Con người lo âu, hoài nghi

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 71)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

3.1.Con người lo âu, hoài nghi

Lo âu, hoài nghi là tâm lý chung của những con người thời hiện đại, là biểu hiện về con người bị đánh mất lòng tin, cô lập trước xã hội đầy hỗn loạn với những giá trị không còn nguyên bản, ngày càng bị đổi thay một cách chóng mặt. Kiểu người lo âu, hoài nghi xuất hiện khá phổ biến trong văn học hiện sinh thế giới khi các tác gia luôn luôn đặt nhân vật của mình đối diện với những câu hỏi: Ta là ai? Ta đang sống trong tình trạng nào? Trả lời những câu hỏi đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân và của toàn nhân loại. Đọc tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương độc giả cũng thường xuyên bị ám ảnh bởi những câu hỏi này. Cảm quan về con người lo âu, hoài nghi trở đi trở lại trên trang sách của ông. Nhân vật Nguyễn Bình Phương khiến lòng người day dứt khôn nguôi bởi sức đè nén về tinh thần, bởi cảm xúc tiêu cực, nghi ngờ tất cả trong cuộc sống. Họ lo âu, hoài nghi về sự tồn tại; về nhân tính; về trí nhớ; danh vị. Tâm lý lo âu, hoài nghi không chỉ xuất hiện ở những người đang sống, nó lan tỏa ôm trùm cả trong những hồn ma.

3.1.1. Con người lo âu, hoài nghi về sự tồn tại của bản thể

Không ít lần trên các trang sáng tác, Nguyễn Bình Phương để nhân vật lên tiếng, bày tỏ suy nghĩ quan điểm bản thân trước hiện thực đầy mỏi mệt, sự mất lòng tin vào con người với tâm trạng hoài nghi, âu lo. Đó là lời nhân vật

tôi” (Tuấn) khi nói chuyện với người chị: “Tự nhiên em cảm thấy bế tắc và chán nản, em hoảng sợ cuộc sống” [63;8], quan niệm của Tuấn: “càng xa lánh được con người bao nhiêu, càng tốt” [63;31], những câu hỏi đầy ám ảnh về nguồn gốc và cái chết: “Quê mình ở đâu?”, “Khi chết mình sẽ ở đâu?”[67]. Nhân vật không yên ổn, bản thân họ đánh mất niềm tin vào cuộc đời, con mắt nhìn cuộc sống bị phủ mờ bởi những nghi ngờ các giá trị hiện hữu, con người không tin tưởng nhau, họ tự nhận thấy mỗi người là một “thành lũy hư vô” (Nguyễn Thị Hoàng). Bởi thế họ sống như những sinh linh tội nghiệp, chạy mãi vẫn không thoát khỏi lòng chảo cuộc đời.

Tuấn trong “Vào cõi” đã nói với Vọng những lời chắc nịch như của một triết gia:

“- … Ở đời này tôi chỉ tin vào chính mình. Đôi khi ngay cả giác quan nhạy bén nhất cũng sẵn sàng phản lại chúng ta”.

“- … Cuộc đời là sự lừa dối lẫn nhau… Khi chúng ta chấp nhận sự sống là khi chúng ta lừa dối chính bản thân mình. Chúng ta lừa dối cả Chúa và Chúa lừa chúng ta. Lừa nhau để tồn tại…”.

“- … Thanh thản ư? Làm gì có, chúng ta chà đạp, đổ bóng lên nhau từng giờ từng phút một. Tự do ư? Bao giờ thoát khỏi lực hút của trái đất, ông mới nên nói đến điều đó”.

“- Mỗi chúng ta là kẻ lừa dối vĩ đại. Tôi chán sống với bầy người này… Nhưng vẫn phải sống, không những thế, lại còn phải nhăn nhở cau mày với chúng nữa”[63;92 – 93].

