Thực trạng ứng dụng kỹ thuật 1P5G

Một phần của tài liệu đánh giá khả năng ứng dụng gói kỹ thuật 1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa ở huyện ngã năm, sóc trăng (Trang 25)

Ở ĐBSCL

Trong những năm qua, quy trình sản xuất lúa theo kỹ thuật 1P5G được áp dụng rộng rãi ở các tỉnh ĐBSCL thông qua nhiều dự án lớn nhỏ khác nhau và đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân. Năm 2009, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của IRRI và Cục BVTV, tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện mô hình 1P5G với 335 hộ nông dân tham gia trên tổng diện tích 646,92 ha. Mô hình được xây dựng trên quy mô 1 ấp hay 1 tiểu vùng sản xuất, mỗi mô hình có thực hiện các ruộng trình diễn với diện tích 1 ha để nông dân tham quan học tập. Nhờ áp dụng một cách đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật như IPM và 1P5G nên sản xuất lúa đạt hiệu quả cao hơn. Trong vụ Hè Thu năm 2009, lượng giống đã giảm được 24,5 kg/ha; lượng phân đạm giảm 6,5 kg/ha, lượng phân lân giảm 8,4 kg/ha, lượng phân kali giảm 0,3 kg/ha; số lần phun thuốc trừ sâu giảm 2,4 lần/vụ, số lần phun thuốc trừ bệnh giảm 1,3 lần/vụ; số lần bơm nước giảm 2 lần/vụ; tỷ lệ đổ ngã giảm 11,5%; năng suất lúa tăng 190 kg/ha và lợi nhuận tăng 615.000 đồng/ha so với tập quán canh tác truyền thống (Lưu Hồng Mẫn, 2010). Riêng vụ Đông Xuân 2010 – 2011, lượng giống gieo sạ giảm 76,4 kg/ha; lượng phân đạm giảm 28,1 kg/ha; số lần phun thuốc BVTV giảm 2,5 lần/vụ; số lần bơm nước tưới giảm 1,3 lần/vụ. Nhờ việc áp dụng kỹ thuật 1P5G mà lợi nhuận của nông dân trong cánh đồng mẫu tăng trên 4 triệu đồng so với nông dân ngoài cánh đồng (Cục Bảo vệ Thực vật, 2014).

Năm 2012, dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ được mở rộng triển khai xây dựng mô hình canh tác lúa gạo bền vững – cánh

9

đồng mẫu lớn áp dụng quy trình kỹ thuật 1P5G tại 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL (An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ). Vụ Đông Xuân năm 2012 – 2013, dự án đã tổ chức đào tạo những kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất lúa bền vững, sử dụng giống lúa xác nhận, thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn theo quy trình 1P5G trong sản xuất lúa cho 5.793 nông dân. Vụ Hè Thu năm 2013, đã tổ chức tập huấn cho 12.435 người. Dự án đã được người dân hưởng ứng tích cực và tham gia thực hiện. Kết quả theo điều tra các hộ ở Cần Thơ và Kiên Giang cho thấy, lượng giống gieo sạ giảm 58 kg/ha, lượng phân đạm giảm 1,3 kg/ha; số lần phun thuốc BVTV giảm 3,5 lần/vụ và số loại sử dụng trong một lần phun cũng giảm 1,2 loại. Vụ Đông Xuân 2013 – 2014, kết quả điều tra ở Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp cho thấy 100% số hộ giảm lượng giống gieo sạ (trung bình giảm 50 kg/ha), lượng giống gieo sạ từ 120 – 150 kg/ha; 80% số hộ giảm bón phân đạm (trung bình giảm 20 kg/ha); 90% số hộ giảm sử dụng thuốc BVTV (giảm 1 - 2 lần phun); 66% hộ giảm lượng nước tưới; 100% hộ sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Nhờ việc áp dụng kỹ thuật 1P5G mà chi phí sản xuất giảm, năng suất và lợi nhuận của người dân tăng lên đáng kể. Vụ Đông Xuân 2013 – 2014, năng suất lúa đạt ở Cần Thơ và An Giang đạt 10 tấn/ha, với giá bán 5.300 đồng/kg người nông dân sản xuất lúa trong cánh đồng mẫu lớn thu lãi gần 37 triệu đồng/ha, cao hơn các hộ ngoài cánh đồng mẫu là 5 triệu đồng/ha; lợi nhuận tăng 4,5 – 5 triệu đồng/ha so với canh tác lúa truyền thống. Chi phí sản xuất ở người dân huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã giảm hơn 4 triệu đồng/ha (Ngọc Diệp, 2014).

