6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
3.4. CON NGƯỜI VỚI KHÁT VỌNG DẤN THÂN
Theo từ điển Tiếng Việt, dấn thân là dốc sức lao vào hoạt động hay công việc nào đó, bất chấp gian nan nguy hiểm. Con người với khát vọng dấn thân phản ứng lại con người an phận, yếm thế, co rụt, không dám đương đầu trước thế giới. Với chủ nghĩa hiện sinh tinh thần dấn thân gồm hai dạng: dấn thân về mặt ý thức và dấn thân về mặt cách thế sống. Dấn thân về mặt ý thức là con người tồn tại với các vấn đề của thời đại, can dự - tham gia - suy tư cùng thời đại. Nó biểu hiện ở cách sống chống phong tục tập quán, ràng buộc lễ giáo hay tạo ra cách thế sống mới bằng hành động nổi loạn, chống những ràng buộc, quan niệm bảo thủ, trì trệ. Còn dấn thân về mặt cách thế sống là quá trình con người thực hành những suy tư đó. Hiểu một cách chung nhất, dấn thân là quá trình đương đầu với quan niệm, lề thói cũ trong cách sống, hay làm những việc mà người khác không thể làm được. Trong quá trình đó, con người ta chấp nhận tất cả, thậm chí phải trả giá vì nó. Đọc tiểu thuyết Nguyễn
Bình Phương, bên cạnh những nhân vật mang nỗi cô đơn, hoài nghi hay nhân vật bị tha hóa, ta vẫn bắt gặp những con người với khát vọng dấn thân. Đây chính là biểu hiện cụ thể của dấu ấn hiện sinh ở tiểu thuyết đương đại. Nói như Sartre thì con người là một vươn lên “luôn luôn tiến, luôn luôn bỏ cái hiện nay” để thể hiện ngày mai.
3.4.1. Khát vọng muốn thoát khỏi cuộc sống thực tại bi đát.
Đọc những tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương từ “Vào cõi”, “Bả giời”, “Những đứa trẻ chết già”, “Ngồi” đến “Thoạt kỳ thủy” ta thấy có sự xuất hiện phổ biến của những con người với khát vọng dấn thân, muốn thoát khỏi bể đời cô đơn, tù đọng, vươn đến hòa nhập với cộng đồng, truy tìm hạnh phúc.
Nỗ lực muốn bứt phá, vươn lên là điều đễ thấy nhất trong tất cả các nhân vật nơi sáng tác Nguyễn Bình Phương. Thể hiện qua lời người chị trong “Vào cõi” nói với nhân vật “tôi” (Tuấn) khi biết cậu chưa từng yêu ai: “Cậu hãy yêu đi và cậu sẽ thấy tất cả đều khác lạ…Tình yêu bao giờ cũng đưa đến sự giải thoát, hãy tin chị, cậu nhé, hãy tin chị!” [63;8]. Nhân vật Vang thì mong em trai lên phố vì “Phố là nơi có thể thay đổi cuộc đời Vọng một cách tốt đẹp hơn” [63;10]. Ngay cả hành trình đi tìm kho báu của ông Trình và cụ Trường trong “Những đứa trẻ chết già” kì thực cũng là tham vọng muốn thay đổi cuộc sống của gia đình, dòng họ. Những cuộc tình điên cuồng, rồ dại, đầy nhục cảm và bệnh hoạn của Loan, Tiến, Phan trong “Những đứa trẻ chết già”, Khẩn, Nhung trong “Ngồi”, Thắng, Hoàn, Cương trong “Người đi vắng”… chẳng qua cũng là vỏ bọc cho một thứ khao khát về hạnh phúc đích thực, một chốn bình yên để sưởi ấm cõi lòng u uẩn, cô đơn và băng giá.
