Chương 4 BÀN LUẬN
4.1.3. Suy dinh dưỡng thể gầy còm (CN/CC).
Cân nặng theo chiều cao phản ánh một tình trạng thiếu ăn gần đây hay thiếu dinh dưỡng cấp tính nhưng cũng có thể lâu hơn. Tỷ lệ SDD thể gầy còm tại huyện Trạm Tấu là 2,9%. Tỷ lệ này thấp hơn nghiên cứu của tác giả Lương Tuấn Dũng năm 2012 tại xã Xuân Quang (7,2%), xã Phúc Thịnh (8,9%) [69]; thấp hơn nghiên cứu của tác giả Đào Thị Hồng Huệ năm 2012 tại huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang (14,1%) [60] và tác giả Nguyễn Thị Thanh Thuấn ở trẻ em dưới 5 tuổi dân tộc Tày tại 2 xã thuộc huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang (11,2%) [61]. Nguyên nhân có thể do cả cân nặng chiều cao của trẻ đều thấp nên chỉ số cân nặng theo chiều cao “bình thường giả”.
Biểu đồ 3.1 cho thấy tỷ lệ SDD thể gầy còm bắt đầu xuất hiện ở những tháng đầu đời, sau đó tăng nhẹ ở những tháng tiếp theo và cao nhất ở thời kì trẻ ở nhóm tuổi 36-47 tháng tuổi (5,1%). Kết quả này cũng gần tương tự với kết quả Lương Tuấn Dũng tại huyện Phúc Thịnh năm (2012) [69]. Kết quả nghiên cứu cũng thấp hơn nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thành Quân (10,2%) [62]. Tình trạng trẻ gầy còm thấp hơn so với các vùng khác là nhờ hiệu quả của một số chương trình can thiệp đã triển khai tại đây trong hai năm qua. Đặc biệt giảm đáng kể tỷ lệ SDD này ở nhóm trẻ bú mẹ và giai đoạn ABS.
Qua trao đổi với cán bộ lãnh đạo địa phương, các ban ngành đoàn thể và nhóm bà mẹ đều nhận định rằng tình trạng SDD tại địa phương có phần chịu ảnh hưởng nhiều do điều kiện kinh tế của địa phương, nhiều bà mẹ phải đi làm sớm, không có thời gian chăm sóc cho con mình.
“Còn trẻ em gầy yếu phải chiếm tới 60%. Theo em thì trẻ mà đủ cân đủ sức khỏe thì nó thiên về kinh tế hơn. Còn những trẻ nhóm gầy yếu vừa về kinh tế vừa về điều kiện, rồi là nó liên quan đến việc chăm sóc nữa. Chăm sóc thì chúng ta không có điều kiện chăm sóc con, nếu nói về con thì mẹ là người chăm sóc tốt nhất, nhưng vì điều kiện kinh tế nên bà mẹ phải đi làm, ông bà ở nhà thì cũng không bằng bố mẹ được, không quan tâm đến con được”.
(TLN bà mẹ xã Pá Hu).
“Xã nghèo nên trình độ nhận thức yếu, việc chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế. Do điều kiện hạn chế như thế nên các bà mẹ chỉ tập chung lo kinh tế cho gia đình mình. Đi làm thuê, làm mướn, đi lao động để coi như là ít quan tâm đến trẻ lắm, thường đứa trẻ sinh ra một vài tháng là đưa con cho ông bà chăm, có đứa lớn thì chăm đứa bé, cho nên điều kiện để am hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cháu còn hạn chế”.
Tóm lại, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi tại huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái cao có thể vì Trạm Tấu là một huyện được xếp là một trong 61 huyện nghèo theo Nghị Quyết 30a của Chính Phủ. Cụ thể theo kết quả nghiên cứu này thì Trạm Tấu là vùng có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống (78,8% dân tộc H’Mông và 24,6 % dân tộc Thái), tỷ lệ hộ nghèo theo xếp hạng của Chính quyền địa phương là 34,8% và số hộ thiếu gạo ăn trong năm vừa qua lên tới 36,5%. Do đó, trẻ em không được quan tâm và chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý vì thế trẻ lại càng dễ bị SDD hơn.