6. Bố cục của luận văn
2.3.1. Sống chết theo quan niệm của mĩ học
Từ Đông đến Tây, ý nghĩa xã hội, đạo đức, triết lí dần dần chuyển hóa thành ý nghĩa mĩ học. Vấn đề sống chết trong tác phẩm theo quan niệm của mĩ học xét với cảm hứng bi kịch. Bi kịch ở đây được xem là một phạm trù thẩm mĩ, chứ không xét dưới góc độ một thể loại của văn học kịch và sân khấu. Theo các nhà mĩ học, bản chất cái bi là sự xung đột, xuất hiện khi có sự xung đột giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, gắn với nỗi đau khổ của con người. Xung đột trong bi kịch không là xung đột thông thường mà nó mang ý nghĩa xã hội, lịch sử, nhân sinh. Ở đó con người phấn đấu để vượt lên chính mình.
“Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê” (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều) Bản chất cuộc sống vốn chứa đựng nhiều đau khổ, thử thách đối với con người. Vấn đề sống chết nhìn dưới góc độ cái bi để thấy được con người đã chọn lựa đối mặt với đau khổ như thế nào.
Arthur Schopenhauer là triết gia và nhà mĩ học Đức. Ông có công trình “Thế giới là ý chí và biểu tượng”, bàn về phạm trù mĩ học của bi kịch nhân sinh. Tác phẩm này đề cập: “ý nghĩa chân chính của bi kịch là một loại nhận thức sâu sắc rằng nhân vật bi kịch phải gánh chịu, không phải cái tôi riêng mình vốn có, mà là cái tội gốc, tức là tội ác của bản thân cuộc sinh tồn”. Nhân vật của bi kịch qua đấu tranh “phải có được nhận thức hoàn chỉnh đối với bản chất của thế giới, một sự nhận thức có tác dụng như một viên thuốc thanh lọc đối với ý chí, mang lại sự thanh thản, bớt ham muốn, hơn nữa không những dẫn đến sự từ bỏ cuộc sống, mà còn vứt bỏ cả toàn bộ ý chí đối với sinh mệnh” [dẫn theo 34, tr.243]. Trong nghệ thuật, Schopenhauer nhấn mạnh bi kịch, vì nó viết ra được cái mặt đáng sợ của nhân sinh, không nhằm thay đổi mà chỉ vạch rõ sự bất hạnh, để mọi người cảm thấy nhân sinh là cả một cơn ác mộng, không có gì luyến tiếc. Đây là triết lí nhân sinh bi quan yếm thế trong mĩ học của Schopenhauer. Ông cho rằng để có thể giải quyết nỗi đau nhân thế ấy thì nên vứt bỏ ham muốn. Nhưng Schopenhauer đã đào sâu hơn bằng cách chiêm nghiệm rằng cái đau khổ lớn nhất của đời người là bởi sự ý thức về nó. Schopenhauer thấy ý chí là sự truy tìm vô tận, “con người hằng muốn nhận thức một cách triệt để, trước hết là những đối tượng mà
55
ham muốn, tiếp theo là những thủ đoạn để đạt được những đối tượng ấy”. Tiếp đến, ông hướng đến việc thủ tiêu ý chí với tư cách là động lực bên trong của sự sinh tồn, và như thế thậm chí có nghĩa là từ bỏ luôn cuộc sống để được giải thoát hoàn toàn, đạt đến cõi “bình an vững chãi” và “niềm khoái lạc trong tịch diệt” [dẫn theo 34, tr.246].
Người Trung Quốc không phân biệt rạch ròi thực thể và hư không, cho vũ trụ là khí, lúc tụ lại thì không hóa thành có, lúc tan ra thì có biến thành không, vạn vật biến hóa khôn lường. Quách Hy trong Lâm tuyền cao trí đã nhận xét: “Núi, xuân hè thì xem ra thế này, thu đông xem ra lại thế kia. Cho nên mới nói cảnh bốn mùa khác nhau… Cũng núi, sáng xem là thế này, chiều xem lại ra thế kia, cho nên mới nói sớm chiều biến thái khác nhau. Cũng núi, xem gần thì thế này, nhìn xa lại hóa ra thế kia, nhìn xa thêm mươi lần, thì lại ra thế nọ, mỗi xa mỗi khác, cho nên mới nói hình núi di chuyển từng bước. Cũng là núi nhìn thẳng thì thế này, nhìn nghiêng thì thế kia, nhìn đằng sau thì ra thế nọ, mỗi lần xem mỗi khác, cho nên nói núi phải nhìn từ nhiều mặt” [dẫn theo 34, tr.254 - 255].