Ngòi bút Nguyễn Bình Phương viết về những người điên như Tính trong “Thoạt kỳ thủy” đầy cay đắng. Tính lớn lên giữa một cộng đồng người mà không sớm thì muộn bất kì ai cũng bị hóa điên. Sinh ra trong bạo lực (mẹ bị
bố đạp khi đang mang thai Tính chỉ vì bữa cơm không có rượu), lớn lên trong bạo lực (bố mẹ đánh nhau; chuyên đi theo ông Điện được chứng kiến những lần mổ lợn; Bố mài dao sang nhà ông Bồi què đòi xin tí tiết,…) và chết đi cũng trong bạo lực: tự xọc dao vào cổ kết liễu mình. Tính điên là bởi ám ảnh từ xã hội nhưng Tính chết cũng là vì muốn hòa nhập với xã hội. Tự giết mình là cách duy nhất khiến Tính được sống một đời sống khác lương thiện hơn, Người hơn. Để Tính chết, Nguyễn Bình Phương thể hiện niềm tin của ông vào một thế giới khác có ý nghĩa hơn cho con người tồn tại, không bao giờ phải đối mặt với nỗi sợ hãi bủa vây phi nhân tính.
Có hi vọng, có mong ước, có lòng tin nên nhân vật Nguyễn Bình Phương mới vùng vằng, quẫy đạp, tìm mọi cách để thực hiện cuộc dấn thân tiến tới những giá trị mà họ cho là tốt đẹp. Dĩ nhiên không phải cuộc dấn thân nào cũng mang tinh thần tích cực theo đúng nghĩa. Có những nhân vật đi sai đường và cuộc sống chìm vào những chuỗi ngày u tối như Loan (sống kiếp gái bán hoa, không dám quay về nhà), Phan (lao vào những cuộc thác loạn), Nghĩa, Thắng (tìm đến những quán caraoke để vui thú, tin lời lão già sắp chết sẽ để lại món tài sản cho mình mà cung cúc phục vụ hết lòng)… Nhưng cũng có những nhân vật quá trình dấn thân của họ mang đầy giá trị sống, đó là Khẩn (cố gắng giãy giụa khỏi đời sống công chức đầy cám dỗ, tranh quyền đoạt lợi với những thói tật mà cũng không kém phần nhàm tẻ); “Em” (vật lộn với trí nhớ suy tàn để được sống với những tâm tư tình cảm, những khát khao, hi vọng của mình); Hoàn (rũ bỏ cuộc sống nhạt nhẽo, bế tắc, đến với cõi sống khác cùng những kỉ niệm tươi đẹp của tuổi thơ); Tính (chết là cách tìm cho mình một kiếp sống khác Người hơn). Như thế cách mà nhân vật của Nguyễn Bình phương thực hiện cuộc dấn thân không giống nhau. Nhưng có một điểm khá tương đồng giữa hầu hết các nhân vật đó là họ sử dụng giấc mơ, dòng kí
ức hoặc cái chết để minh chứng cho tinh thần không bao giờ chịu khuất phục trước cuộc sống vô nghĩa, tăm tối, nhàm tẻ và đầy áp lực của mình.
