Trong văn học Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 26)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

1.3.2. Trong văn học Việt Nam

Đối với văn học nước ta, yếu tố hiện sinh đã xuất hiện từ những năm 1930 – 1945 trong sáng tác của Nhất Linh. Cuốn tiểu thuyết “Bướm trắng” là một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa Nhất Linh và Camus trong việc triển khai các chủ đề “về tính chất phi lý của cuộc đời, về vấn đề tự tử, về sự ngộ nhận, về tính sa đọa của con người” (theo Thụy Khuê). Tuy vậy, dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong văn học thật sự trở nên đậm nét trong bộ phận văn học đô thị Miền Nam vào giai đoạn 1954 – 1975. Trong bối cảnh một Việt Nam bị chia cắt, các tư tưởng của trào lưu này nhanh chóng được giới thiệu ở đô thị Miền Nam khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, kéo theo sự ra đi của chủ nghĩa duy linh nhân vị.

Biểu hiện của chủ nghĩa hiện sinh ám ảnh ngay từ nhan đề của nhiều tác phẩm văn học. Nó thể hiện sự buồn thảm, hư vô trong cuộc sống con người. Ví dụ, tác giả Duyên Anh có những tiểu thuyết mang tên: “Điệu ru nước mắt”, “Nước mắt lưng tròng”, “Sa mạc tuổi trẻ”, “Ảo vọng tuổi trẻ”, “Luật hè phố”… Tác giả Nguyễn Thị Hoàng có các sáng tác: “Bóng tối cuối cùng”, “Buồn như đời người”, “Vực nước mắt”, “Cuộc tình trong ngục thất”… Nhà văn Nhã Ca có các tác phẩm: “Bóng tối thời con gái”, “Cô hippy lạc loài”…

Quan trọng hơn, dấu ấn chủ nghĩa hiện sinh biểu hiện một cách thống nhất trong nội dung sáng tác của các nhà văn. Đời sống được miêu tả như một thảm kịch, một hư vô, phi lý. Ở đó con người bé bỏng, kiếp người mong manh chới với trong ngập tràn đau khổ, cô đơn, chia lìa. Nhiều khi họ muốn nổi loạn để trốn thoát hiện thực bế tắc.

Soi chiếu vào thực tiễn sáng tác có thể thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh qua nhiều cây bút cụ thể. Các nhà văn nói nhiều đến sự “phi lý”, “

đơn” và “nổi loạn”. Nguyễn Thị Hoàng ví cuộc sống như một “thành lũy hư ”. Ở đó “Không có ánh sáng rực rỡ của sửng sốt ngạc nhiên và nồng nàn của xôn xao rung cảm”, mọi cảm xúc đã bị lịm chìm, chỉ còn lại con người kéo lê thân xác trong cõi hồng trần mà thôi. Còn Thanh Tâm Tuyền nhìn đời như một “bãi cát lầy”. Ở đó chỉ có những kiếp sống nhày nhụa, lầm lỗi trong tuyệt vọng và “tôi không tìm thấy tôi. Tôi không tìm thấy mình ở ngoài không gian và thời gian, ở ngoài cơ thể tôi. Ngông cuồng và tự ái nhốt chặt tôi vào hư vô ảo tưởng”. Trong tác phẩm “Tuổi Sài Gòn” Nguyễn Thị Hoàng viết: “Mỗi tuổi trẻ là một vũ trụ cô đơn khác để rồi chỉ còn một mình kêu thương không ai đoái hoài, chỉ còn một mình trong bóng tối như lũ mèo hoang chuyển mình lầm lũi từ mái nhà này sang mái nhà khác để kiếm tìm cái gì hơn tiếng kêu thê thảm của mình”. Duyên Anh trong “Sa mạc tuổi trẻ” lại lên tiếng: “Tôi muốn nổi loạn tức thì, đi chơi, phá phách, khiêu vũ, ăn uống, nói cười thật điên cuồng mê mải, để trong một lúc có thể nhấn chìm con người tôi xuống đáy biển quá khứ tối tăm, cho tôi quên đi, quên tôi đang sống, nghĩa là đang đến gần cái chết”.

Có thể nói, sự tác động của xã hội, cùng với những ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh đã đưa lại cho văn chương đô thị miền Nam 1954 – 1975 một màu sắc mới. Các tác phẩm này đã thể hiện được một cách khá sinh động, chân thực về tâm trạng lo âu của con người trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Tuy nhiên, các sáng tác này cũng có những hạn chế nhất định khi đôi lúc lên án tô đậm sự bi quan, bế tắc của con người.

Từ sau năm 1975, đất nước được hoàn toàn độc lập. Đặc biệt, từ sau năm 1986, đại hội Đảng VI cùng đường lối đổi mới toàn diện đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa hiện sinh và các trào lưu tư tưởng phương Tây hiện đại du nhập và lan tỏa ảnh hưởng ở nước ta. Đến cuối những năm 80, vấn đề con người lại thu hút những người cầm bút, âm hưởng hiện sinh lại dấy lên trong sáng tác

các nhà văn. Những day dứt hiện sinh trong khung cảnh một đời sống hòa bình với nhiều nghịch cảnh đã trở lại bằng con đường hình tượng.

