Hiện thực chứa nhiều bất trắc

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 54)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

2.3.Hiện thực chứa nhiều bất trắc

Kafka từng phát biểu: ông đã hoàn toàn nhận vào mình cái tiêu cực của thời đại. Cái tiêu cực ấy được hiểu như những bất toàn của hiện thực cuộc sống, nó nổi trôi, trải rộng trong hầu khắp sáng tác của các nhà văn hiện sinh. Nguyễn Bình Phương đã tiếp cận đặc điểm khá tiêu biểu này kết hợp với cách cảm về cuộc đời, chia sẻ hiện thực sống đầy bất trắc, bất ổn của con người hiện đại trên các trang tiểu thuyết của mình. Đó là một đời sống bất định cả về không gian và thời gian. Đó còn một đời sống mọi giá trị đang trên đà bị đảo lộn, ngay cả tình yêu cũng mất thiêng. Và đỉnh điểm của sự bất trắc trong hiện thực chính là sự xuất hiện của cộng đồng những con người bất thường, điên loạn.

2.3.1. Hiện thực chứa đầy những yếu tố ngẫu nhiên, bất thường

Khám phá tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, chúng ta đều nhận ra xã hội nhà văn đề cập tới là một tập hợp của những điều ngẫu nhiên, bất thường. Đó có thể là hiện thực trần trụi, cay độc, lạnh tanh, phi nhân diễn ra ngang nhiên giữa đời sống. Đó cũng có khi là khả năng đặc biệt kỳ lạ của con người hoặc những điều kỳ bí của thiên nhiên. Đó cũng có thể là nỗi ám ảnh khó tin của con người về những điều diễn ra ngay trước mắt.

Trong tiểu thuyết “Vào Cõi”, gã đàn ông móc túi (người cha của hai đứa trẻ tên Vang và Vọng) giữa phiên chợ giáp Tết bị đánh đập cho đến chết. “Sự đỡ đòn của gã chỉ là vô thức” [63;10], “Môi gã mím chặt như chúa Jesu chịu nạn. Tự nguyện. Bao dung. Và thiêng liêng” [63;11], không chạy trốn. Công an chẳng là gì và dường như cũng chẳng có tác dụng gì vào lúc này. Những đám đông xúm xuýt không cho họ vào. Người ở chợ tiếng qua tiếng lại bâng quơ, có người thở dài thương hại gã bị đánh, có người hối thúc: “Đánh chết cha nó đi”, “Đánh đi! Đánh để trừ mối họa cho người lương thiện. Đánh đi, công an cũng mặc. Phải thẳng tay mà nghiêm trị, cho nó biết rằng chúng ta là người, chúng ta thương cảm và đùm bọc lẫn nhau… Đánh và đánh.

Đánh đến tơi bời vì chúng ta là người” [63;11]. Chúng ta không thể hiểu, một góc chợ nhỏ, người ta thương yêu nhau đến thế nào, chữ “n-g-ừ-ơ-i” lớn lao, ấm áp ra sao mà một gã đàn ông phạm tội không dành pháp luật giải quyết cuối cùng phải để “hắn” (không nói tên) trừng trị. Kẻ giết người thì không bị bắt, còn gã đàn ông vĩnh viễn chẳng thể nhìn thấy mặt hai đứa con. Trang viết của Nguyễn Bình Phương mở ra một hiện thực phi nhân đang tồn tại, cái chết của đồng loại không mảy may nhận được sự thương xót từ những con người xung quanh, thậm chí con người có thể giết hại nhau mà không cần sự can thiệp của pháp luật.

