Hệ thống miễm dịch của gà bao gồm các tế bào, mô và phân tử tham gia vào chức năng đề kháng của gà. Tương tự như ở các động vật bậc cao, hệ thống miễn dịch của gà bao gồm các thành phần tạo nên đáp ứng miễn dịch tự nhiên và đáp ứng miễn dịch thích ứng:
Hệ thống miễn dịch thích ứng của gà bao gồm có tuyến ức nơi sinh ra các tế bào lympho T và túi Fabricius nơi sinh ra các tế bào lympho B. Các tế bào lympho T và B của gà tham gia cùng với các thành phần khác tạo nên đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Sau mỗi lần đáp ứng với sự xâm nhập của kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể, các tế bào lympho T và B của gà cũng tạo ra các tế bào mang trí nhớ miễn dịch có khả năng nhận diện và đáp ứng nhanh, mạnh hơn khi có sự tái xâm nhập của cùng kháng nguyên đó.
Gà có 3 lớp kháng thể là IgM, IgA và IgY. Trọng lượng phân tử, đặc điểm hình thái học và tính linh động của IgA và IgM ở gà là tương tự như các lớp này ở động vật có vú. So với IgM và IgA của gà, IgY của gà có trọng lượng phân tử thấp hơn, có trong máu gà và được chuyển qua chứa trong lòng đỏ trứng, từ đó có tên gọi là kháng thể lòng đỏ trứng (egg yolk immunoglobulin: IgY).
Năm 1893, Klemperer lần đầu tiên đã mô tả khả năng miễn dịch thụ động thu được ở gà. Ông đã chứng minh có sự thừa hưởng các yếu tố miễn dịch chống lại độc tố uốn ván từ gà mái sang gà con. Khả năng miễn dịch này sau đó đã được chứng minh có được là nhờ sự vận chuyển của kháng thể từ gà mẹ sang trứng và gà con. Từ đó hầu hết các tài liệu liên quan đến các kháng thể của gà đều đề cập đến việc vận chuyển của IgY từ máu gà mẹ sang tích luỹ ở lòng đỏ trứng như một cơ chế miễn dịch thụ động được chuyển từ gà mẹ sang bảo vệ phôi và gà con. IgY được vận chuyển từ máu gà mẹ sang gà con qua 2 bước:
- Bước 1: IgY được chuyển từ máu gà mái vào lòng đỏ trứng, tương tự như quá trình vận chuyển IgG qua nhau thai ở động vật có vú.
- Bước 2: IgY được chuyển từ lòng đỏ trứng sang phôi trong quá trình phát triển của phôi gà.
Sự tập trung IgY ở lòng đỏ trứng về cơ bản là thông qua sự chín của noãn bào. Ở trong trứng IgY không tồn tại ở lòng trắng trong khi IgA và IgM lại không có ở lòng đỏ trứng. Lượng IgY được kết lại trong lòng đỏ trứng từ
ngày thứ 7 trở đi cho đến ít nhất là ngày thứ 18. Trên noãn bào có các thụ thể (receptor) ái lực cao và thấp dành cho IgY. IgY sẽ gắn kết với thụ thể đặc hiệu của nó trên bề mặt noãn bào để chuyển từ máu gà mái sang trứng. Khi IgY đặc hiệu xuất hiện trong huyết thanh thì sau 3 đến 4 ngày mới thấy IgY đặc hiệu đó xuất hiện trong lòng đỏ trứng.
Hình 2.4 Sự truyền kháng thể qua trứng
http://www.igybiotech.com/IgYOverview/tabid/75/Default.aspx