Nhân sinh quan sống chết trong tác phẩm

Một phần của tài liệu vấn đề sống chết trong tiểu thuyết sống của dư hoa (Trang 40)

6. Bố cục của luận văn

2.1.2. Nhân sinh quan sống chết trong tác phẩm

Dư Hoa đã thể hiện nhiều quan niệm về sinh tử trong Sống. Bên cạnh sự ảnh hưởng văn hóa Đông Tây về triết học sinh tử thì nhà văn cũng có những quan điểm riêng mang tính triết lí của mình thông qua phát ngôn của các nhân vật. Nhìn chung sự tiếp thu về triết học sinh tử thể hiện rõ rệt nhất có thể kể đến là triết học Lão Trang và Phật giáo.

39

Tên tiểu thuyết ngược với nội dung – kể câu chuyện về cái chết. Với tác phẩm như thế, người đọc muốn tìm được một lời giải thích thỏa đáng, hiểu được ý nghĩa tư tưởng, khám phá những triết lí nhân sinh sâu sắc.

2.1.2.1. Thái độ đối mặt với cuộc sống gian khổ

Tên tác phẩm này là Sống, một từ “sống” trong ngôn ngữ Trung Quốc tràn đầy sức mạnh, sức mạnh của nó được nhấn mạnh ở tính chịu đựng. Dư Hoa từng khẳng định trong một bài phỏng vấn: “trong toàn bộ tác phẩm đến giờ của tôi thì đó là nhan đề hay nhất, là từ có sức mạnh nhất của ngôn ngữ Trung Quốc. Ý nghĩa từ này không phải là tấn công, kêu gào mà là chịu đựng, về khả năng chịu đựng của con người thật phi thường” [dẫn theo 71]. Con người nên chịu đựng hiện thực dù đó là hạnh phúc hay gian khổ, cao cả hay tầm thường. Sống dưới ngòi bút Dư Hoa miêu tả trạng thái cận kề tuyệt vọng chính là điểm mấu chốt trở thành động lực của sinh tồn. Nhà văn giải thích con người làm thế nào để chịu đựng gian khổ, con người: “vì bản thân sự sống mà sống, không vì bất cứ sự vật nào ngoài sự sống” [25, tr.196]. Nhân vật Phú Quý không hề tỏ ra bi quan mà sống lạc quan. Lạc quan không phải biểu hiện hi vọng và tin tưởng mà hài lòng với số phận, tự biết vui với chính mình, khẳng định giá trị bản thân sự sống.

Theo lời Dư Hoa nói, bản thân Sống không lên án và vạch trần mà hướng về phía nhân dân phô bày cái cao thượng, “viết về năng lực chịu đựng của con người trước khổ đau hoạn nạn và thái độ lạc quan đối với thế giới” [25, tr.196]. Sống phô bày đầy đủ giải thích rõ ràng của Dư Hoa về nhân sinh mới, con người chịu đựng, khoan dung đối với khổ nạn và nhắn nhủ con người rằng “chịu đựng” cũng là một phương thức chống đỡ khổ nạn để sống kiên định, vững vàng.

Phú Quý không hề phản kháng, chịu đựng số phận để sống tiếp, chính là kiểu “đấu tranh” với gian khổ của nhân vật này. Có thể coi đây là kiểu nhân vật thụ động nhưng xét lại, với Phú Quý mà nói, gian khổ dồn dập kéo đến đều không phải là “khổ nạn” bình thường, đó là loại gian khổ không thể lường trước được để chống cự. Phú Quý không biết vận hạn sẽ ở nơi nào đợi chờ mình, nên chỉ có thể dùng cách không làm gì với số mệnh. Ở đây không đấu tranh chính là cách đấu tranh tốt nhất. Phú Quý không có năng lực thay đổi số phận của mình, gặp gian khổ gì đi nữa anh ta vẫn sống bằng sự kiên cường, càng quý trọng tính mạng mình hơn và chọn cách lặng lẽ chịu đựng sinh tồn.