Có vẻ như cái nhìn đối với cuộc đời của Tuấn rất hằn học, với anh không có lòng tin cho con người, anh nhận thấy xung quanh chỉ là sự dối lừa, bạc ác. Sự tồn tại của mỗi cá thể từ sâu thẳm bên trong đã mang bản chất giả dối và vì thế xã hội là những vỏ bọc, loài người sống cạnh nhau bằng những chiếc mặt nạ không hơn. Chính Tuấn trong tiểu thuyết cũng là minh chứng cho

những gì anh phát ngôn. Đối với tình yêu, Tuấn đã từng là kẻ phản bội và không chân thật, anh bỏ rơi Thơm khiến cô hóa điên dại. Đối với cuộc đời, anh sống có phần buông thả và trần tục: đánh bạc và chơi gái. Cõi mơ mà Tuấn luôn luôn đi đi về về giữa hai bờ thực ảo được phân tách bởi lời thơ “Mai hôn anh rồi xa” với mối tình mơ mộng cùng cô gái có biệt danh “chim sẻ” thực chất cũng ngấm ngầm cảm giác buồn nản trước cuộc đời. Chẳng bởi thế mà trong cơn mơ nghiêng ngả, bao nhiêu nghĩ suy chán chường vẫn cứ trùm lấp không nguôi: “Tôi biết trong mình đang lớn dần mối thù hằn đồng loại. Đấy có thể là công trạng nhưng cũng có thể là tội lỗi lớn nhất trong cuộc đời làm người. Tôi tồn tại trong hai gọng kìm nghi ngờ ấy” [63;91] và “Tôi thù ghét tất cả những gì tồn tại quanh mình. Tôi chối bỏ nó tựa hồ người điên chối bỏ sự giả dối che đậy. Người điên bao giờ cũng nói sự thật trần truồng, còn kẻ nghe lại hiểu nó ngược hẳn” [63; 91]. Thế giới của Tuấn cũng là của những con người trong “Vào cõi”. Khác Tuấn, những con người còn lại ít phát ngôn thành lời, họ dùng hành động để chối bỏ thực tại đen tối, làm thuyên giảm (theo cách tích cực hoặc tiêu cực) sự mỏi mệt, căng thẳng của mình. Tuấn giống như một nhà thông ngôn cho toàn bộ con người trong xã hội ấy, dù rằng những gì anh nói đầy chán nản, hoài nghi.

Những đứa trẻ chết già” là nỗi băn khoăn trăn trở của con người trước cuộc sống, trước hàng ngàn câu hỏi tưởng chừng có lời đáp nhưng thực ra lại rất mơ hồ về bản thể, về cái chết và cuộc sống bên kia cái chết. Con người hoàn toàn bị mất phương hướng, không biết đi đâu về đâu nên luôn phải đối mặt với nỗi buồn, sự hoang mang thông qua giọng văn chán nản, hoài nghi. Lời văn vì thế đánh mất đi tính chính xác, nó thường lấp lửng, nửa vời, gây ám ảnh. Đó cũng là trường hợp của “Trí nhớ suy tàn”. Những gì “em” tâm tình đều “mang máng”, “hình như”, “không nhớ rõ”… ngay tới trí nhớ của cô cũng có nguy cơ chung số phận: “Nếu nhận ra mình cũng chỉ nhờ vào trí nhớ,

mà mấy hôm nay cứ linh cảm sẽ suy tàn ghê gớm, tựa cây ổi trước nhà gẫy vào năm lên mười hay mười hai gì đó, không cứu vãn được” [68;6].

