Có quan điểm cho rằng: “sự minh bạch của doanh nghiệp là một thứ tài sản rất có giá trị đối với bản thân doanh nghiệp”. Thật vậy một khi doanh nghiệp đã tạo được niềm tin với các nhà đầu tư, các đối tác kinh doanh.. sẽ tạo điều kiện tốt cho việc huy động vốn đầu tư, tìm kiếm đối tác kinh doanh, vay vốn thuận lợi hơn; mặt khác cũng nâng cao được thương hiệu trên thị trường. Ngân hàng – với tư cách là một doanh nghiệp – khi đã tạo được niềm tin với khách hàng thì cũng sẽ có điều kiện huy động thêm một số lượng lớn tiền gửi, mở rộng các nguồn vốn ở cả thị trường trong và ngoài nước…
Không minh bạch – khó tạo được niềm tin với các đối tác làm ăn. Không minh bạch, các cổ đông và các nhà đầu tư sẽ không tin tưởng vào ngân hàng trong việc quản lý đồng vốn của họ, ngân hàng sẽ khó quyết định cho doanh nghiệp vay vốn – và
ngược lại ngân hàng cũng khó khăn trong việc huy động vốn vay của chính bản thân mình. Vậy sự minh bạch chính là cơ sở quan trọng để phát triển bền vững, làm gia tăng giá trị của các doanh nghiệp nói chung và Ngân hàng TMCP nói riêng. Vì thế muốn phát triển mạnh và bền vững, doanh nghiệp cũng như ngân hàng đều cần phải đề cao tính minh bạch. Ví dụ, các khoản đầu tư tài chính cần được thuyết minh khá chi tiết và đầy đủ hơn như theo yêu cầu thuyết minh tại Chỉ tiêu V04 và V05 trên Bản thuyết minh BCTC của QĐ 16/2007/QĐ-NHNN; các thông tin về giấy tờ có giá NHTMCP đã phát hành, phân loại theo thời hạn, loại cũng phải được thuyết minh rõ ràng tại Mục V.20 trên Bản thuyết minh BCTC.