Kiến thức và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.

Một phần của tài liệu Mô tả một số yếu tố liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới năm tuổi vùng dân tộc thiểu số, huyện trạm tấu tỉnh yên bái năm 2014 (Trang 76)

Chương 4 BÀN LUẬN

4.2.2. Kiến thức và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ là cách thông thường để cung cấp cho trẻ sơ sinh những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng phát triển của trẻ. Sữa non là sữa có màu vàng và sánh, được tạo vào cuối thai kỳ, là thực phẩm hoàn hảo nhất cho trẻ sau sinh. Theo khuyến cáo của WHO và UNICEFF nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, tốt nhất là bú sữa non ngay sau khi sinh và tiếp tục cho bú ngay cả khi mẹ không có sữa [52].

Theo kết quả Biểu đồ 3.3 thì có 58,5% các bà mẹ cho rằng nên cho trẻ bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, chỉ có khoảng 9,3% các bà mẹ cho rằng nên bú sau 1 giờ. Kết quả của chúng tôi thấp hơn rất nhiều kết quả của Phạm Thị Tâm tại xã Mỹ An huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp năm 2010 (87,2%) [71], Nguyễn Khánh Chi tại 2 xã ở tỉnh Yên Bái năm 2006 (77,4%) [72], Lương Tuấn Dũng tại xã Phúc Thịnh và Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang năm 2012 (trên 80,0%) [69]. Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ cho con bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh chỉ đạt 34,2%. Kết quả này cũng thấp hơn nghiên cứu của các tác giả Đào Thị Hồng Huệ tại huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang (58,2%) [60]; Nguyễn Thị Thanh Thuấn ở trẻ em dưới 5 tuổi dân tộc Tày tại 2 xã thuộc huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang (59,2%) [61] và Đinh Thị Thu Phương tại huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái năm 2011(82,4%) [73].

Nguyên nhân chủ yếu của các bà mẹ khi không cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh là do mẹ chưa có sữa (48,6%) và mẹ mệt sau khi sinh (21,6%). Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thực hành cho trẻ bú trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh thấp hơn kiến thức nuôi trẻ của các bà mẹ, nhưng nguyên nhân chủ yếu do bà mẹ thiếu kiến thức về việc chăm sóc và chế độ dinh dưỡng, luyện tập và nghỉ ngơi trong quá trình mang thai chưa được tốt dẫn đến việc bà mẹ thiếu sữa cho trẻ.

Tuy nhiên, khi so sánh kết quả nghiên cứu với một số địa phương trong một số nghiên cứu khác thì tỷ lệ của chúng tôi cao hơn, như nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Kim Hưng ở Thành phố Hồ Chí Minh (20,9%) [74]; nghiên cứu của Trần Thị Mai tại Đắc Lắc (33,4%) [65]; nghiên cứu của Đặng Oanh ở trẻ em dân tộc thiểu số Tây Nguyên chỉ có 3,8% trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh [75] và nghiên cứu tại ngoại thành Phnôm Pênh, Cămpuchia năm 2007 của Rinkeo tỷ lệ này là 4,6% [76]. Tỷ lệ bà mẹ vắt bỏ sữa non trước khi cho trẻ bú lần đầu là 16,7%, tỷ lệ này thấp hơn so với nghiên cứu của Lương Tuấn Dũng tại xã Phúc Thịnh (31,8%) và xã Xuân Quang (26,1%) [69] và cũng thấp hơn nghiên cứu của Đào Thị Hồng Huệ tại huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang năm 2011 (37,5%) [60]. Tuy nhiên, tỷ lệ của chúng tôi lại cao hơn so với tỷ lệ vắt bỏ sữa non của bà mẹ huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái trong nghiên cứu của tác giả Đinh Thị Thu Phương (2,2%) [73].

Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức chưa đúng về thời gian cho trẻ bú mẹ sớm sau khi sinh có thể là do các bà mẹ tại địa bàn nghiên cứu có trình độ dân trí thấp thể hiện ở tỷ lệ mù chữ cao (59,3%) và chỉ có ít các bà mẹ có trình độ văn hóa trên cấp 3 (4,4%). Ngoài ra, 38,9% các bà mẹ tại huyện Trạm Tấu không được tiếp cận thông tin về việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, một số ít các bà mẹ

được nghe thông tin về cách nuôi dưỡng trẻ từ me/mẹ chồng (10,1%) và chỉ có 34,7% được nghe tư vấn từ các cán bộ Y tế thôn/xã.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy tỷ lệ các bà mẹ cho con bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh còn thấp (34,2%). Điều này có thể được lý giải là do hậu quả của kiến thức kém và do không đủ điều kiện kinh tế để chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và sau khi sinh. Trạm Tấu là một huyện miền núi, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, kinh tế nông, lâm nghiệp là chủ yếu (97,9%) đa số các hộ gia đình đều thuộc hộ nghèo (70,7%). Ngoài ra, tỷ lệ thiếu gạo ăn trong năm vừa qua còn cao, chiếm 36,5%. Bên cạnh đó, kết quả thảo luận nhóm của các bà mẹ huyện Trạm Tấu cũng cho thấy điều kiện kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hành của bà mẹ.

“Gia đình rất khó khăn, mọi người ăn uống thế nào mình ăn như thế, vẫn phải đi làm nương cho tới khi đau đẻ”. “Đứa con thứ 3 của em, em đẻ luôn lúc em đi làm đồng, lúc ấy đói sữa mẹ chưa kịp về nên em cho con uống sữa ngoài”.

(TLN bà mẹ xã Pá Hu). Theo khuyến cáo của WHO và UNICEFF không cần phải cho trẻ sơ sinh ăn hay uống bất kì lại thức ăn, nước uống nào trước khi cho trẻ bú lần đầu [52]. Tỷ lệ bà mẹ cho trẻ ăn/uống trước khi cho bú mẹ là 9,3% (Bảng 3.9), kết quả này thấp hơn nhiều so với kết quả nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Thành Quân năm 2011 (26,92%) [62] và nghiên cứu của Đào Thị Hồng Huệ năm 2011 (29,3%) [60]. Loại thức ăn chủ yếu là uống sữa ngoài chiếm 38,9%, nguyên nhân khách quan có thể do mẹ chưa có sữa hoặc do mẹ mệt. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Thuấn cho thấy tỷ lệ thức ăn chủ yếu trước khi cho trẻ ăn là mật ong (48%) và sữa bột (13,3%) [61].

Nghiên cứu của Nguyễn Thành Quân loại thức ăn trước khi cho bú sữa mẹ cũng là sữa ngoài (12,5%) [62].

Thời điểm cai sữa của trẻ cao nhất ở nhóm tuổi 12-18 tháng tuổi (48,0%). Nghiên cứu của chúng tôi có kết quả cũng tương tự như nghiên cứu của tác giả Lương Tuấn Dũng, trẻ được cai sữa cao nhất ở nhóm tuổi 12-18 tháng với 86,2% (Phúc Thịnh) và 66,7% (Xuân Quang) [69]. Nghiên cứu của Đinh Thị Thu Phương thời điểm cai sữa 12-18 tháng là 81,5% cũng cho kết quả tương tự [73]. Thời gian cai sữa trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 16,7±6,1 tháng, kết quả này cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thành Quân năm 2011 về thời điểm cai sữa 14,76±4,97 tháng [62] và nghiên cứu của Đào Thị Hồng Huệ là 15,0±5,2 tháng [60]. Mặt khác, thời gian cai sữa mẹ trung bình cho trẻ em các bà mẹ tại huyện Trạm Tấu lại thấp hơn so với thời gian cai sữa mẹ trung bình của trẻ em một số dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên trong nghiên cứu của Đặng Oanh năm 2007 là 20,1±6,1 tháng [75]. Theo khuyến cáo của WHO, thời gian cai sữa mẹ là trong khoảng 18-24 tháng do vậy song song với việc cho trẻ ăn bổ sung thì người mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú để đảm bảo tối ưu nguồn dinh dưỡng được cung cấp từ sữa mẹ [52].

Một phần của tài liệu Mô tả một số yếu tố liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới năm tuổi vùng dân tộc thiểu số, huyện trạm tấu tỉnh yên bái năm 2014 (Trang 76)

w