Gió Tây (gió Lào)

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM KHÍ HẬU TỈNH LÀO CAI (Trang 99)

Đây là hiện tượng thời tiết đặc biệt ở Lào Cai, hoạt động không thường xuyên mà thành từng đợt, thường chỉ kéo dài vài ngày. Gió Tây hoạt động ở Lào Cai vào mùa hạ, nhất là thời kì đầu hạ, mà nguồn gốc của loại gió này xuất phát từ khối không khí nóng ẩm nhiệt đới biển Bắc Ấn Độ Dương (hay còn gọi là khối khí

chí tuyến vịnh Bengan – TBg), tuy nhiên động lực chủ yếu của gió Tây là sự hoạt động mạnh của vùng áp thấp hình thành ở miền Hoa Nam Trung Quốc, mà đôi khi trung tâm của nó nằm ngay ở vùng đồng bằng Bắc Bộ của nước ta. Khi vượt qua chặng đường dài với nhiều dãy núi cao, tính chất nóng ẩm của khối không khí chí tuyến vịnh Bengan bị biến tính, trở thành nóng và khô, khi nào hoạt động mạnh mới đến được Lào Cai.

Khi có gió Tây hoạt động, thời tiết tại Lào Cai (mà phần lớn chỉ ở các huyện vùng thấp và Tp. Lào Cai mới chịu tác động mạnh) thay đổi nhanh chóng. Bầu trời quang đãng, ít hoặc không có mây, trời oi bức, nắng gắt, đôi khi có hiện tượng khô, ban đêm có thể có hiện tượng sương muối xuất hiện ở một số nơi. Nhiệt độ tăng nhanh, ban ngày có thể lên đến 37 – 390C thậm chí có thể lên 41 – 420C, độ ẩm giảm nhanh chóng, thường dưới 60% thậm chí khi hoạt động mạnh và kéo dài, độ ẩm giảm xuống 40 – 50%.

Theo qui luật chung, khi áp thấp Bắc Bộ khơi sâu hút không khí từ khối không khí chí tuyến vịnh Bengan lên, thì khi đó gió Tây hoạt động mạnh ở Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc, thậm chí cả đồng bằng sông Hồng. Gió Tây càng mạnh thì độ khắc nghiệt càng tăng (nhiệt độ tối cao tuyệt đối ở Tp. Lào Cai có thể đạt 41 – 420C, độ ẩm không khí có thể dưới 30%), tuy nhiên số ngày mà gió Tây hoạt động mạnh ở Lào Cai không nhiều, ở Tp. Lào Cai, số ngày hoạt động rất mạnh của gió Tây trung bình chỉ 1 – 2 ngày/năm, khả năng nhiều nhất là vào tháng 5, ngoài ra có thể xảy ra vào tháng 4 hoặc tháng 6.

Tính chất tác động của gió Tây là nóng và khô (do đó còn gọi là gió Tây khô nóng). Nếu coi ngày nóng, khô là ngày có nhiệt độ không khí lúc 13 giờ lớn hơn 340C và độ ẩm không khí lúc 13 giờ dưới 65% thì tại Lào Cai, hàng năm có số ngày khô nóng khá cao, tập trung chủ yếu ở vùng thấp và những khu vực có độ cao dưới 1000m (có thể có từ 1 – 30 ngày khô nóng). Lên cao hầu như không còn xuất hiện loại hình thời tiết như vậy. Tại Tp. Lào Cai trung bình một năm có 17 ngày khô nóng, chủ yếu ở tháng 5 (5,3 ngày), tháng 7 (4,5 ngày), tháng 8 (3,6 ngày), tháng 6 (2,7 ngày), tháng 4 và tháng 9 cũng có hiện tượng ngày nóng khô tại Tp. Lào Cai nhưng ít hơn (tháng 4 có 0,3 ngày và tháng 9 có 0,6 ngày). Tại Bảo Hà số ngày

nóng khô cao hơn với 29,5 ngày, cũng tập trung theo các tháng giống Tp.Lào Cai: Tháng 5 có 7,1 ngày, tháng 7 có 6,9 ngày, tháng 6 có 6,1 ngày, tháng 8 có 4,4 ngày, tháng 9 có 2,6 ngày, tháng 3 và tháng 4 ít nhất (0,1 và 1,3 ngày).

Tuy nhiên thực tế mỗi năm một khác, không phải năm nào cũng đồng nhất như năm nào. Sự khác biệt giữa các năm ở đây thể hiện ở cả số ngày nóng khô và cả về cường độ nóng khô. Lấy ví dụ như tại Tp. Lào Cai, năm 1972 trong 4 tháng mùa hạ từ tháng 5 đến tháng 8 có 33 ngày gió Tây, trong đó đợt dài nhất kéo dài 8 ngày (từ ngày 4 – 11/5), nhiệt độ cao nhất lên tới 390C, độ ẩm thấp nhất dưới 40%. Cũng năm 1972, tại Bảo Hà còn có 51 ngày có gió Tây, đợt kéo dài nhất là 9 ngày, nhiệt độ tối cao tuyệt đối lên 40,40C.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM KHÍ HẬU TỈNH LÀO CAI (Trang 99)