Hoàn thiện quy trình quản trị rủi ro lãi suất

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ RỦI RO LÃI SUẤT TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN SÀI GÒN THƯƠNG TÍN.PDF (Trang 90)

Một quy trình quản lý rủi ro lãi suất, cũng như bất kỳ một qui trình quản trị rủi ro nào bao giờ cũng gồm các bước sau:

a. Nhận dạng rủi ro.

Để làm tốt công tác quản lý rủi ro lãi suất, ngân hàng phải nhận diện được những rủi ro nào mình phải đối mặt và nguyên nhân dẫn đến rủi ro đó. Khi lãi suất thay đổi, các ngân hàng thường phải đương đầu với hai loại rủi ro lãi suất: rủi ro về giá và rủi ro tái đầu tư.

(i) Rủi ro về giá: Giá trị thị trường của tài sản có, tài sản nợ dựa trên khái niệm giá trị hiện tại của tiền tệ. Do đó, rủi ro sẽ phát sinh nếu lãi suất thị trường tăng lên, dẫn đến mức chiết khấu giá trị tài sản cũng tăng theo và giá trị hiện tại của tài sản có hoặc tài sản nợ giảm xuống.

(ii) Rủi ro tái đầu tư (tái định giá): Rủi ro này xuất hiện khi có sự không cân xứng về kỳ hạn giữa tài sản có, tài sản nợ hoặc khi các ngân hàng áp dụng các loại lãi suất khác nhau trong quá trình huy động vốn và cho vay.

- Sự không cân xứng về kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ: Trong trường hợp kỳ hạn của tài sản có lớn hơn kỳ hạn của tài sản nợ (ngân hàng huy động vốn ngắn hạn để cho vay, đầu tư dài hạn), rủi ro sẽ trở thành hiện thực nếu lãi suất huy động trong những năm tiếp theo tăng lên trong khi lãi suất cho vay và đầu tư dài hạn không đổi. Trường hợp kỳ hạn của tài sản có nhỏ hơn kỳ hạn tài sản nợ (ngân hàng huy động vốn có kỳ hạn dài để cho vay, đầu tư với kỳ hạn ngắn), rủi ro sẽ xuất hiện nếu lãi suất huy động trong những năm tiếp theo không đổi trong khi lãi suất cho vay và đầu tư giảm xuống.

- Áp dụng các loại lãi suất khác nhau trong quá trình huy động vốn và cho vay:

Ngân hàng có thể huy động vốn với lãi suất cố định để cho vay, đầu tư với lãi suất biến đổi. Khi lãi suất giảm, rủi ro sẽ xuất hiện vì chi phí trả lãi không đổi trong khi thu nhập lãi giảm. Trường hợp ngược lại, ngân hàng huy động vốn với lãi suất biến

đổi để cho vay, đầu tư với lãi suất cố định; rủi ro sẽ phát sinh khi lãi suất tăng vì chi phí trả lãi tăng theo lãi suất thị trường, trong khi thu nhập lãi không đổi.

Trên cơ sở nhận thức về các loại rủi ro và nguồn gốc phát sinh của chúng, ngân hàng cần thường xuyên rà soát thu chi lãi và danh mục tài sản có, tài sản nợ của mình; tiến đến lượng hóa rủi ro lãi suất và có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

b. Đo lường rủi ro.

Một hệ thống đo lường rủi ro lãi suất có khả năng nhận biết tất cả nguồn gốc rủi ro trên toàn bộ phạm vi hoạt động của ngân hàng sẽ quyết định thành công cho cả quy trình quản lý rủi ro. Để xây dựng được hệ thống này trên cơ sở các mô hình tài chính hiện đại, những nội dung sau ngân hàng cần chú ý thực hiện:

(i) Phương pháp và kỹ thuật đo lường:

Việc lượng hóa rủi ro lãi suất cần được áp dụng trên cả hai khía cạnh thu nhập/chi phí lãi và giá trị thị trường của danh mục tài sản có, tài sản nợ mà ngân hàng đang nắm giữ. Mục tiêu này có thể đạt được khi sử dụng:

- Phương pháp quản lý khe hở nhạy cảm lãi suất (Mô hình tái định giá): Phương pháp này sẽ giúp ngân hàng xác định sự thay đổi thu nhập lãi ròng của ngân hàng khi lãi suất thay đổi, trên cơ sở phân tích các luồng tiền dựa trên nguyên tắc giá trị ghi sổ nhằm xác định chênh lệch giữa lãi suất thu được từ tài sản Có và lãi suất thanh toán cho vốn huy động sau một thời gian nhất định. Kỹ thuật quan trọng nhất phải nắm là việc phân nhóm các khoản mục tài sản có và tài sản nợ theo khoảng thời gian tương lai cho tới khi từng khoản mục đáo hạn hoặc được định giá lại. Trên cơ sở này, chúng ta sẽ xác định tình trạng nhạy cảm tài sản hoặc nợ và đánh giá tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của Ngân hàng trước biến động lãi suất.

