Con người cô đơn, lạc loài

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 81)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

3.2. Con người cô đơn, lạc loài

Cảm nhận chung khi đọc tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đó là xuất hiện một hệ thống những con người cô độc, mất điểm tựa. Trạng thái tâm lý này của con người đến với văn chương đã từ rất lâu, văn học hiện sinh nói nhiều và diễn tả say sưa về nó với “Vụ án” của F. Kafka, “Người xa lạ” của

A. Camus, “Buồn nôn” của J.P. Sartre. Thậm chí thế giới có cả một tác phẩm bất hủ của G. Macket mang tên “Trăm năm cô đơn”.

Ở Việt Nam, trước Nguyễn Bình Phương trong văn học con người nhỏ bé, lạc lõng, đã được kỳ công tìm tòi, khám phá cả trong thơ ca lẫn văn xuôi. Dường như hình ảnh về những cá thể cô độc, mất điểm tựa là một nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Tới lượt mình, vẫn cùng thể hiện những con người ấy nhưng nhà văn Nguyễn Bình Phương mở ra một thế giới nhân vật theo cách riêng biệt, không hòa lẫn. Con người đổ bóng xuống tiểu thuyết của ông lẻ loi ngay trong không gian và thời gian; giữa đám đông; và với chính bản thân mình.

3.2.1. Con người cô đơn trong không gian, thời gian

Những điểm tựa mất đi, đồng nghĩa với việc con người ta trở nên bơ vơ, cô độc đến cực điểm. Tượng trong “Bả giời” mất đi ông Mộc chỉ sau hai ngày vừa nhận mặt cha, Thủy mất đi ông Kim – người bác cũng là người thân duy nhất còn lại ở cái làng Linh Sơn. Tượng đau đớn cảm nhận: “Cuộc đời dằng dặc mà ngắn ngủi cũng sửng sốt. Đang cười nói hít thở nhoàng một cái đã đi” [64;199], “trên đời này chỉ còn Tượng và Thủy, hai sinh vật độc thân tận máu, run rẩy giữa những bóng hình, âm thanh man dại. Hai sinh vật ngơ ngác trong bể đời nhầy nhụa” [64;200].

Tiểu thuyết “Những đứa trẻ chết già” nỗi cô đơn còn xâm lấn dòng hồi ức, choán ngợp cõi vô thức của nhân vật. Theo hành trình chiếc xe trâu, nhân vật “Ông” trong những chương “Vô thanh” triền miên với dòng suy tư bất định tìm về quá khứ mấy chục năm trước mong tìm kiếm một sự cắt nghĩa cho số phận, cuộc đời mình nhưng càng kiếm tìm càng thấy mình lạc lõng, bơ vơ. “Ông” bị đè nặng bởi cảm giác trơ trọi với nỗi cô đơn khủng khiếp khi “Cả đời ông chưa được bàn tay phụ nữ nào chăm sóc. Tất cả đều do tự thân ông chống chọi, đôi khi ông thèm được vợ vuốt ve, nũng nịu, nhưng tuyệt

nhiên cả hai người đàn bà ấy đều lạnh lùng bỏ qua. Họ thả ông vào tâm trạng lẻ loi vĩnh viễn với chiếc thìa trong túi” [67;40]. Và nhân vật “Ông” kết luận: “Thời gian là kẻ sát nhân tàn khốc”. Thân phận con người trở nên mỏng manh, yếu đuối, bất lực trước khối cô đơn khổng lồ, đặc quánh. “Ông” vẫn đi mà không biết về đâu và đã ngồi bao lâu trên chiếc xe trâu đó.

Đọc tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, ta cảm thấy có nỗi cô độc mất phương hướng của những con người “đi lạc”, họ không hòa mình được với hiện tại, họ lạc ngay trong cõi sống, trong mọi chiều kích của nó dù là không gian hay thời gian. Có những nhân vật như Khẩn (Ngồi), cuộc sống đầy bon chen mỏi mệt với bao áp lực của hiện tại từ gia đình đến cơ quan, khiến anh khó chấp nhận và đôi lúc lạc về quá khứ nơi mà anh đã từng sống trong cuộc chiến tranh, lạc vào khoảng không với Kim để sẻ chia muộn phiền. Có những nhân vật như Hà, như Sơn (Ngồi) vốn là người nhà quê mang khát khao được làm người thành phố với những dàn compắc, những đôi giày hiệu (minh chứng cho cuộc sống giàu sang sành điệu). Họ tìm mọi cách phủ mờ, tẩy trắng nguồn gốc của mình nhưng vô dụng. Cuối cùng họ vẫn chỉ là những kẻ đơn độc giữa phố thị, Sơn chết khi chèo sang cửa sổ nhà hàng xóm với mong muốn nhìn thấy bộ dàn compắc, Hà trở về gặm nhấm nỗi đau về gốc gác của mình. Lại cũng có những nhân vật như Lão Bính, cụ Điển (Người đi vắng) luôn sống trong kí ức. Ở lão Bính là hoài niệm về con vật lạ đã nhìn thấy vào “buổi chiều hôm ấy” đeo đẳng cùng chung sống với lão của hiện tại. Cụ Điển thì chìm ngập trong những ngày chiến đấu oai hùng với phép rút đất lập lên biết bao nhiêu kì tích. Cả hai con người đó lúc nào cũng trong trạng thái mơ màng và xa xăm, tự cô lập mình với thời điểm đương sống.

