Điểm nhìn tự sự

Một phần của tài liệu vấn đề sống chết trong tiểu thuyết sống của dư hoa (Trang 82)

6. Bố cục của luận văn

3.1.3.Điểm nhìn tự sự

Điểm nhìn nghệ thuật là vị trí từ đó người trần thuật xem xét, miêu tả, đánh giá các sự vật hiện tượng trong tác phẩm. Điểm nhìn là vấn đề cơ bản, then chốt của kết cấu. Có thể nói đến điểm nhìn tác giả, điểm nhìn nhân vật, điểm nhìn không gian, điểm nhìn thời gian, điểm nhìn tâm lý, điểm nhìn văn hóa… Điểm nhìn được thể hiện qua các biện pháp nghệ thuật, ngôi kể, cách kể…

Cách thức kể chuyện trong Sống là sự kết hợp giữa hai cách kể: cách kể từ bên trong, từ xuất phát điểm là thế giới nội tâm, là dòng tâm tư của bản thân nhân vật; và cách kể từ bên ngoài dựa trên góc nhìn của người được nghe toàn bộ câu chuyện. Cả hai nhân tố kết nối lại để tôn tạo cho chân dung nhân vật được kể. Như vậy ở đây có hai trình tự kể liên quan tới nội dung của hai tuyến truyện và vì thế ngôi kể cũng được phân định rất rõ. Ở tuyến thứ nhất, ngôi kể là ngôi thứ nhất số ít; ở tuyến truyện thứ hai ngôi kể vẫn là ngôi thứ nhất số ít, liên quan tới điểm nhìn trần thuật của nhân vật người kể chuyện. Đây là cách kể với dạng kết cấu cốt truyện khung, truyện lồng truyện.

Tiểu thuyết Sống xây dựng tầng cốt truyện và tầng siêu cốt truyện. Tầng cốt truyện người tự thuật là ông lão Phú Quý kể về Phú Quý thời quá khứ. Cấp độ siêu cốt truyện ở văn bản còn có một người tự thuật xưng “tôi”, cũng có thể nói tác giả ẩn kín, một “tôi” đi về các vùng quê thu thập ca dao dân ca là “tôi” ở quá khứ so với hiện tại “tôi” trẻ hơn mười tuổi. Trong văn bản lặp nhiều lần: “lúc còn trẻ hơn bây giờ mười tuổi” [25, tr.9] hay “trẻ hơn bây giờ mười tuổi” [25, tr.12]. Vì thế toàn bộ văn bản có ba góc nhìn quan trọng: Phú Quý nhìn lại quá khứ của mình, “tôi” khi sưu tầm dân ca nhìn Phú Quý, “tôi” ở hiện tại nhìn lại quá khứ có “tôi” và Phú Quý.

Hai người tự thuật ngôi thứ nhất, “tôi” hiện tại và Từ Phú Quý. Họ khác nhau về tác dụng tự thuật của mình, liên quan đến hai tầng tự thuật. Một tầng là Phú Quý kể cho “tôi” đi thu thập ca dao dân ca cuộc đời của anh ta. Đây chính là điểm nhìn bên trong của toàn bộ câu chuyện. Tầng thứ hai là “tôi” hiện tại kể cho độc giả về “tôi” quá khứ được nghe Phú Quý kể chuyện và kể lại câu chuyện theo một phương thức khác; qua “tôi” để gắn quá khứ với tương lai, là điểm nhìn bên ngoài.

81

3.1.3.1. Điểm nhìn bên trong

Đầu những năm 1990 Dư Hoa viết Gào thét trong mưa bụi, trong sáng tác, Dư Hoa cảm nhận được sức mạnh của câu chuyện đến từ phần tự thuật, sức mạnh của nhân vật, sức mạnh của số phận, “tôi bắt đầu ý thức được nhân vật có tiếng nói, tôi cần phải tôn trọng tiếng nói của họ, hơn nữa tiếng nói ấy phong phú hơn hẳn giọng tự thuật” (Tôi có thể tin ở chính mình – Nhật báo Nhân dân – 1998). Đến với Sống, nhà văn càng ý thức hơn phương thức sáng tác sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận của độc giả. Việc lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn càng quan trọng với một tác phẩm không vận dụng nhiều kĩ thuật sáng tác nhưng đem lại sự cảm động.

