Phân tích tình hình đảm bảo vốn cho hoạt động kinh doanh chính là việc xem xét mối quan hệ cân đối giữa tài sản và nguồn vốn hình thành tài sản của doanh nghiệp. Mối quan hệ này phản ánh cân bằng tài chính của doanh nghiệp. Do đó, khi phân tích các nhà phân tích thường xem xét tình hình bảo đảm vốn cho hoạt động kinh doanh theo quan điểm luân chuyển vốn và tình hình bảo đảm vốn theo quan điểm ổn định nguồn tài trợ cùng với cân bằng tài chính của doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp đều cần phải có tài sản, bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc bảo đảm đầy đủ nhu cầu về tài sản hay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh là một vấn đề then chốt cho quá trình kinh doanh được tiến hành liên tục và có hiệu quả.
Một trong những công cụ hữu hiệu của nhà quản trị tài chính là biểu kê nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn.
Để lập biểu kê này, trước hết ta phải liệt kê sự thay đổi các khoản mục trên bảng cân đối kế toán từ đầu kỳ này sang đầu kỳ kế tiếp đó. Mỗi sự thay đổi này được sắp xếp vào một trong hai cột: “Nguồn vốn” hay “Sử dụng nguồn vốn”theo nguyên tắc sau:
- Nếu tài sản tăng hoặc nguồn vốn giảm thì đó chính là việc sử dụng vốn trong kỳ nên ghi vào cột “Sử dụng nguồn vốn”.
- Nếu tài sản giảm hoặc nguồn vốn tăng thì đó chính là nguồn vốn phát sinh trong kỳ nên ghi vào cột “Nguồn vốn”.
Sau khi lập biểu kê vốn và sử dụng nguồn vốn, ta xây dựng bảng phân tích nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn. Bảng này cho thấy những trọng điểm của việc sử dụng nguồn cũng như nguồn vốn mà doanh nghiệp đã sử dụng trong kỳ. Từ biểu kê và bảng phân tích nguồn và sử dụng nguồn, ta sẽ có những tính toán và nhận xét tính hợp lý của việc sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp đem đầu tư vào tài sản ngắn và dài hạn như thế nào.