Cuộc sống của người Chăm Muslim (Hồi giáo) từ khi lập làng đến

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – chăm tại an giang từ thế kỷ xviii đến nay (Trang 62)

Người Chăm ở An Giang theo đạo Islam (Hồi giáo), người theo đạo Islam theo cách gọi thống nhất của thế giới là Muslim17, có nhiều cách gọi người Chăm Hồi giáo hoặc người Chăm Muslim. Hình thức xã hội của người Chăm Muslim có mô hình tổ chức và quản lý khá đặc biệt, khác với hình thức xã hội của người Chăm ở khu vực miền Trung.

Hình thức xã hội cổ truyền của Champa là hình thức xã hội theo chế độ mẫu hệ. Cho đến nay, tổ chức xã hội của người Chăm theo đạo Bà la môn ở các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận còn dựa trên mẫu hệ. Theo hình thức xã hội này, làng là nơi cư ngụ của các gia đình có chung dòng máu bên mẹ. Những người sống trong làng có mối quan hệ bà con bên mẹ mật thiết. Nếu trong làng có nhiều dòng huyết hệ cư ngụ thì những gia đình thuộc một dòng huyết hệ sẽ ở trong những căn nhà dựng gần nhau. Người đại diện cho dân trong các làng Chăm này là các giáo sĩ và người lớn tuổi. Nhiệm vụ của họ là hướng dẫn, giúp đỡ dân chúng về phương tiện tín ngưỡng và giải quyết những mâu thuẫn trong làng theo đúng tập tục của ông cha để lại. [69:50]

Theo giảo thích của Dohamide, tổ chức xã hội của người Chăm Muslim theo hình thức chế độ phụ hệ, mọi sinh hoạt xã hội đều do nam giới đảm nhiệm và quyết định, giới nữ lùi về sau bức màn, sống trong sự kín đáo và ít giao tiếp bên ngoài. [21:18]

Còn theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Luận, tổ chức xã hội người Chăm Muslim dựa theo đơn vị làng xã. Đứng đầu mỗi làng là một ông Hakim thường được chọn trong hàng bô lão có uy tín, hoặc những vị có kiến thức rộng về giáo lý do dân chúng bầu lên, để có thể theo dõi việc hành đạo và giải quyết những vụ tranh chấp giữa dân chúng theo đúng giáo luật. Phụ tá cho Hakim là Na-ếp, vị này do ông Hakim chỉ định với sự thỏa thuận của dân chúng. Ở các xóm nhỏ, dân chúng sẽ bầu lên một ông Ahly để liên lạc với ông Hakim lo giải quyết mọi vấn đề xã hội, đồng

thời quản trị hay tiểu thánh đường (Surao). Trong làng xã, ông Hakim (xã trưởng) sẽ hợp cùng ông Na-ếp (phó xã trưởng) và các ông Ahly (trưởng xóm) thành một ban quản trị thôn xóm, để cùng lo những công việc trong nội bộ cũng như tương quan của tập thể này đối với tập thể khác [69:59-60]. Theo giải thích này, làng Chăm Islam phân chia dựa trên đơn vị làng xã có lẽ chưa chính xác.

Mô hình cư trú của người Chăm An Giang đặc biệt, là một kiểu cơ cấu liên kết các thành viên trong cộng đồng với nhau gọi là jammaah (jamma’h hay jam’ah). Các jammaah không hoàn toàn nằm gọn trong một đơn vị hành chính giới hạn bởi khu vực cư trú như cách thường hiểu được quản lý bởi chính quyền, mà là bao gồm các thành viên cùng sinh hoạt cộng đồng chung một thánh đường. Những người sống trong jammaah thống nhất chọn ra một ban quản trị thánh đường, ban quản trị này có nhiệm vụ chăm lo các sinh hoạt tôn giáo thuộc nội bộ cộng đồng, tương trợ nhau trong cuộc sống và trong lao động sản xuất. Mỗi jammaah là đơn vị cư trú, đồng thời là đơn vị kinh tế, văn hóa - xã hội mang tính tự quản. [43:69]

