Quá trình hình thành và phát triển pháp luật về tiền lương ở

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động về tiền lương trong các doanh nghiệp và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Hải Dương (Trang 36)

5. Kết cấu của luận văn

1.3.Quá trình hình thành và phát triển pháp luật về tiền lương ở

Việt Nam

Cách mạng tháng 8/1945 đã mở ra một trang sử mới cho đất nước ta, ngày 02/9/1945 chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông nam Châu Á. Từ những ngày đầu được thành lập nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đời sống nhân dân đặc biệt là đối với tầng lớp

32

công nhân viên chức và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Nhà nước ta luôn cải cách chính sách tiền lương cho phù hợp với sự thay đổi của kinh tế - xã hội.

Thời kỳ đầu đất nước mới được thành lập, ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nhà nước chỉ có một số doanh nghiệp trưng thu của chế độ cũ để lại do đó tiền lương giai đoạn này chủ yếu là tiền lương và phụ cấp của chế độ cũ để lại. Đến tháng 7/1946 Nhà nước ban hành Sắc lệnh số 133/SL ấn định lương tối thiểu của công chức các ngành (mỗi tháng 150 đồng = 15kg gạo cho Hà Nội và 130 đồng = 13 kg gạo cho Hải Phòng và các tỉnh khác có phụ cấp bổ túc gạo đắt cho bản thân, vợ và đến con thứ tư. Đến tháng 02/1947 mức lương tối thiểu được nâng lên 180 đồng và lương tối đa là 600 đồng). Tháng 5/1948 chế độ công chức mới được ban hành trong đó có một thang lương với 5 ngạch công chức, đến tháng 02/1950 lương tối thiểu được nâng lên từ 220 đồng đến 250 đồng.

Từ năm 1950 chiến tranh vẫn còn diễn ra ác liệt và lan rộng, giá sinh hoạt mỗi tỉnh và địa phương đều khác nhau, giá trị thực tế của đồng tiền giảm. Tháng 5/1950 Sắc lệnh 77/SL quy định công nhân giúp việc của Chính phủ áp dụng thang lương chung 18 bậc. Sắc lệnh số 98/SL ấn định lương và phụ cấp hằng tháng theo giá gạo. Tháng 12/1955, Nghị định 650/TTg quy định chế độ tiền lương mới, thực hiện trả lương bằng tiền thêm việc cung cấp nhà ở, giường, chiếu, điện, nước đồng thời quy định thang lương 17 bậc có bậc riêng cho cán bộ dân cử, thang lương 11 bậc cho cán bộ nhân viên kỹ thuật nhà nước, thang lương 8 bậc cho cơ quan xí nghiệp nhà nước, thang lương 6 bậc cho lao động phổ thông xí nghiệp.

Từ những năm 1960 Đảng và Nhà nước tập trung tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ban chấp hành trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 13 đã quyết định vấn đề cải cách tiền lương. Thang lương công nhân cơ khí 8 bậc

33

làm cơ sở xây dựng thang lương các nghề khác. Tháng 7/1960 Chính phủ ra nghị định 25/CP về chế độ lương khu vực sản xuất gồm 7 thang lương. Tháng 4/1975 đất nước được thống nhất, tuy nhiên do ảnh hưởng và gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, nhà nước phải tổ chức lại nền kinh tế, chính sách tiền lương lúc này tập trung chủ yếu bao cấp vì vậy đã làm mất ý nghĩa là đòn bẩy kích thích và bù đắp.

Năm 1985 Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 8 khóa 5 quyết định đưa ra chính sách tiền lương mới, đồng thời Nhà nước ban hành Nghị định 235/HĐBT ban hành hệ thống tiền lương mới. Lương tối thiểu ấn định là 220 đồng/tháng, bội số lương hành chính là 3,5. Hệ số lương trong các ngành sản xuất so với lương tối thiểu là 1.05 đến 1.6 có 5 thang lương và 15 bảng lương.

Tháng 12/1986 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI được tổ chức, đánh dấu một sự thay đổi căn bản vô cùng quan trọng, Nhà nước ta phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước, bởi vậy chính sách tiền lương cũng có sự thay đổi và mức lương chuyển lên 102,275% so với năm 1985, các xí nghiệp nhà nước tự chi trả tiền lương, ngân sách nhà nước không bao cấp. Tháng 5/1993 Ban bí thư trung ương Đảng ra quyết định số 69/QĐTW đề án cải cách tiền lương, chính phủ đã ban hành các Nghị định 25/CP, 26/CP về quy định tạm thời chế độ tiền lương mới. Mức lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng. Nhà nước thực hiện điều tiết tiền lương bằng hệ số, quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa là 1 - 1,9 - 10. Các chế độ phụ cấp hầu như ít thay đổi so với thời gian trước, trong khu vực hành chính sự nghiệp thay chế độ lương chức vụ lãnh đạo bằng chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo; chế độ phụ cấp đắt đỏ được thực hiện ở những vùng có mức giá sinh hoạt cao hơn chỉ số giá bình quân chung cả nước từ 10% trở lên…

Trước sự thay đổi nhanh của nền kinh tế khu vực và thế giới, để phù hợp với điều kiện thực tiễn, ngày 23/6/1994 Bộ luật lao động ra đời đánh dấu

34

một bước ngoặt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho các bên khi tham gia vào quan hệ lao động, đặc biệt là về tiền lương. Từ khi được ban hành đến nay, Bộ luật lao động đã qua ba lần sửa đổi và bổ sung vào năm 2002, 2006 và 2007 để phù hợp với sự thay đổi của kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó các cơ quan nhà nước đã ban hành các văn bản pháp quy như Nghị định, Thông tư để điều chỉnh và hướng dẫn về chế độ tiền lương.

Tóm lại, với sự phát triển của pháp luật tiền lương, chính sách tiền lương luôn thay đổi để đáp ứng được tình hình thực tế và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, pháp luật tiền lương luôn thay đổi để đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể đặc biệt là việc mở rộng thang lương, bảng lương có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của nhân dân. Chế độ pháp lý về tiền lương trong doanh nghiệp được nhà nước luôn quan tâm, để bảo vệ quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt, là người lao động làm công ăn lương trong doanh nghiệp để họ được đối xử công bằng trong việc trả lương.

Đối với nền kinh tế thị trường và mang tính cạnh tranh như hiện nay, tiền lương đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội và là một vấn đề rất đáng quan tâm đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh những mặt đã đạt được, pháp luật về tiền lương nói chung và chế độ về tiền lương trong các doanh nghiệp nói riêng vẫn còn một số tồn tại bất cập, điều đó đã gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng và ứng dụng trên thực tiễn và dẫn đến những vi phạm pháp luật về tiền lương là không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản nhất về tiền lương, tiền lương doanh nghiệp và pháp luật lao động về tiền lương doanh nghiệp để thấy được đặc trưng, những yêu cầu đặt ra đối với tiền lương và tiền lương doanh nghiệp cũng như xác định những nguyên tắc, nội dung căn bản trong việc điều chỉnh của pháp luật sẽ là cơ sở quan trọng nhằm định hướng cho việc hoàn thiện pháp luật lao động về tiền lương doanh nghiệp.

35

Chương 2

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ TIỀN LƯƠNG VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TẠI TỈNH HẢI DƯƠNG

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động về tiền lương trong các doanh nghiệp và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Hải Dương (Trang 36)