừng trị lại. Ở đời, sống phải biết khiêm nhường, tôn trọng, không nên dùng sức mạnh để bắt nạt kẻ yếu hơn mình. Gần gũi với Bọ Ngựa là anh chàng Dế Mèn. Vấp ngã đầu đời cùng tai họa mà Dế Mèn gây ra cho Dế Choắt đã đem đến cho Dế Mèn bài học về thói kiêu

căng, hợm hĩnh “ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mạng vạ vào mình đấy” [45, tr.173]. Bài học cho kẻ mới vào đời làm Dế Mèn ân hận và day dứt mãi.

Bên cạnh đó, truyện loài vật của Tô Hoài còn là những câu chuyện về khát vọng xây dựng tình bằng hữu, hữu ái giai cấp, giúp đỡ con người lúc khó khăn. Hành động cứu giúp chị Nhà Trò thoát khỏi sự vây đánh của bọn Nhện. Tình bạn giữa Dế Mèn và Dế Trũi và sự đoàn kết giữa các loài vì mục đích truyền bá tư tưởng tốt đẹp, mọi người cùng đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau. Mặt khác, truyện loài vật của Tô Hoài còn thể hiện quan niệm nhân sinh của nhà văn về cuộc sống, về thời cuộc, về tình nghĩa gắn bó, chung thủy giữa các loài. Truyện Chuột thành phố kể về cuộc đời chú Chuột Cộc và sự đoàn kết giữa Chuột Cộc và anh em chuột cùng nhau chiến thắng kẻ thù. Không chỉ thế, trên đường đi tìm nơi trú ngụ, Chuột Cộc đã trải qua nhiều gian khổ và cái chết cận kề, chú đã tìm được sự giúp đỡ chân thành của các bạn chuột. Các bạn ấy hiền lành, “xưa nay không biết sinh sự với ai bao giờ”. Trước tình cảnh đói khổ, lang thang của Chuột Cộc, các bạn chuột dù cuộc sống cũng gập không ít khó khăn nhưng vẫn đón tiếp Chuột Cộc rất niềm nở, cho chú miếng ăn và nơi trú ngụ; thậm chí, họ còn tôn chú làm anh cả “cùng quay quần giúp đỡ lẫn nhau”. Gần gũi với những chú chuột tốt bụng, hình ảnh của Châu Chấu Voi trong Dế Mèn phiêu lưu kí cũng hiện lên thật đẹp. Bỏ qua những mâu thuẫn xưa kia với Dế Mèn, Châu Chấu Voi đã cùng Dế Trũi không quản khó khăn, nguy hiểm cứu Dế Mèn khỏi sự giam cầm của lão chim Trả. Trên đường rời bỏ nơi trú ngụ, Châu Chấu Voi đã mang theo Dế Trũi. Chẳng những họ không giết, không bắt Dế Trũi làm tù binh mà họ còn giúp chú hiểu được cái “chí lớn” mà họ đang theo đuổi. Không chỉ thế, khi đi qua nơi ẩn cư của bác Xiến Tóc, Châu Chấu Voi và Dế Trũi đã giảng giải về “đời sống giang hồ”, giúp Xiến Tóc lấy lại niềm tin trong cuộc sống và vượt qua nỗi sợ hãi năm xưa. Thế là những người bạn cùng chí hướng cùng nhau lên đường sang vùng đất Kiến để thực hiện ước mơ. Họ đã đi nhiều nơi, trải nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng họ nhận ra rằng dù ở đâu “ai ai cũng đều coi tình bạn tốt đẹp là lẽ phải nhất trên thế gian”. Vì tình bạn, Châu Chấu Voi và

Chuồn Chuồn đã không sợ hiểm nguy, dù là cái chết có thể đến bất cứ lúc nào khi bị Kiến mai phục và bao vây. Họ cùng nhau giúp Dế Mèn và Dế Trũi vượt qua khó khăn để gặp Kiến Chúa và giãi bày sự hiểu lầm của họ hàng Kiến. Có thể nói, ở đâu có tình bằng hữu, ở đó có niềm tin. Có niềm tin, con người sẽ vượt qua mọi khó khăn để sống có ý nghĩa và cao đẹp hơn.

Khát vọng sống tốt đẹp ấy còn được Tô Hoài thể hiện trong nhiều tác phẩm khác sau Dế Mèn phiêu lưu kí. Thông qua cuộc đời éo le của chú Chuột Nhắt (Đám cưới chuột), Tô Hoài đã lồng vào đó một quan niệm sống tốt đẹp. Sự xuất hiện của bác Chuột Cống đã đem lại cho Chuột Nhắt một lẽ sống mới. Chuột Cống là người học rộng, hiểu nhiều. Ông thường đi khắp đó đây để tìm hiểu và giảng giải cho mọi người nguyên nhân dẫn đến sự cùng khổ của họ và làm thế nào để bớt khổ. Ông lấy làm tiếc cho Chuột Nhắt, tuổi còn trẻ, lại có tài năng nhưng chỉ vì một chút thất bại đã khiến cậu nản lòng, buông xuôi. Với sự am hiểu và tài thuyết giảng của mình, Chuột Cống đã phân tích cho Chuột Nhắt thấy nguyên nhân bi kịch của cuộc đời cậu đầu do lão Mèo gây ra. Vì vậy, dân làng chuột phải biết đoàn kết chống lại kẻ thù. Nhưng để thực hiện khát vọng lớn lao ấy, trước hết phải khơi dậy lòng căm thù và chế ngự nỗi sợ hãi truyền kiếp của họ hàng chuột. Từ đó Chuột Nhắt đã hiểu và quyết định thay đổi lẽ sống của bản thân. Chú bắt đầu sống có lý tưởng, hăng hái tạo lập cho mình một cuộc sống mới tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Chuột Nhắt tình nguyện đi cùng ông Chuột Cống, lấy việc giúp đỡ mọi người làm niềm vui và lẽ sống của bản thân mình. Qua nhân vật chuột Nhắt, người đọc có thể học được bài học về sự tự tin vào bản thân, biết tự phát huy những gì bản thân mình có khả năng thực hiện. Làm được như thế, chúng ta sẽ có đủ nghị lực vượt qua những khó khăn, chán nản và tuyệt vọng, trang bị cho mình những kinh nghiệm và cách ứng xử trong cuộc sống.

Những câu chuyện về lẽ sống tốt đẹp, có ý nghĩa được thể hiện sinh động qua thế giới loài vật. Quan niệm sống của Tô Hoài thật giản dị và gần gũi với quan niệm của nhân dân. Dù sống ở thời đại nào, trong hoàn cảnh nào, con người vẫn có khát vọng sống tốt đẹp, vượt lên mọi khó khăn để hoàn thiện bản thân. Đó là nhu cầu cao đẹp của con người. Vì thế, quan niệm về lý

tưởng sống tốt đẹp được nhà văn lồng ghép trong những câu chuyện loài vật thực sự mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện viết về loài vật trước 1945 của Tô Hoài (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w