Tạo âm điệu bằng cách sử dụngcác từ láy

Một phần của tài liệu Truyền thống và cách tân trong lửa thiêng của huy cận (Trang 63)

8. Bố cục của khóa luận

3.3.2. Tạo âm điệu bằng cách sử dụngcác từ láy

Sử dụng từ láy là việc lặp lại các âm, các vần, các từ tạo sự luyến láy, nhịp nhàng trong mỗi câu thơ. Trong Lửa thiêng Huy Cận sử dụng rất nhiều từ láy, đó là sự gọt giũa kĩ lưỡng về ngôn từ của Huy cận, tạo âm điệu mới mẻ. Từ láy xuất hiện trong mỗi câu thơ không đơn thuần chỉ là sự tinh vi trong cách sử dụng ngôn từ mà mỗi từ láy còn mang trong nó sức chứa những nội dung biểu cảm nhất định.

Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn (Buồn đêm mưa): Từ láy nặng nặng gợi cảm giác mạnh, gia tăng dần; từ láy buồn buồn gợi cảm xúc buồn nhẹ nhưng kéo dài. Tâm trạng của con người hài hòa với tự nhiên. Những giọt mưa

58

rơi đều đặn trong đêm khiến nhà thơ cảm giác như những tiếng mưa ấy từng hạt, từng hạt nặng trĩu. Mưa đêm thấm vào đất, thấm vào lòng người làm cho nỗi buồn trong con người cũng trở nên miên man, kéo dài.

Diễn tả sự cô đơn của con người trước cảnh sông nước mênh mang được Huy Cận diễn tả rất tinh tế thông qua việc sử dụng âm mở ang và từ láy

điệp điệp, song song:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

(Tràng giang)

Tràng giang vốn là một từ Hán Việt mang lại cho bài thơ không khí cổ điển. Vần ang kết hợp với từ láy điệp điệp gợi liên tưởng nỗi buồn tăng dần, bao trùm cả không gian. Nỗi buồn triền miên, lan ra khắp không gian rộng lớn. Chủ thể trữ tình đứng trước cảnh sông nước mênh mang, những đợt sóng gợn đều đều trên mặt nước càng làm cho không gian trở nên tĩnh lặng và mênh mông hơn, lòng người thì cô đơn, sầu não. Dù trên dòng sông ấy có sự xuất hiện của hình ảnh con thuyền xuôi mái nhưng sự chuyển động của nó lại chỉ là song song, không hề có sự gặp gỡ nào với mặt nước vô tận. Sự chuyển động của sự vật trên nền không gian tĩnh càng làm tăng lên vẻ cô quạnh của không gian.

Thay đổi tầm nhìn, thi nhân hướng lên cao với mong muốn tìm được chút hơi ấm và sự sống. Nhưng không gian trên cao cũng chỉ là: Lớp lớp mây cao đùn núi bạc (Tràng giang). Từ láy lớp lớp chỉ sự dịch chuyển liên tục của những đám mây trên bầu trời. Trên những ngọn núi mây trắng tầng lớp lớp kết đọng che phủ màu xanh của núi rừng khiến cho những ngọn núi được nhìn giống như núi bạc. Mây che lấp không gian trên cao gợi cảm giác buồn, con người như bị rơi vào màn sương âm u không tìm ra lối thoát.

Không chỉ mô tả không gian, từ láy trong Lửa thiêng của Huy Cận còn được sử dụng để diễn tả tâm trạng gợi cảm xúc: Buồn mưa không định, chỉ

59

ngùi ngùi (Mưa), Xiêu xiêu cúi nhẹ chút buồn tràn (Mưa). Từ láy ngùi ngùi,

xiêu xiêu đã bộc lộ trực tiếp nỗi buồn của thi sĩ trong lúc trời đổ mưa. Nỗi buồn ấy dẫu chỉ là ngùi ngùi nhưng nó tràn ra khắp không gian xung quanh.

