5. Kết cấu của luận văn
1.2.3. Nội dung pháp luật về tiền lương doanh nghiệp
1.2.3.1. Quy định về thang lương, bảng lương trong doanh nghiệp
Thang lương, bảng lương là những nội dung quan trọng của chính sách tiền lương, xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương phải xuất phát từ đặc điểm lao động khác nhau trong từng ngành nghề và trong điều kiện lao động cụ thể. Hiện nay, trong các văn bản pháp luật chưa đưa ra định nghĩa chính thức về thang lương hoặc bảng lương. Tuy nhiên, theo chế độ tiền lương của nước ta từ trước đến nay thì có thể quan niệm về thang lương, bảng lương như sau:
“Thang lương là tương quan tỉ lệ về tiền lương (theo trình độ lành nghề) giữa những người lao động trong cùng một nghề hoặc nhóm nghề có tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật rõ ràng” [14, tr 355].
Để thực hiện và hoàn thành công việc người lao động phải có trình độ lành nghề tương ứng nhất định với mức độ phức tạp của công việc, đồng thời phải có cố gắng về sức lực cơ bắp và căng thẳng về thần kinh, tâm lý làm tiêu
22
hao thêm năng lượng trong quá trình lao động cụ thể. Thang lương bao gồm một số nhất định các bậc và những hệ số tiền lương tương ứng, mỗi bậc trong thang lương thể hiện mức độ phức tạp và mức tiêu hao lao động của công việc. Công việc ít phức tạp và ít tiêu hao năng lượng nhất thì thuộc bậc thấp nhất, thường gọi là bậc khởi điểm. Trong thang lương của khu vực sản xuất kinh doanh bậc khởi điểm gọi là bậc 1. Mức lương bậc 1 có thể cao hơn hoặc bằng mức lương tối thiểu. Mỗi bậc trong thang lương có thể vừa biểu hiện bằng mức lương theo số tuyệt đối, vừa theo hệ số của mỗi bậc trên so với bậc dưới liền kề. Chênh lệch giữa bậc cao nhất và bậc thấp nhất của thang lương gọi là bội số của thang lương.
“Bảng lương là tương quan tỉ lệ về tiền lương giữa các lao động trong cùng ngành nghề theo trình độ, kinh nghiệm làm việc hoặc theo công việc thực tế mà người lao động đảm nhiệm” [14, tr 356].
Trong khu vực sản xuất kinh doanh, bảng lương được xây dựng để áp dụng cho lao động quản lý, lao động chuyên môn nghiệp vụ, lao động thừa hành phục vụ, lao động trực tiếp sản xuất ở những công việc, ngành nghề không quy định rõ ràng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật. Cấu tạo của bảng lương doanh nghiệp tương đối giống thang lương, bao gồm một số ngạch lương (theo chức danh lao động) thể hiện mức độ phức tạp và yêu cầu khác nhau về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động thực hiện chúng. Trong mỗi ngạch lương có một số bậc lương được xác định dựa vào mức độ phức tạp của công việc. Ứng với mỗi bậc là một hệ số mức lương, hệ số mức lương của bậc cao nhất trong bảng lương được gọi là bội số của bảng lương đó.
Thang lương, bảng lương trong doanh nghiệp được áp dụng làm cơ sở để: thoả thuận tiền lương trong ký kết hợp đồng lao động; xác định đơn giá tiền lương; thực hiện chế độ nâng lương theo thoả thuận trong hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể; đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã
23
hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; trả lương ngừng việc và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động; giải quyết các quyền lợi khác theo thoả thuận của hai bên và theo quy định của pháp luật lao động.
Bộ luật lao động đã được sửa đổi bổ sung quy định:
Sau khi tham khảo ý kiến của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện người lao động Chính phủ quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động để người sử dụng lao động xây dựng và áp dụng phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; quy định thang lương bảng lương đối với doanh nghiệp nhà nước. Khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Thang lương, bảng lương phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động và công bố công khai trong doanh nghiệp” [5, Điều 57].
Nhà nước quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động để người sử dụng lao động xây dựng và áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ xây dựng thang lương, bảng lương cho các doanh nghiệp nhà nước, còn các loại hình doanh nghiệp khác chủ doanh nghiệp được quyền tự xây dựng thang lương, bảng lương. Tuy nhiên, khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở và phải được đăng ký tại cơ quan lao động cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp. Trên thực tế, mức lương người lao động được trả có thể chính là mức được quy định thang, bảng lương của doanh nghiệp hoặc một mức khác do các bên thảo thuận. Thang lương, bảng lương chủ yếu được sử dụng để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và giải quyết các quyền lợi của người lao động trong thời gian nghỉ có hưởng lương.
24
1.2.3.2. Quy định về tiền lương tối thiểu
Tiền lương tối thiểu được hiểu là số tiền nhất định trả cho người lao động tương ứng với trình độ lao động đơn giản nhất, cường độ lao động nhẹ nhàng nhất diễn ra trong điều kiện lao động bình thường; số tiền đó đảm bảo nhu cầu tiêu dùng các tư liệu sinh hoạt ở mức tối thiểu cần thiết để tái sản xuất sức lao động của bản thân người lao động và dành một phần để nuôi con và bảo hiểm lúc hết tuổi lao động.
