Sự thay đổi trong định hướng văn học

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 31)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

1.4.2. Sự thay đổi trong định hướng văn học

Văn học Việt Nam sau 1975 chỉ thực sự có bước chuyển mình mạnh mẽ khi nhận được sự khuyến khích từ những chủ trương, chính sách của Đảng về văn hóa văn nghệ. Đây thực sự là nguồn cổ vũ to lớn, là định hướng bước đầu cho người nghệ sĩ dấn thân vào con đường cách tân góp phần làm thay đổi diện mạo văn học nước nhà.

Ngày 15 tháng 4 năm 1986, Ban bí thư ra chỉ thị về công tác tư tưởng mở rộng dân chủ. Hai tháng sau đó, tiếp tục ra thông báo tuyên truyền trên báo chí về phê bình và tự phê bình (đợt 1, ngày 20 tháng 5 năm 1986; đợt 2, ngày 21 tháng 6 năm 1986). Đến tháng 12 năm 1986, Đại hội Đảng VI được tiến hành. Ba dấu mốc đó đã thể hiện sự đổi mới của Đảng về tư duy, nhận thức khi nhìn thẳng vào sự thật, phát huy tinh thần dân chủ trong xã hội. Chính điều này đã góp phần tạo nên bầu không khí mới cho sáng tạo văn học.

Ngày 28 tháng 11 năm 1987, nghị quyết 05 của Bộ chính trị đề ra yêu cầu nền văn hóa văn nghệ phải đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm. Đảng khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo trong sáng tạo nghệ thuật, trong việc phát triển các loại hình, thể loại nghệ thuật cũng như các hình thức biểu hiện. Chỉ thị 31 của Ban bí thư về thực hiện nghị quyết 05 của Bộ chính trị cũng nhấn mạnh: các cấp ủy Đảng cần nâng cao trình độ quản lý văn hóa, văn nghệ, khai thác mọi tiềm năng sáng tạo, phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ một cách thuận lợi, chống lối gò ép, thiếu dân chủ. Những quan điểm mới mẻ về văn hóa văn nghệ của Đảng đã tác động tới các cơ quan, tổ chức và công chúng làm thay đổi quan niệm nhận thức về văn học.

Mặt khác, giai đoạn này, chúng ta cũng tiến hành nhiều hoạt động nhằm khơi lại ý thức cá nhân, phục dựng những giá trị văn hóa trước đây bị giai đoan 1945 – 1975 bỏ qua. Đó là việc giới thiệu lại Hoài Thanh thông qua tái bản cuốn “Thi nhân Việt Nam” của ông. Đó là việc in lại tác phẩm của Tự lực văn đoàn, đề cao Thơ Mới, đưa một số sáng tác của Tự lực văn đoàn và Thơ Mới vào chương trình sách giáo khoa. Bên cạnh đó, một số tác giả trước đây vì nhiều lý do chưa được nhìn nhận thỏa đáng như Trần Dần, Lê Đạt,… cũng được Đảng tiến hành xem xét lại. Đây được đánh giá như những bước chuyển tích cực cho văn học nghệ thuật, là nguồn động lực tạo ra sự phấn khích cho người cầm bút.

Như thế, những đường lối lãnh đạo của Đảng đã tạo nên cơ hội cho văn học vươn mình đổi mới. Trong môi trường dân chủ hóa, người nghệ sĩ có cơ hội thể hiện mình, được nói thẳng nói thật những trăn trở của mình, thỏa sức sáng tạo, tìm tòi tạo nên những tác phẩm để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng.

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 31)