Hiện thực mang tính chất vô nghĩa, tẻ nhạt

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 37)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

2.1. Hiện thực mang tính chất vô nghĩa, tẻ nhạt

2.1.1. Hiện thực đơn điệu, nhàm chán lặp đi lặp lại

Cuộc sống là một bảng màu đa sắc, bên cạnh những gam màu tươi tắn còn có những mảng màu trầm. Văn chương thế giới, đặc biệt là văn học hiện sinh nói nhiều về tình trạng đời sống thiếu vắng sự sống động, một đời sống dường như ngưng đọng, ở đó con người kìm hãm sự chủ động, bị trói chặt trong khuôn đời tẻ nhạt, giống một cái máy hơn một sinh vật bậc cao. Những sáng tác của F. Kafka, J.P Sartre, A. Camus… đã giúp ta nhận ra rằng từ quá lâu loài người vẫn luôn phải đối diện với sự vô nghĩa, những thói quen lặp lại nhàm chán của cuộc sống nhưng ít khi để ý. Và một khi đã phải đối diện với chúng, con người ta sẽ có các xu hướng ứng xử: hoặc không làm gì cả hoặc muốn vượt thoát, mà vượt thoát cũng theo nhiều hướng khác nhau hoặc tiến lên, hoặc thụt lùi.

Trong những tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương cũng đã đi vào miêu tả một hiện thực cuộc sống đơn điệu, nhàm chán, nhạt nhẽo từ môi trường sinh hoạt hàng ngày của con người. Đó là môi trường sống không phân biệt thành thị, nông thôn đều có sự lặp lại đến buồn tẻ, bực bội. Đó là

đời sống tâm hồn nghèo nàn khiến con người bị xoáy vào thú vui tầm thường, làm khô cạn khả năng yêu thương, gắn kết cùng thế giới. Cuộc đời mỗi cá thể vì thế giống như một chiếc cầu thang cuốn chỉ có một đường lên và xuống đơn điệu, tẻ ngắt. Kiếp nhân sinh nhòe mờ, có nguy cơ bị phủ bụi và vĩnh viễn chìm sâu không chỉ vì hành động như một chiếc máy đã được lập trình mà còn bởi con người sống theo bản năng, đánh mất đi ý nghĩa cuộc sống.

Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, ta thấy dù nhà văn viết về nhịp sống ở thôn quê hay thành thị thì ở đâu người đọc cũng thấy những mảnh hiện thực hao hao nhau, môi trường sống khép kín, con người chấp nhận công việc lặp đi lặp lại như một điều tất yếu, yên ổn với những thứ đang có là đủ.

Trong “Vào cõi”, thôn quê hiện lên qua cái nhìn của Vang ngay từ cảnh vật đã nhuốm màu tẻ nhạt: “Nắng cạn tận cuối làng và chân trời dậy lên một màu tím kỳ quái. Những nóc nhà tím sẫm lẫn với màu tím khô của những cành cây tóa lên nền trời. Một màu tím thoáng trông, cảm giác không vui cũng chẳng buồn” [63;40]. Ngôi làng vắng vẻ và buồn thảm đến độ Vang cảm nhận chỉ có hai con người “Bà Đông điên và mẹ tạo thành làng”[63;46]. Làng nghèo như không thể nghèo hơn lại thêm cả những định kiến khắt khe khiến cuộc sống của con người nơi đây cứ trở nên trầm uất, u ám và mỏi mệt.

Thoạt kỳ thủy” lại hướng người đọc đến vùng thôn quê với những gia đình sống bằng nghề đập đá, mổ lợn, trồng rau. Ở đó cũng có những người ôm mộng văn chương và cũng có những kẻ nát rượu. Thoạt trông đó là thứ hiện thực bình thường thậm chí là bình ổn, ngôi làng nào ở nông thôn Việt Nam cũng có thể sẽ tồn tại những hình ảnh như vậy. Nhưng thâm nhập sâu vào tác phẩm, ta mới thấy đằng sau bức tranh yên bình là cả một thế giới hỗn loạn, thế giới ấy là sự tập hợp của những tạp âm khó hiểu đến lạnh gáy của những người điên. Ở đó cuộc sống con người trở nên vô nghĩa và buồn tẻ.