- Phương pháp quản lý khe hở kỳ hạn thực tế (Mô hình thời lượng): Nhờ đề cập đến yếu tố thời lượng của tất cả các luồng tiền cũng như kỳ hạn đến hạn của tài sản nợ và tài sản có, mà phương pháp này đánh giá được tác động của sự thay đổi lãi suất đối với giá trị ròng của Ngân hàng. Kỹ thuật quyết định của phương pháp là việc

tính thời lượng của từng khoản mục tài sản có, tài sản nợ; tiếp đến xác định thời lượng của toàn danh mục tài sản có, tài sản nợ; tạo điều kiện cho việc đánh giá sự thay đổi giá trị ròng của Ngân hàng trước biến động lãi suất. Trong danh mục tài sản có, tài sản nợ; những khoản mục không chịu lãi hoặc có dòng tiền không cố định trong tương lai sẽ được bỏ qua khi tính thời lượng.

(ii) Dữ liệu cần thu thập:

Để lượng hóa rủi ro lãi suất một cách thành công với hai phương pháp trên, ngân hàng nên thu thập và tập hợp thông tin cho mỗi khoản mục trong danh mục tài sản có, tài sản nợ về:

- Mệnh giá, số dư hiện tại và các quy định về lãi suất trong từng hợp đồng;

- Phương thức thanh toán hay phương pháp trả lãi; thời gian đáo hạn; các điều khoản điều chỉnh trong hợp đồng.

Định kỳ, tập hợp dữ liệu này nên được báo cáo về phòng Quản lý Nguồn vốn – Ngân quỹ, tạo điều kiện cho việc xác định tình trạng nhạy cảm tài sản hoặc nợ, cũng như tính toán kỳ hạn hoàn vốn trung bình của tài sản có (DA), kỳ hạn hoàn trả trung bình của tài sản nợ (DL); tiến đến đo lường khe hở kỳ hạn (IS GAP) và xác định sự biến động giá trị ròng của ngân hàng (ΔNW) khi lãi suất thay đổi.

c. Giám sát rủi ro:

QLRRLS là một quá trình năng động. Đo lường RRLS của việc kinh doanh hiện tại thôi chưa đủ, ngân hàng cũng nên ước tính ảnh hưởng của việc kinh doanh mới lên rủi ro của nó. Ngân hàng nên đánh giá lại các chiến lược hiện tại có phù hợp với hồ sơ rủi ro như dự tính của ngân hàng định kỳ. Ban quản lý cấp cao và ngân hàng nên có hệ thống báo cáo cho phép họ giám sát tình hình rủi ro hiện tại và tiềm năng để đảm bảo rằng các mức độ đó nhất quán với các mục tiêu đã đề ra.

d. Phòng ngừa rủi ro:

- Phòng ngừa vi mô: phòng ngừa rủi ro lãi suất cho từng bộ phận tài sản có hoặc tài sản nợ một cách riêng biệt.

- Phòng ngừa vĩ mô: phòng ngừa rủi ro lãi suất do sự không cân xứng về thời lượng của hai vế bảng cân đối tài sản.

Xét về cách thức phòng ngừa, ngân hàng có thể dựa vào khe hở nhạy cảm lãi suất hoặc khe hở kỳ hạn thực tế để điều chỉnh danh mục tài sản nợ, tài sản có (gồm chiến lược chủ động và thụ động). Cách thức này đặc biệt hiệu quả khi kết hợp với mô hình mô phỏng và tối ưu hóa. Một cách khác linh động hơn là sử dụng các kỹ thuật bảo hiểm lãi suất như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi, hợp đồng quyền chọn. Cả hai cách phòng ngừa này sẽ thực sự hữu ích khi thị trường tài chính càng phát triển và có tính thanh khoản cao.

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ RỦI RO LÃI SUẤT TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN SÀI GÒN THƯƠNG TÍN.PDF (Trang 90)