BẰNG CHỨNG THỰC NGHIỆM

Một phần của tài liệu BIẾN ĐỘNG XĂNG DẦU VÀ LẠM PHÁT (Trang 43)

Quan điểm về lạm phát dựa trên bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ● Cơ cấu giỏ hàng tính CPI.

CPI được tính dựa vào hai yếu tố: giá bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và quyền số là tỷ trọng các mặt hàng trong cơ cấu chi tiêu cho đời sống tiêu dùng của dân cư. Hiện tại, giỏ hàng hóa tính CPI của Việt Nam được đại diện bằng 496 mặt hàng, tăng mạnh so với số lượng mặt hàng đại diện tại thời điểm năm 2000 là 396 và năm 1995 là 296 mặt hàng. Một bất cập CPI đáng chú ý nhất là tỷ trọng của nhóm hàng lương thực – thực phẩm hiện chiếm tới 42.85%, các mặt hàng có tỷ trọng lớn tiếp theo là nhà ở và vật liệu xây dựng, bao gồm cả điện, nước, chất đốt (9,99%); giao thông và bưu chính viễn thông (9,04%) trong khi dịch vụ văn hóa – thể thao – giải trí chỉ chiếm 3,59% trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính chỉ số CPI. Việt Nam là nước chủ động nguồn cung lương thực và thực phẩm hơn nữa còn là nhà sản xuất hàng đầu thế giới nhưng rổ hàng hóa tính chỉ số tiêu dùng lại dựa gần một nửa vào các mặt hàng này.Trong 5 năm trở lại đây, lạm phát của Việt Nam bám rất sát với biến động của giá lương thực, thực phẩm trong nước. Rõ ràng, “mặt hàng đó không phải là mặt hàng thiếu ở đất nước chúng ta”. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Giữa việc sản xuất và điều hành giá đối với nhóm mặt hàng này là chúng ta còn nhiều điểm yếu”. Trong khi đó, cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam được nhìn nhận trong những năm gần đây phản ánh "sự lệ thuộc lớn của nền kinh tế Việt Nam vào nguồn vật liệu và thiết bị nhập khẩu" để phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo. Ngoài việc gia tăng nhập khẩu đối với máy móc thiết bị, nguyên vật liệu khi thu nhập gia tăng. Các mặt hàng ô tô, xe máy, xa xỉ tăng mạnh, chiếm đến 50% hàng tiêu dùng là xu hướng đáng lo ngại khi nguyên liệu đầu vào hoạt động cho các mặt hàng này là giá xăng dầu biến động theo xu hướng tăng.

Do đó khi xây dựng mô hình thực nghiệm cho lạm phát, chúng tôi chỉ xét đến sự biến động của giá dầu thô thế giới mà không tính đến biến giá lương thực thực phẩm.

● Giá trị sản xuất công nghiệp - đại diện cho biến tổng sản phẩm trong nước GDP (CN)

GDP là tỷ trọng (%) tương quan của ba nhóm ngành (3 khu vực) kinh tế: Nông nghiệp (nông - lâm nghiệp), Công nghiệp (công nghiệp - xây dựng), Dịch vụ (bao gồm mọi hoạt động kinh tế hữu ích ngoài NN và NN). Các lý thuyết về lạm phát cho rằng lạm phát trực tiếp nhất phát sinh từ các nền kinh tế có quy mô tốc độ tăng trưởng cung tiền lớn. Theo Keynes, lạm phát cầu kéo xảy ra khi tăng trưởng GDP được tạo ra do nhu cầu tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Từ quan điểm phân tích lý thuyết như vậy, GDP là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức giá. Lý luận và thực tế đều cho thấy, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp có tương quan thuận với tăng trưởng kinh tế (gia tăng sản xuất công nghiệp góp phần khá cao giải thích cho gia tăng GDP). Thêm vào đó, đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này, mà tác động chủ yếu của chính sách mở cửa và hội nhập, đặc biệt là gia nhập WTO năm 2006, thông qua hai yếu tố chính đó là tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển và tăng xuất khẩu, tăng thu nhập và ngoại tệ, đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng mức độ chịu ảnh hưởng biến động giá cả từ các biến cố kinh tế chính trị của nền kinh tế toàn cầu. Cùng với tiến trình CNH, HĐH đất nước, việc gia tăng các mặt hàng nhập khẩu là nguyên vật liệu và máy móc thiết bị phụ vụ cho công nghiệp chế tạo là xu thế tất yếu. Trong khi phải tính đến nguyên liệu đầu vào cho vận hành hoạt động các máy móc, thiết bị này là xăng dầu, thì điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình lạm phát chung của nền kinh tế.

● Giá dầu thô thế giới (OIL)

Biểu đồ 3.1. Biến động giá trên thị trường thế giới của một số nguyên liệu.

(Nguồn: Datastream)

Biểu đồ trên cho thấy, các mặt hàng nguyên liệu, năng lượng như than đá, dầu thô từ khoảng năm 2002 đến năm 2008 đã tăng gấp 3-4 lần. Số liệu thống kê dầu của Việt Nam cho thấy cả nước có khoảng 2300 triệu tấn dự trữ dầu. Tuy nhiên dầu tiêu thụ trong nước phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Trước năm 2009, đất nước nhập khẩu gần như tất cả các sản phẩm tinh chế cho tiêu thụ trong nước, do đó, sẽ tiếp xúc với những cú sốc giá dầu thông qua nhập khẩu lớn các sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Như vậy là một nước xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, Việt Nam có khả năng dễ bị tổn thương bởi biến động giá dầu. Nhu cầu cũng như những biến động về tình hình kinh tế thế giới có ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung của toàn thế giới, từ đó mà có hệ lụy đến mặt bằng giá cả của Việt Nam, đặc biệt là thông qua biến động giá xăng dầu nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam. Mặc dù, giá dầu ở Việt Nam được Nhà nước quản lý, tuy nhiên những thay đổi trong giá dầu thế giới có những ảnh hưởng nhất định và tương đối lớn vào tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam. Có thể thấy rằng,

những giai đoạn mà giá dầu tăng mạnh, ví dụ như giai đoạn 2007-2008, khi giá dầu lên đỉnh điểm vào giữa năm 2008 (tăng 25% so với đầu năm 2007) thì lạm phát ở Việt Nam cũng tăng rất nhanh và trong giai đoan này với tỷ lệ lạm phát năm 2007 và năm 2008 lần lượt là 8% và 23%. Biến được lựa chọn đưa vào giải thích trong mô hình lạm phát là biến giá dầu thô thế giới.

