Trong những tài liệu phương pháp dạy học hóa học, các tác giả phân loại bài tập hóa học theo những cách khác nhau dựa trên các cơ sở khác nhau:
- Theo mức độ huy động kiến thức, bài tập hóa học được chia thành: bài tập định tính và bài tập định lượng (bài toán hóa học) và bài tập tổng hợp.
- Theo cách giải có sử dụng thực nghiệm hay không thực nghiệm: Bài tập lý thuyết (định tính và định lượng) và bài tập thực nghiệm (định tính và định lượng).
- Theo mục đích dạy học: Bài tập hình thành kiến thức mới; bài tập rèn luyện, củng cố kỹ năng, kỹ xảo; bài tập kiểm tra, đánh giá.
- Theo cách tiến hành giải bài tập: Bài tập giải bằng lời nói, bài tập giải bằng cách viết (tự luận và trắc nghiệm khách quan) và bài tập giải bằng thực nghiệm.
- Căn cứ vào mức độ hoạt động nhận thức của học sinh trong quá trình tìm kiếm lời giải: Bài tập cơ bản (BTCB) và bài tập phân hoá (BTPH). Trong lý luận dạy học chưa có một định nghĩa nào về hai loại bài tập này nhưng theo chúng tôi, đó là hai khái niệm mang tính chất tương đối.
BTCB là những bài mà khi giải học sinh chỉ huy động một vài đơn vị kiến thức hoặc một kỹ năng vừa mới hình thành. Như vậy, BTCB chỉ được nói đến với yếu tố mới, đơn giản mà trước đó học sinh chưa được biết đến.
BTCB còn cung cấp kiến thức kỹ năng cơ bản để giải các bài tập hóa học phức tạp hơn. Thiếu kiến thức, kỹ năng này học sinh không thể hình thành kiến thức và kỹ năng mới. Ví dụ: bài tập tính theo công thức, phương trình hóa học: tính lượng một chất khi biết lượng một chất khác trong phản ứng, tính % về khối lượng các chất trong hỗn hợp...
BTPH là loại bài tập hóa học trong đó gồm nhiều loại BTCB khác nhau. Giải BTPH là giải nhiều BTCB liên tiếp để tìm ra kết quả. Ví dụ: Tính lượng dung dịch NaOH có nồng độ đã biết để trung hoà một lượng dung dịch H2SO4 có nồng độ đã cho. Bài tập này gồm các bài tập cơ bản:
Tính lượng H2SO4 đã có → Viết phương trình phản ứng → Tính lượng NaOH để trung hoà → Tính lượng dung dịch NaOH.
Việc xác định BTCB, BTPH có ý nghĩa, đặc biệt ở chương trình THPT hệ đại trà vì nó giúp cho việc xác định được phương pháp và mức độ hình thành kỹ năng giải bài tập Hóa học.
Ngoài ra còn có thể phân loại bài tập theo chủ đề, dựa vào tính chất bài tập, dựa vào phương pháp hình thành kĩ năng giải bài tập…Tuy nhiên, sự phân loại đó chỉ có tính chất tương đối, không có ranh giới rõ rệt; có những bài tập trong đó vừa có nội dung phương pháp, vừa có tính chất đặc trưng nổi bật, vừa có thuật toán riêng. Theo chúng tôi, sự phân loại bài tập hóa học dựa vào 3 cơ sở chính:
- Dựa vào nội dung cụ thể của bài tập.
- Dựa vào tính chất đặc thù của vấn đề nghiên cứu. - Dựa vào mục đích dạy học.
1.4.4. Những yêu cầu cơ bản của việc tuyển chọn - xây dựng và sử dụnghệ thống bài tập dùng trong kiểm tra - đánh giá kết quả học tập của học sinh