Kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương

Một phần của tài liệu Các yếu tố tác động đến vốn đầu tư tại Tỉnh Lâm Đồng (Trang 35)

Bình Dương tuy không có được lợi thế trọng tâm như TPHCM, và là tỉnh đi sau trong thu hút vốn đầu tư nhưng tỉnh đã năng động và học hỏi kinh nghiệm từ TPHCM và các nước để xây dựng được chính sách thu hút vốn đầu tư thành công như hiện nay. Trong một thời gian ngắn thu hút mạnh vốn đầu tư cho phát triển và quy hoạch đầu tư trọng điểm Bình Dương đã đạt được tăng trưởng mạnh. Các bài học kinh nghiệm trong chính sách huy động vốn hiệu quả của Bình Dương bao gồm :

Cải cách chính sách hành chính của tỉnh với mục tiêu thu hút vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng theo các hình thức B.T ; B.T.O

Tiến hành phân cấp trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nhằm tăng quyền quản lý vốn ngân sách cho cấp dưới tạo tính linh hoạt cho việc sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư. Cải cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút vốn đầu tư với các vùng như: thực hiện chính sách một cửa với việc cấp giấy phép đầu tư; ban quản lý các khu công nghiệp được ủy quyền xác nhận cam kết bảo vệ môi trường cho nhà đầu tư do đó tiết kiệm được chi phí đi lại, thời gian cho nhà đầu tư. Đảm bảo tính minh bạch và khả năng tiếp nhận thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch phát triển ngành… cho các nhà đầu tư

Đảm bảo khả năng tiếp cận đất đai và sử dụng đất của nhà đầu tư: thời gian xác nhận hợp đồng cho thuê đất trong khu công nghiệp trung bình là 3 ngày; còn với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp phải đảm bảo các vấn đề đến bù giải tỏa xong mới cấp phép đầu tư, chính sách này giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro trong quá trình sử dụng đất.

Đội ngũ lãnh đạo có tinh thần đi tiên phong trong việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư từ khi chưa có chủ trương một cửa, Bình Dương đã thành lập Hội đồng tư vấn đầu tư; đối với các dự án đầu tư phức tạp chỉ cần một cuộc họp của Hội đồng sẽ đưa ra ý kiến thống nhất của các sở, ban, ngành tránh mất thời gian của nhà đầu tư. Tỉnh cũng đã tổ chức ‘Ngày doanh nghiệp tỉnh Bình Dương’ vào 31/12 hàng năm để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Bằng sự năng động này ban lãnh đạo tỉnh đã tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư. Thiết lập các trang web cho các cơ quan hành chính để thông báo rộng rãi những quy định, hướng dẫn thủ tục cho nhà đầu tư. Tăng cường tổ chức thường xuyên các hoạt động đối thoại giữa cơ quan hành chính (đặc biệt là thuế và hải quan) nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc và thu thập ý kiến của nhà đầu tư.

Các chủ đầu tư khu công nghiệp có nhiệm vụ thu hút đầu tư trong khi bộ máy hành chính hỗ trợ bằng cách thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng. Có những trường hợp lãnh đạo tỉnh cùng với doanh nghiệp đi làm việc với đối tác để tạo niềm tin và xử lý những lo ngại của nhà đầu tư. Thành lập trung tâm phát triển ngoại thương và đầu tư ; phòng xúc tiến thương mại để kết nối thông tin, giao thương giữa doanh nghiệp thành phố với nước ngoài thông qua việc tổ chức các cuộc hội thảo, hội chợ… trong nước và nước ngoài; phát triển hình thức cung cấp thông tin qua mạng internet rộng khắp bằng cách xây dựng các cổng thông tin điện tử phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế, định hướng phát triển của thành phố; cung cấp các dịch vụ tiện ích cho nhà đầu tư nước ngoài như: tư vấn thủ tục đầu tư; dịch vụ văn phòng…

Có các chính sách ưu đãi về thuế suất, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng cho nhà đầu tư. Tập trung vốn đầu tư phát triển vào xây dựng cơ sở hạ tầng tạo sự thuận tiện cho nhà đầu tư tiếp tục tăng vốn đầu tư, tăng cường lợi thế về vị trí địa lý của địa phương.

Một phần của tài liệu Các yếu tố tác động đến vốn đầu tư tại Tỉnh Lâm Đồng (Trang 35)