● Chính sách tiền tệ

Từ tính chất nội tại của nền kinh tế Việt Nam là hiệu quả đầu tư thấp (thể hiện qua hệ số ICOR vẫn cao), nên để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam luôn phải duy trì một tỷ lệ đầu tư rất cao (với tổng mức đầu tư xã hội dự kiến là 40% GDP, trong đó, đầu tư công chiếm khoảng 1/3) và dẫn đến tăng trưởng tín dụng và cung tiền cao. Trong khi đó, tăng trưởng hàng hóa sản xuất ra thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng cung tiền làm xuất hiện việc dư thừa tiền trong nền kinh tế (tăng trưởng cung tiền luôn cao gấp nhiều lần tăng trưởng GDP thực), từ đó mà có ảnh hưởng hệ lụy đến lạm phát. Milton Friedman đã từng nói lạm phát luôn là câu chuyện tiền tệ và điều này rất phù hợp trong bối cảnh Việt Nam. Cung tiền M2 bao gồm tổng cung tiền Việt Nam đồng và cung tiền ngoại tệ (được đại diện bởi các khoản tiền gửi ngoại tệ). Tiền gửi ngoại tệ phản ánh lòng tin của người dân vào Việt Nam đồng cũng như mức độ đô la hóa nền kinh tế. Thực tế ở Việt Nam, tiền gửi ngoại tệ có xu hướng vận động thuận so với lạm phát. Khi lạm phát tăng , người dân sẽ kỳ vọng vào sự mất giá trong thời gian tới nên có xu hướng chuyển sang giữ tài sản dưới các loại ngoại tệ khác, chủ yếu là đô la. Do đó, biến cung tiền M2 được sử dụng để phản ánh cú sốc tiền tệ từ phía cầu tiền.

● Lãi suất cho vay VND (R)

Lãi suất là biến số kinh tế nhạy cảm, sự thay đổi của lãi suất sẽ tác động làm thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng của xã hội. Về phương diện lý thuyết cũng như thực tiễn các nước đã chứng minh, sự thay đổi lãi suất thực

sẽ có tác động nhạy cảm đến sản lượng và giá cả. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) đã rất coi trọng việc điều tiết lãi suất nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ (CSTT) là kiềm chế lạm phát và góp phần tăng trưởng kinh tế. Mối quan hệ giữa lãi suất và lạm phát được hình thành dựa trên sự ảnh hưởng của lãi suất lên tổng cầu, chính vì mối quan hệ trên nên lãi suất đã trở thành công cụ được lựa chọn để kiểm soát lạm phát mục tiêu và kiểm soát các kỳ vọng lạm phát hữu hiệu. Cơ chế truyền dẫn của lãi suất đến lạm phát thường được mô tả như sau:

Hình 3.1. Cơ chế lan truyền từ lãi suất đến lạm phát

● Tỷ giá hối đoái VND/USD (EX)

Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến lạm phát là có cơ sở. Theo một nghiên cứu về lạm phát trong tình trạng đô la hóa ở Việt Nam của Michaël Goujon năm 2006 (Fighting inflation in a dollarized economy: The case of Vietnam. Journal of Comparative Economics 34 (2006) 564–581) thì có ba

kênh ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá lên lạm phát: Thứ nhất, thay đổi tỷ giá hối

đoái có ảnh hưởng lên giá hàng hóa xuất khẩu (tradables) và hàng hóa sản xuất và tiêu dùng trong nước (non-tradables) (chẳng hạn là thông qua nhập khẩu các yếu tố đầu vào), gọi là nhóm ảnh hưởng chuyển tỷ giá hối đoái

lên lạm phát (exchange rate pass – through). Thứ hai, biến động của tý giá hối đoái có ảnh hưởng trực tiếp đến cung tiền. Sự mất giá của đồng nội tệ sẽ gia tăng cung tiền do giá trị bằng nội tệ của các tài sản neo theo ngoại tệ tăng cùng với sự phá giá đồng tiền. Nói cách khác, biến động tỷ giá ảnh hưởng đến

chênh lệch tiền tệ giữa cung và cầu tiền tệ và lạm phát. Thứ ba, sự phá giá

đồng nội tệ có thể dẫn đến sự gia tăng giá hàng nhập khẩu và giá của hàng sản xuất và tiêu dùng trong nước và điều này ảnh hưởng đến cầu và cung của hàng hóa sản xuất và tiêu dùng trong nước. Cung của hàng hóa này có thể

giảm trong khi cầu của chúng tăng sẽ tạo áp lực lên lạm phát. Thực tế Việt Nam đang diễn ra là thâm hụt thương mại đang tăng lên khi độ co giãn của nhập khẩu với tỷ giá hối đoái rất thấp, nhất là đối nguyên liệu thô và khoáng sản.

Một phần của tài liệu BIẾN ĐỘNG XĂNG DẦU VÀ LẠM PHÁT (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w