1. Đặc điểm của kháng thể
1.1. Tính kháng thể
Tính kháng thể là khả năng kết hợp đặc hiệu với kháng nguyên tương ứng, đặc hiệu có nghĩa là kháng thể do kháng nguyên nào kích thích tạo ra thì chỉ kết hợp với kháng nguyên ấy mà thôi. Tính kháng thể là đặc điểm quan trọng nhất của kháng thể.
Tuy nhiên đôi khi xảy ra phản ứng chéo giữa kháng thể và kháng nguyên không tương ứng do kháng nguyên này có cấu trúc gần giống với kháng nguyên đã kích thích tạo ra nó. Phản ứng chéo cho hình ảnh dương tính giả trong phản ứng miễn dịch.
Vị trí gắn với kháng nguyên nằm ở đoạn Fab, giữa các CDR của mỗi cặp chuỗi nặng và chuỗi nhẹ. Như vậy mỗi phân tử kháng thể nguyên vẹn có hai vị trí gắn với kháng nguyên, gọi là có hóa trị hai. Kháng thể dạng dime có hóa trị 4, kháng thể dạng pentame có hóa trị 10. Nhờ kháng thể có hóa trị hai trở lên mà kết hợp kháng nguyên-kháng thể có thể tạo ra được mạng lưới Marrack.
Đoạn F(a’b’)2 cũng có hóa trị hai nên có thể được sử dụng thay thế phân tử kháng thể nguyên vẹn trong một số phản ứng miễn dịch khi cần tránh những tác dụng riêng của đoạn Fc.
1.2. Tính kháng nguyên
- Tính kháng nguyên của phân tử kháng thể là khả năng kích thích cơ thể khác tạo ra kháng thể kháng lại chính nó. Lý do là phân tử kháng thể bản chất là một loại protit có trọng lượng phân tử đủ lớn, đủ tiêu chuẩn là một kháng nguyên đối với cơ thể khác.
Kháng thể kháng lại kháng thể được gọi là anti-lg.
- Phân biệt 3 nhóm kháng nguyên trên phân tử kháng thể:
+ Nhóm kháng nguyên isotyp: Các quyết định kháng nguyên isotyp giống nhau ở mọi cá thể trong cùng một loài và nằm trên vùng hằng định của chuỗi nặng và chuỗi nhẹ.
Các lớp dưới kháng thể IgG1, IgG2, IgG3, IgG4, IgA1, IgA2, IgM, IgD và IgE có các quyết định kháng nguyên isotyp khác nhau.
+ Nhóm kháng nguyên allotyp: Các quyết định kháng nguyên allotyp giống nhau ở một số cá thể trong cùng một loài và nằm rải rác trên vùng hằng định của chuỗi nặng và chuỗi nhẹ.
+ Nhóm kháng nguyên idiotyp: Các quyết định kháng nguyên idiotyp đặc trưng cho từng cá thể và nằm trên vùng thay đổi của chuỗi nặng và chuỗi nhẹ. Mỗi quyết đinh kháng idiotyp được gọi là idiotop, tập các idiotop gọi là idiotyp.
2. Chức năng của kháng thể
2.1. Chức năng do vùng hằng định Fc đảm nhiệm
- Cố định bổ thể: Phân tử kháng thể thuộc các lớp và dưới lớp IgM, IgG1, IgG2, IgG3 sau khi kết hợp với kháng nguyên thì sự tương tác giữa các đoạn Fc của chúng làm bộc lộ vị trí cố định bổ thể trên CH2, nhờ đó thành phần C1q của bổ thể đến bám vào, dẫn đến hoạt hóa bổ thể theo con đường cổ điển (xem phần Bổ thể).
- Truyền qua rau thai: Do đặc điểm cấu tạo của đoạn Fc của phân tử kháng thể thuộc lớp IgG, nhất là dưới lớp IgG1, IgG3, IgG4, kháng thể có thể được truyền từ mẹ qua thai nhi, tạo đáp ứng miễn dịch thụ động cho trẻ sơ sinh trong khoảng sáu tháng đầu tiên.
- Gắn trên bề mặt tế bào: Các phân tử kháng thể thuộc các lớp và dưới lớp IgE, IgG1, IgG3, IgG4 có khả năng gắn trên bề mặt các tế bào mast và bạch cầu ái kiềm thông qua các receptor đối với đoạn Fc của chúng (FcR). Do vậy khi có kháng nguyên đến kết hợp với kháng thể trên bề mặt các tế bào này thì sẽ dẫn tới hai quá trình: (1) quá trình giải phóng các chất sinh học có sẵn trong các hạt của tế bào như histamin, serotonin; (2) quá trình tổng hợp từ phospholipit màng tế bào tạo ra các chất như là PAF, leucotrien, prostaglandin, thromboxan gây quá mẫn nhanh (xem chương Rối loạn miễn dịch).
- Gây hiện tượng opsonin hóa (opsonisation): Các đại thực bào và bạch cầu đa nhân trung tính có receptor đối với đoạn Fc của các kháng thể thuộc lớp IgG và IgM. Khi các
kháng thể này kết hợp với các kháng nguyên vi khuẩn, thì các đoạn Fc của chúng thu hút các FcR của đại thực bào và bạch cầu đa nhân trung tính, làm cho những tế bào thực bào này dễ tiếp cận vi khuẩn hơn.
Cũng theo cơ chế trên, các tế bào NK (natural killer: tế bào giết tự nhiên) nhờ có FcR đối với đoạn Fc của lớp kháng thể IgG nên dễ tiếp cận và tiêu diệt tế bào đích hơn. Hiện tượng này gọi là hiệu ứng ADCC (antibody dependent cellular cytotoxicity: độc tế bào phụ thuộc kháng thể).
2.2. Chức năng do vùng thay đổi V đảm nhiệm
- Nhận diện kháng nguyên: Chức năng này đã được trình bày trong phần tính kháng thể. Thông qua phản ứng kết hợp đặc hiệu với kháng nguyên tương ứng mà kháng nguyên (1) trung hòa kháng nguyên hòa tan như độ tố vi khuẩn; (2) ngưng kết thành các thành phần hữu hình như vi khuẩn; (3) ngăn cản vi khuẩn bám vào màng nhầy niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa (tác dụng của slgA).
- Truyền tín hiệu: Sự nhận diện kháng nguyên tạo tín hiệu cho lympho B tái phân bố các kháng thể bề mặt mở đầu cho quá trình trình diện kháng nguyên của lympho B (xem phần Hợp tác tế bào).