Những mối quan hệ trong đời sống

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện viết về loài vật trước 1945 của Tô Hoài (Trang 54)

7. Kết cấu luận văn

2.2.2. Những mối quan hệ trong đời sống

Thế giới vật trong những trang truyện của Tô Hoài không hề xa lạ mà rất gần gũi, quen thuộc. Đó là thế giới của những con vật cùng chung sống trong một khoảng sân, vườn, nhà sống và các mối quan hệ giữa chúng. Trong mỗi câu chuyện loài vật, tác giả khéo léo lồng vào đó hình ảnh của những loài vật khác. Trước hết, truyện đề cập đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình: sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ buồn vui khó khăn cùng nhau. Trong truyện Một cuộc bể dâu, chị gà mái – “một người đàn bà giỏi giang, một bậc mẹ hiền gương mẫu”, luôn chăm lo cho đàn con hết mực. Chị luôn đi cạnh các con và không rời chúng nửa bước. Đối với những kẻ khác, chị luôn cảnh giác, “làm điệu nghiêm khắc và ác nghiệt” nhưng với đàn con, chị rất ngọt ngào. Mụ không dám rời lũ con lấy nửa bước. Khi bới được một hạt dền nhỏ, mụ cũng gọi chúng đến, cho chúng ăn, vừa nhìn con ăn “vừa nói chuyện rất vui vẻ”. Khi con mụ gặp hiểm nguy, mụ “nhảy lên như choi choi”. Mụ sử dụng mọi hoạt động của chân, miệng, mỏ, bảo vệ cho kì được những đứa con yêu quý của mình.

Trong tổ ấm bé nhỏ của Đôi gi đá, người chồng là trụ cột, bao nhiêu công việc xây dựng nặng nhọc, “người chồng phải đương lấy tất cả”. Chàng luôn bên vợ, “nựng vợ đủ điều”, còn người vợ đảm đang trách nhiệm và bổn phận duy trì nòi giống. Vợ chồng gi đá rất yêu thương nhau. Chồng luôn động viên vợ trong những ngày sinh nở. Anh chồng “đứng cạnh nàng, tỏ vẻ âu yếm. Chàng xích lại một chút. Chị vợ cũng dún dún đôi chân và rung rung đôi cánh. Hai cái mỏ chíu vào nhau. Đôi chim hoan hỉ nhìn nhau” [45, tr.45]. Hai vợ chồng còn cùng nhau chia sẻ trách nhiệm ấp trứng và chờ ngày những đứa con bé nhỏ ra đời. Lúc vui vẻ hạnh phúc, vợ chồng gi đá cùng “hát nho nhỏ”, cùng hôn mỏ nhau. Chỉ có mỗi một điệu hót “ke ke” như thế mà chúng làm xôn xao cả “cái tiểu gia đình này”.

Không chỉ thế, mối quan hệ láng giềng giữa mèo và chuột cũng được Tô Hoài dành nhiều trang miêu tả một cách sinh sộng, hấp dẫn. Gã mèo mướp

trong O chuột cùng chung sống với lũ chuột nhắt dưới một mái nhà. Từ chuyện xưa đến chuyện ngày nay, muôn đời chuột vẫn sợ mèo. Mèo và chuột vốn có thù không đội trời chung với nhau, vì thế, mèo ghét chuột đến kịch liệt. Chuột là loài hay “tắt mắt, táy máy, bặng nhặng”, hay làm “nghịch mắt và rác tai”. “Gã mèo mướp bắt chúng chẳng phải để chén – chén chúng thì được mấy nả thịt! – mà là để vờn đùa cho thỏa cái thú nhìn con mồi trước cái chết… Mướp là nỗi sợ của toàn họ nhà chuột” [45, tr.15]. Vậy mà, ngày qua ngày, bọn chuột vẫn cứ ra vào trộm thức ăn “rúc rích” trong xó bếp – chỗ nghỉ ngơi của mèo. Vì bực mình, mèo vẫn cứ đi tìm, đi lùng bắt những gã chuột nhép luôn làm “rác tai” mèo. Có thể nói, quan hệ giữa mèo với chuột vốn điển hình về sự tương phản vị thế, về kẻ mạnh và kẻ yếu, về sự sinh tồn.