Con người dấn thân của Nguyễn Bình Phương không đi trên con đường bình lặng, tươi đẹp mà luôn luôn phải trải qua những khó khăn, thậm chí là đau khổ, dằn vặt, mất mát. Trước thế giới bí hiểm, u tối của cộng đồng, không phải lúc nào con người dấn thân của nhà văn cũng đi hết được hành trình để đến cuối con đường. Hầu như họ chỉ tìm thấy bình yên trong cái chết. Nhưng dẫu mới chỉ dừng lại ở sự nhận thức, khát vọng thì họ vẫn là những người đẹp nhất. Nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nhận ra mặt trái của xã hội, sự băng giá trong tình người, sự tha hóa của cuộc sống thì lại càng có sức mạnh dấn thân kiếm tìm hạnh phúc. Vang trong “Vào cõi” là kiểu nhân vật như thế, cô nhận ra ngôi làng nghèo đói, u tối và nhiều ganh ghét, khinh miệt điều tiếng không phải chỗ cho hai chị em ở mãi. Cô từng nghĩ ngôi làng ấy sẽ biến hai chị em thành những kẻ “già nua và quàu quạu” [63;40] và cô muốn em trai mình, Vọng, sẽ phải “thoát ra, thoát càng sớm càng tốt” [63;40] khỏi nơi này. Nhưng vượt thoát bằng cách nào? Phải tìm đến một môi trường sống khác, tách biệt với đám đông thực tại và “Phố là nơi có thể làm thay đổi cuộc đời Vọng một cách tốt đẹp hơn” [63;40]. Vang biết hai chị em cô không thể chung sống với số đông, cô khát khao tìm kiếm con đường để đổi đời cho em trai cũng là cho mình. Dù rằng đối với cô đó chỉ là sự vượt thoát trong tâm hồn vì Vang chỉ có thể quanh quẩn trong làng hương hỏa cho mộ phần của mẹ, phận gái mà lại xấu xí, hỏng mắt không thể lên phố được nhưng em trai cô thì có thể làm điều đó, em còn trẻ và còn có tương lai. Cuối cùng như dự định của Vang, Vọng đã lên phố và bắt đầu một cuộc sống mới ở nơi đó.
Tượng trong “Bả giời” cũng dấn thân, tách khỏi phố thị, cố gắng hòa nhập với cuộc sống ở vùng quê chỉ vì tiếng gọi của tình yêu. Khi họa sĩ Đặng Cử tỏ ý “sợ anh sẽ chẳng thành cái gì hết nếu ở đó” [64;141], tài năng nghệ sĩ sẽ bị chôn vùi chốn làng quê hẻo lánh, Tượng lại quả quyết: “Em sẽ làm
được,… Em muốn mở toang cái bí mật của mảnh đất ma quỷ đó nên em quyết định ở lại…” [64;142]. Và đúng với tinh thần ấy, Tượng bám quê, nhìn ra thói tật của con người nơi đây, biết thêm bí mật về chính bản thân mình dù đau đớn và thê thảm.
3.4.2. Khát vọng muốn khẳng định giá trị của bản thân
Bên cạnh khát vọng muốn thoát khỏi cuộc sống thực tại bi đát thì các nhân vậy của Nguyễn Bình Phương còn mang khát vọng khẳng định giá trị của bản thân. Điều này đặc biệt được thể hiện qua kiểu nhân vật nghệ sĩ. Họa sĩ Đặng Cử, Tượng (Bả giời), ông Phùng (Thoạt kỳ thủy) là những nhân vật như thế.
Đặng Cử quan niệm: “khi nào thấy rung động thật sự thì hãng vẽ, lúc đó tranh mới đạt chất lượng cao” [64;98]; “Muốn làm nghệ sĩ thì phải biết đau khổ tận cùng và sung sướng tận cùng” [64;98]; “Nghệ thuật tồn tại được là nhờ sự rung động liên tục của tâm hồn… Người nghệ sĩ là phải biết yêu và yêu trong sự cô độc. Cái đó sẽ cho nhân loại những kiệt tác vô giá và nói thật, chính nó cũng tạo ra sự đau khổ cho mỗi cá nhân sáng tác” [64;101]; “Hãy vẽ sáng tạo” [64;102], “Hãy xác định cả đời này là một trò chơi và chơi các trò cho đến tận cùng. Đó là nghệ sĩ” [64;142]… Những câu nói của Đặng Cử mang sức nặng chân lý to lớn