3.2.2.1. Mục đích
Dùng sự kích thích về vật chất(thực chất là đòn bẩy kinh tế) để tạo ra một cơ chế hoạt động TCM có hiệu quả nhất, sáng tạo nhất, phát huy năng lực, trách nhiệm và quyết tâm hành động của GV vì lợi ích chung của tổ chức
mà không cần sự tác động trực tiếp, thường xuyên và bắt buộc về mặt hành chính.
3.2.2.2. Nội dung
Xây dựng các tiêu chuẩn, các định mức lao động, tài chính một cách hợp lý. Sử dụng các chính sách đòn bẩy, kích thích kinh tế để lôi cuốn thu hút khuyến khích TCM hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao. Tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động TCM chính xác, khoa học, công khai, công bằng.
3.2.2.3. Cách thức thực hiện
- Xây dựng các tiêu chuẩn, định mức lao động, tài chính một cách hợp lý:
Xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ đúng quy chế, đảm bảo tính dân chủ, công khai, công bằng và hợp lý với sự thảo luận, đóng góp ý kiến rộng rãi, thống nhất của tất cả các thành viên trong hội đồng giáo dục nhà trường.
Định hướng phát triển chung cho tổ chức bằng các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện kinh tế của nhà trường. Xây dựng và ban hành quy định khen thưởng hợp lý về tiêu chuẩn, thỏa đáng về định mức, đa dạng và linh động về hình thức khen thưởng. Tiêu chuẩn đề ra không quá cao về thành tích; định mức phải xứng đáng với công sức của cá nhân, tập thể, hạn chế tượng trưng về mặt tinh thần; hình thức khen thưởng cần phải lưu ý tính thường xuyên, đột xuất. Tổ chức kiểm tra đánh giá quá trình thực hiện, cuối mỗi đợt thi đua, cuối học kỳ tổ chức bình bầu, đánh giá, phân loại theo chế độ đã quy định.
Xây dựng tiêu chuẩn và tổ chức hình thức thực hiện nâng lương trước thời hạn hợp lý, phù hợp với đặc điểm của đơn vị, đảm bảo quyền lợi chính đáng của GV giữa các TCM. Tiêu chuẩn cần phải mềm dẻo, tạo cơ hội cho mọi người lao động đạt thành tích lao động tiên tiến trở lên hoặc có những đóng góp xuất sắc mà đạt đủ chỉ tiêu theo quy định. Hình thức xét duyệt phải
đảm bảo tính công bằng, luân phiên giữa các thành viên trong TCM và giữa các TCM với nhau.
Chỉ đạo TTCM lập chương trình hành động trong từng học kỳ, xác định những hoạt động TCM cần hỗ trợ kinh phí, từ đó lập bảng dự trù kinh phí cho các nội dung trên. Trên cơ sở tình hình tài chính của nhà trường, các điều khoản quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ, Hiệu trưởng xét duyệt các hoạt động cần hỗ trợ về mặt tài chính và duyệt dự trù kinh phí của TCM. Từ đó Hiệu trưởng cùng kế toán nhà trường xây dựng chế độ, định mức phân phối, sử dụng các nguồn tài chính, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho TCM, để tạo điều kiện cho TCM chủ động và thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động TCM.
- Sử dụng các chính sách đòn bẩy, kích thích kinh tế:
Giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho cán bộ giáo viên, nhất là tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, …
Tổ chức thực hiện kịp thời, đúng lúc việc nâng lương trước thời hạn, khen thưởng đột xuất cho GV đạt thành tích xuất sắc, thường xuyên khen thưởng cho các TCM có kết quả tốt trong mỗi hoạt động.
Quản lý, phân phối và sử dụng đúng mức, có hiệu quả nguồn tài chính tự chủ trên tinh thần chỉ đạo tiết kiệm chi, từ đó tạo được nguồn lương tăng thêm cho đội ngũ.
Hỗ trợ và giải quyết kịp thời, đầy đủ các nguồn thu nhập chính đáng ngoài định mức lao động của GV, các công việc kiêm nhiệm được giao nhận ngoài nhiệm vụ đã được quy định, tham gia các hoạt động ngoại khóa,…
Tận dụng và phát huy nội lực sẵn có, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ để tìm kiếm thêm nguồn thu cho đơn vị, tạo thêm nguồn thu nhập chính đáng cho GV: mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cho học sinh có nhu cầu ôn luyện củng cố, ôn thi theo khối.
Tạo điều kiện sinh hoạt, lao động thuận lợi cho hoạt động TCM, chẳng hạn như: sắp xếp thời khóa biểu hợp lý theo nguyện vọng, hoàn cảnh riêng;
xin hỗ trợ từ công đoàn ngành giáo dục Hải Phòng xây nhà công vụ cho cán bộ giáo viên từ đất liền ra công tác tại đảo có chỗ nghỉ ngơi thuận tiện; điện, nước sinh hoạt an toàn; vệ sinh sạch sẽ,… nhằm tránh lãng phí thời gian, sức khỏe và giảm thiểu chi phí sinh hoạt hàng ngày trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay cũng là một trong những chính sách kinh tế cần thiết để cán bộ giáo viên xa nhà yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với giáo dục của huyện đảo.
