Trong các nghiên cứu của IPCC-CZMS [87, 97, 104, 105] đã nghiên cứu, đề xuất phương pháp đánh giá tính dễ bị tổn thương đơn giản nhằm xác định và đánh giá các tác động của mực nước biển dâng đến đời sống người dân trên bề mặt hành tinh và được ứng dụng tại nhiều nơi. Phương pháp này kết hợp các nhận định của chuyên gia với dữ liệu về các đặc tính vật lý và kinh tế - xã hội, từ đó phân tích, ước tính phổ các tác động của mực nước biển dâng bao gồm cả phần giá trị mất đi của các vùng đất và đất ngập nước. Các thông tin thu được từ cách đánh giá này được sử dụng như là cơ sở cho các bước mô hình hóa tiếp theo. Phương pháp bao gồm 7 bước: (1) xác định khu vực nghiên cứu; (2) thu thập và phân tích các đặc trưng khu vực nghiên cứu; (3) xác định các yếu tố phát triển kinh tế xã hội tương ứng; (4) đánh giá các biến động về mặt vật lý; (5) xây dựng chiến lược ứng phó; (6) đánh giá hồ sơ dễ bị tổn thương; (7) xác định các nhu cầu trong tương lai. Tuy nhiên, đến 1999 Klein và Nicholls [96] đã chỉ ra 5 hạn chế cơ bản của phương pháp này liên quan đến các ràng buộc về kỹ thuật và khả năng cung cấp số liệu trong việc mô hình hóa hệ thống và đánh giá định lượng [81, 108, 115, 119].
Tập trung nghiên cứu và hướng đến cộng đồng nhiều hơn, năm 2001 Nakamura và cộng sự đã tiếp cận theo hướng của Penning-Rowsell về tính dễ bị tổn thương hộ gia đình, dựa vào số thành phần như: kinh tế xã hội thay đổi theo tuổi
28
tình trạng y tế, sự cứu trợ, thu nhập, sự liên kết của cộng đồng, sự hiểu biết về lũ lụt. Sự thay đổi về tài sản và cơ sở hạ tầng có liên quan tới tính nhạy của những tòa nhà, cấu trúc công trình, thời gian khôi phục cơ sở hạ tầng, số lượng tầng của ngôi nhà, sự chắc chắn của ngôi nhà. Đặc trưng lũ lụt bao gồm độ sâu lũ và thời gian ngập lũ, nồng độ bùn cát, kích cỡ bùn cát, ảnh hưởng của sóng/gió, vận tốc lũ, ô nhiễm đường xá, tỷ lệ nước tăng lên từ khi có lũ. Các dữ liệu như là người dân có nhận được cảnh báo lũ hay không, thời gian cảnh báo, nội dung cảnh báo được coi trọng [93]. Đến 2004, Green đã tập trung phân tích tính dễ bị tổn thương về hộ gia đình và biểu thị tính dễ bị tổn thương cộng đồng địa phương như là nhân tố có liên quan, dựa vào các nhân tố như : thu nhập, sự cứu trợ, dịch vụ công cộng, năng lượng, giáo dục... để xét tới sự tổn thương của cộng đồng địa phương. Green đã kết luận rằng: từ một hệ thống các quan điểm, tính dễ bị tổn thương có thể được định nghĩa như là mối tương quan giữa hệ thống kế hoạch và môi trường thay đổi theo thời gian [80]. Theo cách tiếp cận này thì việc đánh giá tính dễ bị tổn thương do lũ lụt chú trọng ở khía cạnh xã hội và kết hợp các thành phần tai biến tự nhiên, tuy nhiên ở đây chưa đề cập đến khả năng tự phục hồi của xã hội cũng như yếu tố môi trường trong hệ thống bị ảnh hưởng của lũ lụt.
Conner [67] đã đưa các biện pháp công trình và phi công trình vào tính toán chỉ số dễ bị tổn thương do lũ như là các yếu tố xã hội thể hiện khả năng chống chịu của cộng đồng. Sebastian [103] xác định tính dễ bị tổn thương lũ là sự kết hợp giữa xác suất thiệt hại và khả năng chống chịu. Các nghiên cứu này chưa xét đến ảnh hưởng của vùng miền (các yếu tố tự nhiên) nên chưa hoàn chỉnh, hay nói cách khác chưa biểu diễn được mối tương tác tự nhiên – kinh tế xã hội khi xem xét bài toán tổng hợp đánh giá tính dễ bị tổn thương.
Fussel, Hebb và Mortsch [79, 82] đã phân chia các nhóm yếu tố quyết định đến khả năng dễ bị tổn thương của cộng đồng, khu vực (hệ thống) nhằm xác định các chỉ số thành bốn nhóm, dựa vào sự tổ hợp giữa hai hệ thống là kinh tế xã hội và tự nhiên từ nhóm các yếu tố nội và ngoại sinh, tuy nhiên, việc sử dụng số liệu và tính toán cũng còn chưa hoàn chỉnh về cả tự nhiên và xã hội.
29
Zhen Fang [120] đã sử dụng ba mô-đun: thích ứng, tính dễ bị tổn thương xã hội và thiệt hại. Trong đó mô - đun thiệt hại chủ yếu xét đến các thiệt hại về kinh tế, dân tộc và cơ sở hạ tầng,... còn các yếu tố khác về mặt xã hội, dân cư, tính chất cộng đồng và lấy người dân làm trung tâm là chưa xét đến hoặc còn sơ sài. Hơn nữa việc tính mức độ tổn thương bằng việc chồng chập các bản đồ là chưa thể hiện hết được sự tác động khác nhau của các yếu tố đến tính dễ bị tổn thương do lũ lụt.