Ở quê, có một mụ “Đông điên” gặp người nhớn sa sả mắng nhiếc, với trẻ con thì lại dành cho chúng một tình cảm âm thầm kỳ lạ ngay cả khi chúng trêu ghẹo, ném quả thối hoặc sắn nướng vào người. “Người ta đồn thổi nhiều chuyện linh ứng của lời mụ ai nấy đều sợ hãi” [63;16]. Điều quái đản là mé trái ngôi làng có núi Rùng hình tam giác nghe nói người Tàu giấu vàng ở đó. “Chỉ những đêm trăng,… sau mưa, nhìn giữa làng lên sẽ thấy mặt trước của núi phát ra những đốm sáng kỳ lạ. Chúng nhấp nháy suốt đêm…” [63;17]. Người đàn bà duy nhất dám lên núi Rùng là Đông điên. Trong giọng của mụ có tiếng gió núi Rùng. Ngôi làng mà tiểu thuyết “Vào cõi” nói về, ngoài cái vẻ tẻ nhạt thì bên trong cũng ẩn giấu biết bao điều kỳ quái.

Trong “Người đi vắng”, Chung là nhân viên của một cơ quan nhà nước. Anh ta không bao giờ cười, không bao giờ ngồi tán chuyện và không rượu không thuốc. Chung không hề làm hại, gây cản trở hoặc va chạm với ai. “Chung là một hòn đá”. Suốt ngày Chung ôm bàn làm việc của mình. Nhưng Chung luôn bị ám ảnh đến hóa bất thường mỗi khi nhận những bức thư, đọc chúng, trong anh ta hiện rõ sự lo sợ. Đó là bức thư từ người bạn gái đã mất vì ngã xuống sông và nội dung chỉ là để thông báo rằng sắp có người đến thiến anh ta. Còn Cương một nhân vật khác của tiểu thuyết “Người đi vắng”, một

ngày nọ bỗng dưng lẩn thẩn phát điên mà không rõ nguyên nhân, anh ta luôn lẩm bẩm: “Đâu mà, có chuyện ấy đâu mà, em thề”, với ám ảnh về con ngựa rũ bờm. Cả Chung, Cương sống trong cuộc đời thực nhưng dường như đều bị ám ảnh bởi những thế lực vô hình, họ chẳng đủ dũng khí để tỉnh táo trước một hiện thực đầy dẫy những bất thường, không sao lý giải.

Ở tiểu thuyết “Ngồi” có hiện tượng kỳ lạ “một mảnh vải mỏng, óng ả, mượt mà tinh tế như lụa” [65;65] xuất hiện trong nhà Khẩn và Minh. Không ai lý giải nổi nó từ đâu đến nhưng nó sinh ra dường như dành cho Minh, cô ngồi và “đầu óc mù mờ vơ vẩn, thoang thoảng nhớ mình có nhận cái gì từ tay ai đó” [65;65]. Qua cái nhìn của Minh: “mảnh vải thật sự đẹp, nó trong suốt với những đường dệt nhỏ nổi ganh và bản thân các sợi nhỏ như tóc ấy cũng lượn sóng, tạo ra những rung động, thoang thoảng, da diết”. Nhưng gắn liền với mảnh vải ấy cũng có biết bao điều phi lý, ngẫu nhiên: Người bạn gái tên Xuân nằm mơ thấy cô đem tới một mảnh vải đẹp nhờ may áo; chiếc áo thành hình lại không có cúc nào hợp; khi Minh vận áo vào người bỗng dưng biến mất. Ngạc nhiên nhất là sáu chiếc cúc áo Xuân muốn tìm tự nhiên có sẵn trong tay một nhân vật khác. Và khi chiếc áo may xong: “Chất vải mát lạnh phiêu diêu thấm qua tay Minh dội lên não. Những chiếc khuy lóng lánh sắc cầu vồng bồng bềnh theo hàng dọc và ở tà bên kia là sáu lỗ khuyết, sáu con mắt một mí dài như lá liễu, sắc nhọn ghê gớm như lá liễu dõi theo sự bồng bềnh ấy” [65;280].

