Những khiếm khuyết và hạn chế.

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ vào việc thực hiện quy chế dân chủ ở nông thôn tỉnh Thái Bình (Trang 65)

Thực hiện QCDC ở nông thôn tỉnh Thái Bình trong những năm qua có nhiều kết quả tốt như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, đi sâu tổng kết, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, và có nhiều vấn đề đặt ra cần được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết.

Một là, việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước, hương ước không ít nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao, chưa thành nề nếp. Một số hương ước, quy ước (văn bản tự quản cộng đồng) không phải do cộng đồng thảo luận, xây dựng nên mà chủ yếu là sao chép lẫn nhau nên không sát thực tế, dân không được thảo luận nên dễ có thái độ không tôn trọng. Như vậy, vấn đề đặt ra không chỉ là bổ sung, sửa đổi nội dung của QCDC, nội dung của hương ước, quy ước mà còn phải chú trọng hình thức, diễn đạt đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện. Từ những quy định chung của QCDC ở xã, phường, thị trấn, các địa phương cơ sở cần cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương, không trái với quy định của quy chế và pháp luật, đưa ra nhân dân bàn bạc, thảo luận để tạo được sự đồng thuận, có cơ sở để tự giác thực hiện.

Hai là, công tác phổ biến, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, triển khai thực hiện QCDC ở một số địa phương làm

64

chưa kỹ, dẫn đến nhân dân và một số cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, hiểu và thực hiện chưa đúng, thậm chí đòi hỏi quyền lợi không chính đáng gây khó khăn, cản trở nhiệm vụ của địa phương. Ngoài ra, việc chỉ đạo còn chưa kiên quyết, thiếu sâu sát trong quá trình xây dựng và thực hiện QCDC ở nông thôn. Bên cạnh đó, chế độ thông tin để dân biết theo quy định của chính quyền cơ sở có lúc chưa kịp thời, việc giải quyết những kiến nghị của của nhân dân còn thiếu tập trung, dứt điểm. Có biểu hiện lợi dụng dân chủ để khiếu kiện, mưu lợi cá nhân, thậm chí là để gây rối, chống đối chính quyền. Vì vậy, thực hiện QCDC ở cơ sở phải đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phải hết sức cảnh giác với âm mưu, hành động lợi dụng của các thế lực thù địch. Trong tình hình hiện nay, đây là những vấn đề chúng ta không thể xem thường. Qua khảo sát thực tế, trả lời câu hỏi :“Ông, bà có nhận xét gì về công tác tuyên truyền QCDC ở cơ sở của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương mình?” Kết quả như sau: Thường xuyên liên tục: 217/430, tỷ lệ 50,5% ; Qua loa, chiếu lệ: 213/430, tỷ lệ 49,5%. (Xem phụ lục 1).

Ba là, chưa cụ thể hóa việc dân biết, dân bàn và dân quyết định, dân bàn để chính quyền quyết định, dân giám sát thực hiện, nên khi sơ kết đánh giá không cụ thể, hiệu quả thực hiện thấp. Qua khảo sát thực tế, có những vấn đề dân được biết nhưng không được làm, được làm nhưng không được kiểm tra, những việc cần được biết theo quy chế thì lại không được biết đầy đủ, nhất là những vấn đề cần được bàn và kiểm tra nhân dân càng ít được tham gia hơn. Đa số các cơ sở thực hiện được 8 đến 10 việc trong 14 việc cần thông báo cho dân biết; 4 trong số 6 việc dân bàn và quyết định trực tiếp; 6 trong số 8 việc dân bàn HĐND, UBND quyết định; 7 trong số 10 việc dân giám sát kiểm tra. Sự cách biệt này chứng tỏ tổ chức Đảng, chính quyền và lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp chưa chú trọng đến tổ chức cho dân biết, bàn bạc, kiểm tra những vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ. Vì vậy, nhân dân chưa phát huy được quyền làm chủ của mình. Đây là

65

một hạn chế đối với sự phát triển của địa phương và cơ quan, doanh nghiệp. Quyền làm chủ của nhân dân còn hạn chế không chỉ do vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đối với việc thực hiện quyền lực của nhân dân mà phần quan trọng khác là do chính bản thân người dân vẫn còn thờ ơ với những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, chưa biết bảo vệ quyền làm chủ của mình trong cộng đồng. Trình độ dân trí chưa cao, trình độ văn hóa dân chủ và văn hóa pháp luật chưa đủ cho họ có niềm tin, nghị lực để tích cực đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực vi phạm dân chủ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình một cách có hiệu quả, hợp pháp.

Bốn là, việc triển khai QCDC là việc làm mới và khó, trong khi đó trình độ cán bộ cơ sở còn hạn chế nên một số xã khi triển khai chưa quyết tâm cao, triển khai còn mang tính hình thức; việc xây dựng hương ước, xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa được dân bàn thấu đáo, vì vậy tuy kế hoạch đặt ra nhưng tính khả thi không cao. Thực trạng đội ngũ cán bộ nói chung hiện nay còn nhiều yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên nhưng còn chậm, đa số cán bộ chủ chốt, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã chưa được đào tạo về lý luận chính trị, ủy viên ủy ban xã trình độ năng lực chuyên môn, chính trị còn yếu, trình độ học vấn thấp, mới có trình độ tiểu học và trung học cơ sở là chủ yếu. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và hẫng hụt, không đồng bộ, đa số cán bộ chủ chốt là cán bộ hưu trí, bộ đội phục viên, cán bộ trẻ tỷ lệ thấp, thậm chí có nơi không có.

Hầu hết cán bộ xã trình độ quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, am hiểu pháp luật còn nhiều bất cập, do vậy lúng túng trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở cơ sở. Năng lực quản lý bằng pháp luật còn yếu, nặng về mệnh lệnh, chỉ thị. Khả năng đối thoại, thuyết phục, tuyên truyền giáo dục còn nhiều hạn chế.

66

Năm là, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ sở chưa được phát huy, tình trạng yếu kém về năng lực công tác, thiếu gương mẫu trong đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa được khắc phục. Uy tín trước nhân dân của cán bộ đảng viên, của các chi bộ, đảng bộ cơ sở còn thấp. Việc tự phê bình và phê bình của một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt chưa nghiêm túc, còn tình trạng ngại kiểm điểm trước dân, chưa trực tiếp lắng nghe dân góp ý mà chỉ gửi bản kiểm điểm cá nhân xuống thôn để nhân dân tham gia góp ý nên đã hạn chế kết quả, một bộ phận nhân dân chưa đồng tình. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số nơi còn chậm, thiếu khách quan, dân chủ, nên nhân dân có tâm lý chờ đợi, hoài nghi; một số cán bộ còn quan liêu, thiếu trách nhiệm trước công việc được giao, năng lực trình độ còn hạn chế, có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, cầm chừng. Ban chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ chưa đi vào nền nếp, còn bị động, trông chờ vào vào sự chỉ đạo của cấp trên.

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ vào việc thực hiện quy chế dân chủ ở nông thôn tỉnh Thái Bình (Trang 65)