Người Khmer

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – chăm tại an giang từ thế kỷ xviii đến nay (Trang 27)

Trên địa bàn An Giang, hàng chục ngàn người Khmer Nam Bộ cư trú đông ở một số huyện như: Tri Tôn, Tịnh Biên. Người Khmer Nam Bộ xây dựng phum, sóc của mình quanh các sườn đồi thành từng lớp như hình “vành khăn” từ chân núi, tiến dần theo hướng ra ruộng đồng và những con mương xunh quanh. Tại đây, từ trên ba thế kỷ qua, đã cùng với người Việt, người Chăm, người Hoa chung sống hòa thuận bên nhau. Qua quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa với nhau tạo nên một sắc thái văn hóa đặc trưng cho vùng An Giang.

Chúng ta thấy rằng, phum, sóc (sróc) là điểm định cư truyền thống của người Khmer. Tại nơi đó dưới tán dừa, cây thốt nốt chúng ta thấy từ vài ba đến vài chục nóc nhà quần tụ quanh mái chùa. Phum, sóc là hình thức xã hội cổ truyền của người Khmer, có các tên gọi: Sóc Chét, Sóc Lò Mo, Sóc Chăn Ca Na, Tà Đảnh, Mặc Cần Dưng, Chắc Cà Đau… Trong phum, sóc chúng ta thấy vừa có quan hệ huyết thống vừa có quan hệ láng giềng. Bộ máy tự quản cổ truyền của các phum, sóc là mê phum, mê sóc (mẹ phum, mẹ sóc). Đó là những thành viên có tuổi, có kinh nghiệm sản xuất, có uy tín được người dân bầu lên. Tuy hiện nay mê phum, mê sóc không

còn thực hiện quyền quản lý, điều hành xã hội Khmer nữa, nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến tình cảm, huyết tộc của người Khmer.

Nói đến đời sống tâm linh của người Khmer ở An Giang là nhắc ngay đến đạo Phật. Giữa các sóc, nhất định phải có một ngôi chùa để hành đạo vì niềm tin với đạo Phật là tuyệt đối. Tại các phum, sóc Khmer, mỗi người con trai đến gần tuổi trưởng thành đều được cha mẹ gởi vào tu học tại chùa. Tại đây họ không chỉ nghe thuyết pháp giáo lý nhà Phật mà còn học chữ và kiến thức phổ thông. Ngôi chùa ngoài việc tu hành của sư sãi, còn là nơi dạy chữ dạy nghề, dạy đạo lý làm người, đồng thời làm trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Bởi vậy chùa Phật đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống, tâm linh của người Khmer, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, người Khmer cũng gởi nắm tro tàn đã hỏa thiêu vào chùa Phật tại làng mình.

Vốn văn hóa nghệ thuật của họ phong phú và đa dạng với một nền văn minh độc đáo, vì văn hóa nghệ thuật của người Khmer chịu ảnh hưởng lâu đời của nền văn hóa Ấn Độ, thể hiện đậm nét qua ngôn ngữ, văn tự, mỹ thuật, văn học nghệ thuật… Ngoài nghệ thuật kiến trúc điêu khắc, họa tiết … thể hiện đầy đủ ở các chùa chiền với những đường nét hoa văn tỉ mỉ độc đáo… Người Khmer còn thể hiện tài tình về nghệ thuật sân khấu dân gian, múa hát… Người Khmer ở An Giang trong các dịp hội hè múa hát là một trong những sinh hoạt văn hóa tinh thần mang tính cộng đồng tiêu biểu. Hầu như tất cả mọi người Khmer đều biết múa, biết hát. Các điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành,… như: Dù kê, Lâm vông, Lâm thôn, múa chim công, múa gáo dừa, múa đám cưới…tuân theo những quy cách nghệ thuật đặc sắc, mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Văn hóa Khmer thể hiện rõ qua các lễ hội truyền thống: lễ Dâng Y, đua ghe Ngo, lễ đưa nước rước trăng… Đặc biệt nhất là chiếc ghe Ngo hình dáng như con rắn khổng lồ dùng để đua vào ngày lễ hội Óc-Om-Bóc cúng trăng mùa lúa mới vào trung tuần tháng 11 âm lịch hàng năm. Các ghe đua và lễ hội đua ghe Ngo, đua bò còn được bảo lưu và phát triển ở huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên (An Giang).

Một phần của tài liệu giao lưu văn hóa việt – chăm tại an giang từ thế kỷ xviii đến nay (Trang 27)