Tình hình giao lưu văn học

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 32)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

1.4.3. Tình hình giao lưu văn học

Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) là dấu mốc đáng ghi nhớ trong lịch sử dân tộc nói chung và trong lịch sử văn học nói riêng. Văn học được mở ra một

thời đại mới – thời đại của nền dân chủ, các nhà văn đã có một môi trường mới nhằm thỏa mãn những thử nghiệm, những tìm tòi cách tân của mình. Đây là sự động viên, khích lệ đối với giới văn nghệ sĩ trên con đường sáng tạo. Hòa chung bầu không khí dân chủ, văn học Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với văn chương thế giới. Chính sự giao lưu đa chiều đã làm cho bức tranh văn học nước nhà trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Những trào lưu cùng những bậc thầy văn học của thế giới đã theo sách báo, dịch thuật vào trong nước. Sự tiếp xúc với văn học phương Tây, đặc biệt là tiểu thuyết hiện đại nước ngoài tác động mạnh mẽ vào văn học Việt Nam tạo nên những chuyển biến trong ý thức người cầm bút. Tất nhiên đó không phải là học tập một cách máy móc mà là học tập để phát huy và làm giàu thêm những gì mình đã có. Đây là lí do vì sao chủ nghĩa hiện sinh ở Tây phương cùng với những thành tựu khác của thế giới có cơ hội lan rộng, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống văn hóa văn học ở nước ta.

Sau chiến tranh, hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, chủ nghĩa hiện sinh không còn chỗ đứng trong sinh hoạt trí thức” (theo PGS. TS Huỳnh Như Phương) vì đường lối xây dựng văn hóa quá nhấn mạnh vào đấu tranh giai cấp. Mặc dù vậy, trước đấy nó gây ảnh hưởng khá rầm rộ trong đời sống văn hóa văn học đô thị miền Nam nên không thể chối bỏ rằng trào lưu này đã trở thành một phần của đời sống tâm hồn người Việt. Những năm 80 – 90, trong khung cảnh một đời sống hòa bình với nhiều nghịch cảnh, vấn đề con người nổi lên, chủ nghĩa hiện sinh một lần nữa gõ cửa nước ta.

Một mặt, các sáng tác của J. P. Sartre, A. Camus,… được hòa nhập vào văn học như những thành tựu khác của văn chương thế giới. Nó thu hút tới mức: “người được gọi là trí thức phải có một bản dịch cuốn “Buồn nôn” của Sartre gối đầu giường, và phải là cuốn phô tô từ cuốn của Thư viện Quốc gia” (Nguyễn Tiến Dũng).

Mặt khác, người ta có nhu cầu đọc lại chủ nghĩa hiện sinh trên bình diện lý luận. Đó là lí do dẫn đến việc xuất bản, tái bản những cuốn sách kinh điển của thuyết hiện sinh, đặc biệt là cuốn “Văn học là gì?” của J. P. Sartre.

Ngoài ra bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa hiện sinh đã tác động vào quá trình “nhà văn nắm bắt hiện trạng phi lý của thế giới duy lý hóa hiện đại, thấy được thân phận nhỏ bé của con người trước nền văn minh kỹ thuật của thế giới hiện đại”. Điều đó thể hiện rõ trên các trang viết “nổi sóng” của nhiều nhà văn như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương,…

Trên thực tế, các nhà văn Việt Nam không đồng thời là những tư tưởng gia của triết hiện sinh kiểu J. P. Sartre hay A. Camus, họ cũng không là kẻ phục chế những ý tưởng kinh điển của chủ nghĩa hiện sinh. Nhưng trong sáng tác của họ, ở một chừng mực nhất định, đã bộc lộ tri giác về thực tại và con người mang hơi thở của triết học hiện sinh mà chúng tôi tạm gọi là dấu ấn hiện sinh. Dấu ấn ấy hoặc được tác giả chủ động tiếp nhận và đưa vào tác phẩm, hoặc là sự thẩm thấu của vô thức. Nhưng tựu chung lại, cái đích mà dấu ấn hiện sinh hướng tới bao giờ cũng là thân phận con người cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể. Nó thấm đẫm tinh thần bi quan, màu sắc bi đát của con người khi nhìn nhận, cảm nghiệm đời sống. Con người vốn khao khát là một nhân vị độc đáo nhưng đồng thời họ phải chấp nhận những giới hạn nhận thức, sự “dòn ải” của cuộc sống.

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 32)