Vương Quốc Duy khẳng định mệnh đề “sinh tử hữu mệnh” trong lịch sử triết học Trung Hoa chẳng qua là một ảo ảnh tồn tại trong quan niệm, chứ không phải trong trực quan, nhưng nó vẫn chi phối nhân sinh. Tiếp thu những ảnh hưởng từ Schopenhauer, Vương Quốc Duy viết trong Nhân gian từ thoại rằng: “Nhiệm vụ của mĩ học là miêu tả sự đau khổ của nhân sinh cùng con đường giải thoát, khiến ta lúc bình sinh đang chìm ngập trong thế giới gông xiềng đó, có thể lánh xa những ham muốn và tranh giành trong cõi đời, để được bình yên chốc lát, đó chính là mục đích của mọi loại mĩ học” [dẫn theo 34, tr.312]. Trong con mắt ông, những khái niệm như hiện thực, cuộc sống, nhân sinh là đồng nghĩa với khổ đau. Ban đầu để thoát khỏi thống khổ ông đề xướng con đường cấm dục, vứt bỏ ham muốn, thậm chí vứt bỏ sinh mệnh. Về sau, ông thay đổi quan niệm, xuất hiện khái niệm “chân tình cảm”, khi con người đau khổ thì mới có tình cảm thực. Đối với ông thì những kẻ tha hương, người thất thế, người nghèo, chinh phu, quả phụ… thật sự có chân tình cảm, tiếng lòng họ là cả nguồn thơ. Mọi thống khổ trên đời càng lớn, thể nghiệm càng sâu thì tình cảm càng chân thật.
Nhà mĩ học Nietzsche đã tiếp tục quan niệm nghệ thuật của Schopenhauer về bi kịch. Trong Sự ra đời của bi kịch, ông đưa ra sự đối sánh giữa tinh thần Appollonios (thần mặt trời) và tinh thần Dionysios (thần rượu) để có cái nhìn chung nhất, “theo tôi, thần mặt trời là thần bảo hộ cho nguyên lí mĩ hóa và cá thể hóa, chỉ có thể thông qua nó mới có thể thật sự giải thoát bằng cách thưởng ngoạn. Trái lại, trong tiếng hoan hô thần bí của thần rượu, ma
56
lực của cá thể hóa tan biến mất, mở đường đi đến hạt nhân của vạn vật, bà mẹ của sự tồn tại. Sự đối lập to lớn này như một hố sâu ngăn cách giữa nghệ thuật tạo hình của thần mặt trời với nghệ thuật âm nhạc của thần rượu” [dẫn theo 34, tr.317]. Tinh thần Appollonios ngự trị trên đỉnh Olempe, ngắm nhìn vũ trụ và nhân sinh như cảnh mộng và “thế giới mộng ảo” càng chân thực và quan trọng hơn “thế giới kinh nghiệm”. Nếu căn cứ vào “thế giới kinh nghiệm” để bình giá cuộc sống sẽ thấy nó đầy khuyết tật, tràn đầy khổ đau, từ đó sẽ chán đời. Người Hy Lạp đã thoát khỏi tình cảm bi quan bằng việc sáng tạo ra thế giới mộng ảo, căn cứ vào đó để giải thích ý nghĩa thật sự cuộc sống.
Nietzsche cũng nhìn thấu nỗi đau của nhân sinh, chọn lựa nhìn thẳng vào khổ đau, chủ trương vật lộn với khổ đau để thể nghiệm được niềm vui của nhân sinh. Nietzsche đã chỉ trích tất cả những hạng người bất lực coi nhẹ ý nghĩa cuộc sống, tìm niềm vui trong cái chết, đồng thời biểu dương những con người tràn đầy ý chí, tình nguyện cam chịu thống khổ để cải tạo xã hội, phá vỡ trật tự tự nhiên. Tinh thần Dionysios theo ông biểu hiện ở việc thọ nạn, “biện hộ cho tai họa của nhân loại, tức biện hộ cho tội ác của nhân loại, từ đó biện hộ cho những khổ đau mà họ phải gánh chịu. Chỉ có người đau khổ mới thể nghiệm được sự thoáng hiện hoa quỳnh của niềm hạnh phúc [dẫn theo 34, tr.320].
Aristote cho rằng bi kịch phải có tác động “thanh lọc” tâm hồn con người. “Bi kịch làm thức tỉnh tình thương và nỗi sợ hãi và qua đó thực hiện sự thanh lọc đối với những cảm xúc ấy” [2, tr.193], và “sự xót thương nảy sinh là khi ta thấy một người vô tội mà chịu bất hạnh, còn sự sợ hãi nảy sinh là khi ta thấy một người như ta lại gặp sự bất hạnh” [2, tr.198]. Ông còn cho rằng bi kịch hay nhất là bi kịch mà số phận nhân vật trong cốt truyện thay đổi từ hạnh phúc sang bất hạnh chứ không phải từ bất hạnh sang hạnh phúc. Bi kịch trong tác phẩm nghệ thuật không làm người ta chán nản bi quan mà đem lại sự “thanh lọc”. Bi kịch khích lệ và biểu dương sự sống. Nó đặt con người gần kề cái chết để càng hiểu về giá trị cuộc sống và biết trân trọng cuộc sống. Vì thế cảm xúc bi kịch đạt được không chỉ là sự đồng cảm, tiếc thương mà còn gắn với trân trọng, cảm phục với sức mạnh tinh thần của nhân vật vượt ra khỏi sự tầm thường của cuộc sống.
Nhìn chung theo quan niệm mĩ học, với sự sống chết, con người thường đối diện với bi kịch bản thân, nhưng sức mạnh để vượt qua bi kịch chính là giá trị thẩm mĩ. Đằng sau nỗi đau khổ nhân sinh, chúng ta thấy được tình cảm chân thật, niềm hạnh phúc, “thanh lọc” tâm hồn. Kết quả con người đạt được chính là niềm tin, tình yêu đối với cuộc đời cho dù phải đối mặt với bao nhiêu đau khổ, bất hạnh đi chăng nữa.
57