Trong tổ chức này hình thành cả hệ thống các địa vị xã hội, đứng đầu được xem như người “lãnh đạo tinh thần thôn ấp” là Hakim (Hakêm) thường là một người lớn tuổi, có kiến thức giáo luật sâu rộng, được dân trong thôn ấp kính mến. Vị này do mọi người dân trong jammaah cử lên và có sự chứng kiến của các vị Hakim những jammaah lân cận được mời chứng kiến. Dưới thời Pháp, trong các Hakim của các thôn ấp, có một vị đại diện liên hệ với chính quyền giải quyết các vấn đề của cộng đồng người Chăm. Vào năm 1941, vị đại diện này chính thức có chức vụ và nhiệm vụ theo nghị định của Thống đốc Nam Kỳ đề ra, chức vụ mệnh danh là Saykhol Islam, nhiệm vụ là đại diện các Hakim trong tỉnh Châu Đốc cũ liên lạc với tỉnh mới, cùng giải quyết các vấn đề chung cho người Chăm Châu Đốc. Vị phụ tá cho Hakim gọi là Na-ếp (Na-ib) do Hakim chỉ định, được sự chấp thuận của mọi người. Na-ếp là một trong số những người uyên thâm giáo lý, để giúp Hakim theo dõi mọi việc liên quan đến sự hành đạo của tập thể, giải quyết các tranh chấp cá nhân giữa những người trong thôn ấp. [18:19]

đường, làng nào có nhiều người thì có đến hai thánh đường, như thế trong làng thường có một hoặc hai jammaah. Tùy theo số người cư trú mà mỗi làng hoặc điểm cư trú, người dân dựng masjid hoặc surao. Sự khác nhau giữa masjid và surao về yếu tố quy mô, masjid rộng lớn hơn, ngoài ra, trong masjid không được nói chuyện riêng ngoài việc dâng lễ nguyện và đọc kinh hàng ngày, việc ăn uống tập thể diễn ra bên ngoài khuôn viên masjid. Còn trong surao thì có thể tổ chức ăn uống tập thể bên trong như một nhà cộng đồng. Theo giáo luật Islam, người Chăm không bày biện đồ cúng trong các buổi lễ, các cuộc ăn uống tập thể chỉ vào những ngày thuộc tết Roya hoặc trong tháng Ramadan, do mỗi gia đình chuẩn bị thức ăn riêng đến để dùng chung sau buổi lễ đạo.

Trong jammaah còn có một vài chức danh dành cho những người phụ trách việc hành lễ như Imam, Khotib, Bilal, Seak. Imam là người có hiểu biết sâu rộng về giáo lý và kinh sách, đứng ra hướng dẫn lễ nguyện tập thể, hướng dẫn đọc kinh bằng chữ Ả Rập (Arab). Khotib cũng như Imam có sự am hiểu về giáo lý nhưng trách nhiệm là thuyết giảng vào lễ trưa ngày thứ Sáu hoặc ngày lễ Raya. Bilal là người đảm trách xướng kinh kêu gọi các tín đồ đến dâng lễ nguyện sau hồi trống. Seak là người giữ thánh đường, chuyên trách việc quét dọn, trải cuốn các tấm thảm dùng trong lễ nguyện.

Làng Chăm xưa, mỗi ấp là một xóm hoặc làng toàn người Chăm. Làng Chăm với làng người Việt không có sự ngăn cách rào cản nào. Những ngôi nhà người Chăm cũng giống những ngôi nhà người Việt, sự khác nhau trong sinh hoạt do chịu ảnh hưởng của Islam (Hồi giáo) tạo nên sự khác biệt và có sự ngăn cách ít nhiều nào đó, theo người Chăm thì đó là sự biệt lập của làng Chăm đối với người Việt.

