28
Chế độ dân chủ (hay dân chủ chính trị) là một trong những hình thức tổ chức Nhà nước. Theo Mác, chế độ dân chủ, đó là chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản và Lênin nhấn mạnh rằng: Chuyên chính vô sản, đó là chế độ dân chủ cho nhân dân, cho số đông, đi đôi với sự trấn áp tất yếu đối với thiểu số bóc lột, thống trị, phản động là kẻ thù của nhân dân.
Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh giải thích mối quan hệ giữa dân chủ và chuyên chính "như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khóa. Nhà thì phải có cửa, khóa và cửa cốt để đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của dân, chuyên chính là cái chìa khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khóa, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Nếu có cửa phải có khóa, có nhà phải có cửa, thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ lấy dân chủ" [30, 279]. Ở đây cái quan trọng nhất, quý báu nhất là dân chủ. Chuyên chính không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện
để bảo vệ dân chủ, chỉ là "cái khóa", "cái cửa" mà thôi.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền xuất hiện từ rất sớm. Người sống và làm việc nhiều năm ở các nước tư bản phát triển và sớm tiếp xúc với văn hóa phương Tây, nhờ đó những tư tưởng về dân chủ pháp quyền của các nhà khai sáng đã được Người nghiên cứu, thâu thái một cách sâu sắc với một tinh thần độc lập sáng tạo. Từ năm 1919, trong bản "Yêu sách củanhân dân An Nam" gửi tới hội nghị Véc Xây, Người đòi hỏi phải "cải cách nền công lý ở Đông Dương bằng cách ban cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người châu Âu" [23, 435]; đòi các quyền cơ bản của con người ở thuộc địa được pháp luật thừa nhận và được thực hiện theo pháp luật. Vào lúc ấy, dù còn rất trẻ, Người đã thấy một trong những yêu cầu quan trọng của việc xây dựng thể chế Nhà nước pháp quyền để bảo vệ dân: "Thay thế việc ra các Sắc lệnh bằng việc ban hành các Đạo luật". Coi trọng vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, Hồ Chí Minh đã trực tiếp soạn thảo hoặc trực tiếp chỉ đạo biên soạn
29
Hiến pháp và các bộ luật của Nhà nước ta (Hiến pháp 1946, 1959). Người đã ký lệnh công bố 16 đạo luật và gần 1.300 văn bản dưới luật khác cũng như Người đã ký nhiều Sắc lệnh hệ trọng đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những thời kỳ lịch sử khác nhau khi Người ở cương vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.
Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước ta là nhà nước dân chủ, bản chất của pháp luật phải thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân lao động, thể hiện nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Người khẳng định: pháp luật cũ là ý chí của thực dân Pháp, không phải là ý chí chung của toàn thể nhân dân ta, luật pháp cũ đặt ra để giữ gìn trật tự xã hội thật, nhưng trật tự xã hội đó chỉ có lợi cho thực dân, phong kiến, không có lợi cho toàn thể nhân dân, vì vậy luật pháp của nhà nước ta phải thể hiện được tính dân chủ là công cụ để nhân dân lao động làm chủ xã hội. Người còn khẳng định: phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn và tốt hơn, luật pháp của nhà nước ta phải bảo đảm được “nam nữ bình quyền, dân tộc bình đẳng”, bảo đảm công bằng xã hội, không phân biệt địa vị xã hội, thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kì kẻ ấy ở địa vị nào, nghề nghiệp gì.
Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng pháp luật, theo Người, một Nhà nước kiểu mới phải là một Nhà nước mà dân chủ và pháp luật phải gắn liền với nhau, nương tựa vào nhau. Mọi quyền dân chủ của dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, ngược lại hệ thống pháp luật đảm bảo cho quyền tự do, dân chủ của dân phải được tôn trọng và thi hành trong thực tế. Người nói: "Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động... pháp luật của ta là pháp luật thực sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động" [31, 187]. Chính vì "Pháp luật bảo vệ cho hàng triệu người" nên Hồ Chí Minh đòi hỏi không chỉ nhân dân mà các cơ quan Nhà nước, các cơ quan Đảng và toàn thể, các cán bộ, đảng viên và công chức cũng phải tuân
30
thủ pháp luật, tôn trọng tính tối cao của luật pháp, đồng thời Người cũng đòi hỏi phải trừng trị nghiêm khắc những kẻ phạm tội, nhất là đối với tội đưa và nhận hối lộ, tham ô, trộm cắp của công. Phải thực hiện nghiêm minh pháp luật trong xét xử, phải thực hiện sự bình đẳng của tất cả mọi công dân trước pháp luật.
Điều đặc sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về pháp quyền dân chủ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa "pháp trị" và "đức trị". Ở Người, hai yếu tố đó không hề mâu thuẫn mà còn thống nhất với nhau một cách biện chứng. Người chủ trương "đức" là để cảm hóa, ngăn cản những thói hư tật xấu, hạn chế "cái ác" nảy sinh, do đó hạn chế những hành vi phạm pháp ở mỗi con người. Trong quản lý, ở đâu pháp luật không tới được thì ở đó là lĩnh vực điều chỉnh của đạo đức - đây chính là chỗ gặp nhau giữa đức trị và pháp trị. Đó cũng là sự kết hợp hài hòa, sáng tạo giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin và những tinh hoa của nền văn minh nhân loại. Trong tư tưởng của Người về một Nhà nước kiểu mới, Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Nhà nước đó phải thể hiện sâu sắc các giá trị pháp lý và nhân văn của dân chủ.