Mức lương tối thiểu do nhà nước quy định có ý nghĩa bắt buộc đối với cả hai bên trong quan hệ lao động. Tổ chức ILO cho rằng: “Mức lương tối thiểu không thể bị hạ thấp bởi những người sử dụng lao động và những người lao động, dù là bằng thoả thuận cá nhân hay bằng thoả ước tập thể, trừ khi nhà
chức trách có thẩm quyền cho phép chung hoặc cho phép đặc biệt” [9, Điều 3].
Như vậy, tiền lương tối thiểu không chỉ áp dụng cho lao động giản đơn mà còn là khung pháp lý quan trọng, là nền tảng để trả công cho người lao động toàn xã hội, là mức lương mang tính chất bắt buộc người sử dụng lao động phải trả ít nhất bằng chứ không được thấp hơn. Bộ luật lao động đã được sửa đổi và bổ sung của nước ta quy định:
Mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, đảm bảo cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bù đắp sức lao động giản đơn là một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính mức lương cho các loại lao động khác [5, Điều 56].
Mức lương tối thiểu cũng được dùng làm căn cứ cho việc xác định các mức tiền công trên thị trường lao động đối với các loại lao động, làm cơ sở để tính các chế độ tiền lương khác như đơn giá tiền lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp… theo quy định của pháp luật lao động. Mức lương tối thiểu sẽ được Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp trong từng thời kỳ tùy thuộc vào điều kiện tăng trưởng của nền kinh tế, chỉ số giá sinh hoạt.
25
Công ước số 26 (năm 1928) của ILO về việc thiết lập những phương pháp ấn định lương tối thiểu. Song, dù bằng phương pháp nào thì:
Trong chừng mực có thể thích hợp, xét theo thực tiễn và điều kiện quốc gia, những yếu tố cần lưu ý để xác định mức lương tối thiểu phải bao gồm: Những nhu cầu của người lao động và gia đình họ, xét theo mức lương chung trong nước, giá sinh hoạt, các khoản trợ cấp an toàn xã hội và mức sống so sánh của các nhóm xã hội khác, những yếu tố về kinh tế, kể cả những đòi hỏi của phát triển kinh tế, năng suất lao động và mối quan tâm trong việc đạt tới và duy trì một mức sử dụng lao động cao [9].
Việc xác định tiền lương tối thiểu do nhà nước quy định tại Điều 56 Bộ luật lao động và Điều 4 Nghị định số 114/2002/NĐ-CP cụ thể: nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình; mức tiền lương trung bình chung của cả nước; mối tương quan về điều kiện sống giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội; tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động...
ILO cho rằng: Các mức lương tối thiểu được ấn định là bắt buộc đối với những người sử dụng lao động và những người lao động hữu quan; những mức đó không thể bị hạ thấp bởi những người sử dụng lao động và những người lao động, dù là bằng thoả thuận cá nhân hay bằng thoả ước tập thể, trừ phi các nhà chức trách có thẩm quyền cho phép chung hoặc cho phép đặc biệt [9, Điều 3].
Mọi nước thành viên phê chuẩn công ước này phải có biện pháp cần thiết thông qua một hệ thống kiểm tra và chế tài để sao cho, một mặt là những người sử dụng lao động và những người lao động hữu quan được biết các mức lương tối thiểu hiện hành và mặt khác là tiền lương trong thực tế phải chi trả không được thấp hơn các mức lương tối thiểu được áp dụng [9, Điều 4].
Những quy định về lương tối thiểu trên cho chúng ta thấy được ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nó, không chỉ có vai trò hết sức quan trọng đối với
26
nhà nước, các đơn vị sử dụng lao động trong lĩnh vực quản lý và sử dụng lao động mà cả đối với đời sống của người lao động. Chính vì thế thông qua việc quy định tiền lương tối thiểu cho thấy:
Thứ nhất, là công cụ của nhà nước trên phạm vi toàn xã hội và trong
từng cơ sở kinh tế nhằm hạn chế sự bóc lột đối với người lao động làm công ăn lương, bảo vệ sức mua cho các mức lương khác nhau trước sự gia tăng của lạm phát và các yếu tố kinh tế khác và giảm bớt được sự đói nghèo.
Thứ hai, thiết lập mối quan hệ ràng buộc kinh tế trong lĩnh vực sử
dụng lao động, tăng cường trách nhiệm của các bên trong quản lý và sử dụng lao động.
Thứ ba, đảm bảo tính pháp lý của nhà nước đối với người lao động có
tham gia quan hệ lao động trong mọi khu vực kinh tế. Là cơ sở để xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương và để các bên thỏa thuận tiền lương phù hợp với điều kiện, khả năng và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.