Ai cũng ngạc nhiên với sức sống mãnh liệt của một ông lão già nua, ốm yếu. Cuối đời ông sống cùng một con trâu già, ngày ngày cùng trâu ra đồng, trò chuyện với nó như

40

một người bạn. Ông lão gọi con trâu già là “Phú Quý”, cùng nó trò chuyện tâm tình: “hôm nay Hữu Khánh, Nhị Hỷ đã cày xong một mẫu. Gia Trân, Phượng Hà cũng cày được bảy tám sào. Khổ Căn còn bé mà cũng cày được nửa mẫu. Còn mày cày được bao nhiêu ta không nói ra, nói ra mày sẽ bảo tao bôi bác làm mày xấu hổ” [25, tr.191]. Cả làng đều nhận xét cả hai có sự giống nhau kì lạ, “hai lão già không già” [25, tr.190], thậm chí con trâu còn được đặt tên là Phú Quý. Phải chăng con người sống khổ sở đến lúc nào đó nhận ra rằng đời mình chẳng khác gì con trâu, “nghĩ bụng làm thân con trâu thật đáng thương, thay người kéo cày kéo bừa khó nhọc cả một đời, khi về già, không còn mấy sức nữa thì bị người giết ăn thịt” [25, tr.188].

Phương thức chịu đựng khổ nạn của Phú Quý chính là một chữ “nhẫn”. Nếu gian khổ không còn thì dễ làm hao mòn ý chí con người, nhờ nó thúc đẩy sức mạnh sống sót của Phú Quý. Gian khổ là một phần cuộc sống, gian khổ tôi luyện sức mạnh, niềm tin, lòng dũng cảm cho con người. Vì quá trình sống phải trải qua hết thử thách khổ nạn lớn nên nhân vật Phú Quý đến cuối đời đạt được sự yên ổn tâm hồn.

Phú Quý lúc còn trẻ là một công tử phóng đãng sống buồn chán, tẻ nhạt; đời sống vật chất đầy đủ khó bù đắp nổi sự rỗng tuếch tinh thần, “sống ngày nào hay ngày ấy, suốt ngày uể oải, sáng sớm nào cũng buồn tình không biết hôm nay sống ra sao” [25, tr.17]. Anh ta đi học sẽ có anh làm thuê Trưởng Căn cõng trên lưng, dạo phố thì cưỡi trên lưng cô gái điếm như cưỡi ngựa, cả ngày ở thanh lâu đánh bạc. Anh ta đem toàn bộ gia sản, ruộng đất ông cha đánh trong một đêm thua sạch. Gia nghiệp nhà họ Từ vất vả tích cóp theo năm tháng, là quá trình: “nuôi một con gà con, gà nuôi to rồi biến thành ngỗng, ngỗng nuôi to rồi biến thành dê, dê nuôi to rồi biến thành trâu” [25, tr.38], đến đời Phú Quý như lời người bố nói: “đến tay tôi thì con trâu nhà họ Từ biến thành con dê, dê lại biến thành ngỗng; truyền đến anh, thì ngỗng biến thành gà, bây giờ thì ngay đến gà cũng không có” [25, tr.38].

Cho dù có gặp chuyện gì đi chăng nữa thì nhân vật này vẫn luôn trân trọng cuộc sống, không hề nghĩ rằng mình phải từ bỏ, luôn tâm niệm như lời người mẹ đã dặn dò: “chỉ cần còn người là vui rồi, nghèo cũng không sợ” [25, tr.40]. Thậm chí dùng triết lí “sống” của mình để dạy con trâu không chịu cày ruộng, mỗi người sống cần có vai trò của mình và phải hoàn thành: “làm thân con trâu thì phải kéo cày, làm thân con chó thì phải giữ nhà, làm ông hòa thượng thì phải xin của bố thí, làm thân con gà trống thì phải gáy sáng, làm thân đàn bà thì phải dệt cửi. Thử hỏi con trâu nào không phải kéo cày? Cái lí này có từ ngày xửa ngày xưa” [25, tr.12].