Những kẻ đàn ông sống bằng bản năng nhiều hơn lý trí, những kẻ bình thường nhất cũng có khi cư xử với nhau theo cách bất thường. Và những người đàn bà quanh năm nhốt mình sau lũy tre làng chỉ biết lầm lũi sống như những con rùa bên gã đàn ông điên loạn, thích rượu. Kì lạ ở chỗ, tất cả nhóm người của ngôi làng Linh Sơn nghèo đói đó, không ai có phản ứng chống lại hiện thực ù lì, buồn chán, tẻ ngắt vì lặp đi lặp lại những hoạt động sống đơn điệu. Những người điên cứ điên, thậm chí cộng đồng những con người ấy càng ngày càng dày lên như một điều bình thường; những người say cứ say; công việc đập đá trên núi vẫn diễn ra thường nhật dù có phần nhàm tẻ; và người ta vẫn sống trong máu, trong vô thức như câu chuyện hàng ngày, chẳng ghê tởm, chẳng lấy gì phản ứng.

Trong “Những đứa trẻ chết già” Nguyễn Bình Phương biểu đạt một đời sống vô hướng, một hành trình trống rỗng không biết đích đến là nơi nao của con người qua sự lặp lại tiếng kêu chiếc xe trâu. Ước tính có tới bảy lần hai từ “lọc cọc” xuất hiện ở các chương “Vô thanh”, khi vang lên ở đầu, khi vang lên ở cuối cũng có khi chen vào giữa cuộc hành trình của bốn nhân vật từ cõi chết và quá khứ. Âm thanh đều đều đó ngoài việc gợi ra một hiện thực mỏi mệt, một hành trình rệu rã, vô đích của con người, nó còn làm cho buổi chiều trung du càng thêm rề rà chậm chạp, nhiều ám ảnh. Chính âm thanh đều đặn này lại làm ta nhớ tới nhịp điệu của cả tác phẩm “Trí nhớ suy tàn” từ đầu tới cuối hầu như chung một chất giọng bình bình trần thuật về cuộc sống của các nhân vật. Một cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua, không có gì là mới mẻ, không có gì là bước ngoặt, ngày nào cũng như ngày nào gây cảm giác mệt mỏi chán nản về hiện thực.

Trong “Vào cõi”, “Bả giời”, “Trí nhớ suy tàn”, Nguyễn Bình Phương sử dụng kỹ thuật lặp cấu trúc câu như một cách nhấn mạnh đời sống nhàm tẻ, vô vị bao phủ vây bọc lấy con người:

Mùa đông, chợ nhớp nhúa bùn lầy

Mùa đông, Tuấn ngấm sâu những nỗi buồn chán tàn ác Mùa đông, Vọng được Hiên” [63].

Hôm qua trời đất vẫn thế.

Hôm qua một cơn gió chết dịu dàng dưới gốc một khóm hoa” [68]. “- Ngày mai bác làm gì?

- Xới cỏ

- Ngày mai anh làm gì?

- Đi bán nốt chỗ rau cải. Nó sắp già hết rồi. - Ngày mai em làm gì?

- Em phải lên vách đá lấy củi. Sắp mùa đông, củi khan lắm. Bố em bảo thế”[64].

Mùa đông…”, “Hôm qua…”, “Ngày mai… làm gì” là tín hiệu thời gian, lời hỏi bình thường nhưng khi được trở đi trở lại trong văn bản nó là nét nghệ thuật độc đáo. Kiểu cấu trúc câu như thế diễn tả nhịp điệu sống đều đặn, chậm chạp và buồn tẻ của con người.

