Một số phương pháp, biện pháp dạy học tác phẩm Thơ mớ

Một phần của tài liệu Dạy học tác giả, tác phẩm thơ mới trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông (Trang 65)

TỔ CHỨC DẠY HỌC TÁC GIẢ, TÁC PHẨM THƠ MỚI TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN THPT

2.2.2.Một số phương pháp, biện pháp dạy học tác phẩm Thơ mớ

Để phát huy được tính tích cực, niềm hứng thú của học sinh trong giờ đọc hiểu văn bản thơ mới, người giáo viên cần biết sử dụng linh hoạt nhiều hình thức phương pháp và biện pháp cụ thể trong các giờ học. Sự phát triển của lí luận dạy học hiện đại, và thực tiễn giảng dạy trong nhà trường đã dẫn đến sự ra đời và hoàn thiện cả về mặt lí luận cũng như thực tiễn của nhiều phương pháp dạy học đổi mới thay thế và hỗ trợ cho các hình thức và phương pháp truyền thống. Nắm được phương pháp và biện pháp dạy học là giáo viên nắm được ‘‘chìa khóa’’ để mở ra cánh cửa tri thức mới. Để một giờ đọc hiểu các văn bản thơ mới đạt hiệu quả cao nhất, giáo viên cần chú ý những phương pháp và biện pháp vừa mang tính đặc thù của cảm thụ và truyền thụ văn chương, vừa phát huy được vai trò chủ thể tích cực và sáng tạo của học sinh. Sau đây là một số phương pháp và biện pháp trong dạy đọc hiểu tác phẩm thơ mới:

2.2.2.1. Đọc diễn cảm

Đọc diễn cảm là thủ pháp trung tâm của phương pháp đọc sáng tạo, là bước đầu của quá trình thâm nhập văn bản văn học. Đọc diễn cảm là biện pháp đầu tiên được quan tâm tới trong đọc hiểu văn bản trữ tình. Biện pháp này có tác dụng rất lớn quyết định đến việc tạo ấn tượng thẩm mĩ cho học sinh về văn bản, khơi dậy ở người học sự tiếp nhận tích cực, tạo sự chú ý, tâm thế ổn định trước khi tìm hiểu văn bản. Đây là cách thức hoạt động giúp học sinh tiếp thu với tác phẩm, thâm nhập vào thế giới hình tượng, cảm thụ trực tiếp tác phẩm, gợi lên những cảm xúc, rung động, những ấn tượng thẩm mĩ làm tiền đề cho quá trình cảm thụ, phân tích tác phẩm một cách thấu đáo.

Đọc diễn cảm còn là hoạt động cảm thụ ứng với giai đoạn đầu của quá trình tiếp nhận tác phẩm: từ âm thanh đến lớp hình, từ mã ngôn ngữ đến mã hình tượng. Nó có tác dụng kích thích, khơi gợi hình dung, trí tưởng tượng giúp học sinh phát hiện những cảm giác ấn tượng nội tại do thế giới hình

tượng gợi lên. Đồng thời nó còn tạo tâm thế cho học sinh đi vào phân tích, cắt nghĩa, khái quát giá trị và ý nghĩa tác phẩm.

Phương pháp đọc diễn cảm là hình thức đọc văn chương, đọc thẩm mỹ, nghĩa là chú ý đến quan hệ thẩm mĩ giữa người đọc và tác phẩm thể hiện sắc thái tình cảm, cảm xúc, ở sự cảm thụ đánh giá mang màu sắc chủ quan của người đọc, chứ không giống với hình thức đọc ngôn ngữ, đọc văn tự hay phát âm thành tiếng các câu chữ trong văn bản.

Khi đọc diễn cảm cần chú ý đến yêu cầu đọc đúng rồi mới đọc hay. Đọc đúng từ, đứng câu, đứng nhịp điệu, giọng điệu, cấu tứ mạch lạc bài văn, đúng thông điệp mà nhà văn kí thác qua văn bản, đúng thái độ, tình cảm của tác giả. Đọc đúng vừa là tiền đề, vừa là hệ quả của cảm đúng, hiểu đúng bài văn. Đọc hay là đọc đúng, đồng thời truyền được rung động, cảm xúc và cảm thụ, đánh giá mang màu sắc chủ quan của người đọc. Muốn đọc diễn cảm đúng và hay đòi hỏi người đọc phải hiểu sơ bộ về tác phẩm, quan điểm và ý đồ của tác giả có như vậy mới điều chỉnh giọng đọc phù hợp với giọng điệu của bài thơ.