Trong các nghiên cứu [80, 84, 91, 93, 117] đã sử dụng các điều tra về kinh tế và xã hội để xây dựng bộ chỉ số, sau đó đánh giá tính dễ bị tổn thương dựa trên bộ chỉ số đã thu được gồm các tham số: (1) Chỉ số độ phơi nhiễm (khoảng cách từ nhà tới sông, thời gian ngập lũ, độ sâu ngập lũ,...); (2) Chỉ số kinh tế - xã hội (tuổi, giới tính, trình độ học vấn, thu nhập hàng tháng và nghề nghiệp,…); (3) Chỉ số nhạy
(cấu trúc nhà, thời gian ở trong khu vực ảnh hưởng lũ, kinh nghiệm đối phó với lũ, nhận thức về tai biến lũ lụt, nhận thức về rủi ro lũ lụt, sự chuẩn bị cho việc xuất hiện lũ,…); (4) Chỉ số chống chịu (năng lực đối phó, quản lý và sự cứu trợ, hỗ trợ có thể nhận được,…). Phiếu điều tra được thiết kế, thu thập từ các hộ dân trong vùng nghiên cứu, sau đó phân tích mô tả tất cả các chỉ số thông qua bảng câu hỏi. Những nghiên cứu này sử dụng phiếu điều tra để xác định chỉ số độ phơi nhiễm là chưa phù hợp bởi các thành phần phơi nhiễm cần mang tính khách quan và được xác định thông qua kỹ thuật tính toán. Các yếu tố do được điều tra thành từng nhóm nên việc đồng bộ hóa số liệu của mỗi nhóm cần được tính đến (không sử dụng trực tiếp được ngay).
A. Feteke [76, 77] coi tính dễ bị tổn thương xuất phát từ một biểu hiện cực đoan, có hướng với biểu hiện tích cực. Đánh giá được tính dễ bị tổn thương là nắm bắt được những điều kiện của hệ thống xã hội, các đặc điểm của nó khi đối mặt với thiên tai lũ lụt. Các thành phần tạo nên tính dễ bị tổn thương bao gồm: độ phơi nhiễm, tính nhạy và khả năng chống chịu dưới tác động của hiện tượng cực đoan trong bối cảnh cụ thể [52]. Ở đây, tác giả coi tính dễ bị tổn thương là một thành phần của rủi ro thay đổi theo không gian, thời gian nhằm mục đích giảm thiểu tai biến.
30
A. Feteke đưa ra 41 biến số thuộc 3 thành phần (kinh tế, xã hội và môi trường) trên cơ sở đáp ứng 3 tiêu chí (độ phơi nhiễm, tính nhạy và khả năng chống chịu), được thể hiện qua 8 yếu tố (độ tuổi, sự phụ thuộc, trình độ, nguồn thu nhập, y tế, thể chế, loại hình nhà cửa, tiềm năng kinh tế khu vực). Các yếu tố dễ bị tổn thương xã hội chính gồm độ tuổi, giới tính, trình độ, nguồn thu nhập, các biến phụ là y tế, đô thị - nông thôn, nhà cửa, tiềm năng của vùng. Các biến này được đánh giá theo 4 tiêu chuẩn người có sức khỏe yếu dẫn đến tử vong, người phụ thuộc hoàn toàn vào y tế, trình độ của con người và nguồn lực tài chính của con người. Hạn chế trong nghiên cứu của A.Feteke thể hiện ở thành phần độ phơi nhiễm được lấy theo mật độ kết cấu hạ tầng là chưa phản ánh đầy đủ yếu tố này. Ví dụ, nơi mà có mật độ nhà cửa, kết cấu hạ tầng ít nhưng là đất quốc phòng, an ninh là dễ bị tổn thương hơn so với đất ở nông thôn….Ngoài ra, việc sử dụng biện pháp so sánh các biến với các tiêu chuẩn để xác định là mức độ tính nhạy cao, thấp hay trung bình cũng không tránh khỏi sự phụ thuộc vào tính chủ quan của người nghiên cứu hoặc chưa đảm bảo tính khách quan của biến số. Hơn nữa, các biến và tiêu chuẩn so sánh chưa hẳn là tuyến tính, điều này có thể dẫn đến sai sót khi đưa ra kết quả xác định độ nhạy.
Sumana Bhattacharya và Aditi Das [107] đã đánh giá tính dễ bị tổn thương ở hiện tại và xu hướng trong 1 thập kỷ tiếp theo của các hiện tượng cực đoan như: hạn hán, lũ lụt, lốc xoáy theo thuật toán suy luận mờ. Hạn chế khi áp dụng phương pháp này là so sánh trong mô hình là 2 biến với 3 đặc trưng là cao, trung bình và thấp, trong khi xác định giá trị là cao, trung bình hay thấp cũng rất tương đối và còn mang tính chủ quan. Hơn nữa mỗi yếu tố, thành phần và chỉ số cũng có những mức độ ý nghĩa khác nhau đối với tác động của thiên tai, lũ lụt, nên không xét đến giá trị trọng số của từng biến, từng thành phần là chưa đảm bảo tính toàn diện của hệ thống.