về bổn phận, trách nhiệm của người họa sĩ trên con đường chinh phục nghệ thuật đầy vất vả, gian lao. Một người có phong cách, “vẽ nhiều và chịu khó tìm tòi” như ông tìm được không phải điều dễ dàng trong cái thành phố ngày một “giầu lên khi mở của biên giới… Toàn hàng mang nhãn hiệu Trung Quốc… Nhà hai tầng liên tiếp gọi nhau mọc lên…Các cuộc chơi được bày ra…” [64;99 – 100], kéo theo đó là thị hiếu thay đổi: “Những bức tranh Tàu, tranh Thái lòe loet, những cuốn lịch khỏa thân đã bắt đầu nhàm chán và người ta đổ xô vào tranh cổ điển Châu Âu…” [64;100]. Họa sĩ như ông luôn đề cao sự sáng tạo nên khi buộc lòng phải chép
tranh vì cuộc sống, đơn đặt hàng rất nhiều, ông không dám gọi Tượng vì: “Ông không muốn Tượng sa vào sự sao chép. Ông sợ sẽ làm hỏng tư duy phóng túng của anh” [64;100]. Với Tượng “Chép tranh không phải là hứng thú của Tượng, trái lại đôi khi anh còn thấy khó chịu là đằng khác” [64;145], với anh “Nghệ sĩ là người khám phá các trò chơi… Và nếu anh thích trò nào thì cứ việc chơi trò đó. Nhưng trò anh đang chơi tuyệt nhiên phải được kết thúc bằng bờ bên kia: Bờ hy vọng!” [64;142]. Trẻ tuổi và giàu nhiệt huyết, Tượng tha thiết được sáng tạo trong nghệ thuật. Về với mảnh đất Linh Sơn nhưng anh vẫn đều đặn hàng tuần cặm cụi vẽ để nộp tranh cho ông Đặng Cử thẩm định. Niềm say mê nghệ thuật với anh gắn liền với cuộc dấn thân về một chốn hoang sơ, không ồn ào, náo động, chỉ cần ở đó có Thủy (người anh yêu) là đủ. Cho dù cuối cùng Tượng cũng rơi vào sự sao chép tranh nhưng đó là vì làm một cách miễn cưỡng, với anh “Chép tranh quả là công việc nặng nhọc và tẻ ngắt!” [64;152].
Bên cạnh Đặng Cử, Tượng, ông Phùng trong “Thoạt kỳ thủy” cũng là nhân vật đại diện cho con người nghệ sĩ. Sống giữa ngôi làng toàn những người không bình thường, ông Phùng giống như một kẻ “lạc loài” nhưng tất cả những điều ấy cũng chẳng hề gì vì ông “đang hi vọng cuộc thi truyện đợt này, ông đã gửi đi ba truyện đều được in cả ba” [70;87]. Người đọc không biết tác phẩm của ông Phùng gồm những sáng tác nào, chỉ biết “Và cỏ” là sáng tác duy nhất còn sót lại do cô Nhai cung cấp. Cả đời ông Phùng dành cho nghệ thuật, ông cô độc sáng tác, cô độc theo đuổi ước vọng văn chương, sống cô độc và cuối cùng cũng chết trong cô độc.
Đặng Cử, Tượng, ông Phùng, cả ba người họ đều mang phẩm chất của những người nghệ sĩ chân chính, sống hết lòng vì nghệ thuật, đam mê tìm tòi, sáng tạo dù trên con đường họ đi luôn phải đối mặt với những cám dỗ
và cả sự cô đơn. Họ thấp thoáng hình ảnh người nghệ sĩ Nguyễn Bình Phương quan niệm.
Hiện thực xã hội là cội nguồn của đau khổ con người nhưng cũng chính là động lực cho nhân vật bứt phá, thay đổi tình trạng sống. Lấy con người làm trung tâm, Nguyễn Bình Phương để tiểu thuyết của mình trôi theo đời sống nhân vật. Ở đó con người hiện lên mệt mỏi, cô độc, chán chường trước thực tại đen đúa nhưng cũng khao khát khẳng định mình để không bị nhấn chìm trong bể đời đầy đắng cay, tội lỗi, kiếm tìm một cuộc sống đích thực, ý nghĩa hơn. Dấn thân là hành động vĩ đại nhất mà nhân vật của Nguyễn Bình Phương có được cho dù mới chỉ dừng lại ở nhận thức, khát vọng thì họ vẫn là những người Đẹp nhất trong thế giới kỳ vĩ này.