Không chỉ cuộc sống ở thôn quê mà thành thị cũng thế. Trong “Vào cõi” cuộc sống ở xí nghiệp thành phố nhàm chán, vô vị tới mức nhân vật của nhà văn cảm thấy “ngán ngẩm”, khi buồn “lại ngẩng lên nhìn ngôi nhà năm tầng, đối diện xí nghiệp” và “có thể đếm được ngôi nhà này có bao nhiêu cửa sổ, đăng ten các cửa màu gì, có bao nhiêu người ở, ai độc thân, ai không … cả những điều vụng trộm vì bị nhà nước cấm” [63;48]. Còn “Bả giời”, người dân phố ngay cả khi đã giàu lên, cái thú vui chơi tranh của họ cũng thật sống sượng – thích sử dụng những bức tranh cổ điển Châu Âu được sao chép lại chẳng chút sáng tạo. Đó có thể là do cuộc chạy đua thị hiếu, chỉ những thứ nghệ thuật ngoài nước mới khẳng đinh đẳng cấp, sự sa hoa, bộ mặt sang trọng của phố thị. Nhưng thú vui ấy, ngấm ngầm bên trong đã sớm nhuốm màu

nhàm tẻ, thứ gì thuộc về “mốt” khi thịnh hành nhất cũng chính đỉnh điểm báo hiệu sự tàn lụi, một khi quá giống nhau mọi thứ đều bớt phần thú vị, nhạt nhẽo, chẳng sớm thì muộn sẽ nhanh chóng bị soán ngôi.

Ở “Ngồi” môi trường sống nhàm chán bởi không khí ngột ngạt, tẻ ngắt hắt lên từ cuộc sống viên chức sáng cắp ô đi tối cắp về của Khẩn và các đồng nghiệp; đời sống vợ chồng rệu rã, mệt mỏi, hờ hững giữa Khẩn và Minh; những cuộc kiếm tìm Quân, bố Nhung trong vô vọng… Một đời sống đương đại với màu sắc ảm đạm, sự rã rời mỏi mệt của con người, phố thị. Hàng ngày lặp đi lặp lại một công việc cũng là một thói quen; kiếm tìm rồi thất vọng lặp đi lặp lại mà không đến được đích cũng thành một thói quen;… Và thứ gì một khi đã quen cũng trở nên nhàm chán. Hiện thực quá tẻ nhạt khiến con người của “Ngồi” cuộn mình vào những giấc mơ, xuôi theo những ám ảnh không có thực để rồi thêm phần hoang mang, buồn chán trước cuộc đời.

Cuộc sống của cô gái trong “Trí nhớ suy tàn” trở đi trở lại như một điều nghiễm nhiên, không có gì thú vị: “Hàng ngày đúng bảy giờ mười lăm dắt xe đi làm”, cơ quan là nơi đến cũng như một nghĩa vụ và về cũng như một nghĩa vụ. Trong cái nhìn nhân vật, nơi làm việc hiện ra chỉ vỏn vẹn với hình ảnh: “Ban công không có mái che, nắng cũng chẳng màng tới nên lập lờ giữa sáng với tối” [68;6], còn phố thị: “Vào giờ nhất định, có những đoàn tàu chạy xuyên vào lòng Hà thành, sau đó lại xuyên ra đều đặn cần mẫn như một mũi kim khâu khâu lên cuộc đời rộng lớn nhưng mỏi mệt” [68;7]. Có vẻ như một Hà Nội phồn hoa mang trong mình tất cả những bộn bề gấp gáp của đời sống khiến con người hoạt động giống chiếc máy được lập trình nhiều hơn, sự nhàm tẻ là điều khó tránh khỏi.

2.1.2. Sự nhạt hóa các giá trị tinh thần

Bổ sung vào mảng hiện thực mang tính chất vô nghĩa, tẻ nhạt, nhà văn đưa lại cho người đọc cảm giác bất ổn về đời sống tâm hồn nghèo nàn của

con người. Họ bị cuốn trôi vào thú vui tầm thường làm khô cạn khả năng yêu thương, gắn kết cùng thế giới.