Học sinh muốn đọc diễn cảm hay thì ở tiết học trước, giáo viên phải hướng dẫn học sinh ở nhà soạn bài mới và tìm hiểu giá trị tác phẩm thông qua hệ thống câu hỏi ở phần sau văn bản. Có nghĩa là trước khi đọc văn bản thơ ở lớp các em phải làm quen với tác phẩm ở nhà, có như vậy mới đọc đúng và hiểu đúng. Tuy nhiên nếu học sinh chưa đọc diễn cảm đúng và hay thì giáo viên sẽ là người hướng dẫn các em đọc văn bản và có thể giáo viên sẽ thực hành đọc mẫu cho học sinh. Và qua cách đọc diễn cảm, giáo viên phải truyền được cảm hứng, giọng điệu bài thơ đến với học sinh.

Với các bài thơ thuộc phong trào Thơ mới, thì việc đọc diễn cảm lại hết sức cần thiết. Thơ mới là sự bùng nổ mạnh mẽ của cái tôi, vì thế mỗi nhà thơ đều muốn khẳng định cái tôi cá nhân, cá thể qua từng giọng điệu riêng, sắc thái cảm xúc riêng, màu sắc riêng của mình trong thơ. Vì vậy, khi dạy học thơ

mới GV cần cho HS đọc diễn cảm bài thơ để HS cảm nhận được cảm xúc bao trùm của bài thơ và có định hướng đúng để phân tích tác phẩm.

Trong quá trình hướng dẫn phương pháp đọc tác phẩm cần phải theo quy trình sau :

- GV gọi HS đọc tác phẩm,

- GV gọi HS khác nhận xét cách đọc của bạn để rút kinh nghiệm, - GV định hướng cho các em thế nào là đọc đúng, đọc hay. - GV gọi HS đọc lại xem đúng như định hướng của GV chưa - GV đọc mẫu cho HS.

Khi dạy bài thơ Vội vàng, GV hướng dẫn HS thể hiện đúng các sắc thái cảm xúc của từng đoạn qua giọng đọc. Phần đầu của bài thơ cần được đọc với giọng vui tươi, náo nức, xôn xao, chú ý đến các điệp từ, điệp ngữ. Từ câu 14 đến câu 29 chuyển sang giọng tranh luận, phản bác, thảng thốt, tiếc nuối. Cao trào cảm xúc của bài thơ là từ câu 30 cho đến hết. Giọng đọc trong phần này cần sôi nổi, nhanh, nhấn giọng vào các điệp ngữ, các từ miêu tả, các động từ được thể hiện theo lối tăng tiến,... Khi tổ chức đọc bài Tràng giang GV cần hướng dẫn HS đọc với giọng ung dung, thư thái, hơi chậm và chú ý ngắt nhịp 4/3, 2/2/3... Khi cho các em đọc bài Đây thôn Vĩ Dạ, phải chú ý chuyển giọng điệu du dương, trong trẻo, vui tươi ở khổ đầu sang giọng buồn bã mơ màng ở khổ hai và sang giọng ưu tư, khắc khoải, day dứt ở khổ cuối. Cần chú ý ngắt nhịp 4/3 của thể thơ thất ngôn và cần đọc chậm rãi, lên giọng đúng kiểu câu nghi vấn các câu hỏi tu từ ở các khổ thơ.

Sau khi HS đọc diễn cảm xong bài thơ một vài lần, GV có thể định hướng cho Hs vào bài bằng câu hỏi: Sau khi đọc xong bài thơ, cảm nhận chung của em về bài thơ (giọng điệu, hình ảnh, cảm xúc...).

Đọc diễn cảm chính là cơ sở đầu tiên để các em định hướng đúng cảm xúc bao trùm bài thơ, để từ đó có thể hiểu tác phẩm đúng nhất và nhanh nhất, thuận lợi cho quá trình phân tích tác phẩm sau đó. Việc vận dụng phương

pháp này cần được vận dụng phối hợp với các phương pháp khác và sử dụng trong tất cả các khâu của giờ học thì hiệu quả giờ học sẽ cao hơn và HS sẽ có nhiều hứng thú học tập, cảm nhận bài học sâu sắc hơn.

2.2.2.2. Giảng bình

Giảng bình là phương pháp giáo viên giảng giải, cắt nghĩa và thẩm định về giá trị nghệ thuật của văn bản nhằm giúp học sinh cảm nhận một cách sâu sắc giá trị của văn bản. Về bản chất, phương pháp giảng bình đòi hỏi người giáo viên khi vận dụng nó vào quá trình dạy học tác phẩm văn chương phải có sự kết hợp cả trí tuệ và cảm xúc một cách nhuần nhuyễn thì giờ giảng văn nói chung, phương pháp giảng bình nói riêng mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

