Suy dinh dưỡng thể thấp còi (CC/T).

Một phần của tài liệu Mô tả một số yếu tố liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới năm tuổi vùng dân tộc thiểu số, huyện trạm tấu tỉnh yên bái năm 2014 (Trang 72)

Chương 4 BÀN LUẬN

4.1.2.Suy dinh dưỡng thể thấp còi (CC/T).

Chiều cao theo tuổi thấp phản ánh sự tăng trưởng chậm do điều kiện dinh dưỡng và sức khỏe không hợp lý hay phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài hoặc SDD trong quá khứ làm trẻ bị còi cọc. Đây cũng là chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của xã hội và là chỉ số đánh giá hậu quả của đói nghèo.

Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ người dân tộc thiểu số ở Trạm Tấu theo nghiên cứu của chúng tôi là 61,4%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ SDD thấp còi chung của toàn quốc (26,7%) và tỷ lệ chung của Yên Bái (30,1%) bao gồm cả SDD thấp còi thể nặng, theo số liệu thống kê năm 2012 [59]. Tỷ lệ SDD thấp còi của trẻ em người dân tộc thiểu số huyện Trạm Tấu cũng cao hơn rất nhiều so với ngưỡng phân loại mức độ SDD trẻ em ở cộng đồng của WHO [58].

Tỷ lệ SDD thể thấp còi của huyện Trạm Tấu cũng cao hơn so với các kết quả nghiên cứu của các tác giả Đào Thị Hồng Huệ tại huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang (22,8%) [60], nghiên cứu của tác giả Lê Thị Hương tại một huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa năm 2008 (28,3%) [67], nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thành Quân về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi tại Hưng Yên và Hòa Bình năm 2011 (44,1%) [62] và nghiên cứu của tác giả Bùi Thị Nguyệt Minh ở huyện miền núi tỉnh Hòa Bình năm 2012 về tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi (37,6%) [66].

Tỷ lệ trẻ SDD thấp còi bắt đầu tăng cao ở nhóm tuổi từ sau 24 tháng tuổi. Điều này phản ánh sự chưa thích nghi của trẻ với môi trường và tập quán ăn uống chưa thích hợp và đây cũng là nhận định của tác giả Trường Sơn trong nghiên cứu của mình tại một xã ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh [68].

Tương tự như tỷ lệ thiếu cân, tỷ lệ SDD thể thấp còi tại huyện Trạm Tấu cũng đạt ngưỡng rất cao theo phân loại của WHO về giá trị ngưỡng hiện mắc và có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, tình trạng SDD thể thấp

còi trẻ em dưới 5 tuổi huyện Trạm Tấu cũng phù hợp với xu thế chung của khu vực và quốc gia. Trên phạm vi cả nước, báo cáo về TTDD hàng năm của Viện dinh Dưỡng đều cho thấy vùng miền núi, vùng sâu vùng xa có tỷ lệ SDD thấp còi cao hơn các vùng khác [59].

Tỷ lệ SDD thấp còi được coi là một trong những chỉ số gián tiếp giúp đánh giá tình hình kinh tế của địa phương. Với lệ SDD thể thấp còi là 61,4% cao hơn tỷ lệ SDD thể nhẹ cân (28,0%) và SDD gầy còm (2,9%) cho thấy tình trạng SDD mạn tính đang phổ biến ở vùng này và số liệu này cũng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và tình hình kinh tế của tỉnh Yên Bái và của toàn quốc trong những năm gần đây. SDD làm cho trẻ kém phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này gây tác động xấu đến thế hệ tương lai. Những đứa trẻ thấp bé sẽ trở thành những người trưởng thành có tầm vóc bé nhỏ, năng lực sản xuất kém. Vì thế cần thiết phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn, đặc biệt hỗ trợ về kinh tế, hỗ trợ nâng cao kiến thức và thực hành chăm sóc trẻ để giảm tỷ lệ này.

Một phần của tài liệu Mô tả một số yếu tố liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới năm tuổi vùng dân tộc thiểu số, huyện trạm tấu tỉnh yên bái năm 2014 (Trang 72)