Tiểu thuyết “Ngồi” mở ra đời sống của giới công chức nhưng địa vị và nhân cách hoàn toàn đối lập nhau. Trải suốt hơn 300 trang sách, Nguyễn Bình Phương không một lần nhắc tới công việc mà Khẩn, Nghĩa, Hùng, lão Việt, ông Bân, ông Tước, ông Thìn phải làm dù các nhân vật vẫn đến cơ quan hàng ngày. Họ đến công sở để tán gẫu (Nghĩa, Nhung, Hùng), đọc báo (Khẩn), gây sự đánh nhau (Hùng, Nghĩa), chia bè kết phái lật đổ vị trí của nhau (ông Thìn, ông Tước). Đời sống viên chức vô vị tới mức các nhân vật trong “Ngồi” đều dính tới tệ nạn xã hội, từ chuyện đề đóm, mại dâm, quan hệ tình dục bừa bãi đến lừa đảo, mê tín. Cả cơ quan ấy hình như mọi người đều chơi đề, bằng chứng là qua lời nhân vật Khẩn: “Em thấy đề đóm chỉ là thú vui của mỗi người, Khẩn nói rành rẽ, mặt ráo hoảnh nhìn ông Tước chờ đợi phản ứng nhưng chỉ thấy người ông ta gật gù… Khẩn lập luận nếu kiểm điểm Nghĩa thì cả cơ quan ai cũng bị kiểm điểm” [65;118]. Và tình dục trở thành một thú chơi tiêu khiển với con người. Những công viên, gốc cây, quán karaoke trá hình,… là nơi để xả stress, quên đi căng thẳng, mệt mỏi áp lực từ cuộc sống, đồng thời là địa điểm “lý tưởng” “mở cửa xác thịt” dưới nhiều hình thức.

Ngay với tình yêu, thứ tình cảm thiêng liêng cao đẹp nhất của con người, dưới cảm quan về hiện thực vô nghĩa, tẻ nhạt của Nguyễn Bình Phương cũng không giữ nguyên ý nghĩa. Những mối tình có lãng mạn, có nhiều dự định nhưng cuối cùng vẫn chẳng đi đến đâu. Đó là tình yêu của Tuấn và Thơm (Vào cõi), Tượng và Hương (Bả giời), Loan với Huấn, với Công, với Tiến quắt (Những đứa trẻ chết già)… Đặc biệt nhất đó là tình yêu giữa nhân vật “Em” với Tuấn và Vũ (Trí nhớ suy tàn). Tuấn đã là người của quá khứ kể từ ngày anh rời xa “Em” đến với Châu Âu xa xôi nhưng còn Vũ, anh là người của hiện tại vậy mà điều gì nói về Vũ, “Em” cũng rất mơ hồ: “Hình như có em Vũ nói

chuyện sôi nổi hơn. Hình như những cử chỉ thân mật ân cần của Vũ đều do em gợi ra và chỉ cho riêng em” [68;12]. Có lúc “Em” nghĩ cuộc sống có vẻ “cồng kềnh lằng nhằng”, nếu có thể “Em” muốn được cắt đi cho nhẹ để tiến lên nhanh hơn, thoải mái hơn. Nhưng “Em” cũng khó nghĩ lắm vì “chẳng biết nên cắt bỏ cái gì. Vân? Hoài? Hay Vũ?”, bạn bè hay người yêu? “Trí nhớ suy tàn” khiến người đọc có cảm giác ủ ê về hiện thực, cuộc sống nhàm tẻ tới mức con người ta nghĩ về quá khứ chỉ là dày đặc những cảm giác giống nhau: “mang máng”, “không nhớ”… Ngay cả các sự kiện cũng trôi tuột, mông lung, đứt gãy, chỉ có thể diễn tả bằng hai từ “lởn vởn”. “Em” của hiện thực mà cứ ngỡ như của thuở xa xăm nào đó, các mối quan hệ đều mờ nhạt , lỏng lẻo gợi một cuộc sống đang bị vắt kiệt sinh lực, vô nghĩa và tẻ nhạt.