Tương tự như thế, việc Khẩn nhận được một phong bì bên trong có tấm ảnh cũng chất chứa những điều kỳ lạ. Ai là người đã gửi nó tới anh? Bức tranh cổ vẽ người ngồi nửa thiền sư nửa hành khất, đằng sau ghi một chữ Nho tháu được chụp lại trong tấm hình có hàm nghĩa gì? Thật khó để lý giải. Để các hiện tượng, đồ vật xuất hiện một cách kỳ quái, Nguyễn Bình Phương muốn cảm nhận, miêu tả, phản ánh nhiều hơn về hiện thực. Đời sống theo nhà

văn, không phải khi nào cũng êm ả với những điều bình thường, đôi khi nó xuất hiện với cả những điều bất thường, khó nắm bắt, những điều kỳ ảo. Và để thấu triệt được chúng con người không cách nào khác ngoài linh cảm mới tri nhận được.

Cuộc đời là không hợp lý cho nên con người chẳng thể cứ ngoan ngoãn chấp nhận mà phải biết phản kháng. Bản chất của hiện sinh là nổi loạn vì nó không tìm đâu ra chân lý. Nói như Camus: “Sự cao cả của con người là ở thái độ nổi loạn chống lại tính phi lý của thế giới”, nghĩa là con người biết đứng lên chống đối để khẳng định ý thức chủ thể, giá trị sự tồn tại của mình trước cuộc đời vô nghĩa này. Tất nhiên không loại trừ những cuộc bứt phá thái quá, thậm chí là cực đoan lầm lạc. Bởi xét đến cùng những hành động phi lý nhất mà con người ném trả thế giới nhiều bất toàn cũng là để khẳng định sự hiện sinh của mình. Nhiều nhân vật của Nguyễn Bình Phương sống cho tinh thần “ta nổi loạn nghĩa là ta tồn tại”, nổi bật nhất là trong hưởng thụ hạnh phúc, tình yêu và tình dục.

Từ những người dân lao động trong một vùng đất nghèo nàn, tối tăm (Vào cõi, Bả giời, Thoạt kỳ thủy, Những đứa trẻ chết già) đến những người trí thức (Người đi vắng, Ngồi, Trí nhớ suy tàn) đều nhìn tình yêu và sống trong đó với thái độ hoàn toàn khác lạ truyền thống. Nhân vật Nguyễn Bình Phương yêu theo cách chống trả cuộc đời phi lý, với những giới hạn, định kiến, xô bồ phức tạp, nhộn nhạo của xã hội. Vì thế tình yêu biến dạng đi rất nhiều, ít mang cảm giác phập phồng hồi hộp hay run sợ của thứ tình cảm vẫn được coi là thiêng liêng. Xuất hiện quan hệ tình cảm hết sức phức tạp như: Tượng yêu Thủy nhưng lại có con với Hương (Bả giời); Vang trao đời con gái cho Loạng không hề có tình yêu, chỉ để vượt thoát sự cô đơn (Vào cõi); Hiền yêu Tính bởi tâm hồn trẻ con, yêu ông Phùng vì cảm phục tài trí nhưng tuyệt nhiên chỉ qua những đòi hỏi, ẩn ức dục tình và sự tiếc nuối không trọn vẹn (Thoạt kỳ

thủy); Tiến quắt yêu Loan nhưng lại sống với Hương, phán ngoại tình với vợ ông Trình rồi yêu Loan, Loan trong mối quan hệ xác thịt với Huấn, Công, Bằng đen, Trung vẩu (Những đứa trẻ chết già); mối tình tay ba Thắng – Hoàn – Cương, Hoàn – Thắng – Phượng (Người đi vắng), Khẩn trong mối quan hệ với Minh, Nhung (Ngồi);“em” với Tuấn, Vũ (Trí nhớ suy tàn), rồi Hiếu – Trang – ông Chiến (Mình và họ). Tràn ngập tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương những mối tình vụng trộm, chóng vánh, lừa lọc dối trá, buông thả, những cuộc tình tay ba, những mảnh tình chưa thành khối, có mở đầu nhưng không hồi kết hoặc tan vỡ thê thảm,… Tình yêu cũng có khi thật méo mó, nhếch nhác chứ không trùng khớp với những gì đã được nhân loại ca ngợi, tung hô về nó. Giá trị của tình yêu đang trên đà bị ngờ vực trước cuộc đời phy lí.

