Cấp vùng khí hậu

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM KHÍ HẬU TỈNH LÀO CAI (Trang 116)

Ở Việt Nam hiện nay, đang tồn tại nhiều sơ đồ phân vùng khí hậu khác nhau với các chỉ tiêu khác biệt, đáng kể phải đề cập đến các công trình phân vùng khí hậu sau:

Theo Phạm Ngọc Toàn, Phan Tất Đắc (1993) đã phân chia lãnh thổ nước ta thành ba miền khí hậu, với chỉ tiêu phân chia cơ bản là dựa vào các biểu hiện tổng hợp của khí hậu, bao gồm miền khí hậu phía Bắc, miền khí hậu Đông Trường Sơn và miền khí hậu phía Nam. Trong mỗi miền khí hậu, hai tác giả trên căn cứ vào tác động của quy luật phân hóa khí hậu quy mô nhỏ hơn rồi phân chia thành các vùng khí hậu với những đặc điểm riêng nhưng vẫn giữ được những đặc trưng chung của miền khí hậu. Miền khí hậu phía Bắc là một miền khí hậu đặc biệt trong ba miền khí hậu nước ta, đó là miền khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh. Tuy nhiên, khi xét về mức độ tác động, phạm vi ảnh hưởng của gió mùa mùa đông (gió mùa cực đới), miền khí hậu phía Bắc lại được phân chia thành năm vùng khí hậu: Vùng khí hậu khu vực núi Đông Bắc, vùng khí hậu vùng núi phía Bắc, vùng khí hậu khu vực Tây Bắc, vùng khí hậu khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và vùng khí hậu khu vực Bắc Trung Bộ.

Nếu căn cứ vào chỉ tiêu phân vùng khí hậu là phạm vi ảnh hưởng của gió mùa cộng với các yếu tố về nhiệt, ẩm và các loại hình thời tiết đặc biệt thì có thể coi tỉnh Lào Cai nằm trong phạm vi của cả hai vùng khí hậu thuộc miền khí hậu phía

Bắc, đó là vùng khí hậu vùng núi phía Bắc và vùng khí hậu khu vực Tây Bắc. Ranh giới của hai vùng đó là thung lũng sông Hồng. Bên tả ngạn của thung lũng sông Hồng (bao gồm các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên và một phần của huyện Bảo Thắng) thuộc vùng khí hậu vùng núi phía Bắc, còn bên hữu ngạn sông Hồng (gồm Tp. Lào Cai và các huyện Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, một phần huyện Bảo Thắng và Bảo Yên) thuộc vùng khí hậu khu vực Tây Bắc. Đặc điểm khí hậu của Lào Cai mang nhiều nét tương đồng của cả hai vùng trên với nét nổi bật là mùa đông ít lạnh hơn so với vùng núi Đông Bắc nhưng do tác động của địa hình núi cao nên có sự giảm nhiệt lớn, mùa đông vẫn có nhiệt độ hạ thấp dưới 100C, hay xảy ra sương muối vào mùa đông do thời tiết khá lạnh và khô. Tỉnh Lào Cai không chịu tác động trực tiếp của bão mà chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp, tuy nhiên hiện tượng dông, mưa lớn, mưa đá thường xảy ra so với các tỉnh khác.

Theo Atlat Khí tượng thủy văn (Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam xuất bản 1994) thì khí hậu nước ta được phân chia thành hai miền: Miền khí hậu phía Bắc và miền khí hậu phía Nam với ranh giới là dãy Bạch Mã. Chỉ tiêu chính để phân vùng khí hậu theo cấp miền bao gồm ba tiêu chí: Lượng bức xạ Mặt Trời tổng cộng, biên độ nhiệt độ năm và số giờ nắng trung bình năm. Từ hai miền khí hậu đó lại phân chia thành bảy vùng khí hậu khác nhau mà chỉ tiêu cơ bản là thời gian của mùa mưa và thời gian của ba tháng mưa lớn nhất: Vùng khí hậu khu vực núi Tây Bắc, vùng khí hậu khu vực núi phía Bắc, vùng khí hậu khu vực đồng bằng Bắc Bộ, vùng khí hậu khu vực Bắc Trung Bộ, vùng khí hậu khu vực ven biển miền Nam Trung Bộ, vùng khí hậu khu vực Tây Nguyên, vùng khí hậu khu vực Nam Bộ. Căn cứ vào các chỉ tiêu phân vùng này, tỉnh Lào Cai thuộc vùng khí hậu khu vực núi phía Bắc (kí hiệu là BII trên Atlat Khí tượng thủy văn Việt Nam 1994), với mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 với ba tháng lượng mưa lớn nhất là tháng 6, tháng 7 và tháng 8[11].

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM KHÍ HẬU TỈNH LÀO CAI (Trang 116)