Việc xác định mức lương tối thiểu có nhiều phương pháp. ILO lưu ý
những yếu tố cần thiết để xác định mức lương tối thiểu phải gồm:
Những nhu cầu của người lao động và gia đình họ, có chú ý tới mức lương trong nước, giá sinh hoạt, các khoản trợ cấp an toàn xã hội và mức sống so sánh của các nhóm xã hội khác, những nhân tố kinh tế, kể cả những đòi hỏi của phát triển kinh tế, năng suất lao động và mối quan tâm trong việc đạt tới và duy trì một mức sử dụng lao động cao [8, Điều 3].
Ở nước ta năm 1960 đã tính từ 46 mặt hàng thiết yếu nhất. Năm 1993 trên cơ sở nghiên cứu khoa học, kế thừa kinh nghiệm lịch sử, tham khảo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới và phối hợp với công trình khoa học của các ngành hữu quan, đã hoàn thiện thêm một bước phương pháp ấn định lương tối thiểu nhưng cuối cùng vẫn do tình hình kinh tế - xã hội quyết định. Việc xây dựng mức lương tối thiểu rất được quan tâm và chú
27
trọng xuất phát từ khái niệm và vai trò của tiền lương tối thiểu, mục tiêu của việc xác định lương tối thiểu là phải bảo hộ cho toàn thể người lao động làm công ăn lương. Vì vậy, việc xác định tiền lương tối thiểu của nước ta được xây dựng dựa trên các căn cứ sau:
Hệ thống các nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình họ, bao gồm nhu cầu về mặt sinh học đối với một số mặt hàng thiết yếu theo định lượng và các nhu cầu xã hội như: các nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, y tế, sinh hoạt văn hoá, giao tiếp xã hội, bảo hiểm tuổi già và nuôi con… mức tiền lương chung của cả nước; chi phí và sự biến động của giá cả sinh hoạt; mối tương quan về điều kiện sống của các tầng lớp dân cư trong xã hội; các nhân tố kinh tế như tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức năng suất lao động; sự đạt được, giữ vững mức độ có việc làm trên phạm vi vùng và quốc gia.
Các yếu tố làm căn cứ xây dựng mức lương tối thiểu trên đây luôn chịu tác động của nền kinh tế nên luôn có sự thay đổi, khi một trong những căn cứ trên thay đổi thì tiền lương tối thiểu cũng phải được điều chỉnh cho hợp lý. Chính phủ quy định mức lương tối thiểu trên cơ sở cung cầu lao động, khả năng kinh tế và chỉ số giá sinh hoạt theo từng thời kỳ để đảm bảo tính hợp lý của mức lương tối thiểu. Tiền lương tối thiểu được chia thành ba loại: Tiền lương tối thiểu chung, tiền lương tối thiểu vùng và tiền lương tối thiểu ngành.
Tiền lương tối thiểu chung là mức lương thấp nhất do nhà nước quy định, áp dụng chung cho người lao động thuộc các khu vực, thành phần kinh tế, ngành nghề khác nhau trong phạm vi cả nước. Mức lương tối thiểu chung là cơ sở để quy định các mức lương tối thiểu khác để không được thấp hơn mức lương tối thiểu chung.
Tiền lương tối thiểu vùng là mức lương tối thiểu được áp dụng cho từng vùng lãnh thổ nhất định, căn cứ vào mức lương tối thiểu chung có tính đến những yếu tố đặc thù của vùng lãnh thổ như: điều kiện tự nhiên, điều kiện xã
28
hội, mức sống của người dân địa phương. Mức lương tối thiểu vùng có thể bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu chung, mục tiêu của tiền lương tối thiểu vùng là để đáp ứng sự khác biệt về không gian của các yếu tố chi phối tiền lương tối thiểu mà chưa được tính đến đầy đủ trong tiền lương tối thiểu chung, nhấn mạnh yếu tố đặc thù cũng như chiến lược phát triển của từng vùng.
Tiền lương tối thiểu ngành là mức lương tối thiểu được áp dụng cho một ngành hoặc một nhóm ngành nhất định, cũng căn cứ trên cơ sở mức lương tối thiểu chung và có tính đến các yếu tố đặc thù của ngành, nhóm ngành. Cũng như lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu ngành có thể bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu chung, mục tiêu của tiền lương tối thiểu ngành nhằm đảm bảo khả năng tái sản xuất lao động giản đơn cho người lao động và gia đình họ, với yêu cầu mức độ phức tạp và trình độ tay nghề thấp nhất trong một ngành, nhóm ngành mà các yếu tố này chưa được thể hiện ở mức tiền lương tối thiểu chung.
Tóm lại, các quy định về mức lương tối thiểu là sự cụ thể hóa các quy định của Bộ luật lao động, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận mức tiền công cao hơn và giải quyết các quyền lợi khác cho người lao động theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện hình thành giá tiền lương, tiền công trên thị trường, từng bước thực hiện tính đúng, tính đủ tiền lương trong giá thành sản xuất và chi phí lưu thông của doanh nghiệp, gắn tiền lương với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
1.2.3.3. Quy định về phụ cấp lương
Phụ cấp lương là tiền trả công lao động ngoài tiền lương cơ bản, bổ