Giảng bình vẫn là một phương pháp quen thuộc của giáo viên dạy Ngữ văn, đặc biệt là khi dạy những tác phẩm trữ tình trong đó có giảng dạy những bài thơ mới. Hiện nay với phương pháp dạy học văn mới, đổi mới ngay ở tên gọi từ

giảng văn sang đọc hiểu văn bản thì phương pháp giảng bình không còn giữ vai trò độc tôn như trước đây, nhưng ưu điểm nổi bật của nó thì vẫn được khẳng định. Tuy nhiên, để vận dụng tốt phương pháp này vào hoạt động đọc hiểu tác phẩm thơ mới, giáo viên cần chú ý đảm bảo một số yêu cầu sau:

Giảng bình trong giờ dạy học tác phẩm Thơ mới khác với giảng bình trong dạy thơ trung đại : hình ảnh, từ ngữ trong các bài Thơ mới là sự sáng tạo mang tính cá nhân, là tiếng nói cái tôi cá nhân, cá thể, là dòng chảy tự nhiên của cảm xúc, nên đó cũng là mảnh đất màu mỡ để GV giảng bình theo sự ‘‘thăng hoa’’ của bài giảng. Trong thơ trung đại, phương pháp này có phần hạn chế hơn bởi tính chất ước lệ, sùng cổ, phi ngã của nó. Vì thế, khi giảng bình Thơ mới phải dựa theo tín hiệu ngôn ngữ. GV chỉ chọn những từ, câu, hình ảnh, chi tiết nghệ thuật (không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật...) có ‘‘tín hiệu’’, hay còn gọi là ‘‘nhãn tự’’, ‘‘thần cú’’ của bài thơ để dạy; phải là những hình ảnh, chi tiết nghệ thuật được coi là điểm sáng thẩm mĩ của bài thơ để khi

chúng ta giảng bình mới thấy được cái hay, cái độc đáo của nhà văn khi biểu đạt những dụng ý trong tác phẩm.

Ví dụ trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận, chọn câu thơ được xem như điểm sáng thẩm mĩ của bài thơ: ‘‘Củi một cành khô lạc mấy dòng’’. Giáo viên có thể giảng bình câu thơ này như sau: Khô có nghĩa là không còn sự sống, lạc diễn tả sự lênh đênh trên dòng nước. Chỉ một cành củi khô thôi nhưng lại lạc đến mấy dòng, bằng thủ pháp đối và đảo ngữ hình ảnh cành củi khô trôi vô định, không có phương hướng trên dòng nước gợi lên nỗi cô đơn, u uẩn của một tâm hồn thi sĩ lãng mạn, những người mang mối sầu trăm ngả không chỉ trước trời đất vô biên mà còn trước khung cảnh u ám của cảnh nước mất nhà tan trong những năm tháng dân tộc bị thực dân Pháp đô hộ. GV cũng có thể chọn hình ảnh cánh chim nghiêng ở cuối bài thơ để giảng bình: Một cánh chim đơn lẻ, nhỏ nhoi được đặt trong thời khắc buổi chiều (mà lại

chiều sa chứ không phải chiều buông hay chiều xuống), và trong không gian ngút ngàn đã khiến bầu không khí thêm u buồn, diệu vợi. Không phải bóng chiều tự sa xuống mà cánh chim côi cút làm sa cả trời chiều. Hẳn đúng hơn là cõi lòng trĩu nặng ưu tư của nhà thơ đã làm nghiêng cả bóng chiều trong dáng bay đơn lẻ của chú chim nhỏ: ‘‘Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa’’.

Hình ảnh, chi tiết nghệ thuật (không gian, thời gian nghệ thuật...) phải sinh động, gợi cảm, chịu sức nén của ý nghĩa tư tưởng, ý nghĩa thẩm mĩ, là những ‘‘điểm chốt’’ của logic tác phẩm. Ví dụ không gian và thời gian trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm. Không gian đưa tiễn trong bài thơ hết sức đặc biệt, không gian thơ có thể là một bến xe, một dòng sông, một con đường... nhưng điều kỳ diệu của bài thơ tập trung ở chỗ nhà thơ lấy không để gợi có: không đưa...sao có ? không thắm...sao đầy ? Cái nhìn sáng tạo về không gian, thời gian đã chi phối hình tượng thơ: không đưa qua sông, bóng chiều không thắm, không vàng vọt, trời chưa mùa thu... Cảm xúc thơ được đặt

đâu đó trong khoảng điều sắp xảy ra nhưng chưa xảy ra. Đây chính là bản chất tâm trạng của người đi, muốn dứt áo ra đi nhưng vẫn dùng dằng.

Một điều cần lưu ý nữa khi lựa chọn phương pháp giảng bình là phải chọn thời điểm thích hợp để đưa ra lời giảng bình. Lời bình chỉ thực sự phát huy tác dụng khi cả thầy và trò đều thâm nhập vào không khí tác phẩm. Khi đó lời bình của giáo viên mới đưa lại ấn tượng sâu sắc và khó phai mờ. Quan trọng nhất của phương pháp này là kết hợp giữa bình và giảng, có giảng mà không có bình thì dễ rơi vào khô khan, bài giảng không thực sự thăng hoa. Có bình mà không có giảng thì mơ hồ, xa vời, khó nắm bắt. Bên cạnh đó lời bình cũng phải giàu cảm xúc, phải diễn đạt chính xác, hay, độc đáo và cần thiết thì phải ưu tiên lối diễn đạt giàu hình ảnh.