Nhiều gương mặt tác giả nổi lên với những ám ảnh hiện sinh trong từng trang sách. Đó là thế hệ đi trước như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp và những thế hệ nối tiếp như Nguyễn Việt Hà, Đoàn Minh Phượng, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương…

Trong đó, tác phẩm Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp mang cảm quan về tính “phi lý” của đời sống hiện đại nhiều biến động. Ở đấy, con người luôn tồn tại cảm giác bất an, sự “lệch pha” giữa cá nhân với cộng đồng đẩy họ vào trạng thái hoang mang và cô đơn. Tiểu thuyết “Thiên sứ”, Phạm Thị Hoài mở ra một xã hội không yên bình, cái đẹp bị bao vây, nhiều mâu thuẫn, bất công như một khởi nguồn của cái “phi lý”. Sống trong hiện thực ấy, nụ cười hài nhi thánh thiện, nụ cười cầu thân với tất cả của bé Hon trở nên lạc lõng và là một thứ “xa xỉ”. Nỗi cô đơn của bé Hon được cô đặc lại, lắng sâu trong tiềm thức mỗi con người như giọt nước mắt rơi lặng lẽ trong bóng tối quạnh vắng. Giọt nước mắt ấy chính là giọt cô đơn giữa biển cả cuộc đời trong trái tim của một con người khao khát mang đến tình yêu giữa thế giới đang bị phủ vây bởi sự ghẻ lạnh, tục tằn.

Tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện thế giới “không có vua”, “biển không có thủy thần”. Con người mê mải đi tìm điều thiện và cái đẹp nhưng càng đi càng thấy mình cô đơn. Ông Thuấn trong “Tướng về hưu” là niềm vinh dự tự hào của cả dòng họ vì lối sống ngay thẳng, trong sạch, không vụ lợi của một người đã từng được luyện rèn trong quân đội. Nhưng bước ra khỏi chiến tranh, trở về với đời thường, ông không hòa hợp được với cuộc sống thực dụng. Ông khóc khi chứng kiến những nhau thai nhi trong nồi cám, luống cuống khổ sở trong một đám cưới ngoại ô lố lăng, dung tục, ngán ngẩm trước việc đứa con dâu ngoại tình… Một khối cô đơn khổng lồ đè nặng lên

tâm hồn ông Thuấn. Nó xuất phát từ sự mâu thuẫn của lý tưởng cao đẹp trong “bầu không khí vô trùng” một thời với sự thật trần trụi tới phi lý của thời này.

Những năm 90 trở lại đây, yếu tố hiện sinh in dấu trong sáng tác của những nhà văn trẻ. Tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà luôn phảng phất một cảm thức cô đơn, xa lạ về con người. Nhân vật Hoàng trong “Cơ hội của chúa” lang thang từ Hà Nội đến Sài Gòn, từ những khách sạn sang trọng đến khu ổ chuột nhưng không nơi nào anh hòa nhập được. Hoàng lạc lõng và xa lạ với thế giới của đồng tiền, quyền lực, thế giới của công sở trong hiện tại và mù mịt về tương lai. Bản chất của nhân vật Hoàng trong “Cơ hội của Chúa” là trong trắng nhưng khi anh ta phải đối diện với cuộc đời nhiều hoen ố và tệ bạc thì “bị ăn đòn” (theo Nguyễn Việt Hà). Nói như Nguyễn Văn Dân: Nhân vật Hoàng có sự giống các nhân vật cô đơn, không hòa nhập với cộng đồng của văn học phi lý.

Tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng xuất hiện nỗi buồn như một ám ảnh của kiếp nhân sinh. Trong “Và khi tro bụi”, cái chết trở thành một tác nhân của nỗi buồn trong cuộc đời nhân vật An Mi. Nó lặp lại trong nhiều thân phận: người chồng, Anita, người cha nuôi, người mẹ và em gái từ thời ấu thơ của cô. An Mi cố tìm và lí giải về cái chết nhưng càng tìm càng thấy bản thân mình vô minh, có một nỗi buồn mơ hồ cứ tan loãng, trải dài suốt cuộc đời cô. Khi An Mi nhận ra ý nghĩa của nó cũng là lúc cô phải lìa đời.

Tiểu thuyết Tạ Duy Anh xuất hiện con người mang nỗi ám ảnh, sợ hãi như một sản phẩm phi lý của hoàn cảnh. “Thiên thần sám hối” viết về nỗi đau làm người và chưa được làm người của một hài nhi đang lựa chọn có nên làm người hay không. Trong cảm nhận của bào thai, cuộc sống ngoài kia “như một cái lò mổ sát sinh”. Ở trong bện viện ba ngày, nó theo chân mẹ đi khắp nơi giúp đỡ mọi người và nghe được bao nhiêu chuyện về nhân tình thế thái. Toàn là những chuyện “tàn ác, liêm xỉ và vô lương” khiến “quỷ khốc thần

sầu”. Bào thai hoài nghi về sự sống của con người: “Tôi cảm nhận cuộc sống ngoài kia như một cái gì khủng khiếp đang diễn ra hằng ngày”. Từ suy nghĩ ấy, nó quyết định dừng cuộc hành trình đến với trần gian để quay về làm thiên thần vĩnh viễn.

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương cũng làm xuất hiện những nhân vật luôn trong trạng thái như hoài nghi, cô độc, lo âu giữa vòng xoáy cuộc đời. Theo chúng tôi, đó là những mảnh ưu tư hiện sinh thường trực trong mỗi cá thể mà bằng tài năng và những cảm nghiệm già dặn trước hiện thực nhiều phức tạp, Nguyễn Bình Phương đã khéo léo đưa vào trang viết của mình.

1.4. Những tiền đề dẫn đến sự xuất hiện khá phổ biến của yếu tố hiện sinh trong văn học Việt Nam hiện nay nói chung và tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nói riêng

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 26)