Nhưng sự cô độc còn dâng cao hơn bao giờ hết, khiến con người thật sự hoảng loạn khi bản thân họ luôn bị xã hội o ép bởi những định kiến, bởi “miệng lưỡi” thế gian. Đó là Vang trong “Vào cõi”. Vang - gia cảnh nghèo,

xấu xí, lại bị hỏng mắt, cái khuyết tật ấy ở cô có lẽ đã chẳng ai muốn lấy làm vợ. Hơn thế cô phải sống trong môi trường làng quê với những định kiến nặng nề mà đó mới là nguyên nhân chính giết chết cái bản năng, con người tự do của Vang. Cô luôn ám ảnh bởi hình ảnh người mẹ “Người con gái trót một lần lầm lỡ, cả tin, đã phải trốn gia đình để lang thang, làm thuê…”, người bố “vì một cây mía, đã đâm chết ông láng giềng, cuộc đời bố chui lủi…” [63;45]. Ngay từ nhỏ, Vang và em trai đã bị cô lập bởi thành kiến trong làng. Vì thế chưa bao giờ cô thôi ngừng mong ước bứt ra khỏi làng đi tìm cuộc sống khác. Nhưng số phận của Vang là thế, nó giống như một định mệnh về sự cô đơn không sao thay đổi được. Vọng (em trai) rời xa cô đi lập nghiệp để mình Vang trong “ngôi nhà trống trải”. Cô lặp lại vết xe đổ của me, mang thai với người làng khi chẳng có danh phận gì. Vang ngã quỵ, đau đớn bởi lời xì xào bàn tán của xóm giềng, bởi không muốn làm ô uế dòng họ, bởi dì, bởi em,… phải bỏ đi giọt máu – đứa con vẫn còn non nớt – nằm trong bụng. Cái chết của cô là sự tất yếu của một cá thể lạc loài giữa trùng vây của những ghẻ lạnh, cô độc và buồn thảm trong ao tù thôn xã “đìu hiu và trơ cằn”, “nghèo như không thể nghèo hơn”, và đầy những lời “oan nghiệt”, “quỷ quái”.

3.2.2. Con người lạc loài với cộng dồng

Tình trạng cô độc mất điểm tựa khiến con người cảm thấy xa xót nhất là khi con người không hòa nhập được với cộng đồng vì bản thân họ là những cá thể quá khác biệt, họ là hiện thân của “vẻ đẹp lạc loài”. Đó là Tượng trong “Bả giời”, là Hiền và ông Phùng giữa thế giới “Thoạt kỳ thủy”. Sống giữa đất Linh Sơn lắm người nhiều ma, bàn tay nghệ sĩ, những bức vẽ truyền thần của Tượng gần như là vô nghĩa lí. Ở đó con người nghệ thuật là một thứ quá xa vời, chẳng phục vụ gì cho cuộc sống. Tượng chỉ có thể tìm thấy niềm đồng cảm ấy ở người thầy của mình đó là ông họa sĩ Đặng Cử. Chính Đặng Cử đã từng nhận xét với đồng nghiệp về Tượng: “Nó sẽ làm được một cái gì đấy cho