Khi xây dựng hệ thống con người cô độc, mất điểm tựa, Nguyễn Bình Phương có xu hướng làm mờ hóa, tẩy trắng dấu hiệu nhận biết về nhân vật. Con người thường không tên và nhân thân không rõ ràng. Sáng tác của ông, nhân vật được gọi với những danh từ rất chung chung. Đó là nhân vật “”, “hắn” trong “Vào cõi”, “lão” trong “Bả giời”, “Ông” trong “Những đứa trẻ chết già”, cô gái xưng “Em” trong “Trí nhớ suy tàn” hay “mình” – “họ” trong “Mình và họ”. Cũng có khi đó chỉ là những cái tên phiếm chỉ như: “anh bạn cùng lớp mang họ Tạ” (Vào cõi), “Ô hay nhỉ”, “con bướm”, “thằng trí thức” (Trí nhớ suy tàn). Hoặc nếu có tên thì những cái tên thường có sự đính kèm theo đặc điểm: “mụ Đông điên”, “Lương vẩu”, “bà Năm điếc” (Vào cõi), “bà Linh lùn”, “bà Thụy toét”, “ông Bồi què”, “ông Dũng kỹ” (Bả giời). Cũng có khi chỉ đơn thuần là đặc điểm: “người cao to”, “người bé nhất”, “người cầm bộ đàm”, “lái xe”, “bí thư tỉnh ủy” (Mình và họ), “người thanh niên gầy gò”, “người to thấp”, “gã đánh xe” (Những đứa trẻ chết già)… Lối xây dựng nhân vật với tên gọi đặc biệt như Nguyễn Bình Phương rất gần với các nhà văn hiện sinh, đặc biệt là Kafka. Trong tác phẩm “Vụ án” nhân vật của Kafka tên gọi chỉ là một chữ cái “K” mập mờ, không đầy đủ. Trên thực tế đây là một kiểu loại nhân vật rất đặc trưng của văn chương hiện đại, đặc biệt là tiểu thuyết mới. Khi đánh mất tên gọi hoặc gọi theo cách “dán nhãn” (chúng tôi tạm gọi như vậy), nhân vật lẫn vào thế giới nhưng không phải với mục đích hòa nhập mà họ hiện lên qua sáng tác nhà văn như một thực thể rất đỗi cô đơn, lạc lõng và trôi dạt.

Nhiều nhân vật của Nguyễn Bình Phương, nhân thân cũng là những nét rất mơ hồ, thậm chí bị nhà văn tẩy trắng. Họ xuất hiện trên trang sách phi địa chỉ, người đọc chẳng biết họ là ai, từ đâu đến, tất cả chỉ là lời giới thiệu ngắn, gọn ghẽ:

Nàng mặc áo da màu nâu, quần vàng nhạt, đi giày vải hoa xám. Đầu nàng nhỏ, tròn. Tôi gọi là chim sẻ” (nhân vật người yêu trong mơ của Tuấn) [63;38].

Hay:

Người thứ nhất có thân hình lực lưỡng, mái tóc húi cua cứng queo và đôi mày chạy xếch thành hai vệt đen bằng ngón chân cái. Người này mặc chiếc áo đen, cáu ghét, nứt nẻ, đôi giày ba ta đã rách mõm của anh ta phả ra mùi hôi nồng nặc. Người thứ hai có vẻ trẻ hơn, chiếc quần thụng như váy đàn bà bị gió tạt chéo hằn lên cặp đùi ống sậy dài ngoẵng. Anh ta đeo kính cận, tóc xòa xuống che nửa vầng trán rộng mốc thếch” (hai nhân vật thanh niên trong những chương “Vô thanh”) [67; 15].

Hoặc:

Phán cay cú đi tìm gái. Phán thích thú đi nhẩm đếm số đàn bà qua tay mình. Cô thứ ba. Cô thứ năm. Cho đến cô thứ bảy…” (những cô gái từng thỏa mãn thú vui của nhân vật Phán chỉ là sự liệt kê đơn thuần, không một dấu hiệu nhận biết về nhân thân) [67;171].

Như thế, khi nhà văn xóa mờ tên tuổi, lai lịch, nghề nghiệp của nhân vật đồng nghĩa với việc con người bị nhạt hóa trước thế giới. Họ chỉ còn là những cá thể vật vờ, vô hồn và đơn độc.

3.1.2. Lo âu, hoài nghi về sự suy tàn của nhân tính, trí nhớ, danh vị

Không chỉ lo âu về trạng thái tồn tại của bản thân, đọc tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương ta còn bắt gặp những con người lo âu về sự suy tàn của nhân tính, trí nhớ và danh vị.