Ngoài ra, Hiệu trưởng cũng cần phải quan tâm đến những lợi ích dựa trên và gắn bó với lợi ích kinh tế để kích thích đội ngũ nâng cao năng suất lao động, cống hiến nhiều hơn cho tập thể như xét chọn, đề nghị cấp trên xét khen thưởng và phong tặng danh hiệu cho cá nhân, tập thể; tạo điều kiện cho GV nâng cao trình độ; kết nạp Đảng,…
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động TCM chính xác, khoa học, công khai, công bằng:
Lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá hoạt động chuyên môn của TCM và chỉ đạo cho TTCM lập kế hoạch kiểm tra đánh giá hoạt động chuyên môn của của GV ở TCM. Khi tiến hành lập kế hoạch cần phải: phân tích thực trạng công tác kiểm tra đánh giá thời gian đã qua; xác định những nội dung cần phải kiểm tra đánh giá; xác định mục đích của công tác kiểm tra, đánh giá; xác định các nguồn lực cần thiết cho công tác kiểm tra, đánh giá. Kế hoạch kiểm tra, đánh giá phải do đích thân Hiệu trưởng ( đối với kế hoạch kiểm tra, đánh giá hoạt động chuyên môn của TCM ) và TTCM ( đối với kế hoạch kiểm tra đánh giá hoạt động chuyên môn của của GV ) soạn thảo và ban hành với sự tham gia thảo luận rộng rãi của các tổ chức, đoàn thể và cá nhân trong nhà trường. Kế hoạch phải được phổ biến, thông tin rộng rãi trong nội bộ nhà trường.
Xây dựng chương trình hành động kiểm tra, đánh giá và thống nhất quy trình làm việc của Ban kiểm tra, đánh giá.
Xây dựng chuẩn kiểm tra, đánh giá và phương pháp đo lường. Hiệu trưởng cần thống nhất với TCM các nội dung của chuẩn, thống nhất việc vận dụng chuẩn đánh giá. Lựa chọn phương pháp đo lường phù hợp với từng đối
tượng, nội dung kiểm tra. Có nhiều phương pháp đo lường trực tiếp và gián tiếp như: tham dự các buổi sinh hoạt TCM; dự giờ, thăm lớp; quan sát các hoạt động; kiểm tra hồ sơ; nghe báo cáo ;…
Bồi dưỡng năng lực và nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá cho Ban kiểm tra nội bộ nhà trường, nhằm giúp cho hoạt động diễn ra đúng quy trình, chính xác, khoa học và đúng luật, tránh thiếu sót, qua loa không mang lại hiệu quả hoặc có thể dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Có thể bồi dưỡng thông qua các hình thức: triển khai và phổ biến các quy định, chỉ thị, hướng dẫn về kiểm tra đánh giá; cung cấp tài liệu tham khảo; tổ chức chuyên đề thảo luận về kiểm tra, đánh giá; cử đi học bồi dưỡng nghiệp vụ;…
Phân cấp, giao quyền trong kiểm tra, đánh giá:
+ Hiệu trưởng thực hiện kiểm tra, đánh giá hoạt động TCM: tham dự các buổi sinh hoạt TCM theo định kỳ, các chuyên đề, hội thảo của TCM, dự giờ thăm lớp hoặc gián tiếp thông qua hồ sơ chuyên môn của TCM, thông qua trao đổi tìm hiểu, quan sát,…
+ Hiệu trưởng chỉ đạo TTCM thực hiện kiểm tra, đánh giá tổ viên: trên tinh thần các chuẩn kiểm tra, đánh giá và phương pháp đo lường đã được xác lập,
TTCM trực tiếp kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học và giáo dục của tổ viên ở những nhiệm vụ GV được phân công.
+ Tổ trưởng chuyên môn chỉ đạo GV tự kiểm tra, đánh giá: hướng dẫn GV căn cứ vào chuẩn kiểm tra, đánh giá và phương pháp đo lường, tự kiểm tra, đánh giá các mặt hoạt động của cá nhân theo định kỳ.
+ Hiệu trưởng kiểm tra, đánh giá công tác kiểm tra đánh giá của TTCM: để đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá của TTCM là chính xác, công bằng, đúng theo kế hoạch, hiệu trưởng cần phải kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá của TTCM thông qua hình thức so sánh, đối chiếu giữa báo cáo với thực tế, phải biết kết hợp khéo léo giữa phương pháp kiểm tra, đánh giá gián tiếp và kiểm tra, đánh giá trực tiếp hoạt động chuyên môn của TCM.
Trên kết quả thu được sau khi kiểm tra đánh giá, Hiệu trưởng tiến hành điều chỉnh các hoạt động chuyên môn của TCM:
+ Nếu kết quả đạt được chuẩn hoặc cao hơn chuẩn Hiệu trưởng cần nhân rộng bằng cách tuyên dương khen thưởng .
+ Nếu kết quả thấp, chưa đạt chuẩn, thì Hiệu trưởng cần xác định rõ nguyên nhân và yêu cầu sửa chữa, uốn nắn. Sau khi điều chỉnh phải đo lường lại kết quả và đánh giá mức độ sửa chữa.
+ Khi kết quả thực hiện quá thấp so với chuẩn, Hiệu trưởng cần phải có quyết định xử lý các vi phạm kịp thời .