Nghiên cứu ảnh hưởng của một số yếu tố sinh thái đến loài BXBM

Một phần của tài liệu Thành phần côn trùng bắt mồi trên cây đậu rau ở huyện nam đàn tỉnh nghệ an, đặc điểm sinh học, sinh thái của loài coranus fuscipennis reuter và thử nghiệm khả năng khống chế sâu hại đậu rau (Trang 33)

Theo Vũ Quang Côn và ctv (2004) [3, 4], sự xuất hiện và phát triển theo mùa của các loài bọ xít ăn sâu phổ biến trên một số cây trồng tại vùng Tây Bắc Việt Nam đã xác định được: 3 loài bọ xít ăn sâu cổ ngỗng đen Sycanus croceovittatus, bọ xít ăn sâu cổ ngỗng đỏ S. falleni và loài bọ xít đỏ Antilochus conquebertii bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng IV cho đến tháng X trên cây đậu tương, bông và ngô tại một số điểm miền núi thuộc tỉnh Sơn La với mật độ trung bình tương ứng là 0,04 – 0,22 con/m2, 0,09 – 0,13 con/m2 và 0,07 – 0,15 con/m2.

Khi nghiên cứu biến động quần thể loài bọ xít bắt mồi Orius sauteri Poppius trên dưa chuột ở Hà Nội và vùng phụ cận. Kết quả cho thấy tại Văn Đức, Gia Lâm cây dưa chuột được trồng ở ngoài trời, thuốc trừ sâu được sử dụng 8 lần trong vụ đã làm ảnh hưởng rõ rệt đến biến động của loài bọ xít này (Yorn Try và ctv, 2006) [25] Việc sử dụng thuốc hóa học bất hợp lý trong phòng trừ sâu hại không những gây ô nhiễm môi trườn, ảnh hưởng sức khỏe con người mà còn làm giảm sự đa dạng sinh học, làm cho quần thể thiên địch trở nên nghèo nàn.

Nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc trừ sâu Sherpa 25EC đến mật độ của 2 loài bọ xít bắt mồi Andrallus spinidens Cantheconidea furcellata trên cây bông ở Tô Hiệu, Sơn La. Kết quả nghiên cứu của Trương Xuân Lam (2002a) [10] cho thấy, mặc dù chỉ phun thuốc 1 lần với nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo nhưng thuốc Sherpa 25EC đã ảnh hưởng tới mật độ của cả 2 loài bọ xít bắt mồi Andrallus spinidens Cantheconidea furcellata trên đồng ruộng. Ở công thức phun thuốc hóa học, sau khi phun thuốc hầu như không bắt gặp hai loài bọ xít bắt mồi này và chúng chỉ xuất hiện trở lại sau khi phun thuốc 42 ngày.

Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc hóa học Sherpa 25EC lên bọ xít cổ ngỗng đen bắt mồi S. croceovittatus cũng thu được kết quả tương tự, tuy nhiên sự xuất hiện của bọ xít cổ ngỗng sau phun nhanh hơn so với hai loài trên, chúng xuất hiện sau phun 15 ngày với mật độ 0,02 con/m2 và sau 25 ngày thì mật độ của chúng

đạt 0,12 con/m2. Trong khi đó ở công thức đối chứng mật độ của chúng ở các thời điểm này là 0,36 con/m2 và 0,42 con/m2. Đối với công thức thử nghiệm phun thuốc Bt cho thấy, số lượng của loài sâu xanh bị giảm rõ rệt nhưng mật độ của loài bọ xít cổ ngỗng đen không thay đổi, chỉ sau phun 3 ngày loài bọ xít này đã xuất hiện trở lại với mật độ 0,02 con/m2 và số lượng của loài này nhanh chóng đạt được là 0,16 con/m2 sau phun thuốc 10 ngày. So sánh với công thức đối chứng cho thấy mật độ của loài bọ xít cổ ngỗng đen ở công thức phun thuốc Bt sai khác không có ý nghĩa so với đối chứng sau 5 ngày phun thuốc (Trương Xuân Lam, 2002b) [11].

Bốn loại thuốc bảo vệ thực vật thử nghiệm có ảnh hưởng rõ đến sức sống và sinh sản Andrallus spinidens. Thuốc trừ sâu Antaphos 25 EC phun 1 lần theo khuyến cáo đã gây chết 86,24% số cá thể Andrallus spinidens thí nghiệm, làm giảm sức sinh sản 20,18 lần so với đối chứng. Thuốc thảo mộc (bột cây hoa cúc) gây chết 35,46%, giảm sức sinh sản 20,18 lần; thuốc trừ bệnh Xanthomix 20WP gây chết 21,82%, làm giảm sức sinh sản 7,34 lần và thuốc trừ cỏ Sunrice 15 WDG gây chết 18,17%, làm giảm sức sinh sản 4,75 lần so với đối chứng (Nguyễn Thị Thanh và ctv, 2011) [18].

Một phần của tài liệu Thành phần côn trùng bắt mồi trên cây đậu rau ở huyện nam đàn tỉnh nghệ an, đặc điểm sinh học, sinh thái của loài coranus fuscipennis reuter và thử nghiệm khả năng khống chế sâu hại đậu rau (Trang 33)