Cùng với những truyện loài vật khác, Dế Mèn phiêu lưu kí cũng là một tác phẩm được Tô Hoài xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ với bản thân, gia đình, bạn bè, đồng loại. Dế Mèn được đặt trong những mối quan hệ gia đình với mẹ, với hai anh và trong những mối quan hệ xã hội với Dế Choắt, Dế Trũi, Xiến Tóc, Bọ Ngựa, Châu Chấu Voi… Chính trong những mối quan hệ này, tính cách người của nhân vật được thể hiện một cách cụ thể. Không chỉ là câu chuyện phiêu lưu của chú Dế Mèn mà đó còn là câu chuyện cảm động về tình mẫu tử. Tuy nghịch ngợm, nhiều lúc nông nỗi nhưng Dế Mèn lại là người con hiếu thảo, luôn muốn làm những việc để mẹ vui lòng. Trong tác phẩm, hình ảnh người mẹ của Dế Mèn chỉ xuất hiện hai lần. Đó là vào đầu truyện khi mẹ dắt Dế Mèn ra ở riêng và lần chú trở về bên mẹ sau cuộc phiêu lưu thứ nhất. Sau khi kết thúc chuyến phiêu lưu thứ hai, Dế Mèn trở về thăm mẹ nhưng mẹ đã khuất núi. Chỉ có ba lần hình ảnh người mẹ được nhắc đến, nhưng tình cảm của Dế Mèn đối với mẹ làm bạn đọc hết sức cảm động. Trong mắt Dế Mèn, mẹ chính là gia đình. Với hai anh, Dế Mèn là người em lễ phép nhưng mạnh mẽ giàu bản lĩnh, sống có hoài bão. Với Dế Choắt, chú là người hàng xóm chưa thật tốt bụng; nhưng với Dế Trũi, Dế Mèn là người bạn thủy chung sống chết có nhau – một câu chuyện cảm động về một tình bạn chân thành. Khi cùng Dế Trũi kết làm anh em, Dế Mèn đã tìm thấy ở Dế Trũi nhiều tính tốt đẹp như vui tính, yêu đời. Họ thề sinh tử có nhau và cùng thực hiện

chí hướng chung. Một tình bạn được xây dựng trên cơ sở đồng điệu về tính cách, sở thích, mục đích sống luôn là tình bạn bền vững. Điều này được chứng minh trên chặng đường phiêu lưu của Dế Mèn và Dế Trũi. Đôi bạn đã cùng nhau chia sẻ khó khăn, hoạn nạn và cả niềm vui trên bước đường phiêu lưu. Họ đã đi qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều kiểu người, làm được nhiều việc có ý nghĩa.

Thử thách lớn nhất của tình bạn là khi cả hai cận kề với cái chết. Dế Mèn và Dế Trũi bắt đầu cuộc phiêu lưu trên chiếc bè kết bằng lá bèo sen Nhật khô. Rủi ro ập đến khi bè trôi ra sông lớn, xung quanh không một ngọn cỏ. Thiếu lương thực, hai bạn nhận ra mình đang rơi vào nguy cơ chết đói. Cả hai lênh đênh trên sông nước trong mười ngày và chịu sự hành hạ của cái đói, hoang mang xen lẫn tuyệt vọng. Cái đói đã dần đánh gục tinh thần và thể xác của đôi bạn: “Qua mười ngày, cả hai chúng tôi không đứa nào có thể đứng lên được. Cái đói ghê gớm cứ đánh liệt dần từng bộ phận trong người, bây giờ đến lúc nó làm dúm kheo lai, chân run lẩy bẩy, lại phải nằm móp bụng xuống. Từ chỗ này muốn qua chỗ khác, chúng tôi chỉ lách nhích từng tẹo”

