Xây dựng hình tượng con người triết luận

Một phần của tài liệu Truyền thống và cách tân trong lửa thiêng của huy cận (Trang 54)

8. Bố cục của khóa luận

3.1.3.Xây dựng hình tượng con người triết luận

Nếu như trong văn học cổ, văn học trung đại con người luôn muốn lý giải về tự nhiên thì sang Thơ mới, con người lại thiên về lý giải chính lẽ còn, mất ở đời. Hình tượng con người cá nhân trong Lửa thiêng của Huy Cận luôn hiên ra trong sự suy tưởng về lẽ sống, chết.

Con người lý giải về lẽ sống, chết thông qua hình ảnh ẩn dụ đất: Đất sơ sinh đã hóa lại bùn lầy (Thân thể).

Đất có khi là hình ảnh ấm áp, là mạch sống, là sức trẻ:

Luống đất thơm hương mùa mới dậy,

Có ai gửi ý trong xuân vũ,

Đất nở muôn xuân vẫn chẳng mòn (Xuân)

Mọi thứ đều bắt nguồn từ đất, đất là sức sống nuôi dưỡng bao vườn cây xanh, lá mới. Đất là nơi muôn ngàn cây cối bám rễ để rồi phát triển tốt tươi đâm hoa kết trái:

49

Vườn hân hoan muôn vạn nỗi dàn bày Của nhựa mạnh thành tơ trong lá mới (Họa điệu)

Không chỉ thế, Huy Cận nhìn đất, nghĩ về đất còn là hình ảnh tiêu biểu của quê hương, đậm nét với con đường làng:

Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm

Đất thêu nắng, bóng tre ngồi bóng phượng (Đi giữa đường thơm)

Đất tượng trưng cho quê hương, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ con người trưởng thành, và rồi lại đón con người trở về khi đến hết cõi đời. Từ những ý nghĩa đó của đất, Huy cận đã nâng nó lên thành hình ảnh mang tính triết lý của con người: đó là triết lý về sự sống và cái chết. Phạm Thế Ngũ

nhận định thơ Huy Cận “hay sầu rồi trốn về đường thơ triết, ngẫm nghĩ về sự tẻ nhạt của cuộc đời và suy tưởng về cái chết”.

Trên đất là cõi sống, phía dưới đất là cõi chết.Thế nào là chết? Và thi sĩ Huy Cận trả lời: Chẳng bao lâu ngủ sầu trong đất. Con người khi chết đi rồi sẽ đi đâu, về đâu? Sẽ được chọn theo hướng thiên đường hay địa ngục? Thật bí hiểm! Nhân gian muôn thuở vẫn nghĩ là khi nhắm mắt lìa đời con người sẽ trở về với đất, trở về với vòng tay của đất mẹ bao la:

Ta dưới đất để nghe chừng tiếng sóng Ở trên đời - đầu ấy ngửng lên cao

(Chết)

Và, chết đi rồi, có nghĩa con người sẽ đi vào xứ sở của sự quên lãng? Khi sắp bước vào thế giới hư vô, con người ta vẫn cảm thấy cô đơn đến rợn ngợp:

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế! Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương (Nhạc sầu)

50

Khi buồn, khi ngậm ngùi người ta hay triết lý, Với Huy Cận, cái chết không phải là điều quá đáng sợ mà nó sẽ là điều đương nhiên khi con người phải sống trong sự cô độc không có mối tương giao. Còn gì đáng sợ hơn khi sống trong cùng một vũ trụ mà mỗi người lại là một vũ trụ nhỏ cô đơn, mỗi cá thể là một ốc đảo hoang tàn? Còn gì đáng sợ hơn khi nỗi sầu cứ đeo bám con người từ cõi thực tràn sang cả cõi mộng. Và dường như cuộc sống cô độc còn đáng sợ hơn sự đau đớn, đáng sợ hơn cả cái chết. Đây là một triết lý rất mới mẻ.

Như vậy, con người cá nhân trong Lửa thiêng không chỉ mang trong mình một “nỗi sầu thiên cổ” mà con người ấy còn luôn lý giải lẽ sống, chết ở đời. Nói đến cái chết không phải để bi quan mà nói đến cái chết để ham sống hơn, để thêm yêu sự sống hơn. Triết lý về cái chết nhưng trong sâu thẳm là một khát vọng được sống, được yêu, được cống hiến mãnh liệt. Huy Cận không chỉ suy tưởng, triết luận về vòm trời rộng lớn mà ông còn chạm vào cả những điều ngỡ như nhỏ nhặt, bình dị nhất của cõi nhân sinh. Từ những cơn mưa, những buổi chiều, lối quẩn quanh bế tắc của con người đều được Huy Cận quan sát, mô tả và lý giải rất cụ thể, mang những ý nghĩa sâu sắc. Chính lẽ đó, Huy Cận đã đi vào lòng người như một ngọn lửa thiêng. Ngọn lửa thiêng ấy làm sáng cả một giai đoạn văn học của nước nhà, ngọn lửa ấy làm sáng cả tên tuổi của một nhà thơ lớn: Huy Cận - lửa vẫn còn thiêng!

Một phần của tài liệu Truyền thống và cách tân trong lửa thiêng của huy cận (Trang 54)