Theo Dohamide: “Ở đây cũng là những xóm nhà biệt lập, nhưng không cách xa xóm của người Việt như ở miền Trung. Dù ở cạnh nhau, việc trao đổi về mọi phương diện được dễ dàng, nhưng nếp sống của người Chàm có những đặc điểm riêng, những tập tục riêng” [20:18].

Trong những ngôi làng, người Chăm tập trung sinh sống trong vùng có địa hình thấp, gần sông hoặc kênh rạch nên thường xuyên bị ngập vào mùa nước nổi,

khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Vì thế, người Chăm dựng nhà sàn có chức năng tránh lũ lụt nên nhà sàn phải là nhà sàn cao. Nhà thường cất bốn mái, có hiên trước hiên sau. Mỗi hiên đều có cầu thang nằm dựa gốc. Trong nhà thường ngăn làm hai gian, gian đầu dành để tiếp khách và chỗ ngủ của nam giới; gian phía sau là gian tiếp khách và là chỗ ngủ của nữ giới. Trong nhà hầu như không có bàn ghế, giường… khi khách đến nhà, chủ nhà trải chiếu để tiếp chuyện với khách. Dưới sàn nhà, vào mùa khô, là nơi nuôi trâu bò hoặc chứa củi khô; vào mùa lũ lụt là nơi cập bến những chiếc ghe (xuồng), là phương tiện đi lại của họ. Hiện nay, hình ảnh cuộc sống của người Chăm trong nhà sàn và đi lại bằng ghe (xuồng) như trước đây vẫn còn tìm thấy trong cuộc sống của người Chăm ở các làng Búng Bình Thiên, làng Katambon, làng Vĩnh Hanh.

Khi chuyển từ cuộc sống ghe (thuyền) lên trên bờ ven sông dựng nhà định canh định cư lâu dài, một số người Chăm chuyển sang làm ruộng rẫy, mùa khô thì họ làm ruộng, mùa nước lên thì họ xuôi ghe (thuyền) đi đánh bắt cá nhưng không có ghe chài lưới lớn. Một nghề thủ công được phát triển khi cuộc sống định cư lâu dài được ổn định là nghề dệt vải của phụ nữ Chăm. Họ có kỹ thuật như những bí quyết gia truyền: phải dùng tơ chín, nhuộm bằng vỏ trái mặc nưa, kỹ thuật dệt hoa mây, lồng đèn, vân, lãnh... Những sản phẩm của nghề dệt: các sản phẩm đặc biệt như chiếc khăn đội đầu, sà - rong hoa, sà –rong tơ, áo dệt hoa văn thổ cẩm… trở thành hàng hóa chính của người Chăm, họ đưa hàng đến tận các vùng biên giới để bán hay trao đổi. Nghề buôn bán cũng là một trong những nghề truyền thống nổi tiếng của người Chăm từ xa xưa.

Người Chăm khi mới được sinh ra mang niềm tin Islam. Cuộc sống của họ gắn liền với mọi quy định trong giáo luật Hồi giáo. Giáo luật Hồi giáo chứa đựng nhiều nội dung quy định hành vi xử thế trong cuộc sống xã hội, có tính chất bắt buộc cao và rất khắt khe. Giáo luật vượt ra khỏi phạm vi đức tin và những sinh hoạt tôn giáo thuần tuý để trở thành tiêu chuẩn pháp lý trong đời sống xã hội, chi phối mọi hoạt động của người Hồi giáo. Vì vậy, người Chăm Hồi giáo tuân thủ 5 điều cơ bản (còn gọi là 5 cốt đạo) sau đây: xác tín hoặc còn gọi là biểu lộ đức tin (Tawhid);

cầu nguyện mỗi ngày (Solah); tháng lễ Ramadan - tháng 9 Hồi lịch; bố thí (Zakat); hành hương (Hadji) viếng thánh địa Mecca.