[45, tr.199]. “Chúng tôi nằm co quắp vào nhau. Trũi ngửa mắt lên trời, gần như ngất đi. Họ Dế chúng tôi, ai cũng vậy, chỉ có sắp chết mới chịu phải nằm ngửa”[45, tr.201]. Lúc này, cả hai đang đứng giữa ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhưng họ lại có cách xử sự đầy bất ngờ. Giữa lúc cái chết đang treo lơ lửng trên đầu, Dế Trũi không có ý định giành quyền sống về mình mà nhường lại cho Dế Mèn sự sống bằng cách hy sinh đôi càng của mình. Với một chú dế, thiếu đôi càng thì vẫn có thể sống được nhưng không thể đánh võ, chẳng khác nào một kẻ bất lực. Nếu Dế Mèn đã rất tự hào về cú đá hậu gia truyền bằng đôi càng khỏe mạnh thì với Dế Trũi nó cũng quan trọng như vậy. Đây là một sự hy sinh rất lớn. Hành động này vừa chứng minh nhân cách cao thượng của Dế Trũi vừa là biểu hiện của tình bạn chung thủy. Sự chân thành của Dế Trũi làm Dế Mèn hết sức cảm động. Dế Mèn cũng tỏ ra xứng đáng với tình bạn chân thành của Dế Trũi: “Thôi anh hiểu bụng chú rồi. Chú nghĩ rằng không nhẽ anh em ta lại chịu lênh đênh cả như thế này, mà phải cứu sống lại một, chú định để anh ăn thịt chú, chú chịu hy sinh cho anh

sống. Ta khen chú điều chung thủy đó. Nhưng em ơi! Tử sinh là lẽ thường mà mạng em cũng như mạng anh, đều quý giá cả. Huống chi, chẳng lẽ chúng ta chịu nằm chết đói trên mặt nước này? Dù thế nào cũng không bao giờ nản chí” [45, tr.200-201]. Dế Mèn hiểu ý định của Dế Trũi và cũng giải thích cho bạn hiểu quan niệm của mình về tình bạn. Tình bạn được xây dựng trên cơ sở những tâm hồn đồng điệu. Tuy nhiên, một tình bạn thủy chung, bền vững còn cần sự bình đẳng. Mạng sống của ai cũng quý cả. Quan trọng là cả hai phải có nghị lực vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm và cùng vun đắp cho tình bạn ngày một tốt đẹp hơn.

Sau thử thách lớn đó, đôi bạn còn gặp nhiều biến cố, khó khăn khác. Tất cả góp phần khẳng định một cách mạnh mẽ tình bạn tri âm, tri kỉ giữa Dế Mèn và Dế Trũi. Bên cạnh những khó khăn, đôi bạn còn chia sẻ nhiều niềm vui cùng nhau trên hành trình phiêu lưu. Đó là khi anh em Dế Mèn được bầu làm chánh và phó thủ lĩnh của xứ cỏ may. Đó là niềm vinh dự rất lớn và bất ngờ vì cả hai không hề có ý định tranh giành chức thủ lĩnh. Niềm vui lớn nhất của đôi bạn là sự hưởng ứng nhiệt liệt của muôn loài về một thế giới đại đồng, “muôn loài cùng nhau kết làm anh em”. Đây là phần thưởng cho cả hai vì sự kiên trì cùng lòng tốt của họ. Với tính cách thân thiện, cởi mở, Dế Mèn và Dế Trũi mở rộng dần các mối quan hệ với nhiều người: Châu Chấu Voi, Chuồn Chuồn, Kiến, Xiến Tóc… Nhờ có lí tưởng tốt đẹp và phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng, anh em Dế Mèn đã dần thay đổi nhận thức của các bạn ở xóm Cá, Bọ Ngựa, Bọ Muỗm, Nhện, Nhái Bén, Cóc, Ếch, Rắn Mòng... Bỏ qua những thù hận, xung đột của ngày trước, tất cả đều mong muốn làm bạn với anh em Dế Mèn, Dế Trũi…Từ đây có thể thấy rằng: chỉ cần có mục đích tốt đẹp và sự chân thành, tất cả mọi người đều có thể đoàn kết và sống vui vẻ với nhau; mối quan hệ làng xóm, cộng đồng vì thế cũng trở nên tốt đẹp hơn.