41

Dư Hoa viết về quá trình sinh tồn của tầng lớp nông dân đối mặt nhiều gian khổ, chết chóc. Con người nhất định phải đối mặt hoặc hoàn cảnh hiện thực như thế, phải gánh vác áp lực sinh tồn mà không có cách gì chạy trốn. Trong Quá trình sáng tác của tôiDư Hoa nói:

Nhân vật chính trong sách tôi đều là người lương thiện, họ không ngừng gặp gian khổ, thất bại hoặc cái chết. Nhưng tôi không lên án sự tàn bạo của số phận, ngược lại tôi hi vọng bạn đọc được ở họ sự dẻo dai của số phận, sức mạnh, tình yêu, tình bạn, luôn hài hước, vui vẻ cười vang thích thú. Họ coi thường vận mệnh hung tàn, tự mình tồn tại [dẫn theo 78].

Thái độ sống của Phú Quý vẫn toát lên niềm hi vọng và lạc quan. Sống trở về sau chiến tranh, chứng kiến cái chết của Long Nhị, Phú Quý đã nhủ rằng: “nạn lớn không chết tất sẽ có phúc về sau. Tôi nghĩ, nửa đời về cuối của mình sẽ mỗi ngày một khấm khá” [25, tr.80]. Cho dù không được như kì vọng thì Phú Quý vẫn truyền tinh thần ấy cho cháu mình: “hai con gà này nuôi lớn biến thành ngỗng, ngỗng nuôi lớn biến thành cừu, cừu lớn lại biến thành trâu, chúng ta cũng càng ngày càng có tiền” [25, tr.182]. Hình ảnh một người một trâu cặm cụi cày mảnh ruộng nứt nẻ, “nụ cười trên khuôn mặt đen sạm của ông già trông rất tươi, những nếp nhăn trên mặt uốn lượn một cách vui vẻ, bám đầy bùn đất ở bên trong, trông như những con đường mòn ngang dọc trên đồng ruộng” [25, tr.14-15], và vẫn vang lên giọng hát lạc quan vào cuộc sống đã nói lên tất cả. Lời ca vui vẻ: “Hoàng đế cho ta làm con rể - đường xa vời vợi ta không đi” [25, tr.13], đó là thái độ sống làm cho lòng người vừa ngạc nhiên vừa cảm động.

Phú Quý chọn cách đối mặt cuộc sống không chỉ ở tinh thần chịu đựng, lạc quan, hi vọng mà còn ở cách sống cao thượng, tử tế với cuộc đời cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Phú Quý nhiều lần nhắc nhở bản thân phải thay đổi sau nhiều sai lầm. Sai lầm lớn nhất trong cuộc đời chính là dính vào chuyện cờ bạc, đến khi thua sạch thì vô cùng buồn khổ, “người ta ai cũng thế, khi thò tay vào túi người khác móc tiền ra thì ai nấy cũng hớn ha hớn hở; đến lượt mình bỏ tiền ra, thì ai ai cũng mếu máo như đưa đám” [25, tr.23]. Dù sao Phú Quý vẫn ý thức được mình phải trả nợ, cha anh ta cũng dặn dò điều đó: “Phú Quý này, nợ cờ bạc cũng là nợ, xưa nay không có cái lý nào không trả nợ. Bố đã thế chấp hơn một trăm mẫu ruộng và cả ngôi nhà này, ngày mai họ sẽ đem tiền đồng đến. Bố già rồi, không gánh được nữa, con sẽ tự gánh tiền đi trả nợ” [25, tr.33]. Phú Quý thực sự tỉnh ngộ, biết quý trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt của cha ông: “tôi thầm nghĩ, mình mới gánh có một ngày tiền mà người đã rã rời cả ra, đời ông nội kiếm ra ngần ấy tiền không biết bao nhiêu người chết

42

mệt. Đến bây giờ tôi mới biết tại sao bố tôi không lấy tiền bạc mà lấy tiền đồng, bố tôi muốn tôi biết cái lý này, muốn tôi hiểu làm ra đồng tiền là hết sức khó khăn”[25, tr.35].