Trong “Người đi vắng”, trở đi trở lại tác phẩm là câu hỏi đầy day dứt: Tại sao cuộc sống lại thế này? Tại sao con người lại như vậy? Hiện thực trở nên thê thảm đáng buồn khi con người cứ mãi “phiêu bồng” ở một nơi nào đó ngoài mình, con người không là chính mình (Lão Bính, cụ Điển tự đẩy mình

về với những hoài niệm; Sơn, Hà với ước mơ xóa dấu vết quê mùa, làm người thành phố). Nhân vật xuất hiện kéo theo sự đi vắng của nhân tính, chỉ còn trơ lại những ham muốn dục vọng điên rồ (Hoàn, Chung, Cương, ông Huỳnh, Thắng, Phượng). Con người ngày một xa rời, không thấu hiểu được nhau. Mọi thứ hoàn toàn rơi vào bế tắc. Thắng có cảm giác lo âu đến tột độ khi Hoàn (vợ anh) gặp tai nạn xe máy, liệt toàn thân, não bị chấn thương mạnh chẳng có cách nào cứu chữa nhưng điều khiến anh suy nghĩ nhiều nhất đó là sự xa lạ giữa hai vợ chồng diễn ra từ bao giờ chính bản thân anh cũng không biết rõ. “Cái gì đã khiến cho Hoàn hay phóng xe nhanh? Đã có lúc Thắng tưởng hiểu được Hoàn nhưng cuối cùng anh nhận ra rằng không phải thế, Hoàn là tảng đá khép kín không có cửa…” [66;98]. Thắng đột ngột nhận ra rằng Hoàn bây giờ và ông Điều (bố Thắng) đều chung một tình trạng như nhau, đôi mắt cứ mở trân trân nhưng lại miên man trong cái cõi của riêng mình và xa lạ, cắt đứt mọi sợi dây liên lạc với xung quanh. Chính Cương (người tình của Hoàn) cũng mang những ám ảnh nặng nề về vụ tai nạn của tình nhân bởi trước đó Hoàn còn ở nhà anh và họ đã hết sức vui vẻ. “Anh không hiểu vì sao Hoàn lại bỏ về đột ngột như vậy”. Có lúc Cương nghĩ hay chính mình là thủ phạm gây ra tai nạn cho Hoàn. Suy nghĩ đó khiến bản thân anh cảm thấy nặng nhọc, buồn bã âm ỉ. Cái chết không thể tìm ra nguyên nhân sâu xa của Hoàn khiến những người còn sống đều phải suy nghĩ, nhiều câu hỏi với những nghi ngờ được đặt ra nhưng không thể trả lời, con người trở nên hoài nghi về mối quan hệ của chính mình trong tình yêu, cuộc sống gia đình chồng vợ thậm chí là đổ riệt cho bản thân cái tội gây ra tử nạn cho kẻ khác. Đó là gốc rễ của sự lo âu trong Thắng và Cương.

Ở “Trí nhớ suy tàn”, Nguyễn Bình Phương đề cập tới một hiện tượng lạ, con người hoài nghi cả với trí nhớ của mình: “Không nhớ đã bao lần quay lưng lại với thương mến của người khác nhưng nhớ rõ về người khác đã quay