2.3.2. Những giá trị đời sống bị đảo lộn

Viết về hiện thực chứa nhiều bất trắc, Nguyễn Bình Phương đề cập tới một đời sống giá trị đạo đức đang trên đà bị đảo lộn, ngay cả tình yêu cũng mất thiêng. Và đỉnh điểm của sự bất trắc trong hiện thực chính là sự xuất hiện của cộng đồng những con người bất thường, điên loạn.

Trong tiểu thuyết “Ngồi”,xã hội hiện lên bất ổn tới mức “vào viện không quen biết thì vừa tốn kém, vừa nguy hiểm” [65;21], có cả hiện tượng “mổ nhầm bệnh nhân. Người cần mổ tim thì đi cắt dạ dày, người cần cắt dạ dầy lại bị mổ tim” [65;21], thanh niên “choai” dùng dao nhọn đâm đứt cuống tim một người đàn ông trung niên ngay trước cửa nhà ông ta. Lý do rất đơn giản: “người đàn ông ấy hắt nước bẩn ra đường, vô tình lại hắt vào chân bọn chúng” [65;144], “vợ chồng tay thương binh đánh nhau, gào khóc, chửi bới với bước chân chạy rầm rầm”, vợ chồng ông già hói đầu đưa nhau ra tòa ly dị “ông ấy vu vợ muốn đánh thuốc độc chết mình để đi với tình nhân. Nhưng dân trong khu tập thể lại bảo chính ông ấy mới là người có nhân tình. Hình như ông ấy yêu một bà cùng tổ hưu” [65;168].

Giá trị thiêng liêng của tình yêu vốn là điểm tựa cho con người tìm đến giờ đây cũng chứa bao điều bất trắc. Trong tiểu thuyết “Vào cõi”, Thơm trao đời con gái cho Tuấn, nhưng Tuấn chỉ yêu chơi bời, bỏ rơi Thơm, cô u uất mà bị điên. Vang ngủ với Lạng, có thai nhưng lại bỏ đứa bé đi, còn Lạng chuẩn bị lấy vợ. Trong cảm nhận của Vang, cuộc sống làng quê “Nó tối tăm và u muội. Nó độc ác và nghèo nàn”, đứa bé trong bụng cô không nên ra đời vì ngôi làng sẽ gieo vào lòng nó nỗi buồn đau mê man như đã từng làm với cô.

Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, hiện thực bất ổn bất trắc hiện lên với sự xuất hiện của một cộng đồng những người điên. “Linh Sơn nhiều người điên, họ tụ tập ở cột cây số múa hát í a. Đợt máy bay đánh chết một phần ba. Sau lại có người ở các nơi lân cận đến nhập thành, thành ra càng đông hơn” [70;16]; mụ Đông điên (Vào cõi); đứa em trai ngơ ngẩn của lão Việt, Luân điên, gã tâm thần ở cơ quan Thắng (Người đi vắng), người đàn ông điên (Trí nhớ suy tàn); anh trai Hiếu (Mình và họ)… Xã hội chỉ có một số ít người bất bình thường khi đó xã hội vẫn có thể chấp nhận được nhưng cuộc sống mà đâu đâu cũng toàn người điên quả thực là một điều khó chấp nhận. Đó là cả một quan niệm về hiện thực mà nhà văn muốn bày tỏ: Thế giới mà chúng ta đang sống không tròn trịa, nó có những khiếm khuyết, những mảnh đời thiệt thòi, bệnh hoạn và bấn loạn. Điên là hậu quả của một cuộc sống tha hóa, một môi trường sống phi nhân tính nhưng cũng là biểu hiện đáng thương của những số phận cần được cảm thông chia sẻ. Hoàn cảnh sống nghèo nàn, thấp kém về tri thức, chiến tranh, những tham vọng không tưởng… tất cả tạo nên không khí trì đọng, ngột ngạt, bất ổn gây bệnh lý cho con người.

