Các khoản nợ phải thu phải được hạch toán chi tiết theo từng đối tượng phải thu, theo từng khoản nợ và từng lần thanh toán. Kế toán có nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ từng khoản nợ phải thu và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ để tránh tình trạng bị chiếm dụng vốn hoặc nợ nần dây dưa, khê đọng.
Những khách hàng có quan hệ giao dịch thường xuyên hoặc có số dư nợ lớn thì định kỳ hoặc cuối tháng kế toán cần tiến hành kiểm tra, đối chiếu từng khoản nợ đã phát sinh, đã thu hồi và số nợ còn lại. Nếu cần có thể yêu cầu xác nhận bằng văn bản từ khách hàng. Các khách hàng không thanh toán các khoản nợ phải thu cho doanh nghiệp bằng tiền mặt, séc…mà thanh toán bằng hàng hóa hoặc bù trừ giữa nợ phải thu với nợ phải trả hoặc phải xử lý khoản nợ khó đòi cần có đủ các chứng từ hợp pháp, hợp lệ có liên quan.
Đối với các khoản phải thu có gốc ngoại tệ cần phải được theo dõi cả về nguyên tệ và cả quy đổi ra Đồng Việt Nam. Cuối mỗi kỳ đều phải điều chỉnh lại số dư.
Các tài khoản phải thu chủ yếu có số dư bên Nợ, nhưng trong quan hệ với từng khách hàng, từng đối tượng nợ đều có thể xuất hiện số dư bên Có trong trường hợp nhận tiền ứng trước, trả trước của khách hàng hoặc số đã thu nhiều hơn số phải thu. Cuối kỳ kế toán, khi lập báo cáo tài chính, khi tính toán các chỉ tiêu phải thu phải lấy số dư chi tiết của các đối tượng nợ phải thu để lên chỉ tiêu của bảng cân đối kế toán mà không bù trừ số dư bên Nợ và bên Có.