Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm

Một phần của tài liệu quy chế pháp lý về bảo hiểm hàng hóa trong nước tại việt nam (Trang 48)

5. Kết cấu của luận văn

2.4.1.2. Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm

Thứ nhất, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo

thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm theo thời hạn do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Khi hợp đồng bảo hiểm hàng hóa hết hiệu lực, nếu sự kiện bảo hiểm không xảy ra thì bên mua bảo hiểm cũng không được hoàn lại phí bảo hiểm đã nộp.65

Đóng phí là nghĩa vụ cơ bản của bên mua bảo hiểm, nếu bên mua không đóng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không có nguồn quỹ tài chính để thực hiện hoạt động của mình.

Phương thức đóng phí bảo hiểm là cách thức mà bên mua bảo hiểm tiến hành đóng phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm: đóng một lần hay chia làm nhiều lần tùy theo thỏa thuận các bên. Vì phí bảo hiểm được tính dựa vào mức độ rủi ro của hàng hóa bảo hiểm nên có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận giảm phí bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ngược lại, khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến gia tăng các rủi ro được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm không đồng ý tăng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng được quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm.66

Thứ hai, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi

tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm.

Tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đều không thể biết được rủi ro có xảy ra hay không. Do vậy, để tuân thủ nguyên tắc trung thực, người mua bảo hiểm phải có trách nhiệm khai báo cho doanh nghiệp bảo hiểm biết về mọi yếu tố liên quan đến đối tượng bảo hiểm, để doanh

65

Nguyễn Thị Thủy, Pháp luật bảo hiểm tài sản tại Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2012, trang 61.

66

Quy chế pháp lý về bảo hiểm hàng hóa trong nƣớc tại Việt Nam

nghiệp bảo hiểm xét đoán mức độ rủi ro, và quyết định thái độ của mình trong việc có chấp nhận bảo hiểm hay không.

Khoản 1, Điều 573 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, theo yêu cầu của bên bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải cung cấp cho bên bảo hiểm đầy đủ thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm, trừ thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết”. Với quy định này, việc cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm là theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Sở dĩ pháp luật có quy định như trên là bởi vì muốn đạt được mục tiêu lợi nhuận của mình thì doanh nghiệp bảo hiểm phải là người biết rõ nhất những thông tin nào là cần thiết để đánh giá rủi ro, đồng thời có biện pháp ngăn ngừa rủi ro.

Tuy nhiên, quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của pháp luật Việt Nam cũng có sự khác biệt nhất định so với pháp luật một số nước trên thế giới. Cụ thể theo pháp luật của Pháp thì: “người mua bảo hiểm phải tiết lộ chính xác, vào thời điểm hợp đồng được hình thành, tất cả các trường hợp trong kiến thức của mình và có thể ảnh hưởng tới nhận thức của người bảo hiểm về rủi ro”.67

Như vậy, theo pháp luật của Pháp thì người mua bảo hiểm phải tự cung cấp thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, không dựa trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Họ không thừa nhận lập luận của người mua bảo hiểm: vì không hiểu rõ về bảo hiểm nên không biết phải cung cấp những thông tin nào để giải phóng trách nhiệm cho mình. Theo người viết, pháp luật của Pháp quy định như trên có thể là do hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Pháp ra đời từ rất lâu (khoảng đầu thế kỷ 15).68

Vì vậy, kiến thức về bảo hiểm của người dân đã đạt đến một trình độ hiểu biết nhất định. Do đó, khi một người yêu cầu bảo hiểm thì buộc họ phải biết những yếu tố liên quan đến sản phẩm bảo hiểm mà họ tham gia.

Thứ ba, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo những trường hợp có thể

làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách

67 Phạm Sĩ Hải Quỳnh, Cơ sở hình thành nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng bảo

hiểm, Tạp chí Khoa học pháp lý, Trường Đại học Luật TP. HCM, số 3, 2004, trang 21.

68

Nguyễn Thị Thủy, Pháp luật bảo hiểm tài sản tại Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2012, trang 136.

Quy chế pháp lý về bảo hiểm hàng hóa trong nƣớc tại Việt Nam

nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu bên mua bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ này thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng và có quyền thu phí đến thời điểm đình chỉ hợp đồng.69

Thứ tư, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo cho doanh nghiệp bảo

hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm dẫn đến phát sinh thiệt hại, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm biết trong thời hạn nhanh nhất và bằng cách có thể được, sau đó mới tiến hành lập thủ tục yêu cầu bồi thường gửi cho doanh nghiệp bảo hiểm. Việc không tôn trọng nghĩa vụ thông báo của bên mua bảo hiểm mà phát sinh thêm thiệt hại thì tùy theo mức độ mà doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khấu trừ vào số tiền bồi thường sau khi giám định tổn thất.

Luật chỉ quy định bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng không quy định cụ thể là thông báo bằng phương thức nào. Do đó, để đảm bảo không xảy ra tranh chấp, các bên nên thỏa thuận phương thức thông báo mà bên mua bảo hiểm sẽ tiến hành khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra trong hợp đồng bảo hiểm hàng hóa trong nước. Theo người viết, phương thức thông báo ở đây có thể bằng email, điện thoại, trực tiếp đến doanh nghiệp bảo hiểm để thông báo hoặc thông báo bằng văn bản, miễn sao thông tin về sự kiện bảo hiểm đến doanh nghiệp bảo hiểm một cách nhanh nhất là được.

Thứ năm, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp đề phòng,

hạn chế tổn thất theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ sở hình thành nên nghĩa vụ này xuất phát từ tinh thần trung thực, hợp tác của quan hệ bảo hiểm hàng hóa trong nước, khi bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm cho hàng hóa của mình có nghĩa là họ đã chuyển giao những rủi ro sang cho doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, khi mua bảo hiểm, rõ ràng bên mua không mong muốn tổn thất sẽ xảy ra đối với hàng hóa của mình, bản thân họ đã không muốn gánh chịu những tổn thất này thì đương nhiên người khác cũng không muốn gánh chịu. Như vậy, trong khả năng có thể của mình, bên mua bảo hiểm phải thực hiện những hành vi nhằm ngăn chặn rủi ro, đồng thời nếu rủi ro đang thực sự xảy ra thì họ cũng phải có nghĩa vụ ngăn ngừa tối đa tổn thất có thể xảy ra. Doanh nghiệp bảo hiểm có

69

Quy chế pháp lý về bảo hiểm hàng hóa trong nƣớc tại Việt Nam

quyền kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm hoặc khuyến nghị, yêu cầu người được bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế rủi ro.70 Những chi phí cần thiết, hợp lí để đề phòng, hạn chế rủi ro và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.71

Trong trường hợp bên mua bảo hiểm có lỗi không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại đã ghi trong hợp đồng, phía doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó. Nếu hết thời hạn mà các biện pháp phòng ngừa vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc tăng phí bảo hiểm mà không cần hỏi ý kiến của bên mua bảo hiểm.72

Bên cạnh các quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm thì các quyền và nghĩa vụ cơ bản của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hóa trong nước cũng có phần quan trọng không kém.

Một phần của tài liệu quy chế pháp lý về bảo hiểm hàng hóa trong nước tại việt nam (Trang 48)