Dư Hoa đã khái quát sơ lược quá trình viết tiểu thuyết này với câu chuyện nghe một bài dân ca và hình thành ý tưởng. “Tôi được nghe một bài dân ca nước Mĩ ‘Người hầu da đen’. Trong lời ca, người hầu da đen già ấy đã từng trải qua một cuộc đời gian nan, khổ sở, những người ruột thịt trong gia đình đều lần lượt qua đời trước mình, còn ông vẫn đối xử với thế giới một cách hữu hảo, không hề có một câu oán thán. Bài ca này đã làm tôi xúc động sâu sắc và tôi quyết định viết một câu chuyện như vậy” [25, tr.196]. “Khi đó trong suy nghĩ của tôi là hình ảnh: mùa hè, phía nam, một người nông dân cày ruộng, mặt đầy nếp nhăn. Số phận của nhân vật sau này mới xuất hiện” (Sống là lời văn có sức mạnh nhất – Trả lời Hội liên hiệp Văn hóa).

Dư Hoa nhận ra phong cách sáng tác tiên phong làm cho nhân vật trong tác phẩm có khoảng cách nhất định với độc giả. Thế nên nhà văn đã thay đổi khi viết Sống: “khi bắt đầu viết ‘Sống’ cũng dùng bút pháp như vậy nhưng càng viết càng không trôi chảy cuối cùng đổi thành một nhân vật xưng “tôi”, sửa như thế nên viết thành mạch suôn sẻ. Qua viết ‘Sống’ tôi tìm được phương thức mộc mạc nhất” (Sống là lời văn có sức mạnh nhất – Trả lời Hội liên hiệp Văn hóa).

Tác giả Dư Hoa đã từng hao tổn tâm huyết: “ban đầu tôi dùng góc độ của người bàng quan để sáng tác cuộc đời Phú Quý thì khó khăn chồng chất, sáng tác của tôi khó tiếp tục; có một ngày tôi đột nhiên bắt nguồn từ góc độ ngôi thứ nhất, để Phú Quý kể về cuộc sống của mình, vì thế kì tích xuất hiện, cấu tứ đồng dạng, khi dùng phương thức sáng tác ngôi thứ ba thì không thể phát triển, sau khi đổi sang ngôi thứ nhất thì không có gì ngăn cản, tôi hết sức thuận lợi viết xong ‘Sống” (Đối thoại văn học ngày đầu năm mới). Sách lược tự sự của tác giả, tự sự ngôi thứ nhất khai thác góc nhìn hồi tưởng, ngôi thứ nhất kì

82

thực ra là một loại hình thức tự sự giới hạn “tôi kể anh nghe”, là người tự thuật và độc giả giao lưu đối mặt, không nói chuyện người khác mà nói chuyện mình.

Người tự thuật xưng “tôi” với điểm nhìn bên trong tạo ra nội dung, tiết tấu, giọng điệu và mục tiêu tự thuật làm cho độc giả không biết đã bị thuyết phục. Độc giả sẽ nảy sinh tình cảm đồng tình với người tự thuật, làm tăng thêm sức mạnh tự thuật của tiểu thuyết.

Sống là câu chuyện một ông lão nhớ lại gian khổ cuộc đời mình, trên tầng câu chuyện của văn bản, tác giả dùng điểm nhìn của ông lão để tự thuật toàn bộ câu chuyện.

Tác giả tách rời người tự thuật làm cho tiểu thuyết vô hình chung tinh tế và chân thật hơn, nhất là nhân vật chính lần lượt đối mặt với đả kích gian khổ và tử vong, sự chịu đựng đau đớn này nếu không dùng tự sự ngôi thứ nhất sẽ không thể biểu đạt chân thành tha thiết được như thế. Điểm nhìn bên trong tác động làm cho câu chuyện chân thực hơn, thể hiện cảm xúc phù hợp với biến cố diễn ra trong cuộc đời mình.