Trong “Thoạt kỳ thủy”, Nguyễn Bình Phương diễn tả đời sống vô nghĩa, ù lì, luôn tiềm ẩn tai họa bất thường từ sự điên loạn của con người qua các từ “máu”, “dao”, “trăng”,“chọc tiết” và cụm từ “Mắt chó vàng như trăng” trở đi trở lại nhiều lần trong văn bản. Trăng là hiện thân cho cái đẹp nhưng đối với Tính, nó là thiên địch. Tính bị căn bệnh điên, ghét cái đẹp nhưng lại nhạy cảm với bạo lực, thích thú trước máu và công việc chọc tiết. Cụm từ “mắt chó vàng như trăng” lặp lại 18 lần trong vô thức và cả trong lời nói thể hiện sự hoảng loạn, điên cuồng của Tính trước đời sống nhòe nhẹt, vô hướng, ngày ngày không có gì mới mẻ.

Khi xây dựng mảng hiện thực vô nghĩa tẻ nhạt thể hiện ở sự nhạt hóa các giá trị tinh thần, sáng tác Nguyễn Bình Phương luôn xuất hiện những từ láy với mật độ dày đặc. Một mặt, tác giả chủ tâm sử dụng nó để khắc họa rõ nét và sâu sắc dáng vẻ, trạng thái của sự vật, con người. Mặt khác, nhà văn diễn tả sự tàn tạ, hoang vắng của thế giới.

Trước hết, lật giở bất kỳ trang tiểu thuyết nào của Nguyễn Bình Phương, ta cũng bắt gặp những từ láy trong vai trò diễn tả dáng vẻ, trạng thái của sự vật và

con người. Đó có thể là cảnh một khu chợ vắng teo: “mấy con sáo đen đúa, lảng vảng trên các nóc lều ải mục. Trên trời một con diều hâu lặng lẽ lượn

[63;19]. Đó cũng có thể là tâm trạng của nhân vật “Em”: “Ra khỏi phòng là cảm thấy lạc lõng cũng như khi ăn cơm về thấy trời hơi sầm xuống, lòng dạ bâng khuâng sực nhớ rằng cả phố không có một cây điệp vàng mà chỉ toàn xà cừ. Bản thân mình cũng là lạ với mình vì sự thiếu vắng đó” [68;61].

Nhưng, vượt lên trên sự khắc họa hình dáng, trạng thái của một câu chuyện về “khu chợ”, về nhân vật “Em”, từ láy còn mở ra một thế giới hoang vắng, tàn tạ và con người tồn tại yếu ớt, vật vờ. Ở đó, bức tranh cuộc sống sinh hoạt tăm tối, ngột ngạt, mọi hoạt động sống chỉ như một sự gắng gượng, thoi thóp. Dấu hiệu của cuộc sống con người xuất hiện nếu không trong trạng thái tĩnh lặng đầy chết chóc: chiếc bè vó “lầm lụi”, chiếc xe “im lìm”, con đập “lừ lừ” [67]… thì cũng đang trong quá trình bị vùi lấp, phá hủy: bãi đá “ngổn ngang”, tiếng đập đá “khô khốc”, “lanh lảnh”, tiếng mìn “âm âm”, “váng vất”, bãi cọc “lô xô” cùng những cột khói “cuồn cuộn”, bụi “mù mịt” [70]... Không gian sống của con người bị giới hạn tới mức tối đa, nhân vật của Nguyễn Bình Phương thường neo đậu trong những căn nhà “tồi tàn”, “lè tè” [63], những căn lều “lụp xụp”, “lạnh lẽo”, những chiếc thuyền “dập dềnh”[64]. Những từ láy đó gợi đến một cảm giác về sự tạm bợ, nghèo đói. Không gian sống bị khuôn lại trong một phạm vi chật hẹp, những mái nhà, căn lều… luôn có nguy cơ sụp đổ. Trong không gian như vậy, con người hoặc mòn mỏi, âm thầm, hoặc trở nên điên loạn, phá phách.

Ở đó, bức tranh thiên nhiên trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đang

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 37)