Bên cạnh những từ láy toàn bộ như trên Huy Cận còn sử dụng những từ láy âm tạo hình ảnh ấn tượng, rõ nét: Nắng xuống trời lên sâu chót vót. Sông dài trời rộng bến cô liêu (Tràng giang). Từ láy âm chót vót gợi độ sâu của không gian, mọi vật rơi vào sự tĩnh lặng vô định. Những tia nắng vàng rọi xuống càng nâng bầu trời lên cao hơn. Cái nhìn của nhà thơ như bị hút vào khoảng không sâu chót vót, rồi vượt lên, xuyên thủng cả tầng không gian bầu trời để đến cõi vô biên. Không gian không chỉ tĩnh tại và thanh vắng mà còn đìu hiu, cô quạnh: Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu. Tất cả đã góp phần làm cho những bài thơ trong Lửa thiêng mang đậm sắc thái cổ điển, ngôn ngữ trang trọng giàu sắc điệu.

Tóm lại, với việc sử dụng ngôn từ cổ điển kết hợp với việc sử dụng các từ láy tạo âm điệu của Huy Cận trong Lửa thiêng làm cho mỗi câu thơ trở nên mượt mà, độc đáo và lôi cuốn hơn.

Thế giới của Lửa thiêng là thế giới trầm mặc, thâm u, cổ kính của xứ sở nước non lặng lẽ êm đềm. Con người vì thế cũng kín đáo thâm trầm, nặng về suy tư, giãi bày hơn là hành động quyết liệt. Tiếng thơ của Lửa thiêng là tiếng thơ đằm thắm, trầm lắng suy tư, thiết tha giao cảm buồn tủi, ngậm ngùi. Vì đó, Xuân Diệu mới coi: “Lửa thiêng là bản ngậm ngùi dài”, đó là tiếng cảm thương cho số phận con người và số phận non sông đất nước.

60

PHẦN KẾT LUẬN

1. Một con chim sẽ khó có thể vỗ cánh bay cao, bay xa nếu không có bước đệm ban đầu. Huy Cận cũng vậy, thành công của ông trước hết là nhờ vào sự kế thừa những yếu tố truyền thống của dân tộc.Có thời gian người ta nhắc đến Huy Cận như “một hiện tượng lạ” nhưng chính hồn thơ lạ ấy lại mang đến cho văn học Việt Nam một màu sắc mới. Thời gian chính là phương thuốc thử nghiệm hữu hiệu nhất, gần một thế kỉ đã qua đi, thơ của Huy Cận đến với công chúng một cách gần gũi và trở nên sâu sắc hơn. Bạn đọc thấy một Huy Cận vừa quen nhưng cũng vừa lạ vừa gần gũi song cũng thật xa xôi và khi gấp trang thơ của Huy Cận lại chúng ta lại ngân nga mãi câu thơ dường như đã tạo thành ám ảnh:

Một chiếc linh hồn nhỏ Mang mang thiên cổ sầu.

Sự sầu muội, cô đơn, lạnh lùng của một linh hồn thơ trong trẻo, đầy nhiệt huyết sẽ còn mãi trong suốt dòng chảy của văn học Việt Nam, còn mãi trong lòng các thế hệ bạn đọc của xưa kia, của bây giờ và cho tới mãi mãi mai sau.

2. Sự sáng tạo của Huy Cận dựa trên nền tảng truyền thống thơ ca dân tộc. Cùng với sự kế thừa vốn văn hóa, các thi liệu truyền thống, thơ Huy Cận vừa có chất ngọt ngào, đằm thắm của ca dao vừa giàu tính hàm súc uyên bác của văn học cổ điển.

3. Kế thừa và phát triển là một quá trình trao dồi, tiếp thu và sáng tạo. Kế thừa để phát triển, nhưng phát triển phải dựa trên sự kế thừa. Cũng như một loài cây phải có gốc thì mới mãi xanh tươi. Một mặt tiếp thu truyền thống, mặt khác Huy Cận không ngừng cách tân thơ ca, làm mới thơ Việt. Nhờ vậy thơ ông không chỉ rất truyền thống mà còn rất mới.