Nguyễn Bình Phương phơi bày cái bất trắc của đời sống để gợi ra một cảm giác bất an trong tinh thần con người thời hiện đại. Cuộc sống là chuyển động “brow” hỗn độn, để tồn tại và khẳng định ý nghĩa sự tồn tại của mình con người buộc phải đối mặt với hiện thưc bất ổn, ý thức đầy đủ phải chống

lại nó như một định mệnh. Xây dựng không gian thời gian không xuôi theo quy chuẩn thẩm mỹ thông thường, bị đánh mất tính xác thực Nguyễn Bình Phương một mặt thể hiện cái nhìn mới mẻ về thế giới chất chứa nhiều bất ổn, mặt khác nhà văn đã “vượt ra ngoài cõi âm dương truyền thống” (Đoàn Cầm Thi) để muốn san sẻ góc sâu khuất trong tâm hồn con người (điểm này sẽ được chúng tôi trình bày ở chương sau).

2.4. Hiện thực mang tính phân rã, hỗn loạn

Nguyên Ngọc từng nhận định: “... ở đời có vô số chân lý cùng tồn tại đồng thời, chẳng cái nào phải hơn cái nào, chẳng cái nào là chính, là tuyệt đối, tối cao, độc tôn” (“Còn nhiều người cầm bút rất có tư cách”, Vietnamnet). Cuộc sống luôn vận động, đổi thay, không khép kín và có nhiều đáp án. Các nhà hiện sinh thế giới đã sớm nhận ra điều này, những Sartre, Camus, Kafka… đưa vào tác phẩm của mình thứ hiện thực bề bộn, những trạng thái đời sống tan rã, mỏi mệt, bất trắc, những mê cung, mê lộ nhằng nhịt, ly kỳ và đầy thách thức của xã hội. Với các nhà tư tưởng đó cuộc đời không mang tính tất định, văn chương cũng như cuộc sống là phi chân lý tuyệt đối. Vì vậy khoảng cách giữa chân lý và hiện thực chỉ là tương đối. Một khi hiện thực là phân rã hỗn loạn cũng có nghĩa thế giới là đa diện nhiều chiều và có vô số cách hiểu khác nhau cùng tồn tại. Nhiều nhà tiểu thuyết đương đại Việt Nam đã tiếp cận những cách nhìn mới về đời sống của văn chương thế giới thể nghiệm nó trong các sáng tác của mình một cách sáng tạo góp thêm tiếng nói cho tư duy tiểu thuyết đạt tới độ hoàn chỉnh như Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài… Với Nguyễn Bình Phương, sáng tác của ông cũng đi chung trên lộ trình ấy bằng việc làm đầu tiên đó là hướng tới những mảng hiện thực phân rã, hỗn loạn của đời sống. Nói cách khác, nhà văn hướng về một hiện thực đa chiều mang nhiều ám ảnh. Ở đó, đời sống là sự ghép mảng của các sự kiện, những câu chuyện riêng gắn liền với số phận mỗi con người.

2.4.1. Sự đan xen giữa cõi dương và cõi âm

Cõi âm và cõi dương chính là cõi chết và cõi sống, là cõi tâm linh và cõi trần hiện hữu. Trong những sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Bình Phương thường xuyên đề cập tới sự đan xen của hai cõi âm – dương như một cách đi vào khai phá mảng hiện thực phân rã, hỗn loạn.

Tràn ngập tiểu thuyết “Bả giời” là sự rối rắm, nguyệch ngoạc, chằng chịt của thứ hiện thực được khuấy tung, đảo lộn giữa thực tại và quá khứ, giữa đời sống hàng ngày và những cơn mê man tưởng như không có điểm dừng, không bao giờ tỉnh lại được của các nhân vật. Giống như một mớ bòng bong, người

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 54)