*Tiểu kết:
Tóm lại, tạo nên nét độc đáo của trang viết Nguyễn Bình Phương là một hệ thống những con người đặc biệt. Những con người luôn phải đối chọi với đời sống hiện đại nhiều thay đổi để được là mình. Có đôi lúc họ cũng mệt mỏi, lo âu, hoài nghi, mang mối sầu của kẻ cô đơn mất điểm tựa, thậm chí bị vòng xoáy xã hội cuốn trôi vào tha hóa, nhưng đứng trên tất cả họ vẫn cố gắng dấn thân vượt thoát để khẳng định sự hiện sinh của mình giữa cuộc đời. Hành trình làm người của nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là cả một công cuộc thăm dò vào bản thể, khám phá tâm hồn, đối diện với phần sâu kín nhất trong tiềm thức, chất vấn nhân tâm,… trên lộ trình ấy con người phải đối mặt với biết bao khổ đau của thế giới, đánh mất mình vì nhiều nỗi hoài nghi nhưng không nguôi nỗ lực khát khao tìm kiếm để khẳng định nhân vị. Quan niệm về con người của nhà văn Nguyễn Bình Phương vì thế mang màu sắc của chủ nghĩa hiện sinh, nhân vật tạo ám ảnh khó phai trong lòng người đọc.
PHẦN KẾT LUẬN
Chủ nghĩa hiện sinh với đặc trưng dành sự quan tâm tới thân phận con người, lấy con người là trung tâm khám phá có những ảnh hưởng nhất định tới văn chương Việt Nam. Những năm 1954 – 1975, văn học miền Nam đã để lại nhiều tác phẩm mang hơi thở hiện sinh. Trải qua một khoảng thời gian dài chìm lắng, những năm 80 trở lại đây trong điều kiện mới của đất nước, dấu ấn hiện sinh tiếp tục xuất hiện trở lại qua sáng tác của không ít các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Đoàn Minh Phượng… Và Nguyễn Bình Phương cũng là một trong số những cây bút đã thể hiện khá đậm yếu tố hiện sinh trong tiểu thuyết của mình.
Dấu ấn hiện sinh trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương được thể hiện ở cảm quan về hiện thực và cảm quan về con người.
Về cảm quan hiện thực, đọc tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, ta nhận thấy nhà văn đã dựng lên một bức tranh đời sống xã hội với nhiều sắc điệu khác nhau. Đó là một hiện thực mang tính chất vô nghĩa, tẻ nhạt; đậm màu sắc phi lý; chứa nhiều bất trắc; và mang tính chất phân rã, hỗn loạn. Với mỗi mảng hiện thưc ấy, nhà văn tìm kiếm một cách cắt nghĩa, lý giải tương ứng. Trước hết, sáng tác Nguyễn Bình Phương hướng tới sự lặp lại đến bực bội, buồn tẻ từ môi trường sống. Ở đó đời sống tâm hồn nghèo nàn khiến con người bị cuốn theo thú vui tầm thường làm khô cạn đi khả năng yêu thương, gắn kết cùng thế giới. Thứ hai, tiểu thuyết nhà văn chia sẻ trạng thái đời sống
xã hội là tập hợp của những điều ngẫu nhiên, bất thường. Ở đó hiện thực mang đậm chất huyền thoại. Thứ ba, tác giả chỉ ra một hiện thực diễn ra sự bất định cả trong không gian, thời gian. Ở đó những giá trị đời sống đang ngày một đổi thay. Và cuối cùng ông hướng tới một hiện thực đa chiều mang