61

Trong giai đoạn 1930 - 1945, đặc biệt khi phong trào Thơ mới ra đời trên cái nền xã hội kìm hãm sự phát triển, con người rơi vào trạng thái cô đơn, không lối thoát. Thơ Huy cận ra đời đáp ứng đúng những nhu cầu phong phú của cuộc sống, Huy Cận đã nói thay tiếng nói của bao thi sĩ cùng thời khác. Mặc dù ông đã từng được xem như một “hiện tượng lạ” nhưng thực tế tư tưởng, tình cảm thậm chí cả lối diễn đạt trong thơ của ông tất cả đều rất gần gũi với người dân Việt.

4. Truyền thống và cách tân trong tập Lửa thiêng nói riêng cũng như trong toàn bộ hành trình sáng tác của Huy Cận nói chung có sự thống nhất, nó được xem như tư duy nghệ thuật đặc sắc trong thơ Huy Cận. Lửa thiêng đã mang đến cho người đọc những cảm nhận vừa mới lạ, vừa thân quen, vừa hiện đại nhưng cũng rất dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Huy Cận (1940), Lửa thiêng, Nxb Đời nay.

2. Huy Cận và Hà Minh Đức chủ biên (1993), Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo dục.

3. Xuân Diệu (1998), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, in lần thứ 3, Nxb Văn học, Hà Nội.

4. Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Nam, Tuyển tập thơ Huy Cận, Nxb Văn học, Hà Nội.

5. Xuân Diệu (1940), Tựa Lửa thiêng, Nxb Đời nay.

6. Phan Cự Đệ (1982), Phong trào thơ mới (1932 - 1945), Nxb khoa học xã hội.

7. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn học. 8. Lê Bá Hán, Lê Quang Hưng, Chu Văn Sơn (1998), Tinh hoa thơ mới tưởng bình và suy ngẫm, Nxb Giáo dục, Hà nội.

9. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

10. Nguyễn Xuân Kính (1991), Tác phẩm ca dao, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

11. Lê Đình Kỵ, Thơ mới - những bước thăng trầm, Nxb Văn học. 12. Đinh Gia Khánh (1985), Ca dao Việt Nam, Nxb Thời đại.

13. Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức (1971), Thơ ca Việt Nam - hình thức và thể loại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

14. Nguyễn Đăng Mạnh, Kế thừa truyền thống dân tộc trong đổi mới thơ ca qua kinh nghiệm lịch sử của phong trào Thơ mới, Tạp chí Văn học số 11 - 1994.

16. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Nxb Văn học.

17. Hoàng Phê (1997), Từ điển tiếng Việt, in lần thứ 5, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng.

18. Sổ tay từ Hán Việt, Nxb Giáo dục 1990.

19. Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam (1987), Lý luận văn học, tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

20. Trần Đình Sử (1996), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

21. Trần Hữu Tá, Nguyễn Thành Thi, Đoàn Lê Giang chủ biên (2013), Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn, Nxb Thanh niên.

22. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Thời đại. 23. Trần Khánh Thành, Thi pháp thơ Huy Cận, Nxb Văn học

24. Đỗ Lai Thúy (1992), Mắt thơ - Phê bình phong cách Thơ mới, Nxb Hội nhà văn.

25. Đỗ Lai Thúy, Huy Cận và sự khắc khoải không gian, Nxb Văn học. 26. Tuyển tập Huy Cận, Nxb Văn học, Hà Nội.

27. Thơ mới 1932 - 1945, Tác giả và tác phẩm (1998), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

28. Nguyễn Thị Kim Ửng, Phong cách thơ Huy Cận qua Lửa thiêng, Nxb Văn học.

Một phần của tài liệu Truyền thống và cách tân trong lửa thiêng của huy cận (Trang 63)