Ví dụ khi giảng bài Chiều Xuân của Anh Thơ, GV có thể giảng bình câu thơ sau: Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa. Câu thơ là một sự sáng tạo rất lớn của Anh Thơ. Trâu bò thì ăn cỏ chứ làm sao có thể cúi ăn mưa ? Ấy thế mà nhà thơ lại để chúng ăn mưa. Câu thơ được tạo nên từ sự trái khoáy nhưng lại không phải không có cơ sở thuyết phục. Bởi lẽ, mưa xuân nhẹ rơi đọng trên cỏ, trâu bò ăn cỏ và ăn cả những hạt mưa bé tẹo ấy. Cách nói đó khiến cho hình tượng thơ trở nên sống động.

Bài Thơ duyên của Xuân Diệu, Gv cũng có thể giảng bình theo lối diễn đạt giàu hình ảnh ngay ở khổ đầu tiên của bài nhằm tăng sức hấp dẫn của bài thơ với học sinh:

Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên Cây me ríu tí cặp chim chuyền (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền

Khổ thơ là một bức tranh tuyệt đẹp về một buổi chiều thu trong sáng, thơ mộng được vẽ ra. Tất cả mọi vật đều tìm đến nhau và tìm đôi trong niềm hạnh phúc tràn đầy, viên mãn. Chiều như muốn đưa người ta lạc vào cõi

mộng, nhánh cây trở nên duyên dáng, yêu kiều, gợi cảm một cách đặc biệt, cả vòm cây thì xao động vì tiếng ríu rít của cặp chim chuyền và trời xanh cũng đổ ngọc xuống trần qua muôn kẽ lá biếc.

Giảng bình không phải là một phương pháp mới, nhưng nó lại cần thiết trong việc giảng dạy các bài Thơ mới trong chương trình. Phát huy ưu điểm của phương pháp này trong dạy học cũng là một cách đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn hiện nay.

2.2.2.3. Đặt câu hỏi

Trong dạy đọc hiểu thơ trữ tình nói chung, thơ mới nói riêng, để chuẩn bị cho HS chiếm lĩnh tác phẩm văn chương, người thầy phải xây dựng được một hệ thống câu hỏi khơi dậy trí tuệ của chủ thể HS, ý thức chiếm lĩnh tác phẩm một cách sáng tạo. Đó là hệ thống câu hỏi bám sát văn bản; câu hỏi tìm tòi phát hiện, cảm nhận; câu hỏi bình luận và đánh giá. Hệ thống yêu cầu này cũng bắt nguồn từ những tiêu chí nhấtđịnh.

Một trong những tiêu chí đầu tiên để đánh giá hệ thống câu hỏi trong giờ dạy đọc hiểu văn bản là tính có vấn đề của câu hỏi. Khái niệm vấn đề là khái niệm rất quan trọng thường dùng để chỉ mâu thuẫn nảy sinh trong thực tiễn. Đó là mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết, giữa cái cũ và cái mới. Nó chỉ được giải quyết bằng con đường tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi đã nảy sinh ra. Bởi thế câu hỏi có tính vấn đề là câu hỏi đặt ra những mâu thuẫn, có tính chất phức tạp về nội dung, được người GV đặt ra yêu cầu HS nhận thức, tư duy độc lập để hướng tới tìm kiếm cách giải quyết vấn đề. Các câu hỏi có tính vấn đề của GV nhằm làm cho các em hiểu sâu hơn các khía cạnh mới của văn bản.

Chẳng hạn với bài Tràng giang, cụm câu hỏi then chốt có thể là: Ở dạng phác thảo ban đầu, Tràng giang là một bài lục bát có thể gọi là Chiều trên sông (mà quả thật trong bài có rất nhiều chi tiết cụ thể, gợi cảm nói về buổi chiều trên sông). Vậy thì tại sao cuối cùng tác giả lại đặt cho bài thơ cái

tên gọi rất mông lung, ấn tượng và có phong vị cổ kính là Tràng giang? Vì sao có sự đổi tên bài thơ? Tràng giang khác Chiều trên sông như thế nào?

Câu hỏi có vấn đề có thể là tình huống xuất hiện khi có nhiều ý kiến khác nhau về một vấn đề buộc ta phải lựa chọn cách giải quyết hợp lí, tối ưu nhất. Ví dụ khi dạy bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, GV có thể hỏi:

Một phần của tài liệu Dạy học tác giả, tác phẩm thơ mới trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông (Trang 65)