Người Chăm Islam có những kiêng cử được tuân theo giáo luật. Về trang trí trong nhà, họ không treo hình tượng của người và loài vật, chỉ treo những câu kinh ca ngợi Thượng đế Alloh. Về ăn uống, giáo luật cũng quy định những thứ nào kiêng cử (haram) như thịt heo, mỡ heo, thịt chó, khỉ, rùa, rắn, mèo, chuột, những con chim bay mà dùng chân quắp con mồi (kênh kênh, quạ, diều hâu, bồ cắt…). Đối với những gia súc, gia cầm có thể ăn được thì phải do chính người Hồi giáo đọc kinh trước khi giết mổ như bò, dê, cừu, gà, vịt… Những con vật đã chết trước khi đọc kinh giết mổ thì phải bỏ đi.

Trong giáo luật còn có một số quy định dành cho nam giới và nữ giới mà tất cả người Chăm đều thực hiện. Đặc biệt, đối với phụ nữ, giáo luật khuyến khích, đề cao giá trị phụ nữ bởi sự kín đáo cho nên khi ra đường, dù già trẻ, đều đội chiếc khăn phủ đầu. Chiếc khăn đội đầu được gọi là "khanh ma om" (còn gọi là khăn mat’ra), đủ dài để quàng quanh cổ và vắt qua vai, không chỉ để che nắng mà có thể che tóc, che cổ và một phần trước ngực, tránh ánh mắt tò mò của những người khác giới. Đối với các cô gái, khi đi ra ngoài thường được người lớn tuổi đi cùng. Như vậy, trai gái chỉ biết mặt nhau qua tập tục giao lưu giữa xóm trên và xóm dưới; hoặc trong các đám cưới, các bậc cha mẹ thường sắp xếp cho con trai muốn cưới vợ đến trước, lên trên gác nhìn mặt ý trung nhân được nhận ra do thỏa hiệp với những người lớn tuổi đến ngồi trước mặt các cô gái đó. Khi các bậc cha mẹ của hai bên chính thức gặp nhau và đồng ý cho cuộc hôn nhân thì người con trai mới được gặp trực tiếp cô gái.

Tuy ảnh hưởng Islam, người Chăm vẫn còn lưu giữ truyền thống mẫu hệ bằng tập tục đưa rể trong lễ cưới. Đám cưới diễn ra trong 3 ngày: ngày nướng bánh (âm ha), ngày nhóm họ (pa thưng - pa gú) và ngày làm lễ lên ghế. Trong đám cưới, bên đàng gái cùng như bên đàng trai, các thanh niên xung quanh nhà tự đến giúp trang hoàng nhà cửa. Bên nhà gái, việc trang hoàng được thực hiện bên gian trong, gian nhà dành cho nữ giới. Bên nhà trai thì trang hoàng trong gian nhà ngoài, gian

dành cho đàn ông. Bên nhà gái có ráp chiếc giường có chân, nơi cô dâu ngồi ngày cưới để chú rể được dẫn vào ngồi kề bên. Bên nhà trai, chỉ trải tấm thảm trên một tấm nệm đặt sát vách có hai chồng gối hai bên, trông như ngai vàng. Bao quanh phòng của cô dâu cũng như chú rể là tấm trang trí (tirai) kết cườm và kim tuyến do những thanh niên khéo tay kết lấy. Trước ngày làm lễ, bên nhà trai và bên nhà gái thường tổ chức buổi tiệc họp mặt của bạn bè chú rể và cô dâu.

