9. Cấu trúc luận văn
3.1. Các nguyên tắc xây dựng và thực hiện các biện pháp
Các biện pháp ở chương này được xây dựng và thực hiện theo các nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Tuân thủ con đường hình thành và rèn luyện kĩ năng. Vì các
biện pháp đều nhằm hình thành hoặc rèn luyện một (hoặc một số) trong các kĩ năng cần thiết để học sinh tự đánh giá kết quả học tập nên phải tuân thủ con đường hình thành và rèn luyện kĩ năng nói chung. Để hình thành kĩ năng phải trải qua ba giai đoạn: giai đoạn lĩnh hội, giai đoạn quan sát và giai đoạn hình
thành. Do đó để hình thành kĩ năng tự đánh giá kết quả học tập môn Toán của học sinh giáo viên cần thực hiện theo ba giai đoạn đó. Ở giai đoạn lĩnh hội, giáo viên cần giúp học sinh thấy được vai trò của tự đánh giá từ đó thấy được sự cần thiết phải tự đánh giá, có hứng thú, động cơ, nhu cầu tự đánh giá. Đặc biệt, ở giai đoạn này giáo viên phải giúp học sinh hiểu về các kĩ năng tự đánh giá kết quả học tập, các thao tác cần thiết để tự đánh giá được kết quả học tập. Ở giai đoạn quan sát, giáo viên phải làm mẫu việc đánh giá và dạy cho học sinh tự đánh giá kết quả học tập thông qua quá trình học trên lớp (khi giáp mặt với thầy), từ đó giúp học sinh tự đánh giá được khi không giáp mặt với thầy. Ở giai đoạn hình thành, giáo viên phải tạo các cơ hội để học sinh được luyện tập tự đánh giá như: thảo luận nhóm, hồ sơ học tập, qua câu hỏi... Quá trình rèn luyện kĩ năng bao gồm hai khâu, đó là: hình thành kĩ năng, củng cố và nâng cao kĩ năng. Do đó, ở giai đoạn thứ ba cũng là giai đoạn để giúp học sinh củng cố và nâng cao các kĩ năng.
Nguyên tắc 2: Tôn trọng cơ sở lí luận và thực tiễn. Để hình thành một
(hoặc một số) trong các kĩ năng cần thiết để học sinh tự đánh giá kết quả học tập môn Toán thì các biện pháp phải được xây dựng dựa trên cơ sở lí luận và thực tiễn đã đề cập ở trong Chương 1 của luận văn này. Về cơ sở lí luận cần tuân theo con đường hình thành và rèn luyện kĩ năng, các nhóm kĩ năng cơ bản về tự đánh giá kết quả học tập, biểu hiện của các kĩ năng đó trong môn Toán, các bước để học sinh tự đánh giá kết quả học tập, cần nắm được các yếu tố ảnh hưởng đến kĩ năng tự đánh giá kết quả học tập,... Đồng thời phải căn cứ vào thực tiễn dạy học đã chỉ ra ở Chương 1 là nhìn chung học sinh chưa có kĩ năng tự đánh giá kết quả học tập và đa số giáo viên chưa quan tâm và chưa biết cách rèn luyện kĩ năng tự đánh giá kết quả học tập cho học sinh. Trên cơ sở đó đề xuất được các biện pháp sư phạm vừa có ý nghĩa về lí luận vừa có ý nghĩa về thực tiễn.
Nguyên tắc 3: Tôn trọng lí luận dạy học bộ môn Toán. Cần quán triệt đặc
thù của khoa học toán học và của lí luận dạy học bộ môn Toán trong quá trình xây dựng và thực hiện các biện pháp. Do đó, minh họa cho các biện pháp chủ yếu thuộc các tình huống điển hình trong dạy học môn Toán.
Nguyên tắc 4: Có tính khả thi. Trong thực tiễn đa dạng, phức tạp, không
đồng đều và còn nhiều khó khăn của giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục toán học nói riêng, các biện pháp muốn đảm bảo tiêu chuẩn chân lí thì phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế, phù hợp với giáo viên, học sinh, SGK hiện hành... và có thể thực hiện được trong thực tiễn dạy học ở các trường trung học cơ sở ở nước ta.