tỉnh ta!” [64;101] nhưng Đặng Cử cũng lại là người trên phố không thể ở cạnh Tượng mà cùng nói chuyện nghệ thuật được. Tượng yêu Thủy nhưng chính Thủy cũng là người “không bao giờ xem tranh” của anh, “mà nếu có xem chắc cũng chẳng thích” [64;105]. Tranh của Tượng bị Vinh đốt và buông một câu gọn hỏn “Vẽ như cứt” [64;181]. Nghệ thuật của Tượng trở nên vô nghĩa khi đối mặt với những con người mù mờ về nó, quanh năm sống với khổ cực, bon chen, vất vả, tầm thường của ngôi làng Linh Sơn kỳ bí. Ông Phùng cũng rơi vào tình trạng chung như thế. Ông là người có học thức nhất Linh Sơn, đã từng là “văn nghệ sĩ đi kháng chiến” [70;17], cả đời ôm giấc mộng đoạt giải thưởng truyện ngắn. Nhưng sống giữa một cộng đồng toàn những người, không hiểu biết, điên loạn, ông Phùng gần như không có tiếng nói. Người ta hết nghi ông là Việt gian, coi bản tổng kết an ninh xã (viết hộ ông Sung) là “bóng bẩy, khó hiểu như thơ của đám tiểu tư sản” [70;26], lại nghĩ ông có tình ý gì với Hiền (bà Liên không muốn Hiền gần ông Phùng). Cuối cùng ông chết vì phát súng của gã điên (Hưng) trên đường mua comlê để nhận giải thưởng, tai vẫn áp vào đài nghe phát thanh viên đọc tên người đoạt giải viết truyện năm nay. Giữa mảnh đất Linh Sơn, ông Phùng chỉ là một kẻ lạc loài, không ai hiểu ông, không ai đồng cảm với con đường nghệ thuật và tán thưởng những ước vọng chinh phục đỉnh cao của ông. Cái chết của ông Phùng như một tất yếu, không sớm thì muộn ông cũng sẽ bị loại khỏi cộng đồng vì sự khác biệt quá lớn với mảnh đất, con người nơi này. Cùng sống trong xã hội ấy còn có Hiền, dù phải chung sống cùng Tính, người chồng điên cũng là thủ phạm gây ra cái chết cho cha đẻ mình, phải kìm nén những ham muốn nhân văn nhất của một người đàn bà bình thường… cô vẫn sống với một vẻ đẹp thánh thiện tỏa rạng từ tâm hồn. Chính sự khác biệt của Hiền khiến cô lạc lõng.

Cô độc mất điểm tựa, không tìm thấy sự đồng cảm, con người trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương khép mình lại, sống với thế giới của riêng mình ngay cả giữa cộng đồng. Hình ảnh Tính (Thoạt kỳ thủy), Hoàn (Ngồi) là một ví dụ tiêu biểu. Tính chào đời đã mang trong mình nỗi cô đơn bản thể, luôn luôn có cảm giác “lạnh” (“lạnh lắm… mẹ ạ”) về thế giới. Sau này khi lớn lên, Tính thích hòa mình vào đám người điên, mê mẩn máu me và giết chóc. Không tìm được sự đồng điệu nơi Thắng, Hoàn để mình buông thả với Cương để khỏa lấp nỗi trống trải trong mình. “Chính cái thiếu vắng nội tại, thầm kín, sâu thẳm đó tạo nên vẻ bí ẩn ở Hoàn. Với Thắng và Cương cô là người đàn bà gần gũi nhưng xa lạ” [65]. Hoàn lao xe xuống vực thẳm như tìm kiếm một con đường giải thoát cho chính mình.

Cô đơn, mất điểm tựa là lúc con người ta không dung hòa được với xã hội hiện tại buộc phải vượt thoát về phía hư vô, về phía cái chết. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nói nhiều về cái chết như một cách để con người trì hoãn sự cô đơn: “Những người chết sẽ sống không sa đọa” [68;92]; “Chết là khép lại vĩnh viễn những nỗi sợ hãi” (lời nhân vật “Em”) [68;94]; “Cái chết bao giờ cũng là điều vĩ đại cuối cùng mà con người đạt đến” (lời nhân vật “Ông”) [67;153]. Lựa chọn kết cục thê thảm, có khi ở thế giới khác họ cũng không sung sướng hơn, vẫn lênh đênh vô hướng, song tâm hồn họ ít nhiều được xoa dịu.

Đi vào thế giới con người trong xã hội hiện đại, Nguyễn Bình Phương tạo dựng một hệ thống những nhân vật bị ném vào trạng thái cô đơn mất điểm tựa. Một mặt đó là biểu hiện tất yếu từ đời sống nhiều đổi thay, nhiều bất toàn hiện tại như cơn gió lốc tràn sâu vào ngóc ngách tâm hồn khiến con người không thể thích nghi. Mặt khác cũng thể hiện niềm day dứt hiện sinh da diết, thấm thía của nhân vật trước kiếp sống nhân sinh đầy ngẫu nhiên may rủi. Chấp nhận hay vượt thoát tình trạng cô độc mất điểm tựa đều là cách nhân vật Nguyễn Bình Phương tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Ngòi bút

Nguyễn Bình Phương khi miêu tả con người cô độc mất điểm tựa thường có xu hướng tẩy trắng dấu hiệu nhận biết như một cách đánh mất sự định vị, nhấn sâu nỗi ám ảnh lạc lõng của các cá thể trong thế giới. Nhân vật vì thế không đứng vào trong cái định nghĩa của truyền thống mà chỉ là cái móc nhỏ để nhà văn treo vào đó tư tưởng của mình.

Một phần của tài liệu Luận văn: Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w