Qua tham khảo các bài nghiên cứu trước có liên quan, tác giả nhận thấy có rất nhiều yếu tố tác động đến tỷ lệ thanh khoản ngân hàng. Các biến đặc trưng về yếu tố ngân hàng đều được sử dụng ở hầu hết các nghiên cứu, còn các biến vĩ mô thì tùy từng nền kinh tế mà được sử dụng để nghiên cứu hay không.
Sau khi xem xét số liệu của 38 ngân hàng thương mại tại Việt Nam (trong đó có một ngân hàng thương mại nhà nước và 37 ngân hàng thương mại cổ phần), tác giả đã sử dụng dữ liệu của 28 ngân hàng để nghiên cứu (các ngân hàng còn lại bị loại trừ vì không thu thập đầy đủ dữ liệu để tính toán). Như đã trình bày trước đó, tác giả sử dụng số liệu là các báo cáo tài chính hợp nhất được công bố công khai của các ngân hàng, riêng biến vĩ mô được lấy từ World Bank.
Trong luận văn này, tác giả đã lựa chọn những biến có ý nghĩa ở hầu hết các nghiên cứu trước, và phù hợp với đặc thù nền kinh tế Việt Nam như đã lập luận ở trên. Trong đó:
34
- Biến phụ thuộc phản ánh tỷ lệ thanh khoản tại ngân hàng là: Tài sản thanh khoản trên tổng tài sản.
- Các biến độc lập tác động đến tỷ lệ thanh khoản là: quy mô ngân hàng, tỷ lệ vốn, rủi ro tín dụng, lợi nhuận và tăng trưởng GDP.
Có một số điểm khác biệt trong việc sử dụng cách tính toán các biến của tác giả để phù hợp với thực tế tại Việt Nam. Biến quy mô ngân hàng, tác giả sử dụng Logarit tổng dư nợ thay tổng tài sản, vì tác giả kỳ vọng rằng tổng dư nợ thực sự ảnh hưởng đến thanh khoản nhiều hơn là tổng tài sản. Tổng dư nợ hiện nay của các ngân hàng Việt Nam đang chiếm tỷ trọng lớn trên tổng tài sản, mặt khác hoạt động cho vay ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn. Việc tăng trưởng dư nợ quá cao là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến tính thanh khoản của ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian qua. Do đó, tác giả cho rằng sử dựng Logarit tổng dư nợ để tính toán sẽ có tính chính xác cao hơn khi đánh giá tác động của quy mô ngân hàng lên tỷ lệ thanh khoản. Tác giả kỳ vọng đây là điểm mới của đề tài so với các nghiên cứu trước.
Biến lợi nhuận ROE được tác giả kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên tính thanh khoản của ngân hàng. Hầu hết các nghiên cứu trước đều diễn ra trước và trong khủng hoảng tài chính 2008, còn thời gian nghiên cứu của đề tài này diễn ra trong giai đoạn 2008 – 2012 là giai đoạn hậu khủng hoảng. Tác giả kỳ vọng, đây là điểm khác biệt trong kết quả nghiên cứu so với các nghiên cứu trước.