Ngoài ra, huyện Cái Bè và Cai Lậy tỉnh Tiền Giang đã thực hiện thành công mô hình “Công nghệ sinh thái đồng ruộng” và gần đây là mô hình trồng hoa trên bờ ruộng bao quanh cánh đồng lúa được trồng theo kỹ thuật 1P5G trên diện tích 30 ha ở xã Vĩnh Bình huyện Châu Thành trong vụ Hè Thu năm 2009 nhằm thu hút thiên địch và giúp cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng (Chi cục Bảo vệ Thực vật thành phố Hồ Chí Minh, 2010).

Ở Sóc Trăng và Ngã Năm

Hàng năm, diện tích gieo trồng lúa ở Sóc Trăng rất lớn (từ 320.000 – 350.000 ha), sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn mỗi năm, cung cấp một lượng lương thực lớn tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, tỉnh đã tổ chức lại sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng các biện pháp kỹ thuật 3G3T và 1P5G, sử dụng các giống lúa chất lượng cao, xuống giống tập trung để né rầy theo lịch thời vụ, đồng thời áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn với quy mô vài chục hecta. Vụ Đông Xuân 2012 – 2013, có 106 điểm với trên 12.000 ha, vụ Hè Thu 2013 có 104 điểm trên 11.500 ha sản xuất lúa theo quy mô cánh đồng mẫu lớn. Qua kết quả thực hiện, năng suất lúa cao hơn từ 5 – 7% so với ngoài cánh

10

đồng, giá thành sản xuất trong cánh đồng giảm 12,6%, lợi nhuận tăng 21,68%. Cánh đồng mẫu lớn tại ấp 15 (xã Vĩnh Lợi huyện Thạnh Trị), vụ Đông Xuân 2012 – 2013 với quy trình kỹ thuật áp dụng 1P5G mà chi phí sản xuất bình quân 16,8 triệu đồng/ha; năng suất lúa đạt 68 tạ/ha; giá thành sản xuất là 2.479 đồng/kg lúa; giá bán theo hợp đồng là 5.800 đồng/kg; thu nhập bình quân 39,44 triệu đồng; lợi nhuận bình quân 22,64 triệu đồng/ha (tương đương 57% giá trị sản xuất) (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, 2013).

Ngoài ra, được sự tài trợ của dự án Cạnh tranh nông nghiệp, trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cũng đã tổ chức 53 lớp tập huấn canh tác lúa theo quy trình 1P5G cho 2.650 nông dân ở Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành, Long Phú và Kế Sách. Lớp tập huấn được tổ chức nhiều đợt, tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa mà thời gian tổ chức các lớp tập huấn cũng khác nhau (Trung tâm khuyến nông quốc gia, 2014). Bên cạnh đó, Ngã Năm cũng là một trong những vùng triển khai mô hình sản xuất lúa theo quy trình 1P5G trong vùng thủy lợi ở xã Vĩnh Quới. Đây là một trong những mô hình thuộc dự án “Phát triển nông nghiệp và môi trường thích nghi với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” được thí điểm ở Sóc Trăng, do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tài trợ nhằm triển khai xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thích nghi với biến đổi khí hậu (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu trường Đại học Cần Thơ, 2014).

Một phần của tài liệu đánh giá khả năng ứng dụng gói kỹ thuật 1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa ở huyện ngã năm, sóc trăng (Trang 25)