Phú Quý sống sót trở về sau chiến tranh giải phóng, tâm niệm với bản thân: “Phen này phải sống cho tử tế” [25, tr.80]. Phương châm sống ở đời của Phú Quý rất gần với “ngũ giới” của Phật giáo, nhân vật này thể hiện cách nhìn nhận của mình sau khi nghe câu chuyện về một anh chàng đã có vợ lại đi vụng trộm với phụ nữ khác: “Làm người không được quên bốn điều: Không nói lời sai, không ngủ nhầm giường, không bước nhầm ngưỡng cửa, không được sờ nhầm túi” [25, tr.84]. Theo Phú Quý đó chính là những đạo lí sống quan trọng ở đời, làm người phải tuân thủ, sống thật tốt.

Phú Quý không oán hận cuộc đời, luôn đối đãi tốt với mọi người, không kể là người thân. Từ đầu đến cuối, anh ta mong muốn người đồng đội là Xuân Sinh sống tốt, điều khó mà làm được đối với người khác. Phú Quý biết rằng con trai mình chết vì hiến máu cho vợ Xuân Sinh nhưng chưa hề tỏ ra thù hận. Xuân Sinh đến tìm Phú Quý để từ biệt thì nhận được lời khuyên: “Anh đừng có lẩn thẩn, người chết ai cũng muốn sống lại, còn người sống sờ sờ như anh không thể chết được […] Mạng sống của anh là của bố mẹ cho, anh không cần mạng sống nữa thì đi hỏi bố mẹ đã. […], anh càng phải sống tử tế” [25, tr.142] và nhắn nhủ: “Xuân Sinh ơi, nghe lời tôi đừng có chết đấy nhé” [25, tr.142]. Coi trọng mạng sống như thế nên Phú Quý nhận ra rằng cuộc sống mỗi người cần phải gìn giữ cho bản thân, vì không ai sống thay cho ai cả. “Một con người mạng có to đến mấy, nếu bản thân đã muốn chết, thì cũng không làm sao giữ nổi” [25, tr.143]. Người muốn chết thì khó lòng ngăn cản được, Xuân Sinh tự tử vì không thể vượt qua những dồn nén, áp lực nặng nề của cách mạng văn hóa.

Từ Phú Quý là một người nông dân hết sức bình thường, sống nghèo khổ, lam lũ nhưng bản chất luôn là người lương thiện, tốt bụng, phấn đấu sống cao thượng, tử tế. Đó là người chồng từng có một thời chơi bời khiến vợ con chịu khổ nhưng đến khi quay đầu thì trở thành người hết lòng vì gia đình, không ngại hi sinh cho vợ con. Dư Hoa với tiểu thuyết đầu tay Gào thét trong mưa bụi xây dựng hình ảnh người cha Tôn Quảng Tài là tên vô lại, xấu xa, tàn nhẫn. Đến với Sống, Phú Quý vẫn là người nông dân chịu nhiều cay đắng cuộc đời nhưng lại sống tốt đẹp, ấm áp.

Không chỉ thể hiện thiện tính ở nhân vật Phú Quý, nhà văn còn dùng ngòi bút làm nổi bật sự lương thiện của hầu hết các nhân vật khác trong tiểu thuyết. Từ người vợ Gia Trân hiền lành cho đến cả đứa trẻ Khổ Căn cũng biết được sự ấm áp tình thân. Mỗi người

43

bọn họ đều ra sức chịu đựng cùng nhau để sống. Họ mất đi lại làm cho những điều tốt đẹp ấy sống mãi trong lòng Phú Quý.