Gần gũi với tình bạn chung thủy của Dế Mèn và Dế Trũi, tình bạn giữa Kiến Lửa và Kiến Nâu (Ngàn dặm xa – Nguyễn Đình Chính) càng trở nên bền vững khi họ cùng nhau trải qua những cuộc phiêu lưu, những tình huống, những mối thâm giao, những gian nan thử thách để tìm đường về tổ. Ngoài ra, mỗi chương trong truyện Ngàn dặm xa cũng là một cuộc chiến, một sự cố

gắng để tồn tại của thế giới côn trùng. Một câu chuyện loài vật giản dị nhưng thực sự mang lại nhiều ý nghĩa giáo dục: đường đời bao la, rộng lớn, tình bạn tình tri kỉ luôn luôn là điều chúng ta cần trong cuộc sống.

Tiếp nối những sáng tác về loài vật của Tô Hoài, Nguyễn Đình Chính,

Tôi là Bêtô cũng là một câu chuyện dễ thương của nhà văn thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh về đề tài loài vật. Thông qua những mẩu đối thoại, những tình huống và cách cư xử giản dị, đời thường của chú chó Bêtô với những loài vật khác, nhà văn muốn gửi gắm những thông điệp hữu ích không chỉ với trẻ em: thông điệp về tình bạn, về mối quan hệ với những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, nhân vật Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh có những nét khác biệt với nhân vật Dế Mèn của Tô Hoài. Chú Dế Mèn trong truyện Tô Hoài không chỉ mang tính cách của một đứa trẻ hiếu động, tinh nghịch; mà hơn hết, Dế Mèn còn là một chàng dế trưởng thành, có lý tưởng, biết giúp đỡ mọi người. Không dừng lại ở những mối quan hệ trong gia đình, tình bạn giữa Dế Mèn và Dế Trũi, Tô Hoài muốn nói đến một quan hệ xã hội rộng lớn giữa muôn loài. Điều đó thể hiện qua hình ảnh chú Dế Mèn đi tìm “lý tưởng đại đồng”, muôn loài cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau. Nhân vật Dế Mèn cũng chính là biểu tượng của nhà văn trong những năm tháng khao khát một cuộc sống mới tốt đẹp. Một câu chuyện nhỏ nhưng lại chứa đựng một ý nghĩa xã hội to lớn. Với Tôi là Bêtô, thông báo quan trọng nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là tình bạn, là nền tảng đưa con người từ khuôn viên gia đình ra xã hội; là cái nhìn rộng ra ngoài gia đình, hoặc nhìn gia đình trong mối quan hệ gắn bó với xã hội. Chú chó Bêtô – biểu tượng của thế giới tuổi thơ trong cuộc sống hôm nay, đang dần mở rộng các mối quan hệ và sự ứng xử với thế giới xung quanh.

Viết về loài vật, Tô Hoài muốn nói đến các mối quan hệ trong cuộc sống của con người. Cả bạn đọc người lớn và trẻ em có thể tìm thấy cách cư xử đúng đắn được rút ra từ những chuyện loài vật. Mối quan hệ trong cuộc sống mỗi người có trở nên tốt đẹp, mở rộng hay không? Điều đó phụ thuộc vào kinh nghiệm ứng xử của mỗi người.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện viết về loài vật trước 1945 của Tô Hoài (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w