Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đã công bố 9 dự báo về kinh tế toàn cầu trong các năm 2012 và 2013, trong đó khi xét đến tỷ giá giữa các đồng tiền, các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo đồng USD sẽ suy yếu nhiều trong 2 năm tới khi các nhà đầu tư đa dạng hóa các đồng tiền nắm giữ trong danh mục. Đồng thời, giá dầu thô sẽ lập kỷ lục mới trong hai năm tới trong bối cảnh các hãng sản xuất dầu lửa gặp khó khăn khi khai thác thêm những mỏ dầu mới. Sự tăng giá dầu này còn diễn ra khi các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng trưởng và đòi hỏi tiêu thụ nhiều dầu. Goldman Sachs cho rằng, với mức giá dầu hiện nay, nhu cầu dầu thô đang vượt quá nguồn cung. Đối với nền kinh tế Việt Nam, Nghị quyết 11 (24/2/2011) của Chính phủ đã có những tác động tích cực ban đầu như tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định và lạm phát có xu hướng giảm nhiệt. Tuy nhiên, những vấn đề nóng của kinh tế vĩ mô như lạm phát, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài, tỷ giá... chưa thực sự được cải thiện. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy cung tiền và các biến chính sách tiền tệ đóng vai trò quyết định đến tình hình lạm phát, nhất là với độ trễ thời gian tác động khá dài, do đó, khi phân tích những kiến nghị về mặt chính sách, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập. Nghiên cứu đưa ra một vài nhận định “trọng tâm” trong khoảng thời gian ngắn hạn sắp tới 2012-2013 như sau:
Thứ nhất, hạn chế tăng trưởng tín dụng là được xem là căn bản để giảm nhiệt tình hình lạm phát nhưng ngược lại đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì thế, cần phát triển thị trường vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động nguồn lực xã hội, trong đó có việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu huy động vốn trên thị trường vốn. Đồng thời, cần có định hướng tập trung tín dụng đối với các ngành cần ưu tiên như nông nghiệp, chế biến, sản xuất xuất khẩu…để phát triển theo chiều sâu và có thể chúng ta sẽ phải chấp nhận trả
giá để ổn định vĩ mô.
Thứ hai, trong ngắn hạn, vấn đề tỷ giá cũng chưa cần thiết phải điều
chỉnh mạnh để thúc đẩy xuất khẩu bởi cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng thiết yếu, nông sản - tác động của tỷ giá là không nhiều. Tuy nhiên, do lạm phát liên tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài nên nếu chỉ điều chỉnh giảm giá VNĐ ở mức thấp sẽ tiếp tục duy trì tình trạng “VNĐ được định giá cao” (overvalued) có thể tạo sức ép lên tỷ giá trong dài hạn. Thứ ba, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cảnh báo tình trạng lãi suất thực âm (lãi suất huy động thấp hơn tỷ lệ lạm phát) sẽ tác động đến tính “tiết kiệm thực” của khách hàng gửi tiền VND. Việc hạ lãi suất quá nhanh có thể đặt VND dưới những áp lực mới. Điều này sẽ giảm hiệu quả những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng và làm suy yếu dự trữ ngoại tệ. Niềm tin của doanh nghiệp và hệ thống tài chính sẽ bị lung lay nếu các vấn đề tại các ngân hàng nhỏ lan rộng. Chính phủ Việt Nam nên duy trì lãi suất thực dương cho người gửi tiền đồng là ít nhất 1% - 2%.