Những nỗ lực tìm tòi của Nguyễn Bình Phương

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 34)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

1.4.4. Những nỗ lực tìm tòi của Nguyễn Bình Phương

Thuộc thế hệ nhà văn xuất hiện trong tiến trình đổi mới văn xuôi Việt Nam hiện đại từ đầu thập kỷ 90 trở lại đây, Nguyễn Bình Phương “nhận diện” thời đại mình. Đó là thời đại của con người trong guồng quay công nghiệp hóa, xã hội hiện đại với nhiều biến chuyển tích cực nhưng cũng không ít thách thức với những xáo trộn, rạn vỡ thậm chí là tha hóa trong đời sống con người. Chính điều này đã dẫn tới quan niệm mới mẻ trong cách viết trên trang sách của ông.

Trước hết, tác giả quan niệm rằng nên “có thêm những bước mạo hiểm” để “tiểu thuyết thêm phần phong phú”. Thực tế, sản phẩm sáng tạo của ông đã thể hiện sự “dấn thân” mạnh mẽ của nhà văn trên lộ trình đầy gian nan ấy. Tác giả mạo hiểm thăm dò cái vô thức bản năng trong mỗi con người; mạo hiểm thử nghiệm những hình thức, biện pháp nghệ thuật mới (cấu trúc lập thể, lời câm nhân vật, kết hợp từ lạ, tách rời và lắp ghép các chữ cái,...); mạo hiểm khi xây dựng những nhân vật trần tục với những góc khuất lấp, phản ứng lại những điều vẫn được coi là đức tin, tình yêu vốn cao thượng và trong sáng theo nhiều sắc thái. Dù khi ra đời những đứa con tinh thần của tác giả nhận được không ít những lời khen, tiếng chê nhưng quả thực “Trong bộn bề tiểu thuyết Việt Nam hôm nay, đã có một phong cách Nguyễn Bình Phương không hề trộn lẫn”.

Thứ hai, trên con đường nghệ thuật, một khi đã quyết đinh “mạo hiểm” dấn thân để đạt tới tự do trong sáng tạo, người nghệ sĩ luôn luôn phải đối mặt với những cô đơn, cũng có khi là tuyệt vọng. Nói như Nguyễn Mạnh Hùng: Nguyễn Bình Phương mang trong mình “nỗi cô đơn của tiểu thuyết cuối thế kỷ”, bởi trên lộ trình của mình ông phải đối mặt với những tâm thức tiếp nhận khác nhau. Song với Nguyễn Bình Phương, ông có quan điểm “Viết văn là một sự giải tỏa”, viết là để cho độc giả thưởng thức nhưng cũng để xoa dịu mình, quên đi nỗi cô đơn. Nguyễn Bình Phương có một niềm tin, dù văn mình khó đọc nhưng những người cùng tâm trạng sẽ hiểu điều ông muốn nói (lấy ý tác giả khi kể về quá trình viết tiểu thuyết “Thoạt Kỳ Thủy”) và ông cũng sẽ vẫn sẽ “viết theo hướng mình đã chọn” trung thành với văn phong của mình nhưng không lặp lại chính mình vì theo ông “không có sự sáng tạo nhà văn sẽ tự tiêu diệt mình”. Bằng chứng là các cuốn tiểu thuyết của ông khi ra đời được tiếp nhận với nhiều hướng khác nhau, dù không dễ đọc nhưng lại cuốn hút bởi văn phong mới lạ, gây hứng thú.

Thứ ba, có một sự thật đó là văn chương Nguyễn Bình Phương rất giàu sức ám ảnh. Nỗi ám ảnh gây ra từ hiện thực đầy lạ lẫm và một hệ thống những nhân

vật chẳng giống ai, ấn tượng nhất là những người điên. Nhân vật điên nằm rải rác trong hầu khắp các tiểu thuyết của ông, điều này có liên đới tới quan niệm của nhà văn: “Ai cũng có một người điên trong chính mình”, họ chính là phần vô thức trong mỗi chúng ta, là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật, “họ làm cho thế giới con người đột nhiên sâu thẳm, làm choáng váng đời sống vốn tỉnh táo của chúng ta”. Riêng với người nghệ sĩ, “điên” là cái khiến họ thăng hoa trong cảm xúc để đạt tới sáng tạo. Những gì mà Nguyễn Bình Phương viết ra, có lẽ ít nhiều cũng được thăng hoa từ “con người điên” đặc biệt này.

Nhưng trên hết, Nguyễn Bình Phương cho rằng: “Văn chương bản thân nó là chân trời tự do”. Quan niệm như vậy đã giúp cho nhà văn tìm được lối đi riêng trong rất nhiều lối đi khác. Nguyễn Bình Phương viết với tinh thần cách tân hăng say, tạo ra nhiều tác phẩm xuất sắc ghi được dấu ấn riêng trong lòng công chúng.

Như vậy, phác thảo một vài vấn đề cơ bản về Nguyễn Bình Phương cùng những quan niệm của nhà văn về cách viết là cách giúp chúng tôi đi sâu hơn vào khám phá “Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương.

*Tiểu kết:

Trong chương I, chúng tôi đã trình bày những vấn đề khái quát về chủ nghĩa hiện sinh và sự biểu hiện của yếu tố hiện sinh trong văn học Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó ở chương này, chúng tôi có giới thuyết qua một vài vấn đề liên quan tới bối cảnh thời đại và cá tính sáng tạo của Nguyễn Bình Phương để thấy được đây là những tiền đề quan trọng góp phần tạo nên những trang văn mang cảm quan hiện sinh của tác giả.

CHƯƠNG 2: DẤU ẤN CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG THỂ HIỆN Ở CẢM QUAN

VỀ HIỆN THỰC

Đọc những tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, từ “Bả giời”, “Vào cõi”, “Những đứa trẻ chết già”, “Người đi vắng", “Trí nhớ suy tàn”, “Thoạt kỳ thủy”, “Ngồi” đến “Mình và họ” ta đều bắt gặp một cái nhìn về đời sống mang đậm tính chất hiện sinh. Đó là một hiện thực mang tính chất vô nghĩa, tẻ nhạt; đó là một hiện thực mang màu sắc phi lý; đó là một hiện thực chứa nhiều bất trắc; và đó còn là một hiện thực mang tính phân rã, hỗn loạn.

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 34)