Cảnh sau cái chết Phượng Hà, hình ảnh cô nằm trong gian nhà nhỏ, mưa tuyết rất to, hoa tuyết rơi lả tả. Nhị Hỷ cõng vợ về rất bi thương, “lúc ấy trời đã tối, đường phố toàn là tuyết, không thấy một bóng người, gió tây bắc thổi vù vù, hoa tuyết tạt trên mặt chúng tôi rát rạt y như ném cát” [25, tr.167]. Về đến nhà, Phú Quý nhìn vào: “cái bóng Phượng Hà và Nhị Hỷ in trên tường, chừng ấy cũng khiến tôi đau khổ tới mức không nhìn tiếp được. Hai cái bóng ấy vừa đen vừa to, một bóng nằm, một bóng như đang quỳ. Chỉ có nước mắt của Nhị Hỷ đang rơi, tôi nhìn thấy từng chấm từng chấm đen to rỏ xuống giữa hai cái bóng” [25, tr.167]. Phú Quý nhìn bóng người càng làm cho đau khổ đến tột cùng, khuếch đại cái bóng chính là khuếch đại nỗi đau, cảnh tượng thê lương và đau buồn đến đây được tô đậm hoàn toàn thông qua góc nhìn của Phú Quý.

Mặt khác tác giả nắm rất chặt chẽ giới hạn quy tắc tự sự ngôi thứ nhất. Trong quá trình nhớ lại của ông lão, thời trẻ có những chuyện Phú Quý không có mặt, không nhắc tới. Chẳng hạn cuộc sống Gia Trân khi cha vợ đón về như thế nào, Gia Trân trở về có bị ngăn cản hay không, hai năm Phú Quý bị bắt lính thì gia đình ra sao. Dù phát triển câu chuyện thì sự kiện rất quan trọng, chỉ là thông qua người khác thuật lại như chuyện Phượng Hà câm điếc, hay cái chết Nhị Hỷ. Góc nhìn ngôi thứ nhất là lựa chọn sách lược tự sự của tác giả làm người đọc xúc động và đạt hiệu quả hơn so với tự sự ngôi thứ ba.

3.1.3.2. Điểm nhìn bên ngoài

Nhân vật “tôi” là anh thanh niên đi về các vùng quê thu thập ca dao dân ca. Những bài dân ca chứ đựng phong tục tập quán của nhân dân, không chỉ thế “tôi” còn thuật những

83

câu chuyện lí thú của con người nông thôn thấm hơi bùn đất làm độc giả cảm thấy mới mẻ. Sau những chuyện lí thú làm nền cho văn bản, “tôi” tự nhiên dẫn dắt đến câu câu chuyện của Phú Quý. Câu chuyện được gợi ra thông qua tên gọi của con trâu già đang cày ruộng làm độc giả chờ đợi, cuốn hút nên không thể không đọc tiếp câu chuyện.

Phương thức tự thuật độc đáo, nhân vật xưng “tôi” với điểm nhìn bên ngoài so với câu chuyện đang diễn ra. Ở đây chính “tôi” ở hiện tại nhìn lại quá khứ có “tôi” và Phú Quý. Ngôi tự thuật “tôi” vẫn thể hiện suy nghĩ của mình, có vài chi tiết sơ lược về cuộc đời mình và hành trình bản thân đang đi, nhưng xét ở góc độ toàn bộ câu chuyện thì đã có sự di chuyển điểm nhìn. Góc nhìn hồi tưởng có thể làm cho người tự thuật căn cứ vào yêu cầu tự sự nhảy ra hàng rào tự sự ngôi thứ nhất thực hiện tự sự gần như ngôi thứ ba quan sát với điểm nhìn bên ngoài, một phương thức tự sự mới mẻ.

Điểm nhìn của “tôi” hiện tại không còn là chàng trai trẻ năm nào, nay đã trưởng thành hơn. Nếu nhìn về quá khứ thì góc nhìn sẽ thay đổi đi so với thời điểm tiếp nhận câu chuyện. “Tôi” của mười năm sau có quyền đưa ra cảm nhận chủ quan của mình về câu chuyện được nghe và về bản thân mình trước đó. Điểm nhìn bên ngoài có tác dụng dẫn dắt câu chuyện, sắp xếp thời gian, không gian bởi đó là góc nhìn hồi tưởng. Toàn bộ sự kiện đều xuất hiện trong quá khứ, nhưng tiến trình tự thuật lại ở hiện tại, làm cho tự thuật “tôi” ở hiện tại thu được ý nghĩa thực tế vô cùng phong phú, phức tạp.