Trong tiểu thuyết nhân vật Gia Trân tỏa ánh sáng của vẻ đẹp và nhân tính. Gia Trân xuất thân con chủ buôn gạo giàu có ở tỉnh, từ khi lấy Phú Quý cô đã bắt đầu gánh chịu nhiều khổ cực, gian truân nhưng chưa bao giờ than thở, trách móc. Cô âm thầm chịu đựng việc chồng đi nhà chứa, nhẹ nhàng nấu một bữa cơm để nhắc nhở. Cô cùng chồng vượt qua những tháng ngày nghèo đói nhất, ngày chăm chỉ ra đồng, đêm cặm cụi may vá, chưa bao giờ được ngơi tay. Gia Trân còn mắc phải căn bệnh vô cùng đau đớn, chân tay dần không cử động được, cô vẫn làm cho đến lúc không thể được, “tôi nhặt kim đưa cho vợ, Gia Trân vừa cầm lại rơi xuống, cô ấy đã khóc. Đây là lần đầu tiên vợ tôi khóc sau khi bị ốm. Gia Trân đau khổ vì không bao giờ làm việc được nữa” [25, tr.110]. Vì thế, Phú Quý đã thốt lên: “ ấy là một người đàn bà tử tế, đời tôi kiếm được một người vợ thảo hiền như vậy, có lẽ do kiếp trước làm chó sủa một đời đánh đổi lại” [25, tr.20-21]. Cả cuộc đời cô hi sinh cho chồng con, ước mơ về hạnh phúc của cô đơn giản vô cùng nhưng mãi vẫn xa xôi, vô định, “em cũng không muốn phải có hạnh phúc gì, chỉ cần năm nào cũng làm được cho anh một đôi giày mới” [25, tr.80]. Phú Quý thương, hiểu cho vợ mà chẳng thể làm gì, “nhìn khuôn mặt già đi nhiều của Gia Trân, tôi cay đắng trong lòng, Gia Trân nói đúng đấy, chỉ cần người trong nhà ngày nào cũng sống bên nhau, thì chẳng bận tâm đến hạnh phúc làm gì nữa” [25, tr.80]. Cho nên đến lúc chết Gia Trân vẫn còn xót xa vì cái chết của con trai, đau đáu nỗi niềm lo cho tương lai con gái.

Sống chính là một quá trình tự nhiên. Chính bản thân sự sống mang lại cho nhân vật sự an ủi lớn lao. Như lời một tờ báo của Ý (21/7/1997) nhận xét: “Đây là câu chuyện kể về cái chết nhưng muốn chúng ta học được làm thế nào để không chết”.

Cuối tác phẩm, Phú Quý hát: “Còn trẻ đi lăng quăng - Đứng tuổi muốn tìm vàng - Về già làm hòa thượng” [25, tr.191]. Câu hát ấy như tổng kết cả cuộc đời Phú Quý, chứa đựng chân lí nhân sinh sâu sắc. Tuổi ông lão đã già, tuy không phải là người tu hành nhưng có khác mấy với người nhà Phật. Ông đã hoàn toàn thoát khỏi những vướng mắc và vật lộn sống chết. Chính thái độ bình thản ấy nhìn chăm chú nhân sinh đã giúp cho nhân vật chiến thắng ngoan cường năm tháng.

2.1.2.2. Thái độ đối mặt với cái chết

Tục ngữ Trung Quốc có câu: “dù có ngàn khoảnh ruộng tốt cũng chỉ ngủ trên chiếc giường năm thước” (Gia hữu thiên khoảnh lương điền, chỉ thụy ngũ xích cao sàng). Cho dù

44

người sang hay kẻ hèn đến tối cũng cần một chiếc giường để ngủ, và giấc ngủ ấy đến lúc sẽ trở thành ngàn thu. Một câu tục ngữ khác cũng nói: “người không trăm ngày tốt, hoa chẳng nghìn ngày hồng”, ai cũng đến lúc nào đó phải từ giã cõi đời để đi vào cõi chết, có dùng bất cứ từ ngữ hoa mĩ nào thay thế từ chết thì cái chết vẫn đến một cách công bằng, người nào cũng vậy.

Một phần của tài liệu vấn đề sống chết trong tiểu thuyết sống của dư hoa (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)