Ngày làm lễ lên ghế, cô dâu mặc áo dài bằng nhung (hay nhiễu) đỏ, tím, chạy dài xuống quá gối, không xẻ hông. Một cái băng to bản màu xanh lam quấn quanh ngực và vai, có đính nhiều vòng chuỗi cườm. Dưới chân áo lộ ra chiếc sà-rông tơ tằm phủ xuống tận mắt cá, chiếc sà-rong do gia đình tự dệt lấy. Cô dâu đeo rất nhiều trang sức, có những vòng chuỗi vàng, kiềng vàng… những đồ trang sức thường mang theo với số lẻ, chớ không mang số chẵn vì đó là điềm xấu. Người Chăm không rước dâu mà chỉ đưa rể. Tuy vậy người Chăm luôn quan niệm đưa đàn ông đến làm chủ gia đình, quán xuyến và lo lắng cho cuộc sống của cả một đời người vợ. Chú rể đựợc đưa đi với áo lọng chỉnh tề, khi chú rể bước xuống thang nhà, bạn bè hát vang bài “la amék la imâ”, giữ từ mẹ, giã từ cha. Chàng rể được đưa sang nhà cô dâu trực tiếp nhận cô dâu từ cha vợ bằng lễ thức Qubol có sự chứng kiến của hai nhân chứng và nghe một vị đọc Khutah, thuyết giảng về nghĩa vụ vợ chồng. Sau lễ Qubol, một vị lớn tuổi dắt chú rể vào phong trong. Đến trước mặt cô dâu, cô dâu được muk uôk (người nữ lớn tuổi biết rành về lễ thức, chuyên sửa soạn cho cô dâu) nhắc nhở nhắm nghiền đôi mắt lại, chàng rể lấy ngón tay trỏ vào trán cô dâu, rồi đưa tay rút trâm to lớn cắm trên cuộn tóc của cô dâu. Một vị lớn tuổi hướng dẫn chú rể ngồi cạnh cô dâu, trong tư thế ngồi xếp bằng, đầu gối của chú rể phải hơn gác qua bên cô dâu. Hai động tác, lấy tay chỉ vào trán và ngồi gác đầu gối qua bên cô dâu, ngụ ý tỏ uy quyền của người chồng đối với người vợ. Tập tục đưa rể về nhà cô dâu không có nghĩa là người con trai lấy vợ sẽ theo chế độ ở rể, lệ thuộc nhà vợ. Sau khi cưới, hai vợ chồng thường được thu xếp cho sống trong một gian nhà của cha mẹ cho đến khi có đủ tiền dựng ngôi nhà riêng, không sống chung gia đình mẹ vợ.

Trong cuộc sống hàng ngày, các lễ nghi phong tục cổ truyền được thay thế bằng các lễ: lễ đặt tên, lễ cắt tóc cho trẻ sơ sinh, lễ thành niên, hôn nhân, tang chế… thực hiện theo nghi thức Hồi giáo. Những ngày lễ của người Chăm đều dựa theo lịch Hồi giáo (Hồi lịch).

Theo người Chăm, tháng thánh lễ Ramadan là thiêng liêng nhất, còn gọi là tháng nhịn trai bắt đầu từ ngàyđầu tiên của tháng 10 Hồi lịch. Hồi lịch không có tháng nhuận nên tháng Ramadan cứ lùi dần, không cố định thời gian nào so với dương lịch. Tháng Ramadan là dịp mọi người dành thời gian kiểm điểm lại những hành động đúng, sai của mình trong từng ngày, từng tháng của năm qua để sửa chữa, sám hối và cầu nguyện. Mỗi người trong suốt tháng này từ rạng đông đến chạng vạng phải nhịn ăn, nhịn hút thuốc lá, nhịn uống; khi tắm cũng không để cho nước chảy vào lỗ tai; nhịn quan hệ tình dục; không sát sinh hại vật; nhất là không gây gổ, cãi vã. Đối với trẻ con, người già, người bệnh, phụ nữ có thai, người đi xa nhà thì được miễn. [47:195 – 197]

Sau tháng Ramadan, Tết Roya được diễn ra trong ba ngày. Tất cả những người vì sinh kế đi làm ăn buôn bán phương xa đều bươn bả trở về đoàn tụ với gia đình, thăm hỏi bà con thân thuộc, xóm giềng. Dịp Tết Roya, người Chăm thường nấu các đặc biệt đãi khách hoặc tổ chức ăn tập thể trên thánh đường. Món ăn truyền thống của người Chăm là cà ri và cà púa. Còn một món đặc biệt của họ là tung lò

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – chăm tại an giang từ thế kỷ xviii đến nay (Trang 62)