Tôi” mười năm sau quan sát dùm cho độc giả chân dung “tôi” quá khứ và Phú Quý lúc kể chuyện. Chàng thanh niên hăng hái nhiệt huyết trên những con đường nông thôn, khỏe thì đi, mệt thì nghỉ, uống nước của nông dân, ăn dưa ngay trên đồng, ngồi ở bậc cửa nghe câu hát dân ca. Anh ta “đầu đội mũ lá rộng vành, chân đi dép lê, một cái khăn mặt giắt vào thắt lưng da ở đằng sau như cái đuôi đập vào mông” [25, tr.10]. Ông già Phú Quý thì vui vẻ kể chuyện, “nụ cười trên khuôn mặt đem sạm của ông già trông rất tươi, những nếp nhăn trên mặt uốn lượn một cách vui vẻ, bám đầy bùn đất ở bên trong, trông như những con đường mòn ngang dọc trên đồng ruộng” [25, tr.14-15].

Điểm nhìn bên ngoài của “tôi” bày tỏ được thái độ đối với sự tình câu chuyện. “Tôi” đã chăm chú nghe chuyện với sự cảm động, tuy không thực sự nói ra và “tôi” đã thể hiện được góc nhìn của chính tác giả. “Ngày hôm ấy, tôi ngồi ở dưới bóng cây cho đến mãi chiều tối. Tôi không đi bởi vì câu chuyện ông già kể chưa kết thúc” [25, tr.82] và “buổi chiều hôm đó tôi cứ ngồi nhìn ông Phú Quý cày ruộng. Ngay từ đầu, tôi đã biết mình khó mà quên được người đàn ông này” [25, tr.83]. Trong một buổi chiều chàng trai nghe toàn bộ một đời

84

người, ông lão cảm động vì được chia sẻ, ngược lại chàng trai ấy cũng nhớ mãi chiều hôm ấy, “tôi đề nghị ông tiếp tục kể về mình, ông nhìn tôi có phần cảm động, phảng phất như thể tôi đang làm việc gì đó vì ông, bởi vì thân thế của ông được người khác coi trọng nên ông tỏ ra vui vẻ” [25, tr.84-85]. “Tôi” nghe được giọng hát của ông lão Phú Quý tuy khàn khàn, hơi thô nhưng chứa chan tình cảm. Con người già nua ấy kể chuyện cuộc đời thăng trầm những tưởng chẳng ai có thể gánh chịu nổi. Vậy mà ông nhìn lại chặng đời hơn bốn mươi năm ấy với thái độ bình thản, tưởng như thoáng qua như cơn gió nồm mùa hè mát rượi. “Tôi” nghe xong vẫn chẳng tỏ thái độ gì rõ rệt, chỉ đứng nhìn bóng Phú Quý và con trâu đi xa dần và “ngắm nhìn ruộng đồng bao la lộ rõ bộ ngực chắc nịch, đó là tư thế vẫy gọi, giống như người mẹ vẫy gọi con cái, đồng ruộng đang vẫy gọi bóng đêm về” [25, tr.192]. Chàng trai yên lặng, không đưa ra một câu hỏi nào, không lời bình luận về bất cứ chi tiết, nhân vật nào trong câu chuyện được nghe. Thoạt qua có vẻ như một thính giả không cảm xúc, nhưng điều đọng lại chắc chắn là sự cảm động từ tận đáy lòng.

Điểm nhìn bên ngoài xưng “tôi” chính là phương thức tự thuật khác với tự sự truyền thống đơn thuần với một người tự thuật một ngôi kể. Dư Hoa đã sử dụng cả hai người tự thuật xưng “tôi” với hai điểm nhìn khác nhau như vậy vừa để tạo ra một không khí tường thuật cốt truyện, vừa soi chiếu nhiều góc nhìn thời gian dễ dàng hơn.

Một phần của tài liệu vấn đề sống chết trong tiểu thuyết sống của dư hoa (Trang 82)