lưng lại với sự thương mến của mình cho nên đã buồn chán đi lang thang trong lòng Hà thành với một chiếc túi sắc màu đen có đôi quai dài bằng cao su” [68;8]. “Em” là một nhân vật khá đặc biệt, cô là người con gái của phố thị nhưng dường như lại thiếu đi sự năng động cần thiết và bản thân đang có dấu hiệu suy tàn trí nhớ. Ở cô gắn liền với nhịp sống uể oải, đều đặn lướt trôi chốn công sở, những tháng ngày đang sống đi qua yên bình đến nhàm tẻ “không vui cũng chẳng buồn”. “Em” cũng có tình yêu với Tuấn và Vũ, một người đã vùi vào quá khứ và người còn lại đang trong hiện tại nhưng chuyện tình với họ đều giống như một câu chuyện vu vơ nào đó. Tất cả đối với cô kể cả kí ức và hiện tại đều mờ nhạt vì trí nhớ đối với “Em” “đang suy tàn ghê gớm, đang héo đi, đổ gục xuống và tan ra” [68;121]. Cảm nhận chung nhất về con người của “Em” đó là sự buồn nản và nghi ngờ về khả năng lưu giữ kí ức cũng như cách thể hiện nó qua ngôn ngữ của cô. Đó có thể là do “cuộc sống quá cồng kềnh lằng nhằng” [68;59], cũng có thể là do tâm lý của con người hiện đại “dễ dàng bị cuốn vào vòng mê hoặc của cảm giác. Ngang bướng, tỉnh táo nhưng đôi khi rơi nước mắt vì những chuyện không đâu” [68;109]. Cô có nghĩ về tình yêu với Tuấn nhưng lại tràn ngập cảm giác sợ hãi khi anh chia tay để đến với một chân trời khác (Châu Âu): “Vô nghĩa cho tất cả những gì đã diễn ra dù rằng hi vọng chưa chấm dứt”[68;17]. Suy nghĩ của “Em” khiến người đọc có cảm giác tình yêu thật mờ nhòa, cuộc sống thật tẻ nhạt và chán chường, nghi ngại trước tất cả của cuộc đời là điều không tránh khỏi. Hoài nghi trí nhớ là cách con người đang tự vấn chính mình.

Trên cõi sống nhân vật lo âu, hoài nghi nhưng ở cõi chết những hồn ma cũng cùng chung tâm lý ấy. Các chương “Vô thanh” trong “Những đứa trẻ chết già”, Nguyễn Bình Phương để lại trong lòng người đọc nhiều ám ảnh bởi tâm sự quay cuồng, nhằng nhịt của nhân vật người đàn ông ngồi trên chiếc xe trâu. “Ông” cũng đã từng tỏ ra nghi ngại với trí nhớ: “Những câu chuyện mẹ

kể cho hai anh em ông bây giờ không thể nhớ được nữa. Chúng đã tan biến với thời gian. Chúng bị vùi lấp một cách tàn nhẫn. Tuổi thơ luôn luôn trở thành nạn nhân của sự vận động. Với thời gian ngắn ngủi của mình, làm sao tuổi thơ của ông có thể chống chọi để không bị vùi lấp trước hàng ngàn vạn sự kiện của cuộc đời. Ông khẽ thở dài. Trí nhớ cứu vớt con người nhưng đồng thời cũng hủy hoại họ. Biết làm sao được” [67;213].

Và “Ông” cũng luôn luôn bị đeo đuổi bởi những câu hỏi về bản thể, về hiện tại, tương lại với những gì đang tồn tại xung quanh mình:

Khi chết mình sẽ ở đâu? Ông hoang mang trước câu hỏi ác độc chốc chốc lại lóe lên trong đầu” [67].

Ta đi đâu?Ta đang ra đi hay trở về? Câu hỏi quay ong ong trong đầu. Ông lại rơi vào trạng thái hoang mang” [67].

Như vậy ông còn một người em họ nữa ư? Không. Ông không tin

Câu quát lúc nãy của ông đã đánh thức con Nghê nào đó, hay chỉ đánh thức hình ảnh con Nghê trong chính ông? Tại sao cả hai thanh niên đều hoảng sợ như vậy? Họ là ai?” [67;213].

Lời tự vấn tạo cảm giác linh hồn này đang mê man trong thứ cảm xúc buồn, bải hoải và trống rỗng trên chiếc xe trâu. Một khi đánh mất mối dây liên hệ với thực tại, rơi vào trạng thái mất phương hướng con người ta dễ nảy sinh mối hoài nghi, chán nản với chính sự tồn tại của mình. Nhân vật của Nguyễn Bình Phương khiến người đọc